Pages

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Trung Quốc điều quân tới sát Myanmar


Trung Quốc mới đây đã điều động binh sĩ, xe thiết giáp và các hệ thống quan sát tới khu vực biên giới giáp với Myanmar. Động thái “lạ” của Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về sự thay đổi trong mối quan hệ giữa quốc gia Đông Nam Á này với Trung Quốc.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc chỉ đưa tin rằng vào đêm 9/1 vừa qua, Trung Quốc đã điều động binh sĩ tới tỉnh Vân Nam giáp với bang Kachin của Myanmar. Lý do mà Trung Quốc đưa ra là lo ngại bạo lực leo thang tại khu vực này vượt quá giới hạn. Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc lại không nêu rõ số lượng cũng như thành phần nhóm quân này.

Cũng theo Thời báo Hoàn cầu, các binh sĩ Trung Quốc tới khu vực giáp biên với Myanmar nhằm “nắm bắt tình hình” bởi vì các vụ nã pháo trong cuộc xung đột giữa quân đội Myanmar và lực lượng phiến quân tại Kachin đã khiến nhiều dân thường bỏ chạy sang phía Trung Quốc. Báo chí Trung Quốc thậm chí còn đưa tin đạn pháo còn nã trúng một ngọn núi bên lãnh thổ Trung Quốc.

Binh sĩ Trung Quốc
Binh sĩ Trung Quốc

Trong khi đó, các nguồn tin quân sự cho biết số lượng binh sĩ mà Trung Quốc tăng cường lên tới hàng trăm cùng nhiều xe bọc thép và các hệ thống quan sát. Phía Trung Quốc cũng không đóng cửa biên giới với Myanmar mà để nhiều người vượt biên sang Trung Quốc.

Trước đó, hôm 4/1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thậm chí còn cáo buộc 3 quả bom đã rơi sang lãnh thổ Trung Quốc trong một cuộc oanh kích tại khu vực biên giới của Myanmar giáp Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết phía Trung Quốc đã yêu cầu Myanmar có biện pháp hiệu quả và ngay lập tức nhằm tránh tái diễn sự việc tương tự.

Bang miền Bắc Kachin của Myanmar
Bang miền Bắc Kachin của Myanmar

Động thái của Trung Quốc được giới phân tích chú ý trong bối cảnh quốc gia này đang có tranh chấp lãnh thổ với nhiều quốc gia khác. Không chỉ “xích mích” với láng giềng Nhật Bản ở ngoài biển liên quan chủ quyền quần đảo Senkaku, Trung Quốc thậm chí còn đưa ra yêu sách lãnh thổ với cả Nga.

Các chuyên gia Nga cho rằng giữa Nga và Trung Quốc thì quan hệ hòa bình vẫn là chủ đạo. Song không vì thế mà Trung Quốc không đưa ra các yêu sách về lãnh thổ với Nga. Phía Trung Quốc mới đây cho rằng biên giới Nga-Trung tại Cộng hòa Altai thuộc Nga là khu vực tranh chấp. Phía Trung Quốc muốn đẩy đường biên giới vào sâu lãnh thổ của Nga hơn và yêu cầu Nga nhường vài trăm hécta khu vực núi non ở đây. Vấn đề này trên thực tế đã được đưa lên bàn nghị sự hồi mùa Thu năm ngoái. Tuy nhiên không sự thay đổi nào xảy ra. Các chuyên gia Nga cho rằng chỉ có phía Trung Quốc là luôn sẵn sàng “khới” lên các vấn đề về lãnh thổ.
Một số
Một số "điểm nóng" tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực do báo nước ngoài liệt kê

Liên quan tới Myanmar, nhiều ý kiến cho rằng đây chính là hướng phản công của Nhật Bản chống lại Trung Quốc. Bình luận này được đưa ra nhân chuyến thăm của của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso tới Myanmar hồi đầu tháng này. Chuyến thăm này được nhận định không chỉ nhằm mục đích đón đầu các cơ hội kinh tế mà còn giúp Tokyo gia tăng ảnh hưởng.

Ngay từ hồi tháng 3/2011, Nhật Bản đã có những hành động cụ thể đối với Myanmar mà điển hình là việc cắt giảm món nợ khổng lồ của Myanmar (500 tỷ yen) và cung cấp các khoản vay mới. Trong chuyến thăm của Phó Thủ tướng Taro Aso, phía Nhật Bản đã cam kết xóa nợ 5,74 tỷ USD và cho Myanmar vay thêm 50 tỷ yen. Theo kế hoạch, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ thăm Mỹ vào cuối tháng Một này. Một trong những vấn đề trong chương trình nghị sự chính là Myanmar.

Phía Trung Quốc đã không khỏi lo lắng khi mới đây tờ Thời báo Hoàn cầu phải thốt lên rằng mối quan hệ ngày càng tăng giữa Myanmar với Nhật Bản, Ấn Độ và các nước phương Tây có thể ảnh hưởng tới quan hệ giữa Trung Quốc và Myanmar, tạo sức ép lên cái gọi là “khoảng không chiến lược” của Bắc Kinh tại quốc gia Đông Nam Á này. Theo đó, một mặt trận chống Trung Quốc đang được hình thành tại đây.

(Báo mới)

Không có nhận xét nào: