Pages

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

DỨT KHOÁT BIỂN ĐÔNG KHÔNG THỂ LÀ “AO NHÀ” CỦA BẮC KINH


Phong Trào Dân Chủ Việt Nam
Trong vài tuần qua, trước nguy cơ can thiệp cả chiều sâu và diện rộng của Mỹ, Nga và một số nước lớn trên thế giới, cùng với những phản ứng quyết liệt, thái độ dứt khoát của các nước ASEAN. Đặc biệt sắp tới đây, từ ngày 29/6 đến 3/7 diễn ra cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC 2012, thu hút 42 chiến hạm, 6 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 quân nhân góp mặt cùng nhiều tàu chiến từ 22 nước, gồm Nga, Australia, Canada, Chile, Colombia, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Peru, Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Thái Lan, Tonga, Anh và Mỹ. Đây cùng là lần đầu tiên Nga góp mặt trong cuộc tập trận này, theo lời mời từ phía các nhà tổ chức. Các tàu khu trục Đô đốc Panteleyev, tàu chở dầu Boris Butoma và tàu cứu hộ Fotiy Krylov thuộc Hạm đội Thái Bình dương của nước Nga sẽ tham gia cuộc diễn tập ở Hawaii. RIMPAC 2012 là cơ hội để các nước tăng cường và củng cố mối quan hệ hợp tác trọng yếu, đồng thời đảm bảo an toàn và an ninh các tuyến hàng hải…

Trước hoàn cảnh bị cô lập ấy, nhà cầm quyền Bắc Kinh chuyển sang chiến thuật mới về ứng xử ngoại giao: “Giải pháp mềm”. Tuy nhiên, tuyên bố ứng xử theo phương sách mới, ngụy trang bằng khẩu khí hòng sử dụng chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” của TQ vừa thoát ra cửa miệng quen thói dối trá, thậm chí “chưa kịp gió bay”, thì ngày 21-6, Quốc hội VN thông qua Luật Biển. Đây là cú đau điếng mà TQ chưa thể ngờ tới, lâu nay cứ tưởng VN nghe mọi thứ răm rắp. Nhưng, TQ đã nhầm và quá chủ quan, cái gì cũng chỉ có giới hạn! Nhà cầm quyền TQ hãy thắp hương mà hỏi các đời vua thua trận ở VN từ thời cố tổ xa xưa, sẽ chẳng đem lại lợi ích gì khi coi thường và chọc giận Việt Nam. Không kìm được sự tức tối bởi lòng tham, Trung Quốc lại lộ nguyên hình “cá mập đầu búa trên Biển Đông”.
Nhà cầm quyền Bắc Kinh đã lồng lên phản ứng quyết liệt, đủ trò tung hô, gào thét bác bỏ Luật biển của VN, công bố thành lập thành phố Tam Sa để tăng thêm quyền lực cho việc quản lý HS-TS. Tiếp đến, ngày 23/6 điều mà cả thế giới “bật ngửa”, TQ trơ tráo kêu gọi đấu thầu 9 lô khai thác nằm sâu trong vùng 200 hải lý thuộc EEZ(vùng đặc quyền kinh tế) của VN theo UNCLOS. Sự khiêu khích và hành động trắng trợn ấy càng thể hiện cái chủ đích tham vọng từ lâu là coi Biển Đông là cái “ao nhà” của Trung Quốc. Do vậy, Trung Quốc đã thẳng thừng đưa ra những tuyên bố ngang ngược, coi thường Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hiệp quốc (UNCLOS),  không tôn trọng cam kết quốc tế, hùng hổ chà đạp lên cái gọi là phương châm“16 chữ vàng” và xổ toẹt quan hệ “4 tốt” mà chính lãnh đạo TQ đã giao kết với VN.
Biển Đông quyết không thể là cái “ao nhà” của Trung Quốc mà nhà cầm quyền Bắc Kinh lộng hành, tùy tiện muốn làm gì cũng được. Đó là thái độ dứt khoát của Việt Nam. Đó cũng là khẩu hiệu hành động kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển-đảo của Việt Nam.
Khi VN kiên quyết ra Luật Biển, TQ hậm hực, càng ráo riết tìm cách dấn tới để cô lập VN hơn nữa. Tuy TQ đã tuyên bố là “trỗi dậy hòa bình”, “hợp tác chặt chẽ thân thiện với ASEAN”, nhưng thực sự họ lại đang thực hiện tham vọng lãnh thổ, lãnh hải bằng nhiều hình thức, cả biện pháp đe dọa quân sự. Những hành động xâm phạm vùng biển VN như cắt cáp thăm dò địa chấn, phá hoại tàu Bình Minh 02, bắt cóc ngư dân bắt VN phải chuộc, nhiều lần cho tàu hải giám xâm phạm sâu vào vùng biển VN, cài người nuôi bè cá ở Cam Ranh, Vũng Rô, nay lại dấn lên trắng trợn rêu rao đấu thầu 9 lô mỏ dầu của Việt Nam.
Hành động của TQ đã vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của Các bên ở biển Đông và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Trong tình huống ấy, bắt buộc chúng ta phải hành động đáp trả trước sự khiêu khích trắng trợn của nhà cầm quyền Bắc Kinh và bất cứ ai  theo chân của TQ xâm phạm chủ quyền lãnh hải của VN , không thể nhân nhượng yêu sách đòi QHVN bãi bỏ luật biển vừa được thông qua một cách phi lý.

Ngày 26/6/2012, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Đây là hành động phi pháp và không có giá trị, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, làm phức tạp tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông. Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp, nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.
Trước hết cần khẳng định khu vực mà Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc thông báo mở thầu quốc tế nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đây hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp về chủ quyền với bất cứ ai. Việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động hết sức ngang ngược và không có giá trị, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, làm phức tạp tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông.
Chiều 27-6, Petro VN đã tổ chức cuộc họp báo phản đối việc chào thầu dầu khí phi pháp của Trung Quốc, đồng thời khẳng định việc mời thầu tại các lô nằm trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là trái Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Đỗ Văn Hậu đề nghị các công ty dầu khí quốc tế không dự thầu. Cùng ngày, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao Công hàm phản đối việc Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) mở thầu quốc tế tại 09 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam.

Trong vụ việc Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu thăm dò – khai thác tại 9 lô trên Biển Đông, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí, ông Đỗ Văn Hậu, cho biết: Đây cũng là lần đầu tiên một doanh nghiệp Trung Quốc công khai mời thầu hoạt động dầu khí tại vùng đặc quyền của Việt Nam. Mặc dù trước đó, bản thân CNOOC và PVN cũng đã có quan hệ với nhiều hợp đồng thăm dò, khai thác chung, trong đó có việc thăm dò chung vùng cấu tạo vắt ngang trong Vịnh Bắc Bộ.
Qua kiểm tra, xác minh tọa độ, PVN xác định tất cả các khu vực này đều nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam. Khu vực rộng hơn 160.000 km2 này cũng nằm chồng lên các lô 128 – 132 và 145 – 156 mà PVN đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí lâu nay. Đây cũng là khu vực không có tranh chấp trên biển.
Theo lãnh đạo PVN, vùng biển phía Trung Quốc gọi thầu chỉ cách bờ biển Quảng Ngãi 76 hải lý, cách phía bắc Nha Trang 60 hải lý. Khoảng cách gần nhất đến vùng giữa Nha Trang và Phan Thiết chỉ là 57 hải lý. Vùng này cũng chỉ cách đảo Phú Quý 30 hải lý và là nơi được Petro VN tiến hành các hoạt động dầu khí từ lâu. Năm 2011, tàu Bình Minh 02 cũng bị tàu Trung Quốc cắt cáp trên vùng biển này. “Trong trường hợp phía Trung Quốc hoặc doanh nghiệp trúng thầu cố tình phớt lờ ý kiến của Việt Nam, PVN vẫn sẽ phản đối đến cùng”, ông Hậu quả quyết.
Hiện nay, tập đoàn PVN có 3 dự án thăm dò (chưa có hoạt động khai thác) với các đối tác nước ngoài là Gazprom (Nga), Exxon Mobil (Mỹ), ONGC (Ấn Độ) và một hợp đồng do chính PVN thực hiện. Lãnh đạo của PVN khẳng định, các hợp đồng này là phù hợp với luật pháp quốc tế, trên cơ sở quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, do đó, sẽ tiếp tục được triển khai bình thường, bất chấp việc gọi thầu của phía CNOOC. Theo kế hoạch, sắp tới PVN sẽ mở rộng việc hợp tác, thăm dò, khai thác ở các khu vực hiện chưa có dự án. Các hội thảo, buổi làm việc với đối tác cũng sẽ được tiến hành bình thường.
Rõ ràng, sự ra đời của Luật Biến VN từ lâu vẫn là cái gai lớn nhất mà Trung Quốc cố tình né tránh. Nay sự thể xảy ra theo đúng quy luật và nhu cầu của VN như vậy, TQ coi đó là một trong những lý do cấp bách khiến TQ gia tăng các hành động cơ bắp ở biển Đông, nhằm dọn đường cho hoạt động khai thác dầu khí vốn nằm trong chiến lược lâu dài của họ. Trước đó, ngày 23/5, sau khi Tổng Công ty Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) chính thức khoan giếng dầu đầu tiên ở vùng nước sâu thuộc Biển Đông. Khu vực giàn khoan 981 hoạt động cách Hồng Công khoảng 320 km về phía Đông Nam (ngày 9/5), TQ đã cho hạ thủy giàn khoan dầu lớn và hiện đại nhất của họ tại Thượng Hải. Nó sẽ giúp nâng cao năng lực khai thác của TQ, vốn lâu nay chỉ có giàn khoan hoạt động được ở các vùng biển sâu 500 mét. Theo Hoàn Cầu Thời Báo, việc triển khai giàn khoan dầu này sẽ  giúp TQ có một sự hiện diện mạnh mẽ hơn tại vùng biển chưa được khai thác ở nam phần Nam Hải, tức là biển Đông, và “nam phần Nam Hải” tức là vùng biển nam biển Đông, có thể thuộc quần đảo Trường Sa hoặc thậm chí xa hơn nữa về phía Nam, nơi TQ không có chủ quyền nhưng lại nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò” đầy tham lam của họ. Đây chính là một bước đi nữa của nhà cầm quyền Bắc Kinh mong sớm hiện thực hóa tham vọng biến biển Đông thành “ao nhà”, mưu đồ vươn vòi bạch tuộc mà chính quyền Bắc Kinh đang ráo riết theo đuổi.
Việc Trung Quốc đẩy mạnh chương trình thăm dò và khai thác tại biển Đông không chỉ là hành động thách thức chủ quyền của các nước trong vùng mà còn đặt ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng. Dàn khoan dầu khổng lồ mà Trung Quốc dự định triển khai trên biển Đông chính là một pháo đài quân sự nguỵ trang và là công cụ hiện thực hoá yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, biến biển Đông cùng các tài nguyên của nó thành của riêng cho Trung Quốc. Với đà này, không ai hy vọng Tuyên bố DOC  hoặc là  bộ Quy ước hay COC sẽ được Trung Quốc quan tâm thực hiện nghiêm chỉnh. Và do đó, tình hính an ninh trên Biển Đông sẽ còn tiềm ẩn và bộc lộ nhiều bất ổn do Trung Quốc chủ động và rất muốn gây ra.
Những hành động cố tình “leo thang”, trắng trợn, ngang ngược và bất chấp mọi sự như trên càng thể hiện tham vọng thâm căn cố đế từ trong máu của đại Hán  luôn tìm mọi cơ hội kể cả bằng vũ lực hòng biến biển Đông thành “ao nhà” của chúng. Trước thực trạng đó, một sự đoàn kết ASEAN sẽ khiến TQ mất rất nhiều lợi thế nước lớn và đâu dễ làm liều được mãi. Chính vì thế, TQ một mặt phản đối quốc tế hóa vấn đề biển Đông, một mặt gia tăng các hoạt động ngoại giao với từng nước riêng rẽ, mà một trong những mục đích của nó là phá vỡ khối đoàn kết ASEAN bằng cách gia tăng nghi kỵ giữa các nước trong khối, khăng khăng một mực đòi chỉ “đối thoại song phương”. Đó là chiến thuật “chia để trị”, như kiểu người ta tách bó đũa ra để dễ dàng bẻ gãy từng chiếc vậy. Việc cố tình thò dài “cái lưỡi bò”, cố tình “lấn sân” không ngán ai của Trung Quốc đối với Việt Nam và gần đây với Philppines khiến các nước ASEAN phải nhận diện rõ hơn bản chất tham vọng bành trướng muốn bao chiếm hết ít nhất 80% Biển Đông. Sự đoàn kết của các nước ASEAN trong lúc này cần phải thể hiện bằng hành động thực sự kiên quyết bảo vệ từng góc biển, từng hòn đảo, chứng tỏ cho TQ thấy rằng, dứt khoát Biển Đông không thể là cái “ao nhà” của Bắc Kinh.
________
Tiếng Nói Dân Chủ là diễn đàn chia sẻ những quan điểm dân chủ từ nhiều nơi khác nhau. Ban Biên Tập không chịu trách nhiệm nội dung các bài viết đã được đăng tải, cũng như bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tiếng Nói Dân Chủ.

Không có nhận xét nào: