Pages

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Trung Quốc sẽ khảo sát đảo để leo thang xâm chiếm Biển Đông


Icon_Biển Đông_Đường Lưỡi Bò1
Tân Hoa Xã – hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đưa tin, chính quyền nước này đã lên kế hoạch trong năm 2013 sẽ tiến hành khảo sát các điều kiện địa lý, địa chất và khí hậu trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam nhằm đẩy mạnh kế hoạch xâm chiếm trái phép trên Biển Đông.
Đây là kế hoạch được đưa ra sau một Hội nghị quốc gia về hàng hải tổ chức hôm 10/1 vừa qua và kế hoạch này sẽ được tiến hành ngay trong năm nay để nghiên cứu khảo sát các nguồn lợi tự nhiên “trên những hòn đảo thuộc lãnh thổ Trung Quốc”, Tân Hoa Xã đưa tin.
Đảo Trường Sa lớn – một trong những hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Cũng theo hãng thông tấn này, các cuộc khảo sát sẽ được tiến hành để giám sát và xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý, địa chất và khí hậu trên “một số hòn đảo quan trọng” thuộc các quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa), Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam và quần đảo thuộc khu vực Trung Sa (bãi Macclesfield, nơi Trung Quốc, Đài Loan và Philippines đang có tranh chấp chủ quyền).
Đây rõ ràng là hành động mới nhất thể hiện sự ngang ngược và hung hăng của chính quyền Bắc Kinh và quyết tâm thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông và những quần đảo hoàn toàn không thuộc chủ quyền của họ, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác, bất chấp những quy định rõ ràng của luật pháp quốc tế đối với vấn đề chủ quyền biển, đảo, lãnh thổ.
Trong hội nghị được tổ chức hôm 10/1, giới chức Trung Quốc đã cho biết, họ sẽ tiến hành khảo sát các quần đảo này nhằm tập hợp những thông tin, dữ liệu về số lượng, chất lượng, nguồn lợi tự nhiên, điều kiện môi trường, sinh thái cũng như các tiềm năng phát triển để tiến hành phát triển cơ sở hạ tầng trên đó.
Các cuộc khảo sát dự định được tiến hành cả trên những vùng nước xung quanh một số “hòn đảo quan trọng”, bao gồm cả phần đáy biển và các điều kiện thủy văn nhằm đánh giá hiện trạng và những khó khăn trong việc phát triển kinh tế – xã hội trên những hòn đảo này.
Mưu đồ xâm chiếm và xây dựng cơ sở hạ tầng trên những hòn đảo ở Biển Đông cũng chính là một phần trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 -2020) của chính quyền Bắc Kinh.
Tân Hoa Xã cho biết, các cuộc khảo sát này dự kiến sẽ được tiến hành ngay trong nửa đầu năm 2013 và hoàn thiện vào cuối năm 2016.
Trung Quốc liên tục cử các tàu Hải giám, Ngư chính và cả tàu chiến ra quấy rối ở Biển Đông nhằm dọn đường cho ấm mưu phi pháp của mình trên vùng biển này.
Để chuẩn bị cho mưu đồ độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã công bố tấm bản đồ “đường 9 đoạn” (bản đồ đường lưỡi bò) trong đó bao trọn 4 nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên biển Đông là quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa của Việt Nam và bãi Macclesfield với khoảng 75% diện tích mặt nước của biển Đông. Đáng chú ý là tấm bản đồ phi lý và phi pháp này mới chỉ được Trung Quốc tự vẽ ra vào năm 1947 và đơn phương tuyên bố áp dụng mặc dù nó không hề được bất kỳ quốc gia hay tổ chức quốc tế nào công nhận cũng như không phù hợp với các công ước, luật pháp quốc tế.
Tháng 6/2012, chính quyền Bắc Kinh đã tiến thêm một bước để hiện thực hóa tuyên bố của mình đối với Biển Đông bằng cách thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” dựa trên tấm bản đồ đường lưỡi bò. Ngày 25/12, hãng tin Bloomberg trích dẫn nguồn tin của tờ “Người đưa tin thế kỷ 21” của Trung Quốc cho biết, chính quyền Bắc Kinh đã chính thức  phê duyệt dự án đầu tư 1,6 tỷ USD để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng cho “thành phố Tam Sa” trong đó tiếp tục thể hiện những tuyên bố và hành động phi pháp trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hay một số đảo mà Philippines vẫn tuyên bố chủ quyền.
Không chỉ gây hấn và khiến các quốc gia có một phần chủ quyền ở Biển Đông nổi giận, Trung Quốc còn châm ngòi cho một cuộc căng thẳng khác trên biển Hoa Đông khi liên tục đụng độ với Nhật Bản trong vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) – quần đảo đang do Nhật Bản kiểm soát.
Cũng theo tiết lộ của các quan chức chính quyền Hải Nam, nguồn quỹ 1,6 tỷ USD này còn được sử dụng để gia tăng sức mạnh của các lực lượng chấp pháp trên biển, các lực lượng ngư chính… hiện đang đóng quân ở thành phố Quảng Châu.
Lê Trí

Không có nhận xét nào: