Pages

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Làn ranh đỏ tại Biển Đông



Đoàn Hưng Quốc - Từ khi chính quyền Obama xem Thái Bình Dương là một trọng điểm chiến lược đã có nhiều tranh lụận sôi nổi và xúc tích về chính sách của Mỹ tại biển Đông.
Một cách tổng quát người ta nhận thấy có ba khuynh hướng: (1) Hoa Kỳ tăng cường hiện diện và phối hợp với các nước trong khu vực để ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc (2) Mỹ-Trung cần phải thương lượng nhằm tìm ra một giải pháp thoả hiệp (3) Hoa Kỳ tránh không can thiệp vào biển Đông.

Lập trường thứ nhất đã được thể hiện rõ ràng qua lời nói và việc làm của chính quyền Obama trong hai năm gần đây. Tiêu biểu cho khuynh hướng thứ nhì gồm cựu ngoại trưởng Henry Kissinger của Mỹ[i] và TS Hugh White[ii]của Úc, theo đó Hoa Kỳ phải quan tâm đến lịch sử và ảnh hưởng truyền thống của Trung Quốc trong khi đi tìm một thế đứng chung cho hai cường quốc vùng Thái Bình Dương. Quan điểm thứ ba là Mỹ không nên can thiệp vào biển Đông để tránh đối đấu với Hoa Lục, mà đại diện là ông Tom Hayden [iii]tức nhân vật nổi tiếng trong thời chống chiến tranh Việt Nam.
Cách phân loại tổng quát như trên tuy dễ hiểu, nhưng khuyết điểm là đơn giản hoá nên không khỏi có những thiếu sót khi đi sâu vào lý luận súc tích của từng tác giả trước một vấn đề vô cùng phức tạp. Tuy nhiên nó phản ảnh một thực tế là Hoa Kỳ và các nước đồng minh chưa có một chính sách chung trước sự trổi dậy của Trung Quốc nên sách lược có thể thay đổi. Trái lại con đường của Bắc Kinh chỉ có một hướng là họ sẽ tiếp tục lấn lướt cho đến khi bị ngăn cản.
Trong Chiến Tranh Lạnh một bức màn sắt đã dựng lên làm ranh giới chia cách Âu Châu, nhưng  nhờ đó hai bên biết rõ vi phạm nào có nguy cơ dẫn đến chiến tranh toàn diện. Tại biển Đông ngày nay vấn đề tế nhị hơn nhiều vì không quốc gia nào muốn vẽ ra một làn ranh đỏ trong khu vực. Trọng lượng kinh tế của Trung Quốc ngày càng tăng nên các nước khó có thể cắt đứt những quan hệ thương mại. Giả sử Hoa Lục tiến chiếm bãi đá ngầm Scarborough hay một vài đảo ở Trường Sa, hoặc đơn phương khai thác dầu hoả trên những vùng đang có tranh chấp thì cho dù chiến tranh toàn diện không xãy ra nhưng cuộc chạy đua vũ trang và tình trạng căng thẳng sẽ tăng cấp. Riêng đối với hai nước Việt Nam và Trung Quốc lại kèm thêm một theo gốc độ phức tạp vì tranh chấp nếu xảy ra sẽ thổi bùng tinh thần dân tộc của đôi bên và thách đố lên nền tảng ý thức hệ của hai hệ thống nhà nước.
Một đặc điểm khác ở Đông-Á là cán cân – hay ít nhất là nhận thức về tương quan lực lượng – đang thay đổi. Nhật tuy vẫn đứng hàng đầu nhưng không còn là con hổ trong khu vực vì đang phải vất vã bảo vệ vị trí hiện tại chứ đừng nói gì đến tăng trưởng . Úc phân vân trước hai ngã rẽ cho tương lai, hoặc tiếp tục làm đồng minh thân cận với Hoa Kỳ do cùng chia xẻ các giá trị dân chủ, vân hoá và lịch sử, hay nhích lại gần với Đông Á vốn là khu vực kinh tế năng động nhất trong thế kỷ 21.
Quan trọng hơn hết vẫn là cán cân Mỹ-Trung. Liệu GDP của Trung Quốc có qua mặt Mỹ vào những năm 2025-40? Hay khi Hoa Lục sẽ trở thành đối tác thương mại lớn nhất cho những quốc gia trong khu vực vào một ngày không xa? Quân đội Trung Quốc dù không là đối thủ của Hoa Kỳ trên toàn vùng Thái Bình Dương rộng lớn nhưng liệu trong vòng 10-20 năm nữa có đủ lực lượng để đe doạ tàu chiến Mỹ ở khu vực cận duyên vùng Đông Á hay không?
Câu hỏi lớn vẫn là quyết tâm và sự kiên trì của Mỹ tại biển Đông dựa trên bài học của hai cuộc chiến Việt Nam và Trung-Á, điển hình là A Phú Hãn là nơi Hoa Kỳ đã rút lui vào thập niên 80, trở lại năm 2001 và sửa soạn rút lần thứ hai vào năm 2014. Đối với quần chúng Mỹ, họ hiểu rõ quan hệ thiết yếu với Âu Châu, Do Thái, Nhật, Úc và Nam Hàn nhưng về phía biển Đông thì phần đông mù mờ không rõ tại sao Hoa Kỳ phải can thiệp vào các tranh chấp trong khu vực. Do vậy luận điểm rằng Mỹ không cần đối đầu Trung Quốc tại biển Đông như của Tom Hayden cho dù nông cạn trong giới nghiên cứu chính trị lại có sức thu hút đối với quần chúng nhất là khi mà họ phải lo toan đến các vấn đề gần gũi hàng ngày như công ăn việc làm, giáo dục và hưu bổng.
Theo đánh giá của người viết thì trong 5-10 năm tới đây giữa Mỹ-Trung sẽ không vẽ ra một làn ranh đỏ rõ rệt chia cắt biển Đông. Trái lại quyền lợi của Hoa Kỳ nằm theo 3 vòng đai chiến lược. Trong cùng gồm các nước bạn thân thiết với nền kinh tế hùng mạnh, quân đội trang bị tối tân, đồng thời chia xẻ những giá trị chung như Úc, Nhật, Nam Hàn (và có thể gồm cả Singapore) mà Hoa Kỳ sẽ không ngần ngại  trực tiếp bảo vệ. Vòng giữa có Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai: thế thuận lợi của các quốc gia này nhờ vào độc lập về chính trị đối với Trung Quốc, nhưng bên cạnh đó còn nhiều tham nhũng, độc tài, xã hội lại phân hoá giữa các khuynh hướng canh tân và bảo thủ Hồi Giáo nên chưa là các đồng minh bền vững. Ngoài cùng là vùng xôi đậu gồm Việt Nam và Miến Điện dù bị chi phối nhưng đang tìm cách thoát ra phần nào khỏi ảnh hưởng của Hoa Lục, cộng thêm Lào – Cam Bốt – Thái Lan là những quốc gia trái độn tìm cách lợi dụng tranh chấp để đòi quyền lợi từ hai phía.
Mỹ bị xem là một đồng minh không đáng tin cậy. Nhưng thực tế là từ sau Thế Chiến Thứ Hai họ chưa từng bỏ rơi một quốc gia nào cùng chung chia xẻ các giá trị với họ như Tây Âu, Nhật, Úc, Do Thái, và gần đây là thêm Nam Hàn. Trái lại đối với các nước mà  Mỹ chỉ hợp tác vì nhu cầu chiến lược thì ngược lại họ cũng sẳng sàng quay mặt khi tình hình thay đổi..
Các nước, nếu dựa vào sự tranh đua giữa các cường quốc để tìm đối trọng, thì ngược lại, trong các sự thương thảo các nước lớn cũng có thể đem quyền lợi của đất nước để trao đổi.

Không có nhận xét nào: