Pages

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Bình mới rượu cũ


Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được công bố để nhân dân góp ý được đánh giá như thế nào, liệu có đáp ứng nhu cầu cải tổ để phù hợp với tình hình thực tế hay không.

AFP PHOTO
Một bức tranh cổ động tại Hội An, ảnh chụp hôm 16 tháng 05 năm 2012.

Không có tiến bộ

Theo Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, vấn đề cốt tử là những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam có thực sự muốn xây dựng một nước Việt Nam dân chủ tiến bộ hay không. Ông Đằng tỏ ra không hài lòng nếu không muốn nói là thất vọng với bản Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi vừa được công bố lấy ý kiến rộng rãi từ ngày 2/1/2013. Vị Luật gia cho rằng ba vấn đề lớn nhất đã không có tiến bộ gì hơn trước, đó là vấn đề sở hữu đất đai, thực hiện nhân quyền cũng sự thiếu vắng nguyên tắc tam quyền phân lập  hành pháp, lập pháp và tư pháp độc lập với nhau, giám sát nhau, qua đó có thể phòng chống tham nhũng một cách hiệu quả.


Người dân không được cái quyền sở hữu trên mảnh đất cha ông mình đã đổ xương máu, mồ hôi và nước mắt để làm nên. Điều đó là vô lý.

Luật gia Lê Hiếu Đằng
Trước hết về đất đai, bản Dự Thảo tuy có thêm thắt kéo dài câu chữ nhưng vẫn là theo tinh thần đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Ông Lê Hiếu Đằng nhận định:
“Một trong những vấn đề đụng chạm đến đời sống người dân nhiều nhất đó là vấn đề ruộng đất, đụng chạm đến nông dân là lực lượng hy sinh rất nhiều trong cuộc chiến tranh vừa qua, bây giờ lại không được cái quyền sở hữu trên mảnh đất cha ông mình đã đổ xương máu, mồ hôi và nước mắt để làm nên. Điều đó là vô lý, chúng tôi đang đấu tranh và đề nghị sửa đổi điều này trong Hiến pháp, phải công nhận quyền sở hữu ruộng đất. Tại sao ở đô thị, đối với những nhà công thương thì công nhận sở hữu về máy móc, về tư liệu sản xuất, còn ruộng đất là tư liệu sản xuất của nông dân thì anh không công nhận hay là đất đai bình thường của người dân cũng không công nhận mà chỉ công nhận cái nhà còn đất thì chỉ có quyền sử dụng.
Những điều này gây bất ổn trong tư tưởng trong suy nghĩ của người dân, nếu không phải của mình thì làm sao mình bỏ cả nghị lực bỏ tiền của ra canh tác, xây dựng. Đây là một rào cản rất lớn làm cho đất nước không phát triển và đặc biệt nghiêm trọng đây là 1 lỗ hổng lớn cho bọn tham nhũng qua việc thu hồi đất tùy tiện để làm giàu.”
000_Hkg4913876-200.jpg
Một bức tranh cổ động kêu gọi người dân Phát huy quyền làm chủ, ảnh chụp hôm 19 tháng 05 năm 2011 tại Hà Nội. AFP PHOTO.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ, cũng rất băn khoăn về việc chưa có đột phá về lãnh vực đất đai. Nữ chuyên gia nói, lấy làm tiếc về việc cho tới Bản Dự thảo hiện nay Nhà nước vẫn còn muốn duy trì quyền sở hữu của Nhà nước về đất đai.
Bà Phạm Chi Lan ở trong số những người có đề xuất khi sửa đổi Luật Đất đai, theo đó nên công nhận nhiều hình thức sở hữu khác nhau. Trong đó vẫn duy trì sở hữu Nhà nước với một số loại đất đai thuộc sử dụng công, thí dụ như đất đai dùng cho mục đích quốc phòng, an ninh, các công trình công cộng…hoặc trụ sở các cơ quan Nhà nước. Theo bà Phạm Chi Lan, nên chấp nhận một loại hình sở hữu tư nhân cho đất đai, thí dụ của nông dân, cho nông nghiệp. Đối với mục đích thương mại, thì cũng nên dứt khoát hẳn đất đai đó có thể là là sở hữu tư nhân của doanh nghiệp, họ đứng ra mua đất để đầu tư lâu dài. Ngoài ra cũng nên công nhận một hình thức khác, sở hữu công cộng của cộng đồng, thí dụ như đối với trường học bệnh viện, nhà chùa, nhà thờ hoặc các hoạt động tôn giáo văn hóa xã hội chẳng hạn. Bà Phạm Chi Lan tiếp lời:

Nếu như Việt Nam chấp nhận một cách sở hữu đa dạng hơn cho đất đai thì sẽ tốt hơn rất nhiều cho các tầng lớp nhân dân khác nhau.

Bà Phạm Chi Lan
“Nếu như Việt Nam chấp nhận một cách sở hữu đa dạng hơn cho đất đai thì sẽ tốt hơn rất nhiều cho các tầng lớp nhân dân khác nhau, cũng như cho sự phát triển của đất nước. Đó là cách tốt nhất để bảo đảm đất đai được sử dụng hiệu quả nhất, khi người dân gắn bó máu thịt với đất sở hữu của họ, thì họ sẽ làm mọi cách để khai thác sao cho mang lại lợi ích lớn nhất và họ sẽ bảo vệ được quyền lợi của họ trên đó. Tránh được tình trạng hiện nay, đất đai thì mang danh là của Nhà nước nhưng một số chính quyền địa phương hay lạm quyền thu hồi đất của nông dân một cách vô tội vạ với giá rất rẻ và cung cấp lại cho các doanh nghiệp hay những người thân quen, sau đó thì người ta bán lại với giá rất đắt và đẩy biết bao gia đình nông dân vào cảnh khốn cùng.”

Không thể chống tham nhũng

Luật gia Lê Hiếu Đằng cho rằng, nút thắt thứ hai của Hiến pháp 1992 chưa được tháo gỡ trong dự thảo sửa đổi lần này là vấn đề nhân quyền. Theo ông, Hiến pháp 1992 và dự thảo sửa đổi qui định những quyền cơ bản này nhưng luôn kèm theo một câu theo qui định của pháp luật. Ông Đằng nói là cần phải bỏ vế thứ hai này để tránh việc lợi dụng pháp luật để vi phạm nhân quyền cũng như hình thành những luật đi ngược lại Hiến pháp. Ông nói:
“Một khi đời sống đã khá rồi, người ta có quyền đòi hỏi các quyền tự do dân chủ của người dân, trong đó có các quyền biểu tình lập hội…tức là các quyền ghi trong Hiến pháp 1946 phải khôi phục lại và phải thực hiện trên thực tế chứ không phải hình thức. Vừa rồi có lời kêu gọi thực hiện quyền con người theo Hiến pháp Việt Nam của nhân sĩ trí thức mọi tầng lớp nhân dân, đã có hơn 1 ngàn chữ ký, điều này nói lên sự quan tâm của mọi người.”
HP19929999-200.jpg
Bìa sách Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 1992. Photo courtesy of chinhphu.vn
Theo Luật gia Lê Hiếu Đằng, điểm nghẽn thứ ba là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã không thể hiện cải tổ theo nguyên tắc tam quyền phân lập. Điều 1 Chương I sửa đổi bổ sung qui định “….. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.” Luật gia Lê Hiếu Đằng nhận định:
“Vấn đề chống tham nhũng không thể nào giải quyết được khi chúng ta không thực hiện nguyên tắc tam quyền phân lập, mà trong thể chế đó Đảng cũng phải đứng trong vòng pháp luật, chịu chi phối bằng pháp luật chứ không thể đứng trên và đứng ngoài pháp luật được. Chí ít là phải có một Luật về sự lãnh đạo của Đảng. Nếu điều 4 Hiến pháp vẫn còn thì chí ít phải có Luật để ràng buộc bất cứ người lãnh đạo nào của Đảng hoặc cơ quan Đảng nếu vi phạm pháp luật thì phải xử bình đẳng như mọi công dân, tổ chức khác. Vừa rồi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đề nghị vấn đề này. Vì vậy thực hiện tam quyền phân lập thì mới chống tham nhũng được bởi vì khi các nhà lãnh đạo không được giám sát, cơ quan Đảng và Nhà nước không được giám sát cách có hiệu quả thì làm sao chống tham nhũng được, tham nhũng sẽ phát triển. Thực tiễn vừa qua là vậy, dù có chuyển từ Thủ tướng sang Tổng bí thư thì với cơ chế thế này tôi tin là khó mà chống tham nhũng được.”
Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi sẽ được toàn dân góp ý từ 2/1cho tới 31/3/2013. Những ý kiến chúng tôi ghi nhận cho thấy ba điểm nghẽn quan trọng liên quan đến đất đai, nhân quyền và thực hiện nguyên tắc tam quyền phân lập vẫn chưa được tháo gỡ. Và như Luật gia Lê Hiếu Đằng nhận định “Những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước có thực sự muốn xây dựng một nước Việt Nam dân chủ tiến bộ hay không, đó là vấn đề cốt tử.”

Không có nhận xét nào: