Pages

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Tăng nguồn lực hay cõng thêm nợ?


Icon_Bank_cash vnd1
Mới đây, Đà Nẵng đã phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với tổng khối lượng phát hành có giá trị 5.000 tỷ đồng. Đây là một hướng huy động vốn mới trong điều kiện nguồn lực ngân sách, đất đai và DN bị hạn chế.
Nguồn lực mớiTrước đó, tại Hội nghị Chính phủ triển khai những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cho năm 2013, nhiều đơn vị khác như Hà Nội, Bình Dương, một số tỉnh Tây Bắc cũng đã rục rịch lên phương án trái phiếu. Việc chạy theo kênh trái phiếu để huy động ngân sách tới thời điểm này vẫn còn là những dấu chấm hỏi về hiệu quả và những rủi ro có thể xảy ra.
Nghị định số 01 năm 2011 về phát hành trái phiếu chính phủ, và Thông tư 81 năm 2012 của Bộ Tài chính đã khơi màu cho trái phiếu địa phương đi vào thực tiễn. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc sử dụng trái phiếu chính phủ được đánh giá là giải pháp nhằm “cứu sống” nền kinh tế đang lâm vào khó khăn do tình trạng thiếu vốn đang diễn ra ở khắp nơi.
Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương góp phần mở rộng thực hiện huy động các nguồn vốn nhàn rỗi của địa phương. Trái phiếu chính quyền địa phương có mức độ tín nhiệm cao chỉ sau trái phiếu chính phủ, do đó thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Với nhu cầu ngày càng lớn mà nguồn thu của Ngân sách Nhà nước còn nhiều hạn chế, đặc biệt yêu cầu “hạn chế tối đa các dự án khởi công mới” trong năm 2013 nhằm “thắt lưng buộc bụng” đầu tư công, thì việc phát hành trái phiếu đầu tư trung và dài hạn sẽ mang lại nguồn vốn quan trọng. Thực tế tại thành phố Hồ Chí Minh, địa phương đầu tiên thực hiện mô hình này đã khá thành công trong việc thu hút hàng nghìn tỉ đồng vốn đầu tư
Việc phát hành trái phiếu hoặc các hình thức cho vay khác còn góp phần thực hiện cân đối ngân sách địa phương một cách tích cực. Việc gia tăng chi tiêu công, đặc biệt cho đầu tư công, trong điều kiện kinh tế khó khăn sẽ góp phẩn thực hiện kích cầu cải thiện tình trạng suy thoái, cùng với việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đã tạo ra áp lực làm tăng mức chi của ngân sách địa phương. Do đó, việc đẩy mạnh phân cấp về đầu tư và vay nợ cho chính quyền địa phương, phát hành trái phiếu sẽ là biện pháp giải quyết được hạn chế mất cân đối trong ngân sách.
Thứ tư, việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương có một tác động to lớn đến sự phát triển của thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng khi thị trường được cung cấp thêm 1 số lượng lớn chứng khoán có chất lượng cao và góp phần làm phong phú hơn chủng loại hàng hóa cho thị trường chứng khoán. Trái phiếu này được đánh giá là loại chứng khoán nợ có mức tín nhiệm cao, góp phần đáp ứng nhu cầu đầu tư của công chúng, mở rộng các kênh huy động vốn, đa dạng hóa công cụ đầu tư, có nhiều cơ hội chọn lựa hiệu quả.
Cảnh báo rủi ro
Tuy nhiên, không thể bỏ qua những rủi ro của việc này lại cho nền kinh tế trong giai đoạn nợ công đang ở mức đáng lo ngại ở Việt Nam.
Thứ nhất, vốn huy động được “chui” vào ngân sách địa phương nhằm làm “tròn trĩnh” con số ngân sách bội chi trước đó. Đáng lo ngại hơn nếu đồng “vốn nợ” đó chỉ nằm im mà không thông qua quá trình vận hành, cho ra hàng hóa. Nghĩa là quy luật của đồng tiền bị gián đoạn, gây tổn thất cho nền sản xuất quốc gia. Gần đây, cụm từ “chủ nghĩa GDP” bắt đầu được nhắc đến như một cảnh báo về sự mất cân đối trong phát triển “con số” và phát triển “con người” vốn đã diễn ra tại Trung Quốc. Theo đó, việc chạy theo GDP hay lấp đầy ngân sách một cách “phi kế hoạch” thông qua trái phiếu địa phương sẽ là hành động tự làm tăng “cục nợ” của mình lên cho đến khi các khoản nở “nổ tung”.
Thứ hai, nguồn vốn huy động không đi kèm với bất kỳ một dự án nào được kế hoạch trước, hoặc chỉ được dùng để tài trợ cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kém hiệu quả do thiếu các biện pháp, chính sách và giải pháp đi kèm khiến “tiền không sinh lợi nhuận”. Khi đó, mức vay nợ của ngân sách địa phương tăng lên. Điều này ảnh hưởng đến tình hình an ninh tài chính địa phương cũng như quốc gia. Với mức bội chi ngân sách quá lớn sẽ làm cho khả năng cân đối nguồn thu đảm bảo thanh toán nợ đáo hạn khó có thể thực hiện được, dẫn đến vỡ nợ mà người trả cũng chính là Nhà nước.
Trong một báo cáo của Chính phủ , nợ công của Việt Nam năm 2012 ước chiếm khoảng 55,4% GDP, trong đó nợ Chính phủ chiếm 43,1% GDP; nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 11,7% GDP; nợ địa phương mới chỉ chiếm 0,53% GDP nhưng có nguy cơ tăng trước tình trạng phát hành trái phiếu ồ ạt như hiện nay.
Trên thế giới, đã không ít các quốc gia phải đối diện với những hệ lụy nghiêm trọng từ việc phát hành trái phiếu địa phương. Điển hình là tỉnh Quảng Đông, Chiết Giang (Trung Quốc) vào khoảng gần cuối năm 2011 đã phát hành trái phiếu kì hạn 3-5 năm cũng đã không thể giải quyết gánh nặng nợ nần đang tăng lên của chính quyền địa phương sau những nỗ lực kích thích kinh tế trong cuộc khủng hoảng 2008-2009, trái lại còn khiến nợ địa phương ngày một “phình to” dẫn đến mất kiểm soát. Hay tại Hoa Kỳ, ngày 1/8/2012 chứng kiến sự kiện thành phố San Barnandio của California đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vì không thể kiểm soát nợ địa phương. Trước đó, nhiều thành phố đã gặp phải vấn nạn tương tự xảy ra trên cường quốc kinh tế số một này.
Việc phát hành trái phiếu địa phương là không sai, nhưng động cơ phát hành và giải pháp thực hiện giải ngân, xử lí nguồn vốn huy động một cách hiệu quả mới chính là yếu tố quan trọng, là chìa khóa cho bài toán “cứu sống hay giết chết” nền kinh tế khi trái phiếu địa phương được đồng loạt ban hành.
Đỗ Thiện – Anh Thùy

Không có nhận xét nào: