Pages

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Nhật Bản ve vãn Đông Nam Á để đối phó với Trung Quốc


Tân thủ tướng Nhật Shinzo Abe (REUTERS)
Minh Anh
Việc các nhà lãnh đạo Nhật Bản, liên tiếp trong vòng ba tuần lễ thực hiện các chuyến công du đến các nước Đông Nam Á được nhật báo kinh tế Les Echos đặc biệt quan tâm đến. Đối với tờ báo, « Nhật Bản đang ve vãn các nước Đông Nam Á nhằm đối phó với Trung Quốc ».

Báo Les Echos nhận định : lần này, ông Shinzo Abe công khai thất lễ với Bắc Kinh. Không như lần đầu tiên lên cầm quyền vào năm 2006, là chọn Bắc Kinh làm điểm xuất hành cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên, lần này, thủ tướng Nhật Bản đã chọn các nước Đông Nam Á, mà Việt Nam là điểm khởi hành. Đây cũng là nơi diễn ra một cuộc tranh giành ảnh hưởng thầm lặng giữa hai cường quốc kinh tế trong khu vực.

Theo nhận định của ông Guy Faure, giám đốc Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS) chuyên về khu vực Bắc Á và ông Robert Dujarric, thuộc Học viện Nghiên cứu châu Á đương đại tại Tokyo, Nhật Bản nhận thức được rằng tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực đã bị mất dần từ năm 2000 trước Trung Quốc. Đồng thời, chính phủ của ông Shinzo Abe cũng sẽ chẳng có chút lợi ích gì nếu đến thăm Trung Quốc đầu tiên.
Sau Việt Nam, ông Shinzo Abe sẽ lần lượt đến thăm hai quốc gia khác là Thái Lan và Indonesia. Thế nhưng, trước đó, ông Taro Aso, Bộ trưởng tài chính đã ghé thăm Miến Điện nhiều ngày. Và Ngoại trưởng Nhật Bản ông Fumio Kishida, cũng vừa trở về nước hôm thứ hai 14/01/2013, sau nhiều ngày công du các nước Philippines, Brunay, Singapore và Úc. Như vậy, cứ mỗi chặng dừng chân, các nhà lãnh đạo Nhật Bản đều cho thấy ý định thúc đẩy hai mục tiêu quan trọng là ngoại giao và kinh tế.
Thứ nhất, trên mặt trận ngoại giao, Tokyo mong muốn siết chặt các mối quan hệ và hợp tác quân sự với các quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh. Nếu như Nhật Bản phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong vụ tranh chấp quần đảo Senkaku / Điếu Ngư, thì các quốc gia khác tỏ ra lo âu trước yêu sách thô bạo của Trung Quốc trên toàn bộ vùng lãnh hải rộng lớn, bao gồm toàn bộ các đảo trên Biển Đông. Đó chính là trường hợp của Việt Nam, Philippines và Brunei. Trước dã tâm của Trung Quốc, ngoại trưởng Philippines công khai ủng hộ Nhật Bản tái vũ trang quân đội nhằm tạo ra đối trọng trong khu vực.
Thứ hai, trên bình diện kinh tế, Tokyo cố gắng thúc đẩy sự hiện diện của mình qua việc tăng ngân sách cho các dự án hỗ trợ phát triển. Các doanh nghiệp Nhật bị lôi cuốn bởi sự năng động của các thị trường lao động Indonesia và Thái. Và họ cũng rất tin tưởng vào nhu cầu tiềm năng trong phát triển cơ sở hạ tầng tại Miến Điện. Theo đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Tổng sản phẩm nội địa của năm nước cộng lại (Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Việt Nam) có sẽ tăng lên đến 12% trong năm nay. Như vậy, với mức tăng trưởng đó, lần đầu tiên khu vực Đông Nam Á sẽ vượt qua mặt 4 con rồng châu Á bao gồm Đài Loan, Singapore, Hồng Kông và Hàn Quốc.
Cuối cùng, Đông Nam Á còn có một điểm thuận lợi khác cũng được các tập đoàn Nhật Bản đánh giá cao đó cơ sở hạ tầng tốt, nhân công có tay nghề cao nhưng lại rất rẻ so với vùng phía đông Trung Quốc. Chính vì vậy, kể từ năm 2009, các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư ngày càng nhiều trong khu vực Đông Nam Á hơn là tại Trung Quốc.

Mây bụi ô nhiễm có thể khiến Trung Quốc tốn bạc tỷ

Tại Trung Quốc, ô nhiễm môi trường không chỉ còn là vấn đề của sức khỏe nữa, mà có thể sẽ còn là gánh nặng cho kinh tế và tài chính. Trong bài nhận xét đề tựa « Tại Trung Quốc, mây bụi ô nhiễm gây thiệt hại 100 tỷ đô-la », báo Le Figaro cho rằng đã đến lúc chính quyền Bắc Kinh phải xem xét lại mô hình phát triển kinh tế.
Đợt mây bụi phủ đầy Bắc Kinh hồi cuối tuần vừa qua đang làm trỗi dậy một cuộc tranh luận đòi hỏi xem xét lại mô hình tăng trưởng kinh tế mà Bắc Kinh đang theo đuổi. Nếu như kinh tế Trung Quốc có vẻ đang khởi sắc trở lại trong hai quý cuối của năm 2012, thì mây bụi ô nhiễm có nguy cơ gây thiệt hại cho kinh tế đến 100 tỷ đô la, tức chiếm khoảng 1,2% của GDP.
Không những thế, mức hoạt động của công xưởng lớn nhất trên thế giới có thể trì trệ trở lại. Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại Bắc Kinh và các vùng phụ cận với thủ đô, chính quyền buộc phải đóng cửa 58 khu vực, từ công trường xây dựng cho đến các nhà hóa chất, kể cả ngành luyện kim. Chưa kể đến khoảng 40 khu vực khác cũng phải giảm tốc độ hoạt động.
Theo Le Figaro, hôm thứ bảy 12/01/2013 vừa qua, nồng độ các phân tử bụi ô nhiễm ở mức cao nhất 900μg/m3 trên các đường phố của thủ đô. Trong khi đó, chỉ cần ở mức 500 μg/m3 là đã bị xem là có hại cho sức khỏe con người. Tổ chức Y tế Thế giới quy định ở mức trung bình 25 μg/m3.
Ngoài các đánh giá khoa học nêu trên, hiện tượng mây bụi hồi cuối tuần qua đặt ra một câu hỏi cho mô hình phát triển kinh tế hiện hành. Theo quan điểm của ông Lý Khắc Cường, thủ tướng tương lai của đất nước, « Sản xuất, xây dựng và tiêu thụ không nên đi đôi với phá hoại môi trường ».
Tăng trưởng Kinh tế Đức chậm lại
Nhìn sang trời Âu, Le Figaro có bài đề tựa « Đầu tàu kinh tế Đức bị khủng hoảng đuổi kịp ». Theo nhận xét của tờ báo, đối với các nước láng giềng và nhất là Pháp, đây quả là một tin đáng ngại. Chưa bao giờ tăng tưởng của nền kinh tế hàng đầu châu Âu lại ảm đạm đến như vậy. Trong quý IV vừa qua, Tổng sản phẩm nội địa đã tụt giảm thê thảm, chỉ đạt được ở mức 0,5%. Nhìn chung trên toàn năm, mức tăng trưởng chỉ ở mức 0,7%, so với mức 3% của năm 2011 và 4,2% trong năm 2010.
Từ lâu, Đức được xem như là khu vực có nền kinh tế ổn định nhất trong khối euro. Tuy nhiên, kể từ quý II năm 2012, các hoạt động kinh tế của Đức bắt đầu cho thất các dấu hiệu hụt hơi, dù rằng quốc gia vẫn tiếp tục chứng tỏ chịu đựng cơn khủng hoảng tốt hơn so với các nước khác trong khối.
Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều dự đoán tăng trưởng Đức sẽ hồi phục lại trong những tháng đầu năm nay. Thế nhưng, tờ báo cũng lưu ý rằng tăng trưởng cũng có thể là rất khiêm tốn. Trong bối cảnh đó, chính phủ Đức hôm nay phải hạ mức dự đoán tăng trưởng xuống ở mức 0,4% thay vì là 1% cho năm 2013. Đổi lại, chính quyền liên bang ước tính kinh tế có thể sẽ nhảy vọt trở lại vào năm 2014 với mức tăng trưởng là 1,4%.
Le Figaro cho rằng, việc hạ thấp mức dự đoán tăng trưởng sẽ là một tin không lấy gì làm vui lắm cho các nước lân cận, nhất là đối với nước Pháp, đối tác thương mại hàng đầu của Berlin. Trước tin xấu này, Pháp buộc phải « hiệu chỉnh » lại mức dự đoán tăng trưởng năm 2013 của mình. Theo Paris, « giả như Đức rơi vào suy thoái, cần phải nghiêm túc xem xét lại mô hình tăng trưởng của châu Âu.
Bởi vì, điều đó có nghĩa là không những Đức không thể nào vực dậy lại được nền kinh tế của Ý và Tây Ban Nha, mà còn bị các nước đó kéo chìm vào khủng khoảng ». Đối với Bộ trưởng Kinh tế Pháp Pierre Moscovici, các biện pháp « thắt lưng buộc bụng » mới do Đức chủ xướng có lẽ đang làm tình trạng khủng hoảng thêm trầm trọng.
Trang nhất các báo Pháp
Các báo Pháp số ra hôm nay tiếp tục theo dõi diễn biến chiến dịch can thiệp quân sự của Pháp tại Mali. Le Figaro chạy tít lớn trên trang nhất « Quân đội Pháp gia tăng lực lượng tại Mali ». Tờ báo cho biết, « Paris sẽ gởi thêm 1700 binh lính để tăng cường cho 800 binh sĩ có mặt tại chỗ ».
Đồng thời, « các xe bọc thép đang tiến dần về phía bắc đất nước ». Le Figaro nhận định, cho đến hiện tại, tổng thống Pháp François Hollande vẫn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ giới chính khách và công luận. Tờ báo đánh giá ông Hollande là « vị tổng thống của chiến tranh ».
« Nước Pháp, đơn thương độc mã, can thiệp quân sự tại Mali » là hàng tít trên trang nhất báo Le Monde. Mặc dù, việc Pháp quyết định gởi quân đến Mali được cả Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tán đồng, thế nhưng, cho đến giờ Pháp vẫn đơn độc trên chiến trường do các nước châu Âu vẫn còn do dự.
Tập đoàn sản xuất xe ô-tô Renault tuyên bố giảm nhân sự cũng là tít lớn trên trang nhất một số báo. Với hàng tựa « Renault xiết chặt việc làm tại Pháp », Les Echos cho biết cụ thể tập đoàn có thể « hủy ít nhất 7500 chỗ làm trong vòng 4 năm tại Pháp », và « ban giám đốc cam kết sẽ không đóng cửa nhà máy trong trường hợp đạt được thỏa thuận về tính linh động ».
Libération chạy tựa : « Sau PSA, Renault gỡ dây chuyền sản xuất ». Tờ báo cho rằng tập đoàn đang dọa dẫm nhân viên của mình khi đặt điều kiện “sẽ không đóng cửa nhà máy, cũng như chuyện sa thải hay đề xuất tự nguyện về hưu” trong trường hợp duy nhất là một thỏa thuận phải được ký kết”.
Riêng báo La Croix quan tâm đến việc tổng thống tái đắc cử Barack Obama muốn tăng cường kiểm soát việc bán vũ khí, thế nhưng theo nhận định của tờ nhật báo công giáo “Hoa Kỳ khó có thể nói lời vĩnh biệt với súng đạn”.

Không có nhận xét nào: