Pages

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Ai sẽ chạy án cho Dương Chí Dũng?

Diễn biến vụ “kỳ án” Vinashin làm dư luận trong và ngoài nước phê phán gay gắt, người ta tự hỏi tại sao quan tòa không cho tử tội Dương Chí Dũng tiếp tục khai trong phiên tòa buổi chiều ngày 7 tháng 1, 2014, rằng ông đã đưa hối lộ cho những ai khác để chạy tội cho ông ta.

Ngoài việc đưa nửa triệu Mỹ kim cho Thượng Tướng, Thứ Trưởng Bộ Công An Phạm Quý Ngọ, và thêm 20 tỉ đồng nhắn gởi Bộ Trưởng Công An Trần Ðại Quang. Còn ai nữa? Và những tình tiết nào khác mà quan tòa sợ, phải cắt lời, gạt ngang nói “thôi anh Dũng ạ, anh nên dừng ở đây...” Mặc dù trước khi lên tiếng ông Dũng trịnh trọng thưa: “Kính thưa hội đồng xét xử, tôi nói những điều mà tôi đã tuyên thệ rồi. Tôi nói những điều thật nhất, bởi với hoàn cảnh, với con người của tôi hiện nay, tôi không thể nói những gì khác cho ai cả.” Cử chỉ và thái độ của Dương Chí Dũng trước tòa được mô tả là bình thản, tự nhiên, hình như ông tin rằng sẽ được người cứu vớt như người ta đã từng hứa hẹn với ông, tại sao bây giờ đưa ông vào chỗ chết.

Quan tòa sợ rằng những sự thật khai ra sẽ dính líu đến nhiều cấp quyền lực cao nhất của chế độ. Những người đã từng bao che, hứa hẹn sẽ chạy án cho ông Dũng, hoặc nếu bị kết án tù lâu năm thì sẽ được ân xá dần, trả tự do sớm, miễn sao ông phải giữ kín miệng trước tòa. Ông Dũng không thể ngờ những số tiền khổng lồ mà ông đã từng biếu xén, chia chác với những thượng cấp nào đó đã từng đề bạt, bao che ông trong lúc ông thi hành chức vụ và đã dùng mọi thủ đoạn để cướp tiền phi pháp. Rồi bây giờ họ để cho ông lãnh án tử hình. Ông Dũng không còn đường nào khác ngoài việc lôi kéo những cấp cao nhứt vào tròng, ông muốn khai hết, khai thật rằng đã ăn chia với họ ra sao, và có những nhân chứng nào biết rõ trong thời gian đã qua. Chỉ trong điều kiện đó ông mới hy vọng có người “chỉ đạo” làm thế nào để tháo gỡ cho ông. Ông Dũng nói: “Anh Tiệp bảo tôi yên tâm đi, tôi đã gặp và báo cáo với anh Trần Ðại Quang, bộ trưởng công an, để anh Quang có ý kiến với anh Ngọ, anh Ngọ sẽ không gây khó cho anh. Và anh Quang sẽ điện cho anh sau.” Dương Chí Dũng xác định trước tòa rằng ông “có gặp chính Bộ Trưởng Trần Ðại Quang” và được ông này nhắc tới chuyện đó.

Phần băng ghi âm lời khai của Dương Chí Dũng được báo Tuổi Trẻ và một số báo khác đưa lên online, nhưng đã bị buộc phải gỡ xuống hết. Nhiều bản tin khác có tựa đề liên quan đến vụ kỳ án này hay vụ PMU 18 không còn tìm thấy trên Internet. Những sự kiện nói trên chứng minh lời khai của Dương Chí Dũng hiện đang làm rúng động đảng Cộng Sản Việt Nam.

Người ta còn nhớ sự liên kết giữa Trương Tấn Sang-Nguyễn Phú Trọng nhằm tước quyền Nguyễn Tấn Dũng vì chính phủ của Dũng để cho “nhóm lợi ích” của ông hoành hành một cách quá lộ liễu, làm cho nhà nước cộng sản mang tiếng xấu với các nước viện trợ, đồng thời bị kiều bào hải ngoại phê phán nặng nề. Do đó Bộ Chính Trị đề nghị Trung Ương Ðảng kỷ luật “đồng chí X,” đích danh là Nguyễn Tấn Dũng nhưng không thành.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng bèn chuyển quyền đặc trách bài trừ tham nhũng do Nguyễn Tấn Dũng đảm nhiệm về Bộ Chính Trị do Tổng Bí Thư Trọng trực tiếp điều khiển, đồng thời ông Trọng cử Nguyễn Bá Thanh nguyên bí thư thành phố Ðà Nẵng làm trưởng ban Nội Chính phụ trách việc “phòng chống tham nhũng.” Ngày xử án vụ Vinashin, chính Nguyễn Bá Thanh bất ngờ đến dự phiên tòa. Dư luận cho rằng bản án tử hình do ông Thanh đề nghị. Ông Thanh còn hứa hẹn một kỳ án khác là vụ Bầu Kiên có liên quan khá nhiều đến Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và gia đình.

Người ta cho rằng đảng cộng sản đang cố gắng thu xếp tấn bi hài kịch xoay quanh vấn đề tham nhũng, làm cho nó lần lượt chìm xuống một cách êm thấm; nếu không, nó có thể phơi bày tất cả một hệ thống ăn chia giữa các quan chức cộng sản lộng hành. Theo nhận xét của Tiến Sĩ Nguyễn Quang A thì một người từng đứng đầu cơ quan điều tra sẽ là “bậc thầy” để xóa mọi dấu vết. Cho nên vụ án gây sôi nổi một thời gian rồi sẽ chìm trong im lặng do sự chỉ đạo của cấp quyền lực cao nào đó đang run sợ vì lời khai của tử tội có thể dẫn đến mình.

Chuyện mua quan bán chức, sự hối lộ công khai hay qua trung gian kín đáo, tạo thành một loại thuế đặc biệt, bất thành văn, mà các quan chức từ nhỏ đến lớn phải biết thi hành một cách kín đáo, rộng rãi, để bảo vệ quyền “rút ruột” công quỹ, quyền khảo tiền dân chúng. Chế độ Hà Nội đang thực thi hai loại thuế “công khai” dành cho dân phải đóng vào công quỹ, và một loại thuế “kín đáo” dành cho quan chức cầm quyền phải đút lót cho cấp trên.

Tham nhũng trong vụ Vinashin buộc nhà nước Việt Nam phải mang nợ Ngân Hàng Thế Giới không trả nổi đúng kỳ hạn. Tham nhũng trong vụ PMU cho phép Bùi Tiến Dũng, tổng giám đốc ban quản lý dự án PMU-18, con trai của Thiếu Tướng Bùi Bá Bổng, chơi cá độ bóng tròn với số tiền lên đến 7 triệu Mỹ kim, ông còn bị tố cáo dùng tiền “rút ruột” công quỹ để thuê bao gái mại dâm dâng hiến cho thượng cấp.

Vụ PMU-18 gây xôn xao tại Nhật Bản, làm Việt Nam mang tai tiếng, khiến ông Masayoshi Taga, cựu chủ tịch công ty Pacific Consultants International cùng ba quan chức đồng nhiệm của ông bị nhà cầm quyền Nhật Bản bắt giữ hồi tháng 8, 2008 và xử phạt vì tội hối lộ. Báo Yomiuri Shimbun cho biết ông Taga đút lót cho tổng quản lý PMU-18 hai lần tiền vào tháng 12, 2003 và tháng 8, 2006, tổng cộng 820 ngàn Mỹ kim. Ông tổng quản lý PMU buộc PCI phải chia 15% tiền hoa hồng đổi lấy gói thầu cho PCI. Báo chí Nhật Bản cho rằng vụ PMU-18 chỉ là “phần nổi của tảng băng” hối lộ trên đất Việt Nam, và nghi ngờ tính hiệu quả của viện trợ ODA (Office Development Assistance) do các tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài cung cấp.

Vụ PMU cũng như Vianashin khui ra nhiều quan chức cao cấp thời đó như Nguyễn Việt Tiến, thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải, bị bắt giam, Thiếu Tướng Cao Ngọc Oánh, thứ trưởng Bộ Công An, mất chức, Nguyễn Văn Lâm, phó chủ nhiệm văn phòng chính phủ, có liên lụy. Trong khi báo chí đang sốt sắng loan tin về vụ án thì có lệnh buộc phải ngưng, không cho các báo loan tin nữa.

Sau 18 tháng gọi là điều tra, các quan chức cao cấp nói trên được miễn trách nhiệm, nội vụ chìm trong im lặng với bản án phạt Bùi Tiến Dũng 6 năm tù về tội đánh bạc và 7 năm tù về tội đưa hối lộ. Không có một quan chức cao cấp nào đã nhận hối lộ của Bùi Tiến Dũng bị truy tố. Những bài viết về PMU trên Internet được bôi bỏ không còn dấu vết.

Hài kịch PMU còn đem lại tai nạn cho hai nhà báo của Tuổi Trẻ và Thanh Niên, chuyên viết về các đề tài tố cáo tham nhũng, bị bắt giam và điều tra... Ngày 1 tháng 8, 2008, thứ trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông ký quyết định thu hồi thẻ nhà báo của 7 cán bộ, phóng viên trong đó có Nguyễn Quốc Phong, phó tổng biên tập báo Thanh Niên, và Bùi Văn Thanh, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ. Những người này bị kết tội “đã trực tiếp viết, biên tập, duyệt đăng các tin và bài về vụ PMU 18 với những thông tin sai sự thật.” Ðó là cách răn đe báo chí không nên chúi mỏ vào vùng cấm địa là tham nhũng của chế độ.

Cơn bệnh tham nhũng của Hà Nội còn được chứng minh bằng vụ phó giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải tỉnh Sóc Trăng, Nguyễn Văn Lèo đánh cờ tướng với Trần Văn Tân, giám đốc Trung Tâm Sát Hạch Bằng Lái Xe Hạng 3, và Ðinh Văn Mười, phó chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Thành Ủy Sóc Trăng. Họ ăn thua nhau mỗi ván cờ tới 5 tỉ đồng. Thử hỏi một công chức nhà nước hưởng lương mỗi tháng được bao nhiêu? Dù có tổ chức kinh doanh trong tỉnh thu lợi được cỡ nào mà thản nhiên chơi cờ ăn thua đến 5 tỷ đồng một ván?

Tiến Sĩ Nguyễn Quang A nhận định với đài BBC rằng lời khai của tử tội Dương Chí Dũng cho thấy “sự thối nát của chế độ không thể tưởng tượng được.” Sự thối nát mà Nguyễn Phú Trọng đã phó thác cho Nguyễn Bá Thanh bài trừ có thể thành công hay không? Người ta nghi ngờ sẽ là không, bởi lẽ nó sẽ lôi kéo gần như tất cả đảng viên cầm quyền, những con “sâu” tham nhũng phân chia thành phe nhóm có “sâu đầu đàn” đề bạt bao che. Một khi phe này thanh toán phe khác thì phe khác cũng có đủ tài liệu tố cáo lại. Cái thế gọng kềm đôi ba nhóm có thể sẽ dàn xếp với nhau để cùng tồn tại. Cũng giống như nhiều đảng cướp thuộc “xã hội đen” trong vùng, bọn chúng phân chia địa bàn hoạt động để thu lợi.

Cũng có thể một phe nhóm nào đó tại Việt Nam yếu thế, không “ăn chia” được bao nhiêu, nổi máu anh hùng mượn thế nhân dân để vươn lên nắm quyền cai trị. Hay là một phe nhóm mạnh nhứt ra tay loại trừ đối thủ để làm bá chủ một mình khai thác mồ hôi nước mắt của đồng bào. Những người này đã từng tự hào làm cách mạng cộng sản chống bá quyền bóc lột. Bây giờ họ thực thi chỉ thị của nguyên Tổng Bí Thư Trường Chinh tuyên bố năm 1983: “Ta sẽ bóc lột những người đã bóc lột.” Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng hay Nguyễn Tấn Dũng sẽ chiếm toàn quyền bóc lột quần chúng? Hay một tướng công an, một tướng quân đội nào đó sẽ có gan lộ diện?

Võ Long Triều

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: