Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
Sau khi Luật Biển của Việt Nam được Quốc Hội thông qua, ngay lập tức Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ bằng nhiều cách trong đó có việc triệu hồi đại sứ Việt Nam tại Bắc kinh đến phản đối, đồng thời nâng cấp quy chế hành chính của 3 quần đảo Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa ở Biển Đông từ cấp huyện lên cấp quận.
Mặc Lâm phỏng vấn đại tá Quách Hải Lượng, nguyên Tùy viên quân sự của đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh để biết thêm quan điểm của ông về vấn đề này.
Mặc Lâm: Thưa ông, Luật Biển Việt Nam sau nhiều năm nghiên cứu và gặp nhiều trở ngại cuối cùng cũng được thông qua vào ngày 21 tháng Sáu vừa qua. Là người từng làm việc trong vai trò tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh ông có nhận xét gì về bộ luật được xem là quan trọng này.
Đại tá Quách Hải Lượng: Tôi nghĩ Luật Biển ra đời vào lúc này là đúng chứ chẳng phải là sớm mà thật ra có khi đáng lẽ phải ra sớm hơn nữa, bởi vì một đất nước thì mình phải có luật của mình, phù hợp với luật của quốc tế. Muốn bảo vệ biển thì phải theo luật của quốc tế bằng luật của mình. Tôi cho rằng Quốc hội Việt Nam thông qua luật này là đúng lúc, hợp thời cơ.
Một đất nước thì mình phải có luật của mình, phù hợp với luật của quốc tế. Muốn bảo vệ biển thì phải theo luật của quốc tế bằng luật của mình.Đại tá Quách Hải Lượng
Mặc Lâm: Thưa ông dư luận quốc tế đã phản ứng tốt với Luật Biển Việt Nam và cho là lời lẽ ôn hòa hợp lý, đặc biệt các điều khoản trong chương 3rất rõ ràng và phù hợp với công ước về luật Biển quốc tế đối với các hoạt động hàng hải của ngoại quốc. Tuy nhiên Trung Quốc đã nhanh chóng phản đối Luật Biển của Việt Nam, từ Quốc hội cho tới chính phủ của họ. Ông nghĩ gì về những lợi phản đối này?
Đại tá Quách Hải Lượng: Tôi nghĩ rằng cái gốc của Trung Quốc là theo đuổi chủ nghĩa bành trướng mà trên thế giới chỉ duy nhất có một mình Trung Quốc là muốn chiếm đất đai, chiếm biển đảo của nước khác chứ còn thế giới người ta không ai giống như họ cả.
Cái gốc đó là gốc sai trái nhưng vì họ tự cho là họ đủ sức
mạnh cho nên họ cứ làm những việc không phù hợp với ngoại giao quốc tế. Nó không phải là giao hảo quốc tế.
Trong khi đó họ vẫn nhấn mạnh là đối với Việt Nam thì họ muốn quan hệ hữu nghị, giải quyết bằng thương lượng này khác nhưng với kiểu đó thì chỉ là sự lấn chiếm, hay nói cách khác là hành động xâm lược với hình thức hợp pháp hóa luật pháp của họ.
Như thế là không đúng, sẽ không được lòng quốc tế và nhất là đối với người Việt Nam ngày càng thấy rõ dã tâm của họ hơn mà thôi.
Mặc Lâm: Mới đây trong một bài trả lời phỏng vấn ông kể về kinh nghiệm của mình trong trận chiến tranh biên giới năm 1979 với Trung Quốc lúc ấy ông là trưởng phòng tác chiến của quân chủng phòng không. Ông cho là Trung Quốc đã tiến hành thông tin, chiến tranh tâm lý làm cho các cấp lạnh đạo Việt Nam mất cảnh giác đến nỗi lính Trung Quốc vào tới Lạng Sơn mà ta vẫn không tin. Thưa những động thái hồi gần đây cho thấy Trung Quốc vẫn đang theo đuổi một chiến lược như vậy đối với Việt Nam trên rất nhiều lĩnh vực. Ông có chia sẻ gì về những dấu hiệu này?
Cái gốc của Trung Quốc là theo đuổi chủ nghĩa bành trướng mà trên thế giới chỉ duy nhất có một mình Trung Quốc là muốn chiếm đất đai, chiếm biển đảo của nước khác chứ còn thế giới người ta không ai giống như họ cả.Đại tá Quách Hải Lượng
Đại tá Quách Hải Lượng:Chính xác là từ xưa tới nay họ vẫn làm thế và vẫn lập đi lập lại như thế và chưa bao giờ họ từ bỏ cách làm này đâu. Chỉ có điều bây giờ đang nằm trong điều kiện mới…
Đối sách mềm mỏng của Việt Nam là hợp lý
Mặc Lâm:Trong điều kiện kéo dài lâu như vậy nhưng xem ra chính phủ vẫn chưa có một giải pháp nào tương ứng để đối phó, theo ông thì biện pháp tốt nhất là gì và nếu được góp ý kiến thì ông sẽ đưa ra điểu gì?
Đại tá Quách Hải Lượng: Những cái này thì tôi chưa có đề nghị gì bởi vì tôi biết chính phủ hoàn toàn có những phương sách đầy đủ để đối phó nhưng chính phủ rất điềm tỉnh trước những hành động vô lý của Trung Quốc.
Tôi rất tin tưởng chính phủ và lãnh đạo của Việt Nam các ông ấy đang có đối sách hợp lý. Vì đối với một anh hung hãn như thế thì ta nên mềm mỏng chứ không nên lên gân lên cốt làm gì. Thái độ của chính phủ Việt Nam tôi rất hoan nghênh và tôi cho là sáng suốt.
Mặc Lâm: Như vậy liệu một cuốc chiến như năm 1979 lại xảy ra và lịch sử sẽ được lập lại nếu Việt Nam cương quyết chống lại ý đồ bành trướng như ông nói?
Mặc Lâm: Cứ cho rằng một kịch bản xấu nhất là Trung Quốc sẽ tấn công chớp nhoáng Việt Nam vì một lý do nào đó mà họ tìm ra. Liệu với khả năng phòng thủ hiện nay Việt Nam có thể cầm cự trong bao lâu để chờ đợi sự nhập cuộc của các phía có quan tâm đối với cuộc chiến trong khu vực thưa ông?
Đại tá Quách Hải Lượng: Điều này nói ra thì hơi rộng. Bây giờ tiềm lực của hai bên anh nào cũng có tiềm lực riêng và Trung Quốc chưa chắc đã biết hết tiềm lực của Việt Nam và Việt Nam cũng chưa thấy hết Trung Quốc nó là cái gì.
Thật ra bây giờ dần dần người ta thấy Trung Quốc không mạnh như là họ tuyên truyền đâu. Hơn nữa muốn xảy ra sự kiện gì về xung đột hay không xung đột thì bao giờ nó cũng đi đôi với hoàn cảnh quốc tế mới. Hoàn cảnh quốc tế mới chính là vấn đề cân bằng chiến lược ở khu vực này mà lúc đó thì Trung Quốc không thể hung hãn làm liều được.
Tuy vậy họ có thể gây những
chuyện nhỏ. Những chuyện nhỏ đó họ gây ra thực sự là cái bẫy, cái bẫy này họ muốn đối phương của họ nếu mắc vào thì bị cho là gây sự trước và từ đó họ sẽ hành động mở rộng ra. Việt Nam không bao giờ bị mắc vào cái bẫy này của Trung Quốc.
Mặc Lâm: Để tránh cái bẫy đó rõ ràng là cho tới nay Việt Nam đã và đang tự chế có khi vượt giới hạn sĩ diện của một quốc gia nhằm tránh các cuộc đổ máu. Thế nhưng Trung Quốc tiếp tục bắt bớ, giết chóc ngư dân Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa. Liệu Việt Nam còn chịu đựng được bao lâu trước dã tâm này thưa ông?
Đại tá Quách Hải Lượng: Cái đó đòi hỏi một sự đấu tranh kiên trì của ta nhất là nhân dân Việt Nam. Họ vẫn kiên cường ra biển. Phần Trung Quốc thì họ biết là họ làm sai chứ không phải là không biết, nhưng họ cứ bắt bừa đi ra cái điều đó là chủ quyền của họ. Họ muốn nói với thế giới là người Việt Nam đi vào vùng đất chủ quyền của họ chứ họ biết thừa là họ làm vậy là sai.
Đúng là ta cũng có những khó khăn thật nhưng nhân dân Việt Nam vẫn cương quyết bám biển. Việc này có thể vẫn tiếp tục xảy ra nhưng cũng có những cái mà Trung Quốc sẽ phải thay đổi nhất là tình hình gần đây tất cả những biến chuyển trong việc cân bằng lực lượng trong vùng Biển Đông này.
Trung Quốc càng hung hãn thì càng tạo ra sự liên kết của những nước khác trong khu vực chống lại Trung Quốc. Về lâu về dài họ không có lợi đâu, nếu họ thông minh thì họ nên nghĩ lại.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Đại tá Quách Hải Lượng đã dành thời gian cho chúng tôi trong cuộc phỏng vấn này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét