Pages

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Dự án chống ngập cho TPHCM bị đội vốn 5 lần

(TBKTSG Online) - Gần 5 năm sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án quy hoạch thủy lợi chống ngập cho TPHCM (dự án 1547) đến nay đã tăng vốn từ 11.000 tỉ đồng lên 57.800 tỉ đồng mặc dù các hạng mục dự án này chưa triển khai được bao nhiêu.

Theo ông Nguyễn Ngọc Công, Phó giám đốc Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước thành phố, dự án 1547 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008) sau khi tính toán đầy đủ đến nay đã tăng vốn lên 57.800 tỉ đồng với các hạng mục chính gồm 149 km đê bao dọc sông Sài Gòn, 9 cống ngăn triều lớn để giải quyết triệt để ngập úng do triều cường và mưa cho toàn thành phố.

Tính đến nay, các hạng mục đã hoàn thành của dự án 1547 chỉ gồm 31/149 km đê bao ven sông Sài Gòn, 1/9 cống ngăn triều lớn. Tuyến đê bao đã xây dựng chủ yếu ven bờ tả sông Sài Gòn và cống ngăn triều lớn Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Trải lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND TPHCM vào đầu giờ chiều 11-12, ông Nguyễn Ngọc Công cho biết lý do dự án chống ngập quan trọng này bị đội vốn là trước đây chưa tính toán đầy đủ giá trị đền bù giải phóng mặt bằng, chưa tính đầy đủ giá vật tư thi công...

Theo ông Công, thời gian qua khu vực bờ tả sông Sài Gòn đã xây dựng được 31 km đê bao và hàng chục cống ngăn triều nhỏ khác nên tình trạng ngập do triều cường ven bờ tả sông Sài Gòn đã giảm, còn lại khu vực bờ hữu sông Sài Gòn chưa có đê bao, cống ngăn triều nên vẫn thường xuyên bị ngập do triều mà điển hình là vụ vỡ bờ bao ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức vào ngày 4-12 vừa qua.

Theo ông Công, hiện nay thành phố đang tiếp tục kêu gọi vốn đầu tư, vốn tài trợ nước ngoài cho các hạng mục còn lại của dự án 1547. Cụ thể là tình trạng vỡ bờ bao tại khu vực quận 12, quận Thủ Đức sẽ được khắc phục trong quí 1-2014 khi cống ngăn triều nhỏ là cống Gò Dưa và cống Ông Dầu hoàn thành.

Tại phiên chất vấn về vấn đề xóa các điểm ngập cho thành phố, đại biểu Võ Văn Sen nói rằng trong năm 2013 thành phố đã xóa 9 điểm ngập, nhưng điểm ngập phát sinh trong năm nay là 12 điểm.

“Số điểm ngập phát sinh nhiều hơn điểm ngập đã xử lý thì có thể nói chương trình xóa ngập thành phố trong năm qua là không hiệu quả”, ông Sen nói.

Ông Công của trung tâm chống ngập thành phố cho biết thời gian qua các điểm ngập phát sinh chủ yếu là do các đơn vị thi công dự án cải thiện môi trường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm dẫn dòng không hợp lý chứ không phải ngập phát sinh do mưa lớn hay triều cường. Hiện nay còn 8 điểm ngập phát sinh tại khu vực ven kênh Tân Hóa - Lò Gốm.

“Nếu các công trình cải tạo lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm hoàn thành vào đầu quí 3-2014 thì xem như 8 điểm ngập nặng khu vực này sẽ không còn nữa. Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay và trong giai đoạn 2015 - 2020, TPHCM sẽ phải đầu tư thêm khoảng 1.500 km cống bao nữa mới giải quyết ngập bền vững được”, ông Công nói.

Còn theo ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố, 65% diện tích của thành phố có cao trình dưới 1,5 mét cho nên khả năng bị ngập úng cao. Hiện nay thành phố đang tập trung huy động để xây dựng 8 cống ngăn triều lớn, trước mắt là cống Tân Thuận, Bến Nghé ... Nếu hoàn thành 8 cống ngăn triều lớn thì ngập úng thành phố mới được giải quyết căn cơ.

Sau khi nghe phần trả lời của đại diện trung tâm chống ngập thành phố, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND thành phố nói: “hy vọng trong 5-10 năm nữa người dân sẽ không còn nghe cơ quan chức năng giải thích rằng thành phố bị úng ngập do triều cao, ngập do cống thoát nước nhỏ, do mưa lớn ...”.

Theo bà Tâm, ngập nước không chỉ làm thiệt hại hoạt động sản xuất của người dân mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người dân. Còn nhiều dự án chống ngập chậm nhưng phần trả lời chất vấn của trung tâm chống ngập thành phố vẫn chưa rõ ràng, các giải pháp chưa quyết liệt, còn chậm trễ và UBND thành phố cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập cho thành phố.

Có đội quản lý đê nhân dân, đê vẫn bị vỡ
Theo ông Nguyễn Ngọc Công, Phó giám đốc Trung tâm chống ngập TPHCM, vào tháng 3-2013, UBND TPHCM đã thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân tại các phường An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân (quận 12) và phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức). Đội quản lý đê nhân dân trực tiếp quản lý, duy tu, hộ đê, tuần tra, canh gác, lập các chốt canh khi có báo động triều cường từ cấp 1 trở lên. Mức thù lao cho mỗi nhân viên quản lý đê nhân dân là 1 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, vào tối ngày 4-12-2013, triều cường cao đã làm vỡ bờ bao dài gần 20 mét tại khu vực rạch Cầu Lan, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức đã gây ngập úng nặng, hàng trăm nhà dân chìm trong nước, hoa màu thiệt hại nặng và ngập úng kéo dài gần 3 ngày đã làm xáo trộn hoạt động lưu thông và sinh hoạt của người dân địa phương nơi đây.

Văn An

Không có nhận xét nào: