Pages

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Hoa Kỳ và vấn đề tranh chấp ở Biển Đông

Tư lệnh Hạm đội 7 của Hoa Kỳ nói quan hệ quân sự giữa Mỹ với Trung Quốc là mối quan hệ “trong tinh thần đồng nghiệp”. Ông cũng kêu gọi thực hiện chính sách ngoại giao “có phương pháp và đầy hiểu biết” để giải quyết các vấn đề trong khu vực.


Hàng ngàn quân Úc và Mỹ trực chỉ Townville ở Queensland để tham gia cuộc tập trận Lưỡi kiếm Talisman 2013. (Credit: ABC)

Phó Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội 7, còn gọi là Hạm đội Thái Bình Dương, cũng bác bỏ việc so sánh quan hệ giữa hai nước Mỹ-Trung Quốc với thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Phó Đô đốc Swift đang có mặt ở Sydney để chỉ huy các cuộc tập trận song phương Mỹ-Úc có tên gọi Lưỡi kiếm Talisman.


Theo ông Swift, an ninh hàng hải đang ngày càng trở thành vấn đề quan trọng hơn trong vùng Châu Á Thái Bình Dương.
Qua diễn văn đọc tại Học viện Chính sách Quốc tế Lowy ông Swift cho hay “sức mạnh kinh tế đang được chuyển thành sức mạnh quân sự tại nhiều nơi trong khu vực. Việc này có thể làm tăng sức cám dỗ để sử dụng việc ép buộc hoặc dùng vũ lực để cố giải quyết sự khác biệt giữa các quốc gia”.
Ông nói rằng “tình trạng mực nước biển dâng cao và việc mở cửa Hành lang Phía Bắc (Bắc Cực) sẽ tạo ra những thách thức an ninh mới và cần được giải quyết”.
Ông Swift nói ông “cảm thấy rất khích lệ” bởi tốc độ của tình trạng kết nối quân sự trong khu vực trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng trong vấn đề Biển Đông.
Tuần trước Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo Trung Quốc đừng sử dụng vũ lực hoặc đe dọa trong cuộc tranh chấp hàng hải và kêu gọi nên tìm kiếm giải pháp hòa bình.
Phó Đô đốc Swift nói ông tin rằng việc hợp tác quân sự với Trung Quốc “mang chúng tôi xích lại gần nhau hơn tới sự hiểu biết về hải quân”. Theo ông Swift, tình trạng này tương tự sự hiểu biết giữa Hoa Kỳ với Liên Sô để ngăn ngừa xung đột trên biển trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh trước đây.
Ông phát biểu với phóng viên Karon Snowdon của Cơ quan Truyền thông Quốc gia Úc ABC: “Với Trung Quốc, chúng tôi có nhiều điểm chung hơn nhiều so với những điểm cạnh tranh”.

Quy tắc ứng xử ở biển Đông

Ông Swift nói ông thấy “khích lệ” về vai trò của ASEAN trong khu vực và hoan nghênh các cuộc thảo luận về việc mở rộng vai trò của tổ chức này ra ngoài các vấn đề kinh tế.
Ông cũng nói rằng ông “rất quan tâm tới việc hình thành bản quy tắc ứng xử ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông)” vì đây là một sáng kiến của ASEAN có “giá trị rất lớn lao”.
Trung Quốc rất miễn cưỡng trong việc đạt được bản quy tắc này với ASEAN, thay vào đó, họ muốn thương lượng với từng nước riêng rẽ.
Hồi đầu tháng này, tại cuộc họp các ngoại trưởng Đông Nam Á ở Brunei, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry kêu gọi thực hiện tiến bộ trong việc hình thành bản quy tắc ứng xử.

Xung đột hàng hải

Một ngày trước khi Phó Đô đốc Swift phát biểu tại Viện Lowy, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa lập lại lời kêu gọi các nước Châu Á cần hình thành một văn kiện chung để giải quyết tình trạng bất ổn đang ngày càng gia tăng trong vùng Đông Á.
Trong khi đó ông Rory Medcalf, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy, nói khu vực Châu Á Thái Bình Dương không được chuẩn bị đầy đủ để đương đầu với các sự cố diễn ra ở biển.
Ông Medcalf cho rằng nếu người ta có sức mạnh mà không có luật lệ nào kiềm chế thì nguy cơ xung đột sẽ lớn hơn.
“Với việc sức mạnh của hải quân Trung Quốc ngày càng gia tăng và Bắc Kinh ngày càng khẳng định chủ quyền thì nguy cơ xảy ra xung đột hàng hải ở Châu Á hiện tuy nhỏ nhưng ngày càng lớn hơn,” ông Medcalf nói./ABC

Không có nhận xét nào: