Pages

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Thủ tướng Cam Bốt yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai trong vòng 6 tháng




Phụ nữ khu Boeung Kak và Borei Keila biểu tình phản đối trước Quốc hội Cam Bốt tại Phnom Penh ngày 28/05/2012 đòi thả 15 người bị bắt trong vụ cưỡng chế đất để giao cho một công ty Trung Quốc.
REUTERS/Samrang Pring

Phạm Phan - RFI
Ngày 14/06/2012, thủ tướng Hun Sen thông báo yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết các vụ tranh chấp đất đai trong thời hạn tối đa là sáu tháng. Lãnh đạo Cam Bốt bác bỏ mọi tố cáo cho rằng đây chỉ là một lời hứa nhằm chiêu dụ cử tri, một năm trước bầu cử Quốc hội. Thông báo của thủ tướng Hun Sen không mấy thuyết phục các nhà bảo vệ nhân quyền. Tường trình của thông tín viên Phạm Phan từ Phnom Penh :
15/06/2012

Ngày 14/6, Thủ Tướng Hun Sen lại ban hành một lệnh mới liên quan đến các vụ tranh chấp đất tại quốc gia này. Theo lời ông Hun Sen, các giới chức những địa phương xảy ra những vụ kiện cáo liên quan đến đất đai phải tìm cách chấm dứt ngay trong thời hạn 6 tháng. Ông Hun Sen cho là hành động này sẽ mang lại hòa khí cho quốc gia.

Lệnh mới yêu cầu các giới chức địa phương đi đến tận nơi đang xảy ra các cuộc tranh chấp gây cấn để tìm hiểu ngọn ngành cũng như hoàn cảnh thực sự của những gia đình bị cướp đất coi họ sinh sống ra sao, nguyên nhân gì khiến họ bị cướp đất, ai cướp đất, và tình trạng được giải quyết thế nào, đã giải quyết đến đâu.

Ông Hun Sen cũng phủ nhận đây là một chiến thuật nhằm kiếm phiếu cho cá nhân ông và đảng cầm quyền khi vào năm sau sẽ lại tổ chức cuộc bầu cử quốc hội diễn ra 5 năm một lần.

Việc ban hành lệnh mới có mục đích xoa dịu công luận, đặc biệt là xoa dịu nỗi thống khổ của hàng ngàn nạn nhân bị mất đất, mất nhà, gia đình ly tán. Ba đối tượng liên hệ chặt với nhau trong hồ sơ nóng hiện nay nằm trong phạm vi lệnh mới, đó là kẻ quyền thế, đất, và dân nghèo. Tuy nhiên, lệnh của Thủ Tướng Hun Sen không phải được tất cả đồng tình.

Theo tổ chức nhân quyền Cam Bốt Licadho, không có lệnh nào của chính quyền được thực thi tốt. Từ trước đến nay, đã có quá nhiều lệnh hay chỉ thị bao gồm cả việc hứa hẹn thu hồi các hợp đồng của những công ty làm sai quy định, nhưng do mối liên hệ đặc biệt của công ty với kẻ có thế lực, nên mọi chuyện đâu rồi cũng vào đó, và nạn nhân vẫn là dân nghèo.

Có một điều mà công luận thắc mắc là tình hình thị trường bất động sản trong khu vực và ngay cả tại Cam Bốt đang chìm trong giấc ngủ đông, thế mà tại sao các vụ cướp đất, đuổi dân, giam tù dân để chiếm đất cứ gia tăng không ngừng nghỉ, nhất là trong thời gian gần đây.

Phải chăng kẻ quyền thế lợi dụng quyền hành để chiếm đất tích lũy sẳn đó và khi thị trường bất động sản khởi sắc là họ có ngay các miếng đất giá trị để rao bán?

Ngày 7/5, Thủ Tướng Hun Sen đã ra lệnh ngưng ký hợp đồng với các công ty, nhưng ngay sau đó lệnh đã bị vi phạm.

Theo tường thuật của các phóng viên người Cam Bốt đang làm cho Ban Tiếng Khmer thuộc đài VOA thì tổng số đất được ký dành cho các công ty sau lệnh cấm ngày 7/ 5/2012 lên đến 21.000 mẫu. Đa số diện tích này dành cho các công ty tư nhân để lập đồn điền cao su.

Các hợp đồng này do Bộ Nông Nghiệp đứng ra lo ký kết bao gồm như sau: công ty Cao Su Lee Ye được dành cho 7.710 mẫu tại tỉnh Siêm Riệp, công ty HMH nhận được 5.915 mẫu tại tỉnh Kampong Cham, công ty SK nhận được 8.000 mẫu tại tỉnh Ratanakkiri.

Ông Chan Sarun, Bộ Trưởng Nông Nghiệp đã không trả lời khi báo chí hỏi việc vi phạm lệnh này. Người phụ tá của ông là Chan Tong Yves thì nói việc ký kết giao đất mới đây sau khi có lệnh cấm thì nằm ngoài phạm vi hiểu biết của ông.

Cách trả lời của các giới chức chịu trách nhiệm về nông nghiệp và đất đai coi như bằng không và đất thì đã được chuyển giao.

Tổ chức nhân quyền Licadho cho biết trong năm 2011, chính quyền đã dành cho các công ty tư nhân số đất lên đến 2,3 triệu mẫu. Và số đất được nhượng quyền khai thác cứ tăng dần mỗi năm.

Hành động vi phạm lệnh cấm do Thủ Tướng ban hành ngày 7/5 khiến cho giới báo chí, các tổ chức nhân quyền địa phương, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường và sau hết là người dân có quyền nghi ngờ về lệnh mới ban ra ngày hôm qua do chính ông Hun Sen công bố trên hệ thống truyền thanh và truyền hình của nhà nước.

Lệnh mới do ông Hun Sen ban hành có thể khởi đi từ sự bất bình của công luận khi 13 phụ nữ bị giam cầm vì dám đứng lên đấu tranh đòi lại đất và nhà của họ.

Cách đây vài ngày, những ai đi ngang cổng Hoàng Cung Phnom Penh đều thấy các em nhỏ đứng biểu tình để thỉnh cầu Quốc Vương Sihamoni giúp can thiệp với chính quyền thả mẹ của các em ra khỏi nhà tù Prey Sar. Đây là cảnh tượng mủi lòng, khi các em nhỏ dấn thân vì sự tự do của người sinh ra mình.

Mẹ của các em là một trong số 13 phụ nữ đang bị giam cầm vì đã can đảm đứng ra tranh đấu cho quyền lợi của họ trong vụ đuổi nhà tại hồ Boeng Kak. 13 phụ nữ bị chính quyền kết án 2 năm rưỡi tù, . một bản án mà theo nhiều là sự bất công. Những người đàn bà nghèo khó đã mất nhà, mất đất lại còn bị giam cầm trong một nhà tù đông người, thiếu điều kiện vệ sinh, trong khi con họ còn nhỏ dại không ai nuôi nấng.

Trong tuần này Bộ Tư Pháp đã yêu cầu tòa án Phnom Penh xem xét hồ sơ của 13 phụ nữ nhằm bảo đảm sự minh bạch và công lý. Trước đó, nhiều cư dân tại hồ Beoung Kak đã gởi kiến nghị thỉnh cầu Bộ Tư Pháp thả 13 phụ nữ này ra. Các phụ nữ này đã biểu tình vào ngày 22/05, sau đó có thêm hai phụ nữ bị bắt vì can đảm phản đối chính quyền ngay tại tòa án.

Thế nhưng phó công tố viên của tòa án Phnom Penh Cheth Khemra lại nói ông không biết gì về hồ sơ này và cũng không biết chuyện Bộ Tư Pháp gởi công văn yêu cầu xem xét lại bản án.

Ông Ou Kong Chea, chồng của bà Tep Vanny, một đại diện của cư dân tại hồ Boeung Kak cho biết vợ ông và thêm 5 phụ nữ đã tuyệt thực trong nhà tù Prey Sar và sức khỏe họ hiện nay suy giảm nhiều.

Hồ Boeung Kak đã được một thượng nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền hợp tác đầu tư với công ty Trung Quốc. Khu đô thị mới, sang trọng hiện đại chưa mọc lên, nhưng nước mắt dân nghèo đã rơi quá nhiều trên mảnh đất này.

Không có nhận xét nào: