Ðể kỷ niệm ngày Quân Lực 19 tháng 6 nhiều hội đoàn và Hội Cựu Quân Nhân đã chuẩn bị cử hành lễ kỷ niệm này và nhiều bài vở trên báo chí cũng như tài liệu đã nói rất nhiều về QLVNCH.
Có hàng trăm vấn đề liên quan đến quân đội VNCH mà nếu viết thành sách hẳn phải dùng hàng ngàn trang giấy mới tạm đủ chỗ. Là một tập thể hàng triệu người thuộc nhiều ngành khác nhau, nhà nào cũng có thân nhân gần phục vụ quân đội. Tập thể đông đảo này đã tạo ảnh hưởng mạnh vào nếp sống văn hóa xã hội của quần chúng từ thành thị đến nông thôn Miền Nam.
Quân lực VNCH không phải chỉ phục vụ đất nước bằng cuộc chiến đấu chống địch ngoài chiến trường không thôi. Công lao vĩ đại của quân đội đối với Tổ Quốc và nhân dân còn bao gồm những đóng góp quan trọng của cá nhân quân nhân và của các ngành chuyên môn hay đơn vị về nhiều lãnh vực khác ngoài lãnh vực quân sự và nhiệm vụ chiến đấu. Tiếc rằng lâu nay ít người lưu ý tới.
***
Ðược thành lập sau khi một chính phủ quốc gia do Cựu Hoàng Bảo Ðại cầm đầu ra đời do Hiệp Ðịnh ký với Tổng Thống Pháp, quân đội Quốc Gia Việt Nam tiếp nhận từ tay quân đội viễn chinh Pháp tất cả những điều lợi cũng như hại của nó.
Về căn bản quân đội QGVN được tổ chức thành một lực lượng quân sự chính quy kiểu Tây Phương thích hợp với chiến tranh quy ước. Do đó, các đơn vị chiến đấu khó có thể bị uốn nắn để chỉ đối phó với chiến tranh du kích.
Ðến khi địch nâng chiến tranh lên mức trận địa thì QÐVNCH được trang bị chiến cụ tốt nhưng tổ chức và điều hành vẫn nặng nề vì không thể làm như kẻ địch. Cấp lãnh đạo quân đội CSVN không cần quan tâm đến vợ con binh sĩ, buộc người lính sống thiếu thốn thuốc men, lương thực; khi tử trận thi hài không được trông nom và trả về gia đình khi còn có thể thu hồi, cùng nhiều vấn đề liên quan tương tự.
Do đó, một sư đoàn ta với khoảng 12.000 quân nhân phải lo mọi mặt ngoài việc chiến đấu như yểm trợ tiếp vận, tình báo… và gia đình binh sĩ. Một sư đoàn địch với khoảng từ 3.000 đến 6.000 người chỉ lo chiến đấu, với hàng ngàn dân công hỏa tuyến lo tiếp tế lương thực, tản thương và đạn dược, với rất ít sổ sách, không có quân bạ, giấy tờ… Ấy là chưa kể các cơ sở đảng ở địa phương trực tiếp cung cấp tình báo chiến trường.
Số người trực tiếp chiến đấu và tiếp vận của một sư đoàn địch lên đến trên 10.000 người với trách nhiệm bằng một nửa quân ta. Một tiểu đoàn trưởng ta phải lo đủ thứ. Còn một tiểu đoàn trưởng địch chỉ có rất ít trách nhiệm, bộ đội chết là hết, rảnh thì họ vùi nông một nấm mộ, vội thì để cho điểu táng.
Trong hoàn cảnh khó khăn bất khả kháng vì những điều kiện khách quan như vậy, quân đội ta còn bị bọn báo chí vô lương tâm, mù quáng, đần độn xuyên tạc, vô tình hoặc cố ý đâm sau lưng, một mặt trận mà phe ta không dồn đủ nỗ lực chống đỡ. Mặt trận tuyên truyền của phe địch gồm cả Liên Xô, Trung Cộng và chư hầu sử dụng hàng trăm triệu mỹ kim mỗi năm để tấn công bằng truyền thông trực tiếp vào hệ thần kinh của thế giới tự do ở Hoa Thịnh Ðốn, Ba Lê, Luân Ðôn… Trong khi ấy, phe ta chi tiêu chưa đến vài triệu mỹ kim trên mặt trận này.
Với điều kiện ngặt nghèo như vậy mà quân đội Miền Nam vẫn chiến đấu một cách dũng cảm, thắng nhiều hơn thua ở các mặt trận. Chiến tích nổi bật là trận Tết Mậu Thân. Bị tấn công toàn diện bất ngờ, người ta tưởng quân đội ta sẽ mất tinh thần. Nhưng ngược lại, các đơn vị nhất là các đơn vị yểm trợ, cảnh sát, võ trang tuyên truyền Chiêu Hồi… đã đánh lui hầu hết lực lượng địch đông đảo từ gấp 2 đến gấp 10 lần.
Ðặc biệt là trận tổng công kích 1968 đã chứng minh ngược lại lời khoác lác của Hà Nội rằng đại đa số dân Miền Nam ủng hộ họ. Một chứng cớ không thể chối cãi: số thanh niên tình nguyện nhập ngũ năm 1968 và 1969 nhiều hơn con số quân dịch cần gọi trong thời gian ấy.
Một sĩ quan Mỹ làm cố vấn 3 năm cạnh một đơn vị tác chiến VNCH đã phát biểu rằng trong hoàn cảnh khó khăn và bị bạc đãi như vậy, dưới hệ thống lãnh đạo cao cấp kém cỏi, chống lại một kẻ địch lì lợm và gian ác nhất thế giới mà đến 1975 mới chịu thua vì bị bỏ rơi, không vì thiếu ý chí chiến đấu, là một phép lạ chưa từng có trong lịch sử.
Một số người Mỹ từng ở Việt Nam phải công nhận rằng binh sĩ VNCH khá thiện chiến và anh hùng. Họ chiến đấu trong điều kiện kỷ luật tương đối không bị kềm kẹp bằng hệ thống kỷ luật thiếu nhân bản, không có đảng hù dọa và kiểm soát tư tưởng cũng như hành động. Thế mà họ vẫn chiến đấu, lập những thành tích cao. Những hành vi hèn nhát, tháo chạy, vô kỷ luật tuy thường xảy ra, nhưng ở tỷ số không nhiều lắm so với các quân đội có hoàn cảnh tương tự.
Năm 1975, những dấu hiệu Mỹ sẽ bỏ rơi VNCH sau khi Phước Long thất thủ là đòn chí tử đánh vào tinh thần quân đội VNCH. Từ đó dẫn đến bại trận năm 1975 là điều đương nhiên.
Tuy nhiên, người Việt quốc gia không thể hoàn toàn trách cứ chính phủ Mỹ. Nếu chúng ta yểm trợ cuộc chiến tích cực hơn, giúp quân đội giữ vững khí thế của năm 1968 để phe thế giới tự do tin tưởng khả năng trấn giữ khu vực Ðông Nam Á với phương tiện yểm trợ không quá sức chịu đựng của họ, như ở Do Thái, Ðài Loan, Nam Hàn.. thì chắc chắn họ không dám bỏ rơi chúng ta.
Ở Việt Nam thời ấy, sự kém hiểu biết tường tận các vấn đề quân sự, nhất là sự lầm tin vào báo chí Mỹ tạo ra dư luận bất lợi cho công cuộc chiến đấu của quân đội. Xin đan cử vài thí dụ điển hình.
Khi binh sĩ Mỹ kêu ca về khẩu súng cá nhân XM-16A1 hay kẹt đạn, báo chí Mỹ thổi phồng vụ này. Nhiều người Mỹ, và người Việt cũng bị ảnh hưởng, hồi ấy và đến nay vẫn cho rằng khẩu M-16 thua xa khẩu AK-47. Không tin tưởng vào vũ khí, làm sao vững tinh thần. Khẩu M-16A1, mà lúc còn trắc nghiệm mang tên XM hoặc thường gọi theo tên hãng chế tạo là AR-15, có nhiều ưu điểm trội hơn hẳn AK, trừ tiếng nổ không chát chúa bằng và loại XM hay kẹt vì đứt vỏ đạn, hoặc khi để nước đọng trong ống hơi có thể nổ tung hệ thống tự động.
Một thí dụ khác là có người vội tin rằng khẩu M-79 của Mỹ không tốt bằng khẩu B-40 của Trung Cộng. Ðó là điều lầm lẫn nghiêm trọng. Khẩu M-79 được coi là súng phóng lựu hiệu lực nhất thế giới: chính xác, tầm xa 450 mét, mức độ sát thương cao, gọn nhẹ. Súng B-40 của địch dùng chống chiến xa là chính. Tầm hiệu lực khoảng 80 đến 100 mét, đạn dược nặng. Loại B-41 khá hơn, nhưng vẫn thua vũ khí cùng loại của ta là M-72, nhất là loại XM-202 gồm 4 ống phóng ghép làm một.
Có một điều đa số quần chúng xét đoán đúng. Ðó là về mặt lãnh đạo quân sự. Nhiều người ngoại quốc am hiểu tình hìh VNCH cho rằng ôbinh sĩ VNCH rất anh hùng, còn bộ phận lãnh đạo thì tồi tệ.
Hàng ngũ sĩ quan mà QLVNCH thừa hưởng từ ngày thành lập năm 1948 gồm nhiều thành phần. Một số là những người có nhiệt huyết yêu nước chống cộng, đành lòng chiến đấu cạnh quân đội của thực dân Pháp để ngăn chận một kẻ thù nguy hại hơn kẻ thù thực dân. Còn một số không ít khác chỉ gồm những kẻ xuất thân là tay sai của người Pháp, đi lính vì đồng lương cao. Nếu có thù ghét cộng sản chẳng qua chỉ là vì chế độ cộng sản ngược đãi họ, tuyệt nhiên không có chút tư tưởng cao cả phục vụ chính nghĩa gì ráo trọi.
Những thành phần kém cỏi này không mấy giúp cho sức mạnh tinh thần và hiệu năng tác chiến của quân đội mà còn phá hoại sức mạnh của quân đội bằng nhiều cách. Khi lọt lên hàng ngũ lãnh đạo cao cấp, họ là đầu mối của tham ô, bè phái ở mức độ tai hại hơn nữa. Vì những gương xấu này mà nhiều người trong lớp trẻ hơn họ bị tiêm nhiễm ít nhiều.
Cho dù hàng ngũ lãnh đạo ấy không tham nhũng, bè phái, thì họ cũng làm hại quân đội ở mặt bất tài. Trong 20 năm đồng minh với Mỹ, hầu như họ không giúp cho quân đội áp dụng được những định chế pháp lý, hệ thống quản trị, hiệu năng chỉ huy rất hữu ích mà cấp dưới của họ học hỏi ở quân lực Mỹ. Lớp người này thuộc bộ máy lãnh đạo quân đội lúc ấy tỏ ra không có chút khả năng nào trong nhiệm vụ điều khiển cuộc chiến tranh ý thức hệ.
****
Nhìn toàn bộ, QLVNCH đã làm hết sức mình trong nhiệm vụ bảo vệ Miền Nam mặc dù bị bạc đãi và lãnh đạo sai lầm. Ít nhất cũng còn nhiều tướng lãnh, sĩ quan cao cấp giữ được tư cách, tác phong của kẻ sĩ yêu nước, có lý tưởng. Khi phục vụ đã tận tình vì nước. Khi mất nước hoặc đã tự sát để nêu cao khí tiết. Những người còn sống bị tù đầy nhưng không đầu hàng tư tưởng tuy không khỏi có một số hèn nhát làm tay sai cho địch.
Có những người vì bất mãn hay vì quyền lợi riêng đã viết sách báo phanh phui nhiều chuyện xấu xa của một số nhà lãnh đạo quân sự, chính trị. Hiện có nhiều người khác biết rành rẽ hơn nữa, những điều xấu cũng như tốt của các cấp lãnh đạo cũng như các lỗi lầm trong việc lãnh đạo quân đội nhưng không muốn dùng quyền tự do ngôn luận để vạch áo cho thù địch xem lưng vào lúc này.
Họ sẽ ghi lại những sự kiện như vậy làm sử liệu, để cho con cháu phổ biến sau này khi những người lính trẻ nhất vào năm 1975 đã qua đời hoặc khi Việt Nam không còn dưới chế độ Cộng Sản nữa.
Cho dù mất nước, quân đội VNCH ít nhất cũng đã giữ được Tự Do cho Miền Nam và chận đứng sức bành trướng của Cộng Sản tại vùng Ðông Nam Á trong hơn 20 năm.
Ở một mặt khác, các quân chủng và binh chủng quân đội VNCH còn trực tiếp đóng góp cho nền khoa học kỹ thuật của VNCH thuộc nhiều ngành như Viễn Thông, Cơ Khí, Hàng Hải, Hàng Không, Y Tế, Kiến Thiết, Văn Hóa Giáo Dục… hoặc tập thể, hoặc cá nhân tại ngũ và xuất ngũ nhất là các chuyên viên kỹ thuật.
Về mặt xã hội, quân đội đã làm thay đổi một số mặt sinh hoạt ngoài quần chúng như thói quen làm việc, quản lý có hiệu năng, đúng giờ, ngắn gọn, kỷ luật. ( Riêng thói quen đúng giờ đã mất hẳn trong các đám cưới ít ra là tại California.)
Về văn hóa giáo dục, các nhà thơ, văn sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ… với tư cách cá nhân hay nhân danh các tổ chức liên hệ trong quân đội góp phần khá quan trọng vào sinh hoạt văn học nghệ thuật ở Miền Nam, tuy trong chiến tranh mà vẫn tạo được sinh khí và một giá trị rất cao trong lãnh vực này.
****
Nhân ngày 19 tháng Sáu, xin mọi người dành trọn một phút tâm tư cho những tử sĩ QLVNCH
đã nằm xuống để chúng ta còn có ngày hôm nay và cho tương lai đất nước. Xin dành thêm phút thứ hai cho các cựu binh sĩ, hạ sĩ quan nhất là các phế binh còn ở lại Việt Nam. Phút thứ ba xin dành để mọi người tự nghĩ lại xem mình có làm điều gì đáng tiếc, sai trái đối với danh dự và sự lớn mạnh của quân đội hay không.
đã nằm xuống để chúng ta còn có ngày hôm nay và cho tương lai đất nước. Xin dành thêm phút thứ hai cho các cựu binh sĩ, hạ sĩ quan nhất là các phế binh còn ở lại Việt Nam. Phút thứ ba xin dành để mọi người tự nghĩ lại xem mình có làm điều gì đáng tiếc, sai trái đối với danh dự và sự lớn mạnh của quân đội hay không.
Sau cùng, ước mong tất cả những người từng vận áo lính hãy nhường nhịn và dung thứ cho nhau để giữ vững cũng như phát huy tinh thần 19 tháng Sáu hầu làm những gì có thể làm cho đất nước có dân chủ tự do đích thực, và cho chính con cháu mình mai sau.
Hà Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét