Pages

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Ai dám bán “ông lớn” doanh nghiệp nhà nước?

(Dân trí) – Việc cổ phần hoá DNNN đang gặp phải nút thắt khó gỡ giữa bối cảnh thị trường chứng khoán khó khăn. Doanh nghiệp yếu phải bán giá rẻ, bán chưa hẳn có người mua, còn với các “Vina”, các doanh nghiệp tốt, ai “dám” bán?

Đề xuất bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không còn mới mẻ và thậm chí đã trở thành một trong những nội dung quan trọng của Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Thế nhưng, ít khi các góp ý lại đề cập đến việc bán tới 49% cổ phần của những DNNN quan trọng.
Những yếu kém của khối DNNN bắt đầu bộc lộ rõ dần từ Vinashin và Vinalines.
Những yếu kém của khối DNNN bắt đầu bộc lộ rõ dần từ Vinashin và Vinalines.
Hàng rẻ kén người mua
Một điều dễ thấy là nhiệm vụ cổ phần hóa thời điểm hiện nay trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, mà nguyên do chính là sự sốt sắng về sự trì trệ, thiếu hiệu quả của các “ông lớn”, “ông nhỏ” này, những yếu kém thật sự bộc lộ rõ sau “cú sốc” Vinashin, Vinalines.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số doanh nghiệp thuộc diện chuyển đổi, cổ phần hóa, thoái vốn là 909 doanh nghiệp, chiếm khoảng 73%. Tuy nhiên, trong số này mới có 5 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tại 62 doanh nghiệp.
Gần đây, Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, có 76 doanh nghiệp của 23 tập đoàn kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc bộ, ngành và địa phương xin lùi cổ phần hoá sau năm 2015.
Sự chậm trễ trong cổ phần hoá DNNN thời gian này được giải thích do thị trường chứng khoán không thuận lợi, giá cổ phiếu xuống thấp, do vậy, nếu bán cổ phần thì nhiều khả năng sẽ phải bán rẻ.
Đây là cái khó của người quản lý doanh nghiệp, bởi yêu cầu là phải bảo toàn vốn, không để thất thoát tài sản nhà nước, mặt khác lại phải hoàn thành lộ trình tái cơ cấu mà Thủ tướng Chính phủ giao.
Tuy nhiên, trong các kỳ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF – bàn tròn đối thoại giữa doanh nghiệp và Chính phủ), phía nhà đầu tư nước ngoài liên tục lưu ý, việc phải bán tài sản DNNN với giá rẻ là không thể tránh khỏi trong tiến trình cổ phần hoá. Điều này tạo ra thanh khoản cho thị trường.
Trao đổi với PV Dân trí trong cuộc họp báo thường kỳ tháng vừa rồi, người phát ngôn Chính phủ – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam cho biết, đối với một số doanh nghiệp, có thể bán bây giờ không được giá nhưng càng để càng mất giá, nên dù bán bây giờ có lỗ thì “lỗ ít còn hơn lỗ nhiều”.
Thế nhưng một vấn đề đặt ra là ai sẽ mua cổ phần của những DNNN yếu kém?
Hàng tốt kén… người bán
Nói đến khía cạnh này, TS Lê Xuân Nghĩa – Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ của Thủ tướng cho rằng, trên thị trường tài sản, cần phải chọn những mặt hàng tốt để bán chứ không phải là chỉ bán những mặt hàng xấu.
“Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để cứu DNNN? Tôi trả lời, muốn cứu thì phải bán bớt cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, cho một ông chủ mới có kỹ năng quản lý tốt, có công nghệ hiện đại, có đội ngũ nhân lực quản trị cấp cao, chuyên nghiệp… Doanh nghiệp thực tế vẫn nằm ở Việt Nam mà thôi. Có thể ông chủ doanh nghiệp thay đổi nhưng danh tiếng của kinh tế Việt Nam vẫn còn và đặc biệt là công ăn việc làm của người lao động vẫn được đảm bảo, chưa kể sẽ có những bước tiến khác” – TS Lê Xuân Nghĩa khẳng định.
Ông gọi đó là “bán để cứu”- nghĩa là bán cổ phần nhà nước tại những doanh nghiệp lớn, có sức cạnh tranh tốt để dùng số tiền này cứu những doanh nghiệp yếu kém – vốn dĩ đem bán sẽ bị lỗ.
TS Lê Xuân Nghĩa (Ảnh: BD).
TS Lê Xuân Nghĩa (Ảnh: BD).
Ông lấy ví dụ, nhà nước thậm chí có thể bán cổ phần ở Tổng công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk). Doanh nghiệp này mỗi năm nộp ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng, nhưng nếu bán cổ phần thì sẽ lập tức có được hàng chục nghìn tỷ đồng để xử lý các nhiệm vụ khác, thay vì phải chờ 40-50 năm sau nhận được khoản lợi ích tương ứng.
“Nếu chỉ thoái vốn một phần tại các công ty tốt thôi thì nhà nước đã có hàng trăm ngàn tỷ đồng trong tay vào chính thời điểm này. Nhà đầu tư nước ngoài không dại gì vào đây mua những doanh nghiệp nhỏ lẻ, nhưng nếu chúng ta dám bán các “Vina” với 49% thì họ sẽ mua ngay”, vị cố vấn của các ngân hàng ACB và Sacombank hiến kế.
Về vấn đề an ninh kinh tế, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trong số hàng nghìn DNNN thì chỉ có số rất ít trong đó liên quan đến an ninh, quốc phòng, các lĩnh vực nhạy cảm. Đối với các doanh nghiệp ở những lĩnh vực này, Nhà nước sẽ nắm cổ phần tuyệt đối hoặc ưu thế.
PV Dân Trí cũng đã trao đổi thêm với chuyên gia cao cấp Lê Đăng Doanh về ý tưởng nên bán DNNN hoạt động tốt thay vì các doanh nghiệp xếp trong diện yếu kém. TS Lê Đăng Doanh đánh giá, đây là một đề xuất đáng được ghi nhận và nên cân nhắc thực hiện, tất nhiên với điều kiện không phải là những doanh nghiệp có các mặt hàng chiến lược.
Tuy vậy, ông nói: “Về việc bán cổ phần ở những doanh nghiệp nhỏ, yếu, tôi cho là vẫn khả thi và vẫn có cầu. Sẽ không bán được với mức giá cao như các doanh nghiệp lớn, mạnh, thế nhưng tôi không bi quan”.
Trở lại với ví dụ tại Vinamilk (VNM), một trong những doanh nghiệp niêm yết có cổ phiếu sinh lợi và ổn định nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay. Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, VNM đang được giao dịch ở mức PE 2013 là 14,7 lần, khá hấp dẫn so với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận bình quân hơn 21,5% trong 3 năm tới và ROE được duy trì ở mức cao trên 35% (so với các công ty cùng ngành trong khu vực đang được giao dịch ở mức PE kỳ vọng là 25 lần).
Năm 2012, VNM chia cổ tức hai đợt đều bằng tiền mặt với tỉ lệ 20%, thưởng bằng cổ phiếu tỉ lệ 2:1 và năm 2013, cổ tức bằng tiền chia đợt 1 là 18%. Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đại diện vốn nhà nước đang là cổ đông lớn nhất với tỉ lệ sở hữu 45,08% tại VNM (tương ứng 375,73 triệu cổ phiếu).
Như vậy, với tình hình hoạt động của VNM hiện tại, rất khó để không chỉ SCIC mà bất cứ cổ đông nào chịu “nhả” phần bánh của mình ra. Hay việc bán cổ phần tốt và đắt giá tại những công ty, tập đoàn nhà nước đang hoạt động hiệu quả, tuy khả thi nhưng… khó thành hiện thực!
Bích Diệp

Không có nhận xét nào: