Pages

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Đổi Hoàng Đế, Thay Thể Chế


Nguyễn đạt Thịnh
Bình luận gia chính trị Zhang Ping (Trần Bình), một ký giả Trung Hoa lưu vong hiện đang sống tại Đức, viết, "Trong lịch sử Trung Hoa, hễ có đổi hoàng đế là có thay thể chế. Lần này, thay đổi không đến, vì ông hoàng đế cũ vẫn ngồi đó."
Trần Bình nhận định như vậy về Tập Cận Bình và những xáo trộn đang diễn ra trong giới truyền thông Trung Hoa. Ông Bình ký giả, có ý chê ông Bình chủ tịch, là chỉ mới có cái bình, rượu vẫn là rượu ba xi đế cũ mèm. Ông Bình mới lên ngôi, mới toanh nhưng đã cũ xì, vì "đường cũ Cộng Sản ta cứ đi, lối xưa Xã Hội Chủ Nghĩa ta cứ theo", không thay đổi gì ráo.
Tiếc một điều là chỉ riêng ký giả lưu vong Trần Bình biết việc rượu cũ, bình mới những ký giả khác trong nước lại đầy tin tưởng vào những lời hứa hẹn trong đôi lúc cao hứng của chủ tịch Tập Cận Bình.

Chính vì họ tin tưởng mà xẩy ra xáo trộn.
Xáo trộn đầu tiên  do tờ Nam Hoa Cuối Tuần (NHCT) tạo ra. NHCT phát hành tại Quảng Châu (Guangzhou), thủ phủ tỉnh Quảng Đông, là một trong những tờ báo nhiều uy tín nhất Trung Quốc. Trong "Lá Thư Đầu Năm" gửi đến độc giả, tờ NHCT chúc mọi người tận hưởng một mùa Xuân Nhân Loại, với đầy đủ Nhân Quyền trong khuôn khổ một hiến pháp Trung Quốc tuyệt hảo và được chính quyền tôn trọng.
Tờ báo Mỹ New York Times tỏ ý ngạc nhiên vì "Lá Thư Đầu Năm" gây xúc động lớn cho hàng triệu độc giả, lại chỉ có ngần đó, chỉ chứa đựng toàn sáo ngữ tầm thường. Dĩ nhiên đó chỉ là cái nhìn chân phương của người Mỹ; đối với người Hoa "nhân quyền" và "tôn trọng hiến pháp" chưa bao giờ  là sáo ngữ. Đòi thực thi hiến pháp và đòi tôn trọng nhân quyền là đòi ủ tờ.
Xáo trộn xẩy ra khi những viên chức kiểm duyệt đòi bộ biên tập NHCT sửa lại lời văn cho Lá Thư Đầu Năm nhẹ nhàng hơn trong những kỳ vọng đòi hỏi tôn trọng hiến pháp, thực thi dân chủ và nhân quyền.
Đã không thay đổi được nội dung của "Lá Thư Đầu Năm", sự can thiệp của viên chức kiểm duyệt còn tạo thêm nhiều "Lá Thư Ngỏ": sinh viên trường đại học Tôn Dật Tiên -cũng tọa lạc trong thị trấn Quảng Châu- nhập cuộc. Còn trẻ hơn, sinh viên viết bạo hơn ký giả, biến những lời chúc tụng dân chủ, nhân quyền trong "Lá Thư Đầu Năm" thành những đòi hỏi.
Ngày Chúa Nhật mùng 6 tháng Giêng, những lá "thư ngỏ" trở thành kiến nghị, nội dung viết, "thái độ nhẫn nhịn và im lặng của chúng tôi không đưa đến tự do, mà chỉ đem lại những thứ đi ngược với kỳ vọng của chúng tôi như sự đàn áp và nỗ lực xâm nhập của chính quyền vào hàng ngũ sinh viên."
Tối Chúa Nhựt, blogosphere -"thế giới mạng"- rộn ràng bùng nổ, phá bỏ những tự chế vẫn được giữ gìn từ trước đến nay.
Ban biên tập kinh tế và môi trường của tờ NHCT công bố một tình trạng lãng công, trong lúc nhóm ký giả thân chính phủ không cho ai post lên trang mạng của tờ báo nữa, để tránh những lập luận chống đối. Một nhóm 90 nhân viên của tờ NHCT ký tên vào một thông cáo nói những điều đang phổ biến trên trang mạng của NHCT không phải là lập trường chính thức của tờ báo. Một viên chức đầu não tuyên bố dư luận toàn quốc yểm trợ cuộc đấu tranh của ký giả.
Cho đến giờ phút này, giới chính trị Trung Quốc vẫn nhận định là Tập Cận Bình đặt rất nhiều hy vọng vào Hoa Nam, vùng đất khởi nghiệp của Đặng Tiểu Bình -vị ân sư và cũng là người ông Tập tôn vinh là nhân vật có công đầu khai phá con đường canh tân kinh tế cho Trung Quốc.
Sau khi được cử lên nắm chức vụ cao nhất trong chính quyền Trung Quốc, ông Tập trở lại thăm viếng Shenzhen, thành phố hai thập niên trước, được Đặng Tiểu Bình chọn làm khởi điểm cho công cuộc kỹ nghệ hóa Trung Quốc.
Ông Cận Bình đi đúng theo từng vết chân ông Tiểu Bình: bước thứ nhất là tối đa cải tiến kinh tế, và bước thứ nhì là tuyệt đối bảo thủ chính trị. Mặc dù tin tưởng vào tư tưởng tiến bộ của ông Cận Bình, người Hoa vẫn chưa quên được ông là môn đệ của Đặng Tiểu Bình -nhân vật ra lệnh đem thiết giáp càn vào Thiên An Môn, đàn áp sinh viên.
Một trong vài điều khiến ông Cận Bình được quần chúng ái mộ là ông kêu gọi tôn trọng hiến pháp, dù ông chưa tôn trọng quyền tự do ngôn luận ngay trong cuộc va chạm diễn ra giữa viên chức kiểm duyệt tỉnh Quảng Đông với bộ biên tập tờ NHCT.
Nhưng ông Tập cũng không để đàn áp xẩy ra; ông đi theo công thức Ai Cập: cho cán bộ Cộng Sản xuống đường biểu tình chống lại cuộc biểu tình đòi nhân quyền và dân chủ. Hôm thứ Tư mùng 9 tháng Giêng, hai đoàn biểu tình chạm trán trước tòa soạn tờ NHCT.
Nhóm biểu tình thân chính trương hình Mao Trạch Đông và cầm biểu ngữ tố cáo những ký giả đòi hỏi nhân quyền và dân chủ là bị "quyền lực thù nghịch ngoại quốc" chi phối. Trò hề Việt Cộng tố cáo người Việt hải ngoại là "lực lượng thù nghịch hải ngoại" được Trung Cộng tái diễn rất xôm tụ.
Bên lề cuộc biểu tình là thương thuyết; nhóm ký giả thân chính bên trong bộ biên tập của tuần báo NHCT tuyên bố đã thương thuyết thỏa đáng với chính quyền tỉnh Quảng Đông -chủ nhân ông phát lương cho ký giả NHCT- nên sau 3 ngày đình công NHCT lại tái xuất hiện ngày thứ Năm mùng 10 tháng Giêng.
Một điều chắc chắn là sau ngày chấm dứt đình công, những ký giả cầm đầu cuộc "nổi dậy tí hon" sẽ bị bắt nguội vì những lý do này, hay lý do khác không liên quan gì đến nhân quyền và dân chủ, như blogger Điếu Cầy không bị bắt vì tranh đấu cho quyền tự do dân chủ, mà bị bắt, bị tù vì trốn thuế.
Điều quan trọng hơn cái nỗ lực bé nhỏ của một nhúm ký giả yêu chuộng tự do là thái độ của ông Tập Cận Bình. Ông có là linh hồn của quần chúng Trung Hoa, mạnh hơn sức mạnh của ông thầy cúng Trung Cộng không? Ông có là Gorbachew Tầu không?
Hay ông chỉ là vị hoàng đế cũ, mỗi thập niên làm tuồng, vẽ mặt lại một lần, nhưng không bao giờ có ý định thay đổi thể chế -như anh bình luận gia lưu vong Trần Bình tiên đoán?
Nguyễn đạt Thịnh

Không có nhận xét nào: