Pages

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Thấy người ta mà ham: Rủ nhau đi bầu



TS. Phan Văn Song
Rủ nhau đi bầu, rủ nhau đi bầuTay cầm lá phiếu Tự doPhân vân, phân vân …không biết…Bầu cho ông nào, bầu cho ông nào ….
Mỗi lần, tôi có dịp làm nhiệm vu công dân xứ Tây,  đi bỏ phiếu bầu cử ở xứ tỵ nạn Pháp nầy, là bài ca trên nó lảng vảng trong đầu thằng tui. Nhưng tui buồn lắm, tủi thân lắm, vì chỉ ca cho một mình, mình nghe thôi ! Ca cho mấy thằng con Tây lai tui ?  tụi nó hổng hiểu (mặc dù mình dịch ra và cắt nghĩa cái tại sao, cái cội nguồn), ca cho con vợ đầm nó cũng hổng hiểu, chán quá ! Bèn đi thăm bà con, em út, ca cho mấy thằng cháu có máu Dziêt thứ thiệt, tụi nó cũng hổng hiểu, ca cho tía má tụi nó nghe,  cũng hổng hiểu luôn. Tự hỏi, mình có lẩm cẩm không ? Thế hệ mình có lẩm cẩm không ? Bèn nhơn dịp kỳ bỏ phiếu bấu Quốc hội Tây lần nầy, ngày 10 tháng sáu năm 2012, …viết vài hàng tâm sự cùng quý độc giả.

Bài ca nầy chắc quý bạn cùng thế hệ (nay cở 7,8 bó) chắc còn nhớ ? Đó là dưới thời Ông Diệm, thời đệ nhứt Công hòa, các ty Thông tin cho radio, cho xe chạy ngoài đường quảng cáo cuộc bầu cử Quốc hôi Lập Hiến mà cũng là Quốc hội đầu tiên. Và bài ca nầy được phổ biến mọi nơi, các sanh viên, – hồi đó hổng biết sanh viên có phải học ca bài nầy không? – các học sanh (tụi tui) đều phải học ca bài nầy !. Hồi ấy cá nhơn thằng tui còn nhỏ – chưa được 14 tuổi, học lớp 4 ème Trường Lycée Yersin, ( tương đương lớp Đệ Ngũ chương trình Việt); sau hai năm cuối Tiểu học ở Trường Thiếu Sinh Quân Dalat, sau hai năm đầu Trung học Yersin, đang theo học chương trình Pháp, suốt ngày học và nói tiếng Tây ( qua năm 57, năm tôi học 3ème, Việt ngữ mới được bắt buộc dạy ở các Trường Tây, nhưng trong kỳ  thi Brevet BEPC – Trung học Đệ Nhứt Câp năm đó, cũng không có thi môn Việt Văn).  Năm ấy  cũng vì  nhờ những bài hát nầy (chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa mới bắt buộc) mới cảm thấy  hãnh diện rằng mình thật sự người mình, là người Việt Nam.
Thêm nhờ Ông già tui, lúc ấy, bịnh thương  mù lòa (thương phế binh rồi !)  nhưng cũng hãnh diện nói với bạn bè, em út lính tráng chung quanh rằng,“ta phải đi bầu, tay ta phải  cầm  “lá phiếu Tự do”. Ổng nói: “đây là lần đầu tiên, người Việt ta có quyền bầu cử, có “quyền công dân” thật sự. Ta phải đi bầu !”
“Dỉ nhiên, ….khi ba đi lính đánh giặc Cộng sản, ba đã làm bổn phận công dân rồi (hồi đó hổng ai nói nghĩa dụ, nghĩa khị gì cả, !)… và ổng cắt nghĩa cho tụi tui biết rằng, “mình đã lấy lại Độc lập nơi thằng Tây từ hồi năm 49 với Quốc gia Việt Nam rồi, nhưng mình chưa  có  lần nào bầu cử gì cả, mình chưa có Quốc hội, quốc họp gì cả. Bây giờ đi bầu cử Quốc hội, mình thật sự có quyền công dân rồi đó, mình thật sự có cái quyền “chọn mặt gởi vàng lựa người đại biểu mình, lựa người dân biểu”. Khi ba tình nguyện đi lính đánh Việt Minh, ba chỉ biết rằng mình hổng muốn nó biến người mình thành người Cộng sản, mình chống cái độc tài, chống cái khủng bố, cái đấu cái đấu tố… mình chỉ làm cái bổn phận “giữ” cái nhà mình, nay đi bầu cử là mình có cái quyền “xây” , quyền “lựa chọn”, “sửa sang” làm đẹp cái căn nhà của mình”.
Đó là bài học dân chủ đầu tiên của thằng tui, (và thằng em tui – thua tui hai tuổi – nay nó chết rồi, sau khi đi tù cộng sản 9 năm về)  nhận được từ ông cha thương phế binh của chúng tôi !
Quốc hôi Lập hiến đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa được bầu ngày 4 tháng ba 1956 với 405 ứng cử viên, khai mạc ngày 17 Tháng Tư năm 1956 với 123 dân biểu để soạn thảo Hiến Pháp đầu tiên cho Việt Nam Cộng hòa. Sau mấy lần thương nghị giữa Quốc hội Lập Hiến và Tổng thống Ngô Đình Diệm, Hiến Pháp được thông qua vào Tháng Bảy và ban hành ngày 26 tháng 10 năm 1956. Quốc Hội Lập Hiến biến thành Quốc Hội đầu tiên.
Tuổi trẻ của thế hệ chúng ta (bọn 7,8 bó tụi mình) không làm sao quên được những bài học công dân đầu tiên ấy ! Chúng tôi vẫn nhớ mãi những buổi học Quân Sự Học đường bên Trường Võ bị Dalat, dân trường Tây tụi tui gọi là PMS (Préparation militaire supérieure) mỗi chiều thứ năm, và chiều thứ bảy. Chúng tôi tập chào súng theo kiểu Tây – đi ọt đơ năm 1958 năm tui học lớp seconde (đệ tam); và qua năm sau đi một hai ba bốn và bắt súng chào theo kiểu Mỹ.  Chúng tôi học bắn súng Mas 36 giựt bầm vai năm trước, sau đó học súng Garant nạp đạn què ngón cái năm sau. Thế hệ chúng tôi lớn lên trong cái tập tểnh của một Việt Nam đang bước vào một nền Dân chủ, cả một thế hệ đàn cha đàn chú đàn anh cùng thế hệ chúng tôi cũng tập tểnh làm người Dân chủ,  chúng tôi đang học thành những Công dân Việt Nam Cộng hòa -Dân chủ, Tự do và Độc lập-
Trước đó thời Tây thuộc, chúng ta chỉ là người dân Việt, “người Dziệt mình” trong Đông Dương. “Người mình”, là để chỉ dân cùng địa phương mình. Dân Huế chỉ dân Huế? Dân Nam chỉ dân Nam. Muốn biết dân mình, “người Dziệt  hay không” ra đường, gặp người lạ biểu nói “Tân Sơn Nhứt”, hay”Tân Sơn Nhất” — nói “Tân Sơn Nhất” là người Bắc, hổng phải “người Dziệt” mình!  Từ ngữ “Dân An Nam ta”, “người Việt Nam ta”, là từ ngữ của dân có học, nói theo sách vỡ, đọc trong sách của Nguyễn Văn Vĩnh, trong văn chương.  Gia đình chúng tôi ngụ ở Tân định, đi từ Bến Tắm Ngựa (phía bên kia đường Champagne) đến Xóm Vạn chái ( bên nầy đường Paul Bert), có xóm Qwế, gia đình tui là gia đình anh Ba Qwế, có khi có người không biết gặp ông già tui lần đầu, cho tụi tui là người Bắc, nhưng cái chắc chắn, là hổng phải “người Dziệt mình” ! Đó là cái nhìn từ phía ngoài. Còn từ trong gia đình, thì mẹ tui thường nói “ngoài mình” để chỉ cái xứ Qwế của tụi tui. Cái gì “ngoài mình” cũng khác, cũng ngon hơn, đẹp hơn, thơ mộng hơn ! Nhưng hà tiện tàn canh ! Xoài ra chợ Tân định mua một chục 12 trái, vậy mà khi gọt ăn, có bao giờ cho mỗi thằng con  ăn một trái đâu? Bao giờ cũng gọt một trái, một thằng một cái má, sau đó mỗi thằng một cái hông, còn cái hột, kỳ nầy thằng nầy , kỳ tới thằng kia (May là tụi tui hồi đó có hai anh em, chứ tưởng tượng gia đình đông con, nghĩ tới rùng mình).  Lúc nhỏ tui mơ được một mình ăn một trái xoài, nguyên con, cho nó đã. Hôm nọ đọc được một bài về cơm hến, có anh chàng về Huế gặp cơm hến ngon quá ăn liền 4 tô. Có anh bạn Nam kỳ nghe vậy hoảng hồn, hòi tôi :”cơm hến nó cay như dzậy, mà anh chàng đó ăn 4 tô sao mẩy ?”. Mình trả lời: “Huế nói cái tô là cái “đoại”, cái đoại nó như cái bông, trên mặt toè ra, chứ cái đáy  ốm nhách à, một đoại cơm hền mầy “và” hai đủa là hết ngay, vã lại chỉ có một tí cơm nguội, còn bao nhiêu là bắp chuối với rau sống, nước hến, ruốc và ớt đủ làm cho mầy đổ mồ hôi, chảy nước mắt rồi, chớ cơm hổng bao nhiêu”. Nói như vậy để thấy hồi những năm trước 1950, dân Việt Nam mình nói chung trong giới bình dân mình hổng có cái quan niệm dân tộc mình là một đâu!
Vì vậy ngày hôm nay chúng tôi muốn chia sẻ với quý độc giả cái không khí đầu tiên của thời Đệ Nhứt Cộng hòa! Bằng những bài ca như vậy, bằng những buồi Quân sự Học đường thoạt đầu, sau đó Phong trào thanh niên Cộng hòa, thanh nữ Cộng hoà, đã  tạo cho chúng ta, đúng hơn cho bọn trẻ chúng tôi lúc ấy, cái tinh thần công dân Việt Nam Cộng hòa. Chúng tôi lớn lên với cái hãnh diện là người Công dân Việt Nam Cộng hòa.
Ngày nay ra Hải ngoại, khi vào quốc tịch Tây, làm công dân Tây chúng tôi luôn luôn làm bổn phận người công dân. Đi bầu. Hồi về  lại Việt Nam, sau mười năm vắng nhà vì du học, tôi vẫn thèm được theo dõi những buổi nói chuyện các ứng cử viên, theo dõi những cuộc bầu cử. Tôi rất ngưởng mộ các nhà hùng biện… Hồi thời học trò, mặc dù là người ngoại quốc tôi vẫn đi nghe các tay chánh trị gia hùng biện (les tribuns) Pháp. Vào những năm ‘60 Đảng Cộng sản Pháp có một tay hùng biện là Jacques Duclos, ông nói có vần có điệu lên bổng xuống trầm, có những chữ ông kéo dài để tạo những âm nóng để dân làn sóng người ngưởng mộ lên, có những từ ông dùng âm thanh lạnh để làm nguội không khí. !. Tôi đã được nghe ông André Malraux đọc bài diễn văn chào hài cốt người anh hùng Jean Moulin vào Điện Panthéon…Cố Tổng thống  Mitterrand, cố tướng De Gaulle… mỗi người một kiểu, mười phân vẹn mười.
Tôi nhớ những năm ‘70 ở Sài gòn nghe Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy nói chuyện, nghe nhà báo Phạm Thái Nguyễn Ngọc Tân nói chuyện. Giáo sư Huy, người mà tôi thường gọi Chú Ba Huy có cái biệt tài, ông nói không cần giấy tờ, ông nói với sanh viên của ông khác, nói với giới bình dân khác. Nhà Báo Phạm Thái cũng vậy, Chú Bảy Bớp, lại  có cách nói càng bình dân hơn, gần gủi với quần chúng hơn.
Sanh hoạt chánh trị, là phải có cạnh tranh, phải có đối lập…Đó là dân chủ ! Người dân phải được  theo dõi chánh trường, nghe những ứng cử viên nói chuyện, ngắn gọn, bình thường, không cầu kỳ dễ đi vào lòng dân, tạo thành là những tập tục dân chủ. Bầu cử Tổng thống Pháp vừa qua có tất cả là 10 ứng cử viên, trừ phi có một ứng cử viên trội hẳn, thắng đậm trên 50% ở vòng một. Không thì hai đối thủ có kết quả cao nhứt vào tay đôi ở vòng hai. Và tất cả do dân bầu, do dân định đoạt. Ủng hộ, bằng lòng, chống đối bất mãn, hay gì gì đi nữa, cũng phải chấp nhận. Nhiệm kỳ Năm năm, sau nam năm bầu lại, hai nhiệm kỳ là tối đa. Đó là phần Tổng thống !.
Hôm nay bầu cử vòng một cho Quốc hội (Hạ Viện). Toàn bộ  Viện dân biểu bầu lại. Mỗi đơn vị như đơn vị chúng tôi là 10 ứng cử viên, có chổ nhiều hơn. Lựa chọn một người dân biểu thôi. Vòng một trên quá bán thì đắc cử. Không thì tay đôi, có khi tay ba, hay tay tư, ở vòng hai. Đi bầu lựa chọn,  là cả một hành động trách nhiệm.
Quyền công dân? bổn phận công dân?
Dạ thưa cả hai;  vì lựa chọn, lắng nghe chương trình, lắng nghe cái lòng thành thật, theo dõi đạo đức,  theo dõi đời tư của ứng cử viên, để lựa chọn người đại diện mình để cai trị đất nước là bổn phận và là quyền lợi của một công dân, nam hay nữ 18 tuổi trở đi.
Phải tôi dùng từ cai trị đất nước. Dân biểu thay mặt mình vào Quốc hội Lập Pháp, làm những Luật lệ. Những luật lệ ấy quản trị, cai trị, lập cơ cấu, cơ chế hành chánh để  tạo ổn định xã hôi, tạo công ăn việc làm, tạo nền  kinh tế phồn thạnh, tạo sự sung túc giàu sang cho công dân , cho đất nước, tạo chế độ an sanh xã hôi, chế độ bảo quản sức khỏe và y tế, tổ chức chế độ, chương trinh giáo dục. … Chánh phủ chỉ là hành pháp thôi. Quốc hội quyết định, chánh phủ, Tổng thống chỉ là thi hành luật pháp thôi.
Thấy người mà ham. Tôi có giấc mơ cho đất nước Việt Nam:
Mơ sao ngày nào bài ca “Rủ nhau đi bầu được nghe hát” lại ở Việt Nam.
Mơ sao ngày nào Đồng bào Việt Nam ta được cầm lá phiếu Tự do . Nghĩa là không ai biểu bầu cho người nầy vì hắn là người của Đảng. Lá phiếu phải được tự dơ.
Mơ sao ngày nào người đi bầu được phân vân, phân vân hổng biết bàu cho ông nào, bầu cho ông nào. Vi nhiều lựa chọn vì đa nguyên, vì đa đảng .
Mơ rằng lựa người xứng đáng, vì tài ba, vì đạo đức vì quá khứ phục vụ xã hội chứ không phải vi Đảng.
Mơ lắm, mong lắm.
Hồi Nhơn Sơn mùa bầu cử Quốc hội Pháp 10 tháng 6  năm 2012
Sanh Nhựt thứ 95 của Ba (15 tháng sáu 1917 – 2012.).
TS. Phan Văn Song

Không có nhận xét nào: