Thuyền đánh cá chở người tị nạn Việt Nam đến gần bờ biển của đảo Christmas của Úc, ngày 14 tháng 4, 2013. (Ảnh tư liệu) |
Phil Mercer - VOA -
SYDNEY — Kế hoạch của Úc, đưa nhiều người xin tị nạn sang nước láng giềng Papua New Guinea, đang bị các nhóm nhân quyền và các chính trị gia đối lập chỉ trích. Động thái này nằm trong khuôn khổ cải tổ chính sách di trú của Thủ tướng Kevin Rudd nhằm hạn chế số lượng người kỷ lục xin tị nạn tại Australia. Papua New Guinea sẽ nhận được nhiều khoản viện trợ vì vai trò của nước này trong kế hoạch về người tỵ nạn. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer gửi về bài tường thuật sau đây.
Chính phủ Úc đã bắt đầu một chiến dịch quảng cáo trên đài phát thanh và truyền hình để quảng bá kế hoạch về người tỵ nạn gây tranh cãi tới các cử tri trước các cuộc bầu cử vào cuối năm nay.
Từ nay trở đi, những người tới Australia trái phép bằng đường biển sẽ không có cơ hội được tái định cư trên danh nghĩa người tỵ nạn tại nước này. Thay vào đó, họ sẽ được đưa tới Papua New Guinea gần đó và sẽ được cho phép sống tại đó nếu các đơn xị tị nạn của họ được chấp thuận.
Thông báo nói rằng: “Những ai tới bằng đường biển sẽ được đưa tới Papua New Guinea và sẽ được định cư tại đó vĩnh viễn. Trả tiền cho một kẻ buôn người không phải là cái vé để tới Australia. Các luật lệ giờ đã thay đổi”.
Kế hoạch được công bố thứ Sáu tuần trước, sau các cuộc thảo luận giữa Thủ tướng Australia Kevin Rudd và người đồng nhiệm Papua New Guinea của ông là Peter O'Neill. Tất cả những người xin tị nạn tới Australia bằng thuyền giờ sẽ được đưa tới Papua New Guinea và sẽ không được tái định cư ở Australia nếu đơn xin tị nạn của họ được chấp thuận.
Chính sách cứng rắn mới được công bố trước khi diễn ra các cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm nay mà chính sách nhập cư của nước này đối với những người xin tị nạn dự kiến sẽ trở thành một vấn đề chính trị nổi bật.
Đối thủ chính của ông Rudd, lãnh đạo đối lập thuộc phe bảo thủ, Tony Abbott, đã kêu gọi việc siết chặt chính sách nhập cư để ngăn chặn làn sóng thuyền nhân tới xin tị nạn, nhưng nói rằng ông nghi ngờ rằng thỏa thuận mới sẽ có hiệu quả.
“Ông Rudd đã đánh lừa công chúng tới mức không thành thật về việc này. Ông ấy nói rằng theo thỏa thuận đạt được, bất kỳ ai tới Australia trái phép bằng thuyền sẽ phải tới Papua New Guinea và rằng không một ai tới Papua New Guinea sau đó sẽ trở lại Australia. Không có một sự khẳng định nào xuất phát từ tài liệu.”
Trong những tháng gần đây, số lượng tàu thuyền bất hợp pháp tới các vùng lãnh hải ở phía bắc Australia đã tăng vọt. Hàng trăm người tị nạn đã bỏ mình ngoài biển trong những năm gần đây. Đã có hơn 15.000 người tới Australia kể từ tháng Giêng, chủ yếu là từ Iran, Sri Lanka và Afghanistan. Con số đó thấp hơn con số của toàn năm ngoái là 2.000 người.
Chính phủ của ông Rudd nhấn mạnh rằng nhiều người xin tị nạn không trốn chạy tình trạng bị đàn áp, mà trên thực tế là những các di dân kinh tế. Giới hữu trách hy vọng rằng kế hoạch với sự tham gia của Papua New Guinea sẽ làm nản lòng nhiều người thực hiện các chuyến đi nguy hiểm bằng thuyền.
Tuy nhiên, những người chỉ trích cáo buộc ông Rudd đã đạt một thỏa thuận quá khắc nghiệt đối với những người xin tị nạn.
Luật sư về vấn đề di trú David Manne cho rằng trong khi Papua New Guinea đã ký Công ước LHQ về người tị nạn, nước này thiếu khả năng đảm bảo rằng hàng nghìn người xin tị nạn sẽ được đối xử một cách tử tế.
“Ta thấy quan điểm rõ ràng: cho dù Australia có tìm cách chuyển người xin tị nạn sang Papua New Guinea, Australia cũng không chuyển giao trách nhiệm pháp lý của mình cho những người xin tị nạn liên quan tới việc họ bị đối xử ra sao, hay số phận chung cuộc của họ. Đó là điều khá rõ ràng theo luật pháp quốc tế. Tôi nghĩ rằng thực tế đáng buồn là Papua New Guinea là một nơi hết sức thiếu an toàn. Không có gì đảm bảo rằng mọi người sẽ nhận được sự bảo vệ mà họ có quyền hoặc là theo pháp luật hoặc là được hưởng trên thực địa”.
Canberra chờ đợi tòa án sẽ chống lại thỏa thuận về người xin tị nạn với Papua New Guinea nhưng các vị bộ trưởng nhấn mạnh rằng thỏa thuận này sẽ đứng vững trước sự soi xét về mặt pháp lý.
Australia cấp thị thực tỵ nạn cho khoảng 13,000 người mỗi năm theo các nghĩa vụ quốc tế mà nước này đã cam kết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét