Pages

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Dương Chí Dũng đối mặt với bản án tử hình

HÀ NỘI (NV) - Ông Dương Chí Dũng nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải và chủ tịch HĐQT công ty tàu biển Vinalines cùng 9 đồng phạm ra tòa ở Hà Nội hôm Thứ Năm 12 tháng 12, 2013.
Ông Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải, nguyên chủ tịch HĐQT tổng công ty hàng hải quốc doanh Vinalines. (Hình: Tuổi Trẻ)

Ông và các đồng phạm bị truy tố hai tội gồm “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản”. Tội “cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo  Luật Hình Sự CSVN, tối đa bị kết án 20 năm tù. Nhưng tội “tham ô tài sản” của nhà nước thì có thể bị kết án co dãn từ 2 năm tù lên đến tử hình, tùy mức độ tiền bạc thiệt hại cho nhà nước.


Trong vụ án này, có 10 người bị lôi ra tòa gồm ông Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải VN - Vinalines, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT), ông Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines, nguyên phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT), ông Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines), ông Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines), ông Mai Văn Khang (nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines), bà Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines), ông Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm VN), ông Huỳnh Hữu Đức (nguyên phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, nguyên phó chánh văn phòng Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa), ông Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa) và  ông Lê Ngọc Triện (nguyên đội trưởng đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa).

Khác với nhiều vụ án khác, khoảng 30 ký giả được cho vào tòa án theo dõi nhưng chỉ được mang theo một quyển sổ và cây bút. Máy chụp hình, máy ghi âm, máy laptop, túi xách v.v... đều bị cấm đem vào.

Các phóng viên tham dự để loan tin về phiên tòa bị giữ hết thiết bị hành nghề. (Hình; Báo Một Thế Giới) 

Tương tự như những vụ án tham nhũng lớn khác, chỉ sau khi bị bắt, người ta mới thấy báo chí của chế độ bật mí cho thấy đám quan chức làm bậy bất chấp luật lệ như thế nào.  

Chỉ riêng một “phi vụ” mua “Ụ nổi” dùng để sửa chữa tàu vốn là đồ phế thải, ông Dương Chí Dũng, được mô tả là thông đồng với thuộc cấp và nhiều người khác, khi còn là Chủ tịch Hội đồng Quản Trị Vinalines, mua với giá 9 triệu USD dù giá thật của nó chỉ trên dưới 2 triệu USD.

Cáo trạng nói rằng phi vụ này đã làm cho nhà nước thiệt hại tới 366 tỉ đồng. Nhóm ông Dương Chí Dũng được nhà thầu môi giới ở Sngapore “lại quả” 1.66 triệu USD. Chuyển lòng vòng qua một số ngân hàng, tiền “tham ô” tới tay ông Dương Chí Dũng là 10 tỉ đồng, ông Mai Văn Phúc 10 tỉ đồng, Trần Hải Sơn 8 tỉ đồng, Trần Hữu Chiều 370 triệu đồng.

Ngày 18/5/2013 khi có lệnh bắt giam và khám xét nhà, chỗ làm việc (khi ông Dũng là Cục trưởng Cục Hàng hải CSVN) ông Dương Chí Dũng đã biến mất. Bốn tháng sau thì ông bị bắt ở Cambodia. Liên quan đến vụ trốn chạy của ông, nhiều phần do em trai của ông là đại tá Dương Tự Trọng, phó giám đốc công an Hải Phòng cùng với một số người. Những người liên quan vụ này cũng đã bị bắt giam, chờ lãnh án.

Sau khi vụ Vinalines bùng nổ, báo chí trong nước mới lôi những chuyện bê bối ở Vinalines của ông Dương Chí Dũng ra kể, chứng minh cho các hành động bất chấp luật lệ, từ đầu tư cảng biển, mua tàu đến đầu tư lập cơ sở sửa chữa tàu.

Hiện ông đã bị kê biên hai căn chung cư cao cấp “vào bậc nhất ở Hà Nội” mà báo chí nói một căn do người vợ lẽ với con riêng của ông ta cư ngụ, trị giá cả chục tỉ đồng.

Theo tờ Tuổi Trẻ “Cáo trạng xác định Dương Chí Dũng phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, quá trình điều tra Dũng không ăn năn hối cải, khai báo quanh co chối tội, đề nghị hội đồng xét xử xem xét tăng nặng hình phạt đối với Dương Chí Dũng.

Cáo trạng cũng xác định Bộ GTVT là cơ quan quản lý ngành có chức năng cùng các cơ quan khác thực hiện việc kiểm tra giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, đánh giá kết quả kinh doanh của Vinalines. Tuy nhiên, trong một thời gian dài Bộ GTVT đã không cập nhật, kiểm tra, giám sát để Vinalines triển khai dự án xảy ra nhiều sai phạm gây hậu quả thiệt hại rất lớn nên Bộ GTVT phải kiểm điểm, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cán bộ có liên quan.”

Vụ án này được coi là một trong 10 "đại án" tham nhũng của chế độ. (TN)

Không có nhận xét nào: