Chủ tichh Hồ Cẩm Đào đón tổng thống Vladimir Putin tại Bắc Kinh ngày 05/06/2012. REUTERS/Mark Ralston/Pool
Sau khi tẩy chay hội nghị G8 tại Washington, tổng thống Nga đến Bắc Kinh như một thượng khách : viếng thăm cấp nhà nước và tham dự thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải. Những động thái biểu tượng này cho thấy Matxcơva chuyển hướng « đông tiến » trong chiến lược an ninh. Tuy nhiên, nội tình Trung Quốc cũng là một ẩn số làm Vladimir Putin không khỏi lo âu.
Đặt chân đến Bắc Kinh vào sáng nay, Tổng thống Nga lần lượt sẽ hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và người kế nhiệm Tập Cận Bình trước khi tham dự thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải gồm Trung Quốc, Nga, và 4 nước Trung Á.
Theo giới phân tích, sự kiện chủ nhân điện Kremli từ chối tham gia thượng đỉnh G8 và NATO hồi giữa tháng 5 nhưng quyết định sang Trung Quốc dự thượng đỉnh Thượng Hải, với trọng tâm an ninh, cho thấy tính biểu tượng trong sự lựa chọn của ông Putin.
Ngày hôm qua, Tổng thống Nga cũng đã nhân một cuộc gặp gỡ khác với Tây Âu qua thượng đỉnh Nga-Liên Hiệp Châu Âu tại Saint-Petersbourg để bày tỏ thái độ lạnh nhạt. Lãnh đạo nước chủ nhà công khai chỉ trích Liên Hiệp Châu Âu tại sao không thỏa mãn yêu cầu của Nga hủy bỏ visa nhập cảnh. Dự án hiệp ước hợp tác kinh tế giữa hai bên cũng tiếp tục bị bế tắc sau 4 năm thương lượng, không kể những bất đồng trên hồ sơ Syria và Iran.
Trong khi đó thì Nga thường xuyên ca ngợi quan hệ « tuyệt vời » với Bắc Kinh, bạn hàng số một của Matxcơva luôn sát cánh với Nga bảo vệ Teheran và luôn luôn ngăn chận mọi sáng kiến của Hội Đồng Bảo An trừng phạt chính quyền Damas.
Thực ra thì lý do sâu xa khiến giới lãnh đạo Nga tìm cách « song hành » với Trung Quốc là sức mạnh kinh tế của láng giềng phương đông. Hai bên ấn định chỉ tiêu gia tăng trao đổi thương mại từ 83 tỷ đôla năm 2011 lên 200 tỷ đô la năm 2020.
Mặc dù Nga muốn Trung Quốc nhập hàng chế biến nhưng phía Trung Quốc chỉ thèm thuồng dầu khí của Nga và đã ký với Matxcơva một thỏa thuận khung khổng lồ đặt mua 70 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm trong 30 năm tới. Vấn đề là từ khi hai bên ký thỏa ước khung vào năm 2009 đến nay, cuộc thương lượng bị bế tắt vì Trung Quốc mặc cả đòi giá thấp hơn giá bán cho châu Âu.
Phó thủ tướng Arkadi Dvorkovitch dự báo là « ít có khả năng ký kết hợp đồng dầu khí » nhân chuyến công du của Tổng thống Nga vì cuộc đàm phán cuối cùng ở cấp phó Thủ tướng hôm thứ sáu tuần trước không đạt được kết quả nào.
Tình hình kinh tế của Trung Quốc thật ra cũng không sáng sủa . Khủng hoảng tại Tây phương và các biện pháp của Mỹ giới hạn nhập hàng từ Trung Quốc đã tác hại đến ngành xuất khẩu của Trung Quốc, làm giảm tỷ lệ trăng trưởng xuống dưới ngưỡng 8% khiến Bắc Kinh lo sợ tác hại đến « ổn định xã hội ». Tại một quốc gia mà trung bình mỗi 6 phút có một cuộc biểu tình chống tham ô hay đòi dân chủ thì lời cảnh báo của Thủ tướng Ôn Gia Bão không phải chỉ để hù dọa.
Nội tình của đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đang có vấn đề trong bối cảnh « nhạy cảm » sắp chuyển giao quyền lãnh đạo. Tranh chấp quyền lực cá nhân trên thượng tầng lãnh đạo bằng những thủ đoạn thâm độc nhất đã giúp cho người dân thấy rõ hơn « thực tài và đạo đức » của những người cầm quyền.
Chuyến viếng thăm Trung Quốc chắc hẳn sẽ là cơ hội để Tổng thống Nga tìm hiểu những gì đang xảy ra trong thâm cung Trung Nam Hải đang lôi cuốn sự chú ý của thế giới. Cựu trung tá KGB hiểu rõ hơn ai hết một chế độ độc tài chỉ sụp đổ do công phá làm tê liệt từ bên trong./Tú Anh(RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét