Pages

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Phí chồng phí, dân gánh!



Phí chồng phí, dân gánh!
TP.Hồ Chí Minh cũng vừa xây xong trạm thu phí Thủ Thiêm dự kiến sẽ thu phí xe qua hầm vượt sông Sài Gòn.
(LĐ) – Số 7 – Thứ tư 09/01/2013 15:33 – Laodong
Phí Quỹ bảo trì đường bộ bắt đầu chính thức thu từ ngày 1.1.2013. Khi áp dụng loại phí này, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định bãi bỏ 17 trạm thu phí, tuy nhiên những trạm bãi bỏ đều thuộc loại thu nộp ngân sách và thu phí trả nợ vay.
Trong khi đó, các trạm thu phí BOT, BT vẫn tồn tại.
Cũng vào thời điểm trên, nhiều trạm thu phí BOT, BT còn tăng mức thu phí lên gấp đôi. Điều này dẫn đến tình trạng phí chồng phí, và hậu quả mọi gánh nặng phí đều trút lên vai người dân.

Tăng gấp đôi mức thu phí tại QL51
Nhiều người phản ánh rằng, từ ngày 1.1.2013, có trạm thu phí BOT tại quốc lộ 51 đã tăng mức thu phí lên gấp đôi so với mức thu cũ gây thêm nhiều khó khăn cho hoạt động vận tải. Chẳng hạn, mức thu cũ với xe tải dưới 2 tấn là 10.000 đồng thì nay mức thu mới tăng lên 20.000 đồng/lượt, tương tự xe container loại 40 feet mức thu cũ chỉ 80.000 đồng/lượt, còn mức mới tăng lên 160.000 đồng/lượt.
Theo Cty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC), việc tăng mức thu phí gấp đôi so với trước nhằm thu hồi vốn đầu tư. Bởi đây là hợp đồng BOT dự án mở rộng QL51 có tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 3.300 tỉ đồng, nhưng thực tế tổng vốn đầu tư đội lên gần 4.000 tỉ đồng do yếu tố lạm phát, tiền nhân công, lãi suất ngân hàng và bổ sung thêm hạng mục.
Ông Vũ Ngọc Thảo – GĐ Sở GTVT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT) – cho rằng, QL51 là tuyến giao thông độc đạo kết nối tỉnh BRVT với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, do đó việc tăng mức thu phí lên gấp đôi làm tăng gánh nặng phí vận chuyển hàng hóa trong khu vực, đặc biệt bóp nghẹt hoạt động của hệ thống cảng biển tại BRVT.
Ông Trần Việt Hùng – quản lý vận tải DN vận tải Công Thành (TPHCM) – phản ánh: “Vận chuyển hàng hóa từ TPHCM đến hệ thống cảng biển BRVT, mỗi xe container loại 40 feet phải nộp phí tại trạm thu phí QL51 lên đến 320.000 đồng cho cả chiều đi và về. Chỉ với chi phí này đã chiếm khoảng 10% chi phí vận chuyển. Đó là chưa kể những trạm thu phí khác. Và từ ngày 1.1.2013 còn phải đóng phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện. Điều này làm cho sức cạnh tranh khu vực cảng biển BRVT bị yếu đi, do chi phí vận chuyển cao”.
Kiến nghị giảm mức thu phí tại các trạm BOT, BT
Tại TPHCM, với sự xuất hiện ngày càng dày đặc các trạm thu phí BOT, BT bao vây thành phố như hiện nay cùng với việc áp dụng thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện dẫn đến tình trạng phí chồng phí. TPHCM hiện nay có đến 6 trạm thu phí nằm trên các cửa ngõ QL13, vành đai phía đông – cầu Phú Mỹ, Kinh Dương Vương, xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, QL1 (đoạn An Sương – An Lạc), và tất cả những trạm này đều thu theo hợp đồng BOT, BT. TPHCM hiện cũng đã xây xong trạm thu phí hầm vượt sông Sài Gòn, dự kiến thời gian tới cũng sẽ bắt đầu thu phí đối với phương tiện qua hầm.
Từ ngày 1.1.2013, trạm thu phí trên QL51 tăng mức thu lên gấp đôi.
Theo ông Thái Văn Chung – Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM – khi áp dụng thu phí bảo trì đường bộ, cơ quan quản lý nhà nước đã bãi bỏ 17 trạm thu phí nộp ngân sách, nhưng thực tế số trạm bãi bỏ so với số trạm BOT, BT được tồn tại chẳng thấm vào đâu. Trong khi đó, ở các thành phố lớn và trên tuyến quốc lộ đang tồn tại (và tương lai sẽ phát triển) nhiều trạm thu phí theo hình thức BOT, BT.
“Trong mức thu phí tại các trạm BOT, BT thực ra đã có khoản phí bảo trì công trình đường bộ công trình mà các nhà đầu tư đang thu phí hoàn vốn. Bây giờ áp dụng thu phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện thì khi xe đi qua các trạm thu phí BOT, BT vẫn phải nộp phí bảo trì đường bộ được tính trong mức thu là điều hết sức vô lý, khác nào phí chồng phí” – ông Thái Văn Chung cho biết.
Trong khi đó, theo phân tích của ông Trần Việt Hùng, việc tăng mức thu phí gấp đôi như QL51 hay tình trạng nhiều trạm thu phí BOT, BT tại TPHCM, rồi việc vẫn phải nộp phí bảo trì đường bộ dẫn đến phí chồng phí, suy cho cùng tất cả những khoản phí này người dân đều gánh chịu. Bởi vì, để đảm bảo hàng hóa vẫn lưu thông, các doanh nghiệp vận tải vẫn phải tạm ứng nộp phí đầy đủ, nhưng sau đó các khoản phí này đều được tính vào giá cước vận chuyển rồi cuối cùng tính gộp vào giá thành sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng hoặc xuất khẩu.
Theo kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, để giải quyết triệt để trình trạng phí chồng phí như hiện nay và tạo sự công bằng, đối với các trạm thu phí thu theo hình thức BOT, BT; Bộ Tài Chính có thể yêu cầu các chủ đầu tư giảm mức thu phí đường bộ tương ứng với chi phí bảo trì hằng năm đối với từng công trình cụ thể. Thay vào đó, hằng quý hoặc hằng năm, Nhà nước trích từ Quỹ bảo trì đường bộ thu qua đầu phương tiện hoàn lại cho chủ đầu tư các công trình khoản tiền tương ứng với mức mà chủ đầu tư đã giảm phí tại các trạm này.
Đến 30.4, dừng thu phí trạm phí nam Cầu Giẽ. Theo ông Trần Văn Tuyền – Giám đốc Xí nghiệp trạm thu phí nam Cầu Giẽ – đến ngày 30.4.2013, trạm thu phí nam Cầu Giẽ sẽ chính thức dừng hoạt động do hết hạn hợp đồng chuyển giao quyền thu phí.
Lý giải cho việc trạm thu phí này vẫn hoạt động khi phí sử dụng đường bộ có hiệu lực từ ngày 1.1.2013, ông Tuyền cho rằng, Cty TNHH Hải Châu giành quyền thu phí tại trạm thu phí nam Cầu Giẽ trong thời hạn 5 năm với giá 239 tỉ đồng từ ngày 1.7.2007 – 30.6.2012.
“Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thu phí, phía Cty TNHH Hải Châu đã mở thêm 2 làn đường bên trạm theo hình thức BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao). Vì thế, trạm sẽ được gia hạn thêm 216 ngày nữa”.
Ngoài ra, ông Tuyền cũng cho biết, bình quân mỗi ngày, trạm thu phí nam Cầu Giẽ thu được khoảng hơn 100 triệu đồng từ việc bán vé lượt đối với các phương tiện.    Q.Hiệu

Không có nhận xét nào: