Pages

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Người Việt hải ngoại nghĩ gì về luật kiểm soát súng

Vào thứ Sáu ngày 14 tháng 12 năm 2012, có 20 trẻ em và sáu người lớn đã bị một hung thủ bắn chết tại trường tiểu học Sandy Hook, tỉnh lỵ Newtown, tiểu bang Connecticut. Vụ thảm sát gây nhiều xúc động tại Hoa Kỳ cũng như tại nhiều nơi trên thế giới.
Ngay sau vụ thảm sát, Tổng thống Obama đã không giấu được sự xúc động khi chia buồn và an ủi các nạn nhân.
Ông tuyên bố sẽ có những biện pháp thích ứng hầu chặn đứng những cuộc thảm sát tương tự trong tương lai. Cũng trong dịp này Thống đốc New York là ông Mickael Bloomberg kêu gọi Chính phủ và Quốc hội phải nhanh chóng đưa ra một đạo luật giới hạn vũ khí.



Còn thống đốc tiểu bang Texas, Rick Perry thì tuyên bố là ủng hộ việc cho phép các giáo chức mang vũ khí vào trường học để bảo vệ học sinh khi cần thiết. Trong khi đó, theo tin tức trên các hệ thống truyền thông Hoa Kỳ, thì rất nhiều người tại tiểu bang Connecticut và New York đã nhanh chóng đi mua các loại vũ khí, đặc biệt là các loại súng dài tự động vì lo ngại sẽ không được phép mua và có thể súng ống trở nên khan hiếm hoặc tăng giá nếu có luật mới ra đời.

Quyền được mang vũ khí để tự vệ và bảo vệ gia đình là một quyền rất quan trọng của người dân Hoa Kỳ. Quyền này được ghi trong tu chính án thứ 2 của Hiến pháp Hoa Kỳ từ năm 1791. 
Hiến pháp Hoa Kỳ cũng định rằng chính quyền Tiểu bang có thẩm quyền quyết định chi tiết việc thi hành quyền này cho hợp với hoàn cảnh địa phương. Do đó cách áp dụng tại mỗi tiểu bang có thay đổi ít nhiều nhưng trên căn bản vẫn thống nhất. Vì tính chất quan trọng của Hiến pháp, luật kiểm soát vũ khí trở nên tế nhị và đòi hỏi nhiều sự cân nhắc để hợp với quyền lợi đa số công dân.
Luật kiểm soát vũ khí là đề tài tranh luận và suy tư của nhiều người trong mùa Giáng Sinh 2012 và năm mới 2013.
Không ít người mong tìm một giải pháp để có thể chấm dứt những vụ thảm sát tương tự.
Nhiều người Việt hải ngoại cũng rất chú ý đến vấn đề này và có những phản ứng khác nhau.
Ông Lưu Thanh, cư dân tiểu bang South Carolina, cho rằng việc giới hạn vũ khí sẽ không giảm thiểu các vụ thảm sát mà cần phải đặt mạnh vào vấn đề giáo dục mọi công dân ngay từ lúc nhỏ:

“Vấn đề là phải giáo dục trong trường cho tụi nhỏ, phải xây dựng cho tụi nhỏ, biết kính trên nhường dưới, biết kính trọng thầy cô. Phải biết đạo lý, phải biết tình thương từ hồi nhỏ, …chứ bây giờ cấm súng cũng vậy thôi à.”
Một sinh viên đại học UC Irvine tại California là Bryan thì nói rằng luật kiểm soát vũ khí là một vấn đề tranh cãi sôi nổi vì Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép dân chúng có quyền có vũ khí nên em chưa quyết định ủng hộ quan điểm cần giới hạn quyền có súng.

Em cho rằng sinh viên cần được học về tâm lý và xã hội học để hiểu tâm lý của mình và sự liên hệ trong xã hội, hầu tránh được những hành vi bạo động.
Không chỉ người Việt tại Hoa Kỳ quan tâm đến vấn đề súng ống sau cuộc thảm sát tại Newtown, mà nhiều người Việt hải ngoại cũng rất quan tâm về vấn đề này.
Ông Nguyễn Bảo là một cựu sĩ quan cảnh sát Việt Nam đang cư ngụ tại thành phố Calgary, Canada thì cho rằng trong xã hội bây giờ người dân bình thường không cần súng để tự bảo vệ:

“Xã hội này không cần súng vì ngày xưa cuộc sống còn hoang sơ, thành ra nhiều lúc bị cướp bóc không ai bảo vệ. Cho nên nhiều lúc mình phải phòng vệ. Nhưng mà thời buổi này, bây giờ có cell phone. Có chuyện gì cần, gọi 911 là một lúc sau cảnh sát tới nhà liền, cho nên mình phải nói xã hội bây giờ an ninh hơn.”
Là Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Houston có trên một ngàn học sinh, cô Kim Yến chia sẻ rằng vụ thảm sát tại Newtown làm cho phụ huynh học sinh cũng như giáo viên rất lo ngại và nhà trường đang tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh:Thường thì chúng tôi có những biện pháp để bảo đảm sự an toàn của các em, nhưng vì vụ này, chúng tôi phải để ý nhiều hơn và có thêm các biện pháp khác để đáp ứng với sự lo âu của phụ huynh cũng như cộng đồng.”

Cô cho rằng có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hành vi bạo động tương tự như vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook:

“Có thể, cũng vì luật pháp về kiểm soát súng quá dễ dãi, cũng vì giáo dục thiếu phần đức dục, cũng có thể vì ảnh hưởng gia đình, và ảnh hưởng xã hội, phim ảnh...
Có thể bao gồm tất cả các lý do đó nhưng mỗi trường hợp là một trường hợp đặc biệt.”

Theo quan điểm của cô, Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ quyền có súng và tự vệ của mọi công dân nhưng cũng phải cần có một giới hạn hợp lý để quyền tự do này không xâm phạm an toàn của người khác:

“Hiến pháp là điều tốt, những quyền lợi của công dân Mỹ là điều tốt.
Tuy nhiên phải có giới hạn, thí dụ như là điều luật về quyền mang vũ khí cũng phải có giới hạn thôi, chứ nếu có tự do buông thả thì nước Mỹ sẽ loạn.”

Nhưng cô không đồng ý về đề nghị của thống đốc tiểu bang Texas, Rick Perry, là giáo viên cần được phép mang súng vào trường học để bảo vệ học sinh khi cần thiết:

“Trường học không phải là nơi cần vu khí. Các thầy giáo cô giáo chúng tôi có vai trò dạy dỗ các con em. Dĩ nhiên là việc an toàn của các em lúc nào chúng tôi cũng đề cao hết.
Tuy nhiên mỗi chúng ta có một vai trò, vai trò của các nhà giáo là dạy dỗ các em. Nếu khi cần đến sự can thiệp của chính quyền thì sẽ có cảnh sát giúp chúng tôi.”

Luật về vũ khí cá nhân tại Hoa Kỳ chắc chắn còn nhiều tranh cãi.
Tổng thống Obama đã ủy nhiệm Phó tổng thống Joe Biden thành lập một ủy ban đặc nhiệm, nghiên cứu để cải thiện những thiếu sót trong điều luật hiện hành. Trong khi đó một số nghị sĩ và dân biểu cũng dự trù đưa ra các dự luật trên cùng một vấn đề.
Hiến pháp Hoa Kỳ dành cho công dân quyền tự do gần như tuyệt đối.
Với nhiều người ngoại quốc, luật cho phép thường dân mua cả những loại súng tự động, mà thông thường chỉ dành cho các cơ quan công lực và quân đội là một điều không tưởng. 
Tuy nhiên, điều dáng ghi nhận là dường như hầu hết các người ngoại quốc đều mơ một nếp sống có nhiều tự do và bình đẳng như tại Hoa Kỳ, trong đó nhân quyền được bảo đảm tối đa. 
Nguyễn Phục Hưng ,VOA news

Không có nhận xét nào: