Tác giả: Greg Torode – Trưởng văn phòng châu Á của SCMP tại Singapore
Người dịch: Nguyễn Tâm
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Hà Nội có thể thúc đẩy việc tiếp cận dễ dàng cảng biển chiến lược này cho các tàu nước ngoài và Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ sự kiện này.
Để hiểu rõ những động lực – và những hạn chế – của mối quan hệ quân sự đang tiến triển và mang tính lịch sử giữa Việt Nam và Mỹ, thì hải cảng chiến lược Cam Ranh chính là xuất phát điểm thuận lợi cho quan hệ này.
Quan hệ giữa Hà Nội và Washington đang trong tầm chú ý rất sát sao của dư luận vào thời điểm cuối tuần này, khi giới phân tích và lãnh đạo quốc phòng các nước trong khu vực gặp nhau tại Singapore trong khuôn khổ diễn đàn Đối thoại không chính thức Shangri-La.
Sau khi rời Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Leon Panetta sẽ bay thẳng đến Hà Nội trong chuyến thăm đầu tiên của ông đến Việt Nam – và vấn đề Mỹ tiếp tục sử dụng dịch vụ tại cảng Cam Ranh, hy vọng sẽ được đặt ra trong chương trình làm việc giữa hai bên.
Giới chức ngoại giao Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến này, họ lo ngại bất cứ động thái nào trong quan hệ Việt-Mỹ mang dáng dấp kiềm chế đối với một nước Trung Quốc đang trỗi dậy. Và sự tiếp cận cảng Cam Ranh của Mỹ trong tương lai sẽ tác động trực tiếp vào mối e ngại này của Trung Quốc.
Đây là năm thứ ba liên tiếp, tàu tiếp vận của hải quân Mỹ USNS, Richard E. Byrd, trải qua đợt sửa chữa định kỳ kéo dài 14 ngày tại Cam Ranh. Số liệu từ bộ Tư lệnh Hải vận quân đội Mỹ cho biết, đây là lần thứ năm tàu hải quân Mỹ được sửa chữa tại hải cảng này, kể từ khi tờ South China Morning Post lần đầu tiên tường thuật chuyến cập cảng Cam Ranh của tàu Richard E Byrd hồi năm 2010.
Hai bên đã đồng ý về bốn lần cập cảng trước đây, nhưng chuyến cập cảng lần thứ năm này của tàu hải quân Mỹ, hiện đang được sửa chữa tại Cam Ranh, cho thấy, một số sự linh hoạt, mềm dẽo đã xuất hiện.
Giáo sư Carl Thayer, là học giả chuyên nghiên cứu về quân sự Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc, tin rằng, ông Panetta sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhằm có được sự linh hoạt nhiều hơn về vấn đề Cam Ranh khi ông bắt đầu các cuộc hội đàm tại Hà Nội, vào thứ Hai tuần tới.
Ông Thayer nói: “Cả hai nước đang tiến đến mối quan hệ rộng hơn một cách thận trọng, nhưng về vấn đề vịnh Cam Ranh, Mỹ muốn có sự hiện diện ở một vị trí có sự linh hoạt thật sự, nơi họ có thể cập cảng để sửa chữa tàu khi cần. Đây sẽ là chủ đề chính của cuộc thảo luận”.
Báo Tuổi Trẻ của Việt Nam tuần này đã dẫn lời một đại diện cảng vụ địa phương cho biết, tàu của hải quân Mỹ sẽ vào sửa chữa ở cảng Cam Ranh cách 2-3 tháng một lần. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Hải vận Mỹ cho hay, bất cứ hoạt động nào trong tương lai cũng là vấn đề an ninh quốc gia, nên không thể bàn luận công khai.
Cam Ranh được ví như một chiến lợi phẩm hoành tráng của thời chiến tranh lạnh, Washington đã biến cảng nước sâu này thành một căn cứ hỗn hợp không quân và hải quân khổng lồ, phục vụ cho việc phòng thủ miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Sau khi các lực lượng Hà Nội giành chiến thắng hoàn toàn, Cam Ranh được chuyển giao cho Liên Xô cũ, thuê từ cuối thập niên 1970.
Thậm chí trước khi quan hệ Việt-Mỹ được bình thường hóa vào năm 1995, các đô đốc hải quân Mỹ từng đề cao tính chất chiến lược của Cam Ranh – cảng biển tự nhiên tốt nhất khu vực Đông Á – qua câu nói nổi tiếng: “Chúng tôi luôn kiên trì tìm kiếm những hải cảng có giá trị cao”.
Tuy vậy, xét về những phương diện khác, việc Mỹ cho sửa chữa tàu hải quân tại đây đã làm hiện rõ tính nhạy cảm đang tồn tại dai dẳng trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước. Các tàu tiếp vận được vận hành bởi thủy thủ đoàn dân sự, được xem là lực lượng phi tác chiến – do đó giảm bớt đi sự khiêu khích. Loại tàu này cũng có thể được sửa chữa tại các nhà máy đóng tàu dân sự, thay vì tại những cơ xưởng quân sự hiện đang được các công ty Nga xây dựng lại.
Chính phủ Việt Nam từng loan báo rằng, trong tương lai, các tàu hải quân nước ngoài sẽ được hoan nghênh khi đến sử dụng dịch vụ tại cảng Cam Ranh – theo giá cả thị trường.
Tùy viên quân sự một nước châu Á nhận xét: “Đã từ lâu, người ta từng đoán trước rằng, Mỹ sẽ là khách hàng đầu tiên trong số các nước đến sử dụng dịch vụ tại cảng Cam Ranh. Đó là những gì họ đã làm hiện nay – một thực tế không thể bỏ qua đối với các nhà phân tích chiến lược Trung Quốc”.
Ông Thayer tin rằng những người bảo thủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn rất cảnh giác về động cơ của Mỹ về chủ trương tác động thay đổi chính trị trên đất nước của họ, trong khi đó tại Washington, những quan ngại về vấn đề nhân quyền đã ngăn cản tiến trình thiết lập quan hệ đối tác chiến lược chính thức giữa hai quốc gia.
Nhưng mối quan hệ đồng chí anh em của Việt Nam với nước láng giềng Trung Quốc cũng là yếu tố chính kềm hãm mối quan hệ hữu nghị sâu rộng hơn với Mỹ, đó là theo nhận định riêng của một số giới chức Việt Nam và nước ngoài.
Bắc Kinh và Hà Nội vẫn đang cùng nhau nỗ lực cải thiện quan hệ song phương – và Hà Nội vẫn hết sức thận trọng trước việc có nên chú trọng vào lá bài Mỹ.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, ông Kurt Campbell, đã nhận thấy những lo ngại này trong suốt chuyến thăm Hà Nội hồi đầu năm nay. Ông tuyên bố Washington ủng hộ “mối quan hệ mạnh mẽ giữa Việt Nam và Trung Quốc… và chúng tôi không thấy trường hợp nào phải dùng đến luật chơi ‘tổng bằng không’ trong mối quan hệ giữa Mỹ, Việt Nam và Trung Quốc”.
Nguồn: SCMP
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Bản tiếng Việt © Nguyễn Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét