Pages

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Việt Nam đàn áp người phê phán chính phủ

Zoe Danniel Phóng viên ABC đã có mặt tại Việt Nam và phỏng vấn các blogger và người bất đồng chính kiến.

Chính phủ Việt Nam đang chịu nhiều áp lực của dư luận trước việc đàn áp người bất đồng chính kiến và blogger. Những người lên tiếng chỉ trích hoặc đặt nghi vấn về các chính sách của chính phủ thường xuyên bị bắt và bị giam giữ.
Kể từ đầu năm tới nay hơn 50 người đã bị bắt giam khiến dư luận quốc tế đồng loạt lên tiếng kêu gọi nước này thả tự do đối với những tù chính trị và các nhà hoạt động ôn hòa.
Bộ trưởng Ngoại Giao Úc, ông Bob Carr, cũng từng nêu vấn đề này với chính phủ Việt Nam tại Brunei đầu tháng 7 vừa qua.


Phóng viên thường trú tại khu vực Đông Nam Á của ABC, cô Zoe Daniel, vừa có cuộc gặp gỡ bí mật với một số blogger và người bất đồng chính kiến tại Hà Nội. Trong đó có Nguyễn Văn Đài thuộc Hội Anh Em Dân Chủ hiện vẫn bị quản chế tại nhà riêng.
“Quản chế tại nhà có nghĩa là nếu tôi đi ra khỏi khu vực cho phép, trong bán kính 1 cây số vuông, tôi phải được phép của cơ quan địa phương. Nếu tôi ra khỏi khu vực của mình mà không có phép của cảnh sát, cơ quan an ninh có thể sẽ bắt giam tôi,” ông Đài nói.
Ông Đài đã lẻn ra khỏi nhà để đến gặp phóng viên. Ông còn định rủ một người bạn nữa đi cùng, tuy nhiên điện thoại của người này bị tắt và không biết anh ta ở đâu. Sau đó được biết công an mật đã giữ không cho người này ra khỏi nhà. Lần cuối cùng ông Đài liên lạc với người bạn này là đêm hôm trước.
Đó là cuộc sống thường ngày của những nhà hoạt động ủng hộ dân chủ tại Việt Nam và đã có hơn 50 người bị bắt giam trong năm nay. Những người chưa bị bắt hiện phải sống lẩn trốn nhà cầm quyền.
Ông Nguyễn Văn Đài nói: “Hệ thống chính trị của Việt Nam rất tồi tệ và điều hành bởi duy nhất đảng Cộng sản. Điều đó không tốt cho đất nước tôi. Chúng tôi cần một hệ thống đa đảng tại Việt Nam.”
“Điều đó là đúng đắn cho người Việt Nam và công bằng cho mọi người trong nước tại Việt Nam”, ông Đài nói.
Có rất nhiều lí do tạo nên những cuộc biểu tình gần đây tại Việt Nam. Và đi đôi với nó là những vụ bắt giam những nhà hoạt động và blogger đã khuyến khích thảo luận trên Internet.
Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại vùng tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa (biển Đông) đã tạo nên những vụ huyên náo và chính quyền bắt bớ hàng loạt người biểu tình trên đường phố.
Bà Bùi Thị Minh Hằng đã bị bắt giam 5 tháng sau khi bà tham gia biểu tình chống lại việc thu hồi đất nằm trong một dự án đầu tư của Trung Quốc.
“Tôi phải nằm giữa những người AIDs, họ bị chảy máu, mủ khắp nơi, nước vàng chảy ra, và đó là cách họ tra tấn tôi , để tôi phải sống như vậy,” bà Hằng nói.
Bà đã tự cắt tay mình bằng dao lam để phản đối cách bà bị đối xử. Bà cũng biết rằng việc tiếp tục blog và nói chuyện với phóng viên nước ngoài có thể khiến bà lại bị bắt giam lần nữa.
Không thể kể hết được những câu chuyện về cách hành xử thô bạo và sự ngược đãi của cơ quan an ninh Việt Nam.
Nguyễn Hoàng Vi là một blogger người Công giáo. Cô đứng lên kêu gọi tôn trọng sự khác biệt và tự do tôn giáo, một trong những vấn đề ‘nhạy cảm’ đối với chính phủ.
Trong một lần bị tạm giữ gần đây nhất, cô bị kiểm tra âm đạo, để cho việc được gọi là kiểm tra danh tính và một lần khác bị công an đánh đập đến bất tỉnh.
Việc cô tham gia “Cuộc dã ngoại cho nhân quyền” nơi cô phát Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế mà Việt Nam đã ký vào cho kết quả là em gái cô bị đánh đập, mẹ già của cô bị bỏng do cảnh sát châm thuốc vào đầu.
“Có những lần khác, ví dụ như họ lao thẳng xe đâm vào tôi, giả như là tai nạn. Họ cũng bắt tôi trên phố và tấn công tôi. Và họ còn dùng nhiều chiêu khác nữa nhưng tới nay còn một việc duy nhất mà họ chưa làm là bắt giam tôi. Những thứ khác hình như họ đều làm hết rồi.”
Những blogger trên đã chấp nhận rất nhiều rủi ro khi quyết định gặp phóng viên nước ngoài và những cuộc gặp này đều diễn ra trong phòng kín. Nếu bị bắt, phóng viên của ABC sẽ bị trục xuất ngay lập tực.
Tuy nhiên, những người chịu nói chuyện với Zoe Daniel có thể bị nhận án tù 7 năm, giống như những người bị buộc tội “gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan nhà nước” vì đã “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. /ABC

Không có nhận xét nào: