Pages

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Quân đội TQ 'tìm cơ hội'



Chiến hạm chở trực thăng của Trung Quốc thăm cảng Hong Kong
Báo cáo về tình hình quân sự và an ninh Trung Quốc do Hoa Kỳ tổng hợp nói mục tiêu hiện đại hóa toàn diện về quốc phòng của Trung Quốc nhằm thắng các cuộc chiến cục bộ nhờ ưu thế về chiến tranh thông tin.
BấmBản báo cáo về các bước phát triển quân sự và an ninh của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2012 (Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China, 2012) do Ngũ Giác Đài soạn thảo và trình lên Quốc hội Mỹ cho thấy Trung Quốc muốn tập trung vào các chiến dịch mang tính khu vực, có độ tích hợp thông tin cao.

Mặt khác, ban lãnh đạo Trung Quốc cũng coi hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21 là thời gian có “cửa sổ cơ hội chiến lược” (window of strategic opportunity) để hiện đại hóa quân sự.
Đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào các mục tiêu quốc phòng và quân sự của Trung Quốc chỉ trong năm 2011 được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ước tính vào khoảng từ 120 tỷ đến 180 tỷ USD.
Nhưng theo văn bản này, được Hoa Kỳ công bố tháng 5 năm nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng muốn “tìm cách duy trì hòa bình, ổn định ở các vùng biên địa, tăng cường ảnh hưởng ngoại giao để mở lối vào các thị trường, nguồn vốn, nguồn tài nguyên”.
Mặt khác, họ muốn “tránh đối đầu trực diện với Hoa Kỳ và các nước khác”, nhằm đảm bảo “sự bành trướng của Trung Quốc ra các khu vực quốc tế và xây dựng các nguồn lợi kinh tế, tăng quyền lợi ngoại giao”.
Bán vũ trang trên biển
"TQ sẵn sàng dùng lực lượng bán vũ trang trên biển để khẳng định chủ quyền"
Trong các mục tiêu quân sự chiến lược, Trung Quốc vẫn coi tình hình xuyên eo biển Đài Loan là ưu tiên số một cho Quân Giải phóng nhưng ‘Tranh chấp Lãnh thổ’ từ trở thành ưu tiên thứ nhì, với nhiều hoạt động cho thấy biểu hiện của chính sách này ngay trong năm 2011, theo đánh giá của Hoa Kỳ:
“Các hành động của Trung Quốc trong năm 2011 liên quan đến các tranh chấp vẫn tiếp tục trên bộ và trên biển với các nước láng giềng vừa phản ánh một thái độ hài lòng với tình trạng hiện hữu, vừa tiết lộ các nỗ lực mới nhằm trấn an các láng giềng lo ngại, nhưng cũng tỏ thái độ sẵn sàng dùng lực lượng bán vũ trang trên biển để khẳng định chủ quyền.”

Quân đội Trung Quốc có mục tiêu hàng đầu là bảo vệ chế độ và Đảng Cộng sản
Các cơ quan truyền thông nước ngoài, kể cả ở Việt Nam đã nêu ra chuyện Trung Quốc dùng các tàu ngư chính kiểm soát Biển Đông và cử các tàu thuyề̉n khác nhau đến những vùng tranh chấp với Nhật Bản và Nam Hàn.
Một điểm nữa, theo tài liệu của Hoa Kỳ, là sứ mệnh Chủ tịch Đảng Hồ Cẩm Đào giao cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nhằm thúc đẩy quân đội “tham gia các hoạt động quân sự không mang tính chiến tranh”.
Các chiến dịch loại này của Trung Quốc được Hoa Kỳ gọi là “non –war operations” chứ không phải phi tác chiến (non-combative).
Theo cách diễn giải của Mỹ, đây là định nghĩa mới mà Đảng Cộng sản dành cho quân đội Trung Quốc khi họ thực hiện các sứ vụ “bành trướng quyền lợi quốc gia”, bên cạnh mục tiêu “cổ vũ hòa bình và an ninh quốc tế”.
Cụ thể hơn, đây là các chiến dịch bảo vệ an ninh nội bộ mà Trung Quốc gọi là “chống khủng bố”, đi cùng hoạt động cứu trợ nhân đạo và cấp cứu cho vùng bị thiên tai.
Những năm qua, các nhà quan sát ghi nhận Quân Giải phóng được điều động vào cả việc bình định cuộc bạo động ở Tân Cương (Quân khu Lan Châu đưa quân vào Urumqi năm 2008), hoặc cứu trợ nạn nhân sau động đất Tứ Xuyên 2007.
Quân đội Trung Quốc cũng có mặt tại một số điểm nóng trên thế giới với tư cách quân gìn giữ hòa bình như Haiti và Sudan.
Bảo vệ Đảng
Nhưng trong cả ba mục tiêu chính 'an ninh', 'chủ quyền' và 'toàn vẹn lãnh thổ' thì an ninh nội bộ lại vấ̃n đứng hàng đầu với Quân Giải phóng coi bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhiệm vụ chủ chốt.
Bên cạnh hiện đại hóa hải quân, không quân, lực lượng pháo binh và tên lửa, Trung Quốc chú ý đặc biệt đến khả năng chỉ huy, kiểm soát, thông tin, tình báo, quân báo và trinh sát, gọi chung là C4ISR.
Mục tiêu của Quân Giải phóng là xây dựng (chưa xong) một hệ thống dữ liệu và điều khiển liên hợp các công tác này để hỗ trợ cho hợp đồng tác chiến liên binh chủng, đồng thời cho cấp tư lệnh khả năng linh hoạt cao.
Hoa Kỳ cũng chú ý đến công tác phát triển hệ thống C4ISR của Trung Quốc cùng năng lực phát triển hệ thống vệ tinh truyền thông, do thám và định vị qua vệ tinh của quân đội nước này.
Ngoài ra, bản phúc trình của Hoa Kỳ nói tình báo Trung Quốc "hoạt động tích cực nhất thế giới" cho mục tiêu kinh tế và công nghệ ở mức cao nhất.
Mỹ coi đây là "mối đe dọa thường trực và gia tăng" cho an ninh kinh tế của mình và cũng tin rằng mối nguy hiểm về an ninh mạng (cyber threat) do Trung Quốc gây ra sẽ tiếp tục tăng cùng các tiến triển trong môi trường công nghệ thông tin toàn cầu.

Không có nhận xét nào: