Phạm Văn Hải (MLBVN) - Cuối tuần, xem lại những tấm hình mình đi phổ biến tài liệu Nhân quyền và Công ước chống tra tấn cho người dân, thấy nhiều cảm xúc thật khó diễn tả.
Người học trò cũ ở trong hiệu sách khó mà ngờ được ông thày dạy vi tính của mình năm xưa lại xuất hiện như một anh chàng sinh viên đi tiếp thị. Phải, coi như mình đang đi tiếp thị, nhưng sản phẩm ở đây là độc nhất vô nhị, không có cạnh tranh trên thị trường: QUYỀN CON NGƯỜI!
Chắc chắn, những nhân viên an ninh chất vấn tôi hồi tháng 5/2013 đã nhận thấy được vấn đề. Đó là tôi hoàn toàn không sợ hãi chuyện tự tay phân phát những bản Tuyên ngôn Nhân quyền của LHQ. Hôm ấy, tôi luôn nhấn mạnh rằng đó là một việc làm rất tốt, nhưng không phải vì thế mà tôi nhận bừa. Tôi không tự tay phát tài liệu cho từng người, bởi vì tôi còn bận chụp hình.
Có 3 mẩu chuyện nhỏ tôi muốn chia sẻ trong buổi phát tài liệu này. Nguyên tắc của chúng tôi là không ép buộc, không để tài liệu bị vứt bỏ thành rác thải như các loại tờ rơi ở ngã tư, cột điện... Thăm dò và nói vắn tắt nội dung tài liệu, nếu người nhận không cần thì sẽ không phát.
* Câu chuyện thứ nhất: Có một nhà sư lên xe. Ban đầu tôi nghĩ đã xuất gia thì chắc không cần đến tài liệu này. Nhưng nghĩ lại, Nhân quyền là phổ quát cho tất cả mọi người, mọi dân tộc, tôn giáo... mà. Và cũng nảy ra một ý, dạo này nghe nói sư dỏm nhiều quá, trong tài liệu có phần nói về việc chống tra tấn hành hạ ngược đãi... rất gần với tâm thiện của nhà Phật. Mình chịu khó quan sát thái độ của vị này khi xem tài liệu có thể đoán được thật, giả chăng? Sau khi hỏi thăm xã giao thầy hiện đang tu ở chùa nào, đi công việc ở đâu... mình nói thưa thầy đây là tài liệu viết về Quyền Con Người, trang sau còn có Công ước chống tra tấn... nếu thầy muốn tham khảo thì giữ để xem, nếu không cần thì đọc xong cứ gửi trả lại ạ (phòng khi ông ta không muốn cầm mà ngại nên thấy khó xử). Rất vui là nhà sư đã xem và không gửi lại. A-Di-Đà-Phật!
* Câu chuyện thứ hai: Tôi và Võ Trường Thiện đến một quán nước. Vừa chào hỏi, tự giới thiệu và mới nói đây là tài liệu... thì hai người ngồi bàn ngoài cùng xua tay: - Thôi, thôi có biết chữ đâu mà đọc...
Đây là 2 người đầu tiên (và cũng là duy nhất) từ chối không nhận tài liệu. Tôi cười: - Dạ hông sao, cái này ai thấy cần thì coi thôi, đây là tài liệu về Quyền Con Người... Một người ngồi bàn phía đối diện chìa tay: - Vậy hả, thì đưa tôi đọc thử. Vậy là cả quán ai cũng xin một bản, trừ hai chàng kia, trông mặt hơi quê quê... Một người đàn ông đọc lướt qua trang đầu rồi cười: - Chúng ta có quyền, vậy thì mình muốn làm gì làm, muốn giết ai thì giết hén? Tôi đáp: - Ồ không được, vì như vậy là xâm phạm quyền của người khác... đoạn gần cuối đó...
- À há... Vậy được!
* Câu chuyện thứ ba: Trên xe bus, phía hàng ghế cuối có cậu bé ngồi lọt thỏm một mình sát cửa sổ. Ban đầu, tôi nghĩ cậu bé còn quá nhỏ nên chắc hơi quá tải với nội dung tài liệu. Nhưng thấy ánh mắt cậu ta cứ ngó tập giấy trên tay mấy người ngồi ở hàng ghế trên, tôi bèn đi xuống ngồi bên cạnh:
- Cháu học lớp mấy rồi?
- Dạ lớp 6.
- Ồ, giỏi vậy hả (nhìn vóc người tôi đoán chỉ lớp 3 lớp 4 là cùng). Đây là tài liệu về Quyền Con Người, cháu có muốn coi không? Cậu bé chìa tay và dạ lí nhí trong miệng. Sau đó, tôi kể cho cậu ta nghe câu chuyện về một học sinh lớp 4 vì bị cô giáo nghi ăn cắp tiền mà đem giao cho công an. Rồi bị dọa nạt sợ quá mà nhận bừa là mình có lấy tiền. Như vậy là không đúng, cháu coi cái này xong thì hiểu những quyền của mình và gặp chuyện như vậy thì đừng sợ gì hết. Trông cậu bé hiền quá, tôi nói thêm, nếu mình không làm gì sai trái thì không sợ ai hết...
Đôi mắt buồn thẳm của cậu học sinh kia làm tôi nhớ đến thảm trạng giáo dục Việt Nam, chẳng hiểu sao lại liên tưởng đến Nhật Bản. Tự nghĩ rằng, nếu Việt Nam muốn vượt lên gần với họ thì chẳng cần đến một tinh thần võ-sĩ-đạo sẵn sàng chết để bảo vệ danh dự, mà chỉ cần thế hệ trẻ này vượt qua được nỗi sợ hãi đang thường trú trong tâm trí họ. Đó là nỗi sợ ngay cả khi mình làm việc phải, sợ những kẻ độc ác gian tà...
Nỗi sợ hãi bạo quyền như chiếc vòng kim cô siết chặt tương lai đất nước này! Phải vượt qua, dân Việt tôi ơi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét