Pages

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

10 Lý Do Để đi khỏi Việt Nam.


(Thư Trả Lời Nguyên Giang)
BS.Trần Mộng Lâm.
 
Một người bạn vừa gửi lại cho tôi thơ của Nguyên Giang, một người trẻ trong nước, viết ra những câu hỏi mà chàng thanh niên 30 tuổi đó gửi ra cho các chú, các bác , chiến hữu của phụ thân anh, hiện đang sống ở hải ngoại, đặc biệt là nước Mỹ, để mong được trả lời . Đại khái những thắc mắc này liên quan đến nước Mỹ, là nơi mà anh muốn được may mắn ghé thăm một lần cho biết, xem nước Mỹ có phải là "thiên đường " không, mà sao ai cũng muốn qua Mỹ. Tại sao con gái Việt Nam, khi được may mắn có chồng là việt kiều ở Mỹ, thì rạng ngời niềm vui, khác hẳn những cô gái phải lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, hay Campuchia. Tại sao những người Việt Nam, bạn bè của anh, sang Mỹ chỉ có mấy năm, mà khi trở về đã lột xác, trở thành một "con người khác". lịch sự, nhã nhặn, giỏi giang hơn nhiều. Tại sao và tại sao ???
Những câu trả lời, tôi hoàn toàn không có thẩm quyền, vì tôi hiện đang sống ở Canada, không phải Mỹ. Tuy nhiên, có một lý do để tôi viết bài này. Lý do đó là câu hỏi của anh : Vì sao mà hàng triệu người Việt Nam sau 1975 ra biển Đông, không định hướng, để rồi trở thành những người Việt lưu vong, quyết tâm quên "chùm khế ngọt"?. Tôi viết lá thư này cho Nguyên Giang, nhưng đồng thời cho các người trẻ Việt Nam, sinh sau 1975, hiểu được nỗi lòng của riêng cá nhân tôi, vì tôi không dám đại diện cho ai hết,khi phải cắn răng bỏ nước ra đi, ra Biển Đông, không phải chỉ thuần túy là "ra biển không định hướng", mà phải nói rõ thêm là "sống chết cũng không biết sẽ ra sao". Lúc đó, đối với tôi : thà chết ngoài biển, còn hơn ở lại Việt Nam.
Năm đó là năm 1978, mùa xuân.
10 lý do để tôi bỏ nước ra đi.
1) Đời sống ở Việt Nam quá chật vật :
Khi đó, tôi làm giáo viên trường Trung Học Y Tế tỉnh Hậu Giang. Họ trả lương cho tôi 67 đồng, trong khi giá một tô bánh canh là 2 đồng bán ở bến xe tỉnh Vị Thanh, là nơi tôi dậy học.nghĩa là trong một tháng, tôi chỉ kiếm được chừng 30 tô bánh canh. Sống làm sao ? lấy gì để may quần, may áo , để nuôi sống gia đình ? Có cái gì còn lại trong nhà, đem ra chợ trời bán hết , đó là sự thực.
2) Người Việt Nam (Cộng Sản) rất kỳ thị.
Là cựu quân nhân của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, tuy đã trải qua những năm tháng ô nhục trong các trại cải tạo, được thả về, tôi vẫn mang tiếng "ngụy" trên lý lịch. Tôi không có chứng minh nhân dân vì lúc đó, họ tước quyền công dân của tôi. Tôi cũng chẳng hiểu người CS căn cứ vào luật lệ nào quyết định như vậy.Theo như chỗ tôi biết, tại các nước khác, khi người ta đã ở tù xong, được trả tự do, thì chính quyền luôn luân tìm cách cho những người cựu tù nhân trở về đời sống bình thường càng sớm càng hay. CS không làm như vậy, họ quyết chí hạ nhục người Miền Nam, vì đa số người Miền Nam liên quan đến chế độ cũ. Trong tình trạng đó, chỉ có thể cúi gần mặt xuống đất để mà sống . Trong khi đó bọn cán bộ, bọn 30 (chỉ những người xu thời, những cỏ đuôi chồn ) vênh vang, hống hách, trở thành một bọn "quý tộc mới", nhà quê và kệch cỡm, khó chịu không thể tả nổi.
3) Việc tuyên truyền của CS xâm phạm quá nhiều vào đời sống người dân.
Mỗi ngày, loa phóng thanh từ sáng đến tối ầm ỹ, lai nhải những lập luận nhai đi, nhai lại, không muốn nghe cũng phải nghe, nhiều khi muốn phát điên lên, muốn kiếm cục đá chọi vỡ những cái loa phóng thanh đó mà không dám, vì sẽ bị nhốt vào trại cải tạo ngay.
4) Không còn một chút gì tự do, riêng tư.
Trong đời sống của người dân, phải họp tổ dân phố mỗi tuần. Mệt đứt hơi cũng phải đi họp. Những người đã sống tại Việt Nam thời đó chắc còn nhớ đến những kỷ niệm hãi hùng này. Không biết VN bây giờ ra sao.
Ra đường, thì sợ công an áo vàng như sợ cọp. Thấy công an, là run như cầy xấy, chỉ sợ nó bắt mình vào trại cải tạo, tuy chẳng làm gì nên tội. Nhiều khi, chi vi phạm nho nhõ, công an cũng giải mình về đồn, dí súng vào lưng, như mình đã phạm tội sát nhân.
5)Việc đi lại bị kiểm soát gắt gao.
Từ Sài Gòn muốn xuống Cần Thơ thăm bà con cũng phải có giấy phép đi đường. Đến nơi, lại phải ra công an trình diện. Khi cha mẹ tôi xuống thăm tôi, chưa kịp khai báo, đã có tên ra trụ sở công an báo cáo, lại phải thành khẩn nhận lỗi, xin lỗi, rất may có đủ giấy tờ.
6) Bị chính quyền ăn cướp một cách trắng trợn.
Gia đình giúp cho một ít tiền, bị đổi tiền mất sạch, hồi cuối năm 1977, đầu 1978 gì đó, đã lâu tôi quên rồi.
7) Phải sống giả dối, nói dối từ trên xuống dưới, nói dối từ trong ra ngoài
không bao giờ dám nói thực những gí mình nghĩ trong đầu. Khổ vô cùng, cũng phải giả bộ hồ hởi, phấn khởi. Hồi tôi còn làm ở phường Cái Khế -Cần Thơ, đói dài mà khi Phường Trưởng bắt để tiền vào quỹ tiết kiệm, cũng phải đóng tiền vào, vì nếu không, khó mà sống nổi với bọn họ.Bụng không muốn, mà miệng cứ phải cố rặn ra những nụ cười, những lời ca tụng chính sách một cách giả dối.
8) Sống mà luôn luôn nghĩ và so sánh với đời sống của người dân Miền Nam trước 1975, mà bị chứng trầm cảm :
Đây không phải là tuyên truyền mà chỉ nói lên sự thực. Đối với người Miền Nam, cuộc sống trước và sau 1975 thực là một trời, một vực. Không một người Miền Nam nào không cảm thấy luyến tiếc cuộc sống của mình trước 1975 và nỗi ngao ngán với cuộc sống sau 1975, Sự thay đổi đó lớn lao đến nỗi người ta chỉ muốn bỏ nước ra đi. Câu nói "Nếu cái cột đèn có chân, nó cũng phải bỏ chạy" đã phản ảnh một cách chân thật cảm nghĩ của người Miền Nam vào thời điểm đó, và có lẽ ngày nay vẫn còn giá trị. Đây không phải là do cục Tâm Lý Chiến VN Công Hòa viết ra đâu. Làm gì còn có cái cơ quan đó sau 1975. Đây chỉ là những lời được người dân truyền khẩu cho nhau. Nếu không đánh trúng vào tư tưởng người dân, làm sao câu nói đó được lưu truyền như một chân lý"không thể nghĩ bàn" ??
9) Quá ngao ngán trước trình độ thấp kém của người Cộng Sản và sự tuyên truyền một chiều.
Những gì Bác và Đảng nói, đều phải chấp nhận như một chân lý. Bà vợ tôi có một ông chú đi tập kết trở về. Trong một cuộc nói chuyện trong gia đình, bất mãn trước sự nói ngang của người chú CS, bà ta với sự bộc trực của người Miền Nam, nói thẳng vào mặt ông chú này : Nếu bây giờ có con mèo chạy qua, bác nói nó là con chó, chú cũng nói theo đó là con chó hay sao ?? Người chú ngỡ ngàng trước câu hỏi của cô cháu gái, chỉ biết trả lời bằng một câu vô duyên : Mày phản động !!. Đây là sự thực 100% trong gia đình vợ tôi, tôi thuật lại không thêm, không bớt. Thuật lại chỉ để cho các người thuộc thế hệ sau thấy được cái sự va chạm về văn hóa (choc culturel) giữa Miền Nam và Miền Bắc hồi đó. Đó là lý do tại sao khi chúng tôi được một người bạn cho đi ké trong một chuyến vượt biên, khi được tôi hỏi có nên đi hay không, vì đi là có thể chết ngoài Biển Đông, vợ tôi đã trả lời không do dự : Đi đi anh, chết là cùng chứ gì. Ở với bọn này, chết sướng hơn.
 
10) Tương lai mù mịt. Đời mình đã vậy, đời con cháu sẽ ra sao, với cái lý lịch của cha nó.
Tóm lại : vào thời điểm cuối thập niên 70 :
Hiên tại thì thê thảm
Dĩ vãng thì chỉ đem lại nhớ thương và tiếc nuối (Thuở đó, dù cho đời sống cũng có nhiều khó khăn, nhưng sự tự do là vô giá).
Còn tương lai thì mịt mờ.( bây giờ, người dân Việt Nam không có chức tước, cổ cánh,không thuộc loại con ông cháu cha,không hiểu có khá hơn hay không, điều đó phải hỏi lại Nguyên Giang)
Nguyên Giang nên hiểu những lý do đó để biết được tại sao người ta chỉ hướng về Biển Đông, tuy khi ra đi, thì không ai biết được tương lai rồi sẽ ra sao ? dù sao chăng nữa, cũng còn khá hơn là sống với Cộng Sản.
Còn lý do tại sao người ta đi và không muốn trở về Việt Nam sống nữa ,quyết tâm quên "chùm khế ngọt", thì chỉ vì cái xã hội Việt Nam ngày nay quá ngột ngạt cho những người đã quen với nếp sống tự do. Ở đây,không ai có thể ăn hiếp ai, không phải sợ cảnh sát, không phải tôn ai làm lãnh tụ, buồn buồn, đem tên ông thủ tướng ra công kích, thậm chí chưởi rủa nếu muốn, cũng không ai báo cáo hay bắt tù, bắt tội gì. Không bao giờ có tù chính trị, chính em . Đời sống vật chất thì không ai chết đói là cái chắc,thanh niên, học sinh, dù nhà nghèo, cũng có thể vào đại học, nếu giỏi, có thê trở nên bác sỹ, kỹ sư không khó, về già có tiền hưu bổng, tuy có thể cả đời chẳng đi làm gì. Phú quý sinh lễ nghĩa, người ta không cần phải dối gạt nhau, khi bị bệnh, ở Canada này, vào nhà thương miễn phí, và họ coi ông thủ tướng hay người phó thường dân cũng như nhau, người dân thổ địa hay người di dân, thì cũng được tôn trọng ngang nhau. Còn đòi hỏi gì hơn ??
Một cách vắn tắt : Người Canadien đối xử với người Việt Nam di dân sang đây, tốt trăm ngàn lần hơn người Cộng Sản Việt Nam miền Bắc, đối xử với người miền Nam chúng tôi khi họ thắng trận và chiến miền Nam bằng vũ khí nhận được từ ngoại bang (Tầu và Nga), chứ cũng chẳng phải họ tài giỏi gì .
Nơi tôi ở, tiểu bang Québec, mới đúng là Xã Hội Chủ Nghĩa, tuy họ không tuyên bố đao to búa lớn như bọn CS, không nói, nhưng họ làm, và làm một cách tốt đẹp.
Mong rằng lá thư này trả lời một phần nào cho những thắc mắc của Nguyên Giang, và cho những người trẻ Việt Nam còn không may mắn phải sống trong cái gọi là : Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Và cũng mong rằng lá thư này sẽ đến được các em, để các em hiểu rằng mình có quyền đòi hỏi một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tự Do, không phải xin mà được. Tự Do, phải đấu tranh mới có. Đó là lời tôi muốn nhắn gửi đến các em

Không có nhận xét nào: