Pages

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Trung Quốc châm ngòi chạy đua vũ trang mới?



(VnMedia) - Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ với một loạt nước Đông Nam Á ở Biển Đông và với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Các cuộc tranh chấp này đã trở nên hết sức căng thẳng trong một năm trở lại đây.
Trung Quốc là một cường quốc hàng đầu khu vực với sức mạnh ngày càng tăng nhưng không vì thế, các nước khác lại nhụt chí trong quyết tâm “bảo vệ chủ quyền” của họ. Không những thế, các nước cũng sẵn sàng “ăn miếng trả miếng” với Trung Quốc.
Tuy nhiên, trước một Trung Quốc mạnh hơn và ngày càng hung hăng hơn, các nước cũng đã triển khai một loạt biện pháp nhằm đối phó với nước này trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.


Nhật Bản – thách thức lớn nhất của Trung Quốc
Nhật Bản được cho là nước thể hiện lập trường quyết liệt nhất và cứng rắn nhất đối với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Bản thân Bắc Kinh cũng thừa nhận, Nhật Bản là mối đe dọa lớn nhất đối với họ trong khu vực.
Bắc Kinh có lý do để lo ngại về Nhật Bản. Không chỉ có quyết tâm và sự cứng rắn trong tranh chấp chủ quyền, Nhật Bản còn có sức mạnh quân sự ngang bằng nếu không nói là nhỉnh hơn so với Trung Quốc. Chưa hết, Nhật Bản còn có một đồng minh cực mạnh là Mỹ - cường quốc số 1 về quân sự của thế giới. Washington có cam kết sẽ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp Nhật Bản bị tấn công trực tiếp. Nếu xét cán cân sức mạnh hiện tại, Nhật Bản rõ ràng đã có ưu thế hơn hẳn Trung Quốc.
alt
Tàu Hải giám Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.net.

Trong cuộc đối đầu với Trung Quốc quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư suốt từ năm ngoái đến giờ, Tokyo luôn cho thấy họ sẽ không lùi bước trong vấn đề bảo vệ chủ quyền. Quyết tâm giữ cho bằng được quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Nhật Bản được thể hiện rất rõ qua một loạt biện pháp mà nước này triển khai gần đây để đối phó với nước láng giềng của mình.
Nhật Bản vốn được biết đến là một đất nước có hiến pháp hòa bình. Bản hiến pháp hòa bình, từ bỏ chiến tranh này được cho là một “dây cương” kiềm chế quân đội. Tuy nhiên, tân Thủ tướng Nhật Bản Zhinzo Abe đang có ý định tháo bỏ chiếc dây cương đó trong bối cảnh mối đe dọa từ Trung Quốc ngày càng tăng lên. Rõ ràng Tokyo phải nhìn nhận Trung Quốc là mối đe dọa lớn như thế nào thì họ mới quyết tâm thay đổi hiến pháp mà họ đã theo đuổi mấy chục năm qua.
Vì việc thay đổi hiến pháp, cởi trói cho quân đội không thể diễn ra một sớm một chiều nên Nhật Bản cũng đã nhanh chóng triển khai các biện pháp đối phó trước mắt với Trung Quốc.
Hồi tháng trước, Nhật Bản tuyên bố đang xúc tiến thành lập một đơn vị đặc nhiệm hải quân nhằm “bảo vệ chủ quyền” của nước này đối với quần đảo Senkaku/ĐiếuNgư đang nằm trong tranh chấp với Trung Quốc. Theo Tokyo, đơn vị đặc nhiệm mới sẽ có nhiệm vụ chống lại việc Trung Quốc thường xuyên cho tàu thuyền vào xâm phạm vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Ngoài việc xúc tiến thành lập một đơn vị đặc nhiệm hải quân, Nhật Bản cũng tăng cường triển khai thiết bị, vũ khí quân sự tối tân đến vùng tranh chấp để đối phó với Trung Quốc. Sau bước đi tăng cường năng lực của các hệ thống radar ở vùng tranh chấp nhằm phát hiện máy bay Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngay hôm đầu tiên của năm mới đã thông báo kế hoạch “tung” một loại máy bay do thám mới nhất, hiện đại nhất của Mỹ ra quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để tăng cường an ninh ở đây. Cụ thể, những chiếc máy bay do thám không người lái cực kỳ tối tân Global Hawk sẽ bay trên bầu trời biển Hoa Đông từ năm tài chính 2015.
Global Hawk do Hãng Northrop Grumman chế tạo. Đây là loại máy bay được đánh giá là “sự kỳ diệu” của công nghệ Không quân Mỹ. Global Hawk là máy bay do thám không người lái thế hệ mới, hiện đại nhất của quân đội Mỹ. Chiếc máy bay này có khả năng chụp, thu thập, truyền về căn cứ các hình ảnh địa hình, vật thể, trận địa với độ phân giải cực cao. Global Hawk cũng có thể nghe trộm đường truyền tín hiệu và ghi lại các hoạt động dưới mặt đất.
Những máy bay do thám không người lái Global Hawk được trang bị thiết bị cảm biến tích hợp nâng cao (EISS) với hệ thống radar độ phân giải cao giúp máy bay có thể nhìn xuyên qua những đám mây dày đặc và hoạt động hiệu quả trong tình trạng bão cát, cho phép phát hiện những vật thể có chiều dài khoảng 30cm khi đang bay ở độ cao 20km.
Global Hawk thường được sử dụng cho mục đích phát hiện, phân loại và giám sát đối phương từ một khoảng cách rất xa mà vẫn rõ ràng trong khoảng thời gian gần như đồng thời với hoạt động của mục tiêu.
Một trong những động thái thể hiện sự quyết tâm đối đầu đến cùng với Trung Quốc trong tranh chấp ở biển Hoa Đông là, ngày hôm qua (5/1) có tin, chính phủ Nhật Bản có thể sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lần đầu tiên trong 11 năm trở lại đây. Hiện tại, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản đã đứng thứ 6 thế giới. Số ngân sách quốc phòng tăng thêm sẽ được chi vào việc tăng số lượng binh lính cho lực lượng phòng vệ mặt đất của Nhật Bản đồng thời nâng cấp các thiết bị cho lực lượng không quân, lục quân và hải quân.
Nhật Bản vốn sở hữu một trong những lực lượng quân đội tinh vi nhất trên thế giới với hơn 200.000 binh lính, một lực lượng hải quân được trang bị vũ khí rất tốt và một lực lượng không quân sắp được bổ sung hàng chục máy bay chiến đấu tối tân F-35 dù đã có trong tay phi đội có sức mạnh đáng sợ F-15.
Đối đầu với một nước mạnh và quyết liệt như Nhật Bản, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải cân nhắc, thận trọng hơn trong từng bước đi bởi nếu để mọi thứ vượt ra khỏi tầm kiểm soát hai nước sẽ rơi vào một cuộc chiến tranh có hậu quả khủng khiếp cho cả hai.

Philippines tăng sức mạnh quân sự đối phó với Trung Quốc
Một trong các cuộc đối đầu nóng bỏng nhất vì tranh chấp ở Biển Đông trong thời gian qua là cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines. Mặc dù xét về thực lực, Philippines không phải là đối thủ của Trung Quốc nhưng nước này không vì thế mà chịu nhượng bộ trước nước láng giềng lớn hơn. Thay vào đó, Manila cũng thể hiện một lập trường đầy cứng rắn và quyết tâm trong việc “bảo vệ chủ quyền” ở Biển Đông.
Cũng giống như Nhật Bản, Philippines có mối quan hệ đồng minh gắn bó và thân thiết với Mỹ dù nước này không có được lời cam kết được bảo vệ từ Washington nếu nước thứ ba tấn công họ như trong trường hợp của Nhật Bản. Tuy vậy, Manila cũng luôn tìm cách dựa vào sự giúp đỡ của Mỹ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Mặc dù tuyên bố đứng trung lập trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông nhưng Mỹ vẫn hỗ trợ Philippines tăng cường sức mạnh quân sự. Cụ thể, trong thời gian vừa qua và sắp tới, Manila sẽ đón nhận thêm các tàu chiến từ Mỹ để giúp nước này tăng cường năng lực phòng vệ trên biển.
Hải quân Philippines cũng đang trang bị thêm một loạt tàu tấn công đa năng mới tinh do một công ty trong nước chế tạo. Theo các quan chức Philippines, những tàu chiến đó sẽ được sử dụng để ngăn chặn tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải Philippines, tuần tra biển, hay phục vụ cho các hoạt động hàng hải và bảo vệ an ninh biên giới trên biển của Philippines.
Tổng thống Philippines Aquino đã cam kết sẽ ủng hộ những nỗ lực hiện đại hóa lực lượng quân đội, trang bị thêm nhiều vũ khí hiện đại mới nhằm nâng cao sức mạnh quân sự của nước này. Hải quân Philippines dự kiến sẽ được trang bị các loại tàu chiến chiến lược có khả năng đổ bộ, các tàu tuần tra ngoài khơi, trực thăng hải quân, các trạm giám sát bờ biển... Theo dự kiến, trong tháng này, Hải quân Philippines sẽ nhận được thêm một tàu chiến từ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Mỹ. Tàu chiến này sẽ được đặt theo tên của một chỉ huy tàu tuần tra biển trong Thế chiến thứ II – Ramon Alcaraz.
Hồi tháng trước, Philippines cũng đã thông báo quyết định mua 3 trực thăng hải quân từ Tập đoàn vũ khí AgustaWestland của Italia. Kế hoạch mua trực thăng trên nằm trong chương trình hiện đại hóa quân sự khẩn cấp của Philippines nhằm đối phó với Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines – ông Voltaire Gazmin cho hay: “Động thái mua trực thăng hải quân này là một bước đi vững chắc giúp hoàn thành mục tiêu hiện đại hóa Hải quân Philippines và các lực lượng vũ trang nói chung. Nó cũng chứng minh mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia và bảo toàn lãnh thổ của Philippines”.
Nguồn : Biển Đông

Không có nhận xét nào: