Dan Robinson
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice nói rằng Hoa Kỳ vẫn giữ vững cam kết bảo vệ nhân quyền dù nước này đôi khi đối mặt với các tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan và ‘các lựa chọn khó khăn’ trong khi xử lý các tình huống trên toàn cầu. Thông tín viên chính phụ trách đưa tin về Tòa Bạch Ốc của đài VOA Dan Robinson tường thuật.
Phát biểu tại một hội nghị được tài trợ bởi nhóm vận động nhân quyền Human Rights First, bà Rice nói rằng Tổng thống Barack Obama luôn nói rõ rằng thúc đẩy các nguyên tắc dân chủ và tôn trọng nhân quyền là trọng tâm của chính sách đối ngoại của Mỹ.
Bà Rice nói rằng Hoa Kỳ bênh vực cho các quyền của phụ nữ, cộng đồng người đồng tính luyến ái, song tính và lưỡng tính (LGBT), và những người thiểu số; bảo vệ quyền tự do thờ phượng, hội họp và tự do báo chí cũng như ủng hộ các chính phủ cởi mở và xã hội dân sự.
Cùng lúc, bà Rice nói rằng Hoa Kỳ đôi khi đối mặt với điều bà gọi là ‘các tình thế tiến thoái lưỡng nan”, khi sự cần thiết phải bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia xung đột với ‘cam kết cơ bản đối với dân chủ và nhân quyền’.
“Thành thực mà nói, đôi khi vì thế mà chúng tôi phải làm việc với các chính phủ không thực sự tôn trọng các quyền mà chúng tôi coi trọng. Chúng tôi đã phải có các lựa chọn khó khăn. Khi các quyền bị vi phạm, chúng tôi tiếp tục ủng hộ việc bảo vệ các quyền đó, nhưng tôi không thể và sẽ không thể giả vờ rằng một số các đổi chác ngắn hạn không tồn tại”.
Bà Rice liệt kê ra các thành công như làm việc thông qua Liên Hiệp Quốc để chấm dứt tình trạng bạo lực ở Bờ Biển Ngà, giúp loại trừ lực lượng dân quân M23 khỏi chiến trường ở Côngo và nỗ lực vì sự tiến bộ đối với nền dân chủ với sự tham gia của mọi đảng phái ở Miến Điện.
Bà nói rằng Hoa Kỳ đã ‘quy trách nhiệm’ cho một số các quốc gia vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới, trong đó có các chính phủ tại Iran, Syria, Eritrea, Zimbabwe, Bắc Triều Tiên và Sudan.
Ngay cả khi thế giới tìm kiếm một giải pháp ngoại giao đối với vấn đề hạt nhân Iran, bà nói rằng còn có một cuộc trắc nghiệm quan trọng khác là liệu có sự tiến bộ về nhân quyền ở nước này hay không.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Iran cho phép Báo cáo viên đặc biệt của LHQ tới thăm nước này. Những sự trừng phạt của chúng tôi đối với các vi phạm nhân quyền của Iran sẽ tiếp tục, và sự ủng hộ của chúng tôi đối với các quyền cơ bản của mọi người dân Iran cũng vậy. Người dân Iran xứng đáng có quyền được bày tỏ quan điểm trên mạng và trên các mạng xã hội như các lãnh đạo của họ”.
Bà Rice cũng lưu ý tới các cải cách kinh tế khiêm tốn ở Cuba nhưng lên án các vụ bắt giữ các nhà hoạt động nhân quyền. Bà một lần nữa kêu gọi việc thả ông Alan Gross, công dân Mỹ bị kết án 15 năm tù giam ở Cuba sau khi bị kết án gây ra các tội ác chống lại nước này vào năm 2011.
Bà Rice cũng nói rằng Hoa Kỳ tiếp tục nói với Trung Quốc một cách rõ ràng và trước sau như một về điều bà gọi là sự hạn chế có tính chất thiển cận đối với các quyền tự do trên mạng.
“Khi người dân Trung Quốc không thể quy trách nhiệm cho các công chức gây ra những điều như tham những, gây thiệt hại cho môi trường và an toàn của người tiêu dùng, công nhân cũng như các cuộc khủng hoảng về y tế công cộng thì các vấn đề ảnh hưởng tới Trung Quốc và thế giới sẽ không được giải quyết. Khi các tòa án tống giam các nhà bất đồng chính kiến, những người chỉ thúc giục chính quyền tôn trọng các luật lệ của chính Trung Quốc, thì không ai ở Trung Quốc, trong đó có những người Mỹ làm ăn ở Trung Quốc, có thể cảm thấy an toàn”.
Về Nga, bà Rice nói rằng Hoa Kỳ ‘lên án tình trạng thực thi công lý một cách tùy tiện và việc truy tố những người phản đối tệ nạn tham nhũng và tình trạng con ông cháu cha đã hủy hoại kinh tế của Nga trong tương lai’, và nước Mỹ sẽ không giữ im lặng về điều đó.
“Chính phủ Nga có các mưu toan mang tính hệ thống nhằm giới hạn các hành động trong xã hội dân sự Nga, nhằm phân biệt đối xử cộng đồng LGBT, nhằm ép buộc các nước láng giềng như Ukraine, những nước muốn hội nhập thêm nữa với Châu Âu, hoặc nhằm bóp nghẹt nhân quyền ở Bắc Caucasus”.
Bà Rice nói rằng Hoa Kỳ có lợi ích trong việc thúc đẩy cho sự tham gia của mọi phe phái ở Ai Cập vào sinh hoạt chính trị để tránh đẩy phe đối lập vào tay của các nhóm cực đoan.
“Chúng tôi đã lên tiếng về tác hại của luật biều tình mới và sự mạnh tay của cơ quan thi hành luật pháp của nước này đối với quyền tự do hội họp ở Ai Cập. Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi sự bất bạo động và tiến bộ trên con đường tiến tới một nền dân chủ nhiều thành phần và ổn định của Ai Cập”.
Bà Rice kêu gọi việc dỡ bỏ các giới hạn đối với xã hội dân sự ở Bahrain. Bà nói rằng Hoa Kỳ phản đối việc kích động bạo lực nhắm vào người Israel ở Bờ Tây trong khi cũng phản đối hành động bạo lực của những người định cư Do Thái đối với người Palestine cũng như ‘sự hạ nhục hàng ngày’, những điều bà Rice cho rằng cần phải chấm dứt ‘để cho hòa bình bắt rễ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét