Pages

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

OKINAWA: CHÌA KHÓA CHO AN NINH KHU VỰC


TTXVN 
Theo ‘Thời báo Nhật Bản ” số ra ngày 16/5, sự trở về của Okinawa với Nhật Bản năm 1972 đi kèm với một cái giá — đó là hòn đảo này vẫn được Mỹ sử dụng với ngổn ngang các căn cứ quân sự và các doanh trại quân đội nhằm bảo vệ Nhật Bản và duy trì hoà bình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Sự kiên nhẫn của người dân Okinawa – những người phải sống dưới cái bóng đáng sợ của các vụ tai nạn máy bay và Ô nhiễm tiếng ồn – đang cạn dần với sự hiện diện thường trực của quân đội Mỹ, chiếm tới 18% diện tích của hòn đảo chính. Tâm lý phản đối quân đội vẫn còn khá mạnh ở Okinawa nơi từng chứng kiến những trận chiến đẫm máu trong Thế chiến thứ hai ở Thái Bình Dương và sự chiếm đóng của Mỹ đã kéo dài tới năm 1972.
Tuy nhiên, 40 năm đã qua, các chuyên gia an ninh cho rằng Nhật Bản, bao gồm cả Okinawa, có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh tiềm lực quân sự và ngân sách quốc phòng ngày một phình to của Trung Quốc đang gây quan ngại cho Oasinhtơn.
Nhà phân tích quân sự Kazuhisa Ogawa cho biết Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong khu vực có thể hỗ trợ Mỹ về địa chính trị, tài chính và kỹ thuật. Ông Ogawa cho biết: “Một nửa thế giới, từ Haoai cho đến Cape Town đều nhận được sự hỗ trợ của quân đội Mỹ ở Nhật Bản và không có quốc gia nào khác có thể thay thế Nhật Bản. Quần đảo Nhật Bản chính là bàn đạp tiếp sức cho Mỹ”.

Cuối tháng 4/2012, Tôkyô và Oasinhtơn nhất trí giảm bớt quy mô hiện diện của Mỹ ở Okinawa tới 9.000 quân như là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu lực lượng Mỹ ở đây theo hiệp định song phương năm 2006. Trong số này, 4.000 binh sĩ sẽ được điều chuyển tới Guam. Phần còn lại sẽ được triển khai ở các nơi khác, mà chủ yếu là ở Haoai, nằm trong chiến lược phòng thủ mới của Mỹ. Tuy nhiên, quyết định này không có nghĩa là tầm quan trọng của Okinawa và Nhật Bản bị suy giảm về tổng thể đối với quân đội Mỹ.
Nhà phân tích Ogawa cho biết: “Việc chuyển tới Guam về cơ bản là cách để giảm bớt gánh nặng ở Okinawa và giảm bớt thương vong bằng việc dàn trải binh sĩ ra nhiều địa bàn nếu Trung Quốc tấn công các căn cứ của Mỹ ở Okinawa. Dàn quân là để xử lý linh hoạt hơn” trước các cuộc khủng hoảng tiềm tàng với Trung Quốc.
Tháng 1/2012, Tổng thống Barack Obama đã công bố chiến lược quốc phòng mới của Mỹ, đánh giá cao tầm quan trọng của khu vực châu Á- Thái Bình Dương và tỏ rõ sự thận trọng trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc bằng việc tăng cường sự hiện diện “nhạy bén” và “linh hoạt” trong bối cảnh quy mô quân sự phải giảm bớt do ngân sách bị thu hẹp.
Kế hoạch mới chủ trương chia tách lính thuỷ đánh bộ Mỹ thành các nhóm nhỏ và luân chuyển họ ra khắp khu vực, bao gồm Haoai, Guam, Okinawa và Ôxtrâylia.
Ông Ogawa cho biết: “Tên lửa đạn đạo tầm trung của Trung Quốc không thể bay tới Darwin, Ôxtrâylia, nên việc triển khai lính thuỷ ở đó đồng nghĩa với việc kiềm chế được Trung Quốc”.
Các chuyên gia đều lưu ý rằng hai trong số các mầm mống có nguy cơ dễ phát sinh xung đột nhất giữa Trung Quốc và Mỹ chính là Đài Loan và vấn đề tuyên bố chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Philippin, đang đấu tranh với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền.
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng sự hiện diện của Mỹ ở Nhật Bản – trong đó có cả những bộ phận chức năng của quân đội ở Okinawa – là nhằm ngăn chặn Trung Quốc vượt qua ranh giới.
Giáo sư Muromoto, chuyên gia về vấn đề an ninh tại Đại học Musashino Gakuin ở tỉnh Saitama đánh giá: “Sẽ xảy ra chuyện lớn nếu Trung Quốc cố tình kiểm soát Biển Đông và đe dọa các tuyến hàng hải. Để bảo vệ tự do hàng hải, Mỹ sẽ không để Trung Quốc ngăn chặn các tàu qua lại”.
Về phần mình, Trung Quốc cũng đang hoạt động ráo riết hơn ở biển Đông bằng việc phái tàu chiến tới sát quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát. Trung Quốc và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với các chuỗi đảo không có người ở này.
Giáo sư Muromoto cho rằng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) không đủ khả năng đơn phương đối chọi với quân đội Trung Quốc vì thế mà việc lực lượng Mỹ tiếp tục hiện diện theo hiệp ước an ninh chung là để đóng vai trò răn đe Trung Quốc. Giáo sư Muromoto cho biết: “Điều quan trọng là phải thể hiện rằng SDF tồn tại theo hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ và nếu Trung Quốc có hành động chống Nhật Bản, Mỹ sẽ đáp trả. Trung Quốc không muốn khơi mào một cuộc chiến với Mỹ. Và sự có mặt của lực lượng Mỹ ở Okinawa là để duy trì sự ổn định trong khu vực”.
Tuy nhiên, người dân Okinawa đã chán ngấy với việc chính quyền trung ương duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ.
Tất cả các đời thủ tướng thời hậu chiến đều hứa hẹn sẽ tìm cách giảm bớt “gánh nặng cho Okinawa”. Tuy nhiên, kể từ khi Okinawa được trao trả năm 1972, chỉ có 19% lãnh thổ của Okinawa sử dụng cho mục đích quân sự được trao trả.
 Để đẩy nhanh tiến trình này, Nhật Bản và Mỹ bắt đầu cân nhắc xem xét lại thoả thuận giữa Tôkyô và Oasinhtơn nhằm tái cơ cấu lực lượng Mỹ ở Nhật Bản. Vấn đề trên đã đi vào ngõ cụt liên quan đến việc tái bố trí căn cứ không quân Putenma của lính thuỷ Mỹ từ thành phố Ginowan sang Trại Sehwab tại thị trấn ven biển Henoko ở Nago, phía Bắc đảo Okinawa.
Cùng với việc giảm bớt quy mô 9.000 quân nhân, chính phủ hai nước cũng nhất trí rằng mặt bằng của 5 căn cứ và doanh trại của Mỹ ở miền Nam Okinawa sẽ được chuyển giao theo ba giai đoạn.
Thỏa thuận ban đầu năm 2006 đã gộp toàn bộ ba vấn đề tái bố trí Putenma, di chuyển hàng nghìn lính Mỹ và giao mặt bằng để trao trả một lần. Tuy nhiên, Tôkyô và Oasinhtơn đã quyết định tách bạch các vấn đề này bởi rõ ràng địa điểm mà Futenma dự kiến chuyển đến chưa được xây dựng trong khi người dân địa phương vẫn phản đối gay gắt.
Tuy nhiên, Giáo sư Manabu Sato thuộc Đại học Quốc tế Okinawa, nằm ngày sau sân bay quân sự này, cho rằng việc “tách bạch” như vậy lại gây ra mối lo ngại lớn ở Okinawa rằng Mỹ sẽ tiếp tục giữ nguyên hiện trạng của Futenma. Năm 2004, một máy bay trực thăng của Mỹ đã đâm vào khuôn viên trường làm một phi công bị thương.
Giáo sư Sato cho biết: “Việc tiếp tục sử dụng căn cứ Futenma không phải là vấn đề đối với Mỹ và Oasinhtơn phó mặc việc này để Nhật Bản tự xử trí… Nhưng điều đó có nghĩa là căn cứ Futenma sẽ được sử dụng vô thời hạn mà điều này đi ngược với mục tiêu giảm bớt gánh nặng cho Okinawa. Putenma cần phải được trao trả vì những lý do an toàn”.
Giáo sư Sato cho rằng vấn đề quân sự của Mỹ ở Okinawa phức tạp hơn nhiều và không chỉ là vấn đề “phản đối căn cứ” đơn thuần. Hơn nửa thế kỷ qua, người dân Okinawa đã phải chung sống với Ô nhiễm tiếng ồn từ máy bay, của cả quân đội Mỹ lẫn SDF, nhưng đồng thời, nhiều người dân đã phát triển mối quan hệ tốt đẹp, thậm chí nảy sinh tình cảm đặc biệt khi có nhiều phụ nữ địa phương kết hôn với các quân nhân Mỹ.
Mối quan hệ lịch sử giữa Okinawa với Trung Quốc cũng khác xa so với đất liền Nhật Bản. Trong hàng trăm năm, Okinawa từng là vương quốc Ryukyu (Lưu cầu), một nước chư hầu của triều đình Trung Quốc, có quan hệ giao thương hàng hải cực thịnh nhờ vị trí địa lý gần gũi với Nhật Bản, Trung Quốc và Đông Nam Á. Thực tế là quần đảo này không hề thuộc Nhật Bản cho đến năm 1879.
Tuy nhiên, ông Sato cho biết Okinawa không để tâm tới việc mình là phiên thuộc của Trung Quốc, ông nói: “Thực ra, khoảng 100 năm trước, người Okinawa muốn thuộc về Trung Quốc sau khi họ bị đặt dưới ách thống trị của Nhật Bản. Tuy nhiên, tình cảm đó đã tan biến dần theo thời gian mà thay vào đó, người dân lại thấy sợ Trung Quốc”.
Các học giả đều nhất trí rằng cần tránh đối đầu với Bắc Kinh, đặc biệt là từ khi cả Nhật Bản và Mỹ đều phụ thuộc mạnh mẽ vào thị trường rộng lớn và đang phát triển của Trung Quốc. Và các chuyên gia quân sự cho rằng việc tăng cường hiện diện của quân đội Mỹ mang tính cơ động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ chỉ mang tính răn đe.
Tuy nhiên, Giáo sư Sato bày tỏ lo ngại rằng những động thái quốc phòng của Mỹ nhằm vào Trung Quốc có thể mang lại “hung” nhiều hơn “cát”. Ông nói: “Răn đe có nghĩa là ngăn chặn một cuộc chiến tranh. Chúng ta muốn xây dựng một khuôn khổ nhằm ngăn chặn các vụ đụng độ quân sự nhưng tôi e rằng cái phanh để hãm một cuộc chiến trên đã bùng phát sẽ càng mòn đi”. Theo ông, “nếu Nhật Bản nghĩ rằng mình vừa có thể kiểm soát được tình hình, lại vừa lao vào cuộc đối đầu quân sự với Trung Quốc thì điều đó là sai lầm và rốt cuộc, Nhật Bản có thể phải đối mặt với một cuộc chiến toàn diện với Trung Quốc”./.

Nguồn : AnhBaSam

Không có nhận xét nào: