Pages

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Thái Lan đang trên bờ vực?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok

Một khu phố ở Bangkok sau cuộc va chạm giữa cảnh sát và người biểu tình
Một khu phố ở Bangkok sau cuộc va chạm giữa cảnh sát và người biểu tình
RFA

Nghe Bài Này
Cuộc phong tỏa Bangkok do Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) lãnh đạo đã tiến sang một giai đoạn mới khi Thủ tướng lâm thời Yingluck cương quyết yêu cầu Ủy ban Bầu cử tiến hành theo thời gian đã định mặc dù bà đang chịu sức ép từ nông dân Thái cũng như tòa án bắt đầu cho điều tra về cáo buộc bà đã không thi hành nhiệm vụ và có hành vi tham nhũng.
Quân đội vẫn đứng ngoài cuộc
Trong khi hàng ngàn người vẫn tiếp tục trấn giữ những địa điểm then chốt của thành phố Bangkok đòi nữ thủ tướng lâm thời Yingluck Sinawatra từ chức thì ngày 28 tháng 1, Ủy Ban chống Tham nhũng Quốc gia gọi tắt là NACC đưa ra bản luận tội cáo buộc bà Yingluck, người thành lập và lãnh đạo Ủy ban Chính sách Lúa gạo Quốc gia, đã không hoàn thành nhiệm vụ khi đưa ra chương trình thu mua lúa gạo của nông dân Thái.
Mặc dù còn một tháng nữa thì mới có kết quả điều tra nhưng thời sự Thái Lan một lần nữa nóng lên bởi yếu tố này. Thêm vào đó cũng vào ngày 28 tháng giêng một nhóm hơn 500 nông dân đã tỏ thái độ bất mãn với chính sách thu mua lúa của chính phủ Thái bằng cách tập trung tại trước văn phòng làm việc của Ủy ban hai tỉnh Phitsanulok và Sukhothai phản đối chính phủ không trả tiền thu mua cho họ trong khi tình trạng kinh tế gia đình của những nông dân này đã lâm vào bế tắc.
Thái độ của các tướng lãnh quân đội, đặc biệt là Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Thái Lan,  Tướng Prayuth Chan-ocha đã không dứt khoát một động thái mạnh mẽ nào từ quân đội ngay cả khi bà Yingluck ban hành lệnh Khẩn cấp Quốc gia trong 60 ngày
Theo tờ Bangkok Post thì có tới 1 triệu 400 ngàn nông dân bị ảnh hưởng khi chính phủ không trả tiền lúa cho nông dân vì giá gạo trên thế giới không tăng và Thái Lan bị các nước xuất khẩu gạo cạnh tranh khốc liệt khiến kế hoạch trợ giá của chính phủ không những thất bại mà còn ảnh hưởng nặng nề tới con đường chính trị của thủ tướng lâm thời Yingluck.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (giữa) rời Câu lạc bộ Quân đội tại Bangkok ngày 28 tháng 1 năm 2014 sau buổi cuộc với Ủy ban bầu cử để thảo luận về kế hoạch cho một cuộc tổng tuyển cử vào ngày 2 tháng 2
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (giữa) rời Câu lạc bộ Quân đội tại Bangkok ngày 28 tháng 1 năm 2014 sau buổi cuộc với Ủy ban bầu cử để thảo luận về kế hoạch cho một cuộc tổng tuyển cử vào ngày 2 tháng 2
Cuộc biểu tình đòi bà Yingluck từ chức do cựu Phó thủ tướng Suthep Thaugsuban lãnh đạo đã châm ngòi cho những nghi ngờ rằng sẽ có đảo chánh trong thời gian tới. Tuy nhiên thái độ của các tướng lãnh quân đội, đặc biệt là Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Thái Lan (RTA), Tướng Prayuth Chan-ocha đã không dứt khoát một động thái mạnh mẽ nào từ quân đội ngay cả khi bà Yingluck ban hành lệnh Khẩn cấp Quốc gia trong 60 ngày.
Lý do khiến quân đội làm như đứng ngoài lề chủ yếu do thái độ của phe biểu tình. Họ chưa có hành vi bạo động nào và tuy phong tỏa Bangkok nhưng hầu như sinh hoạt của người dân chưa thấy ảnh hưởng nghiêm trọng cho đời sống cũng như sinh hoạt mua bán.
Việc một thủ lĩnh của phe biểu tình là ông Sutin Taratin bị một người chưa truy được danh tánh, bắn chết trước mặt đám đông là một thách thức lớn cho người biểu tình và sự nổi giận của họ có thể châm ngòi bạo động, tuy nhiên điều đó đã không xảy ra và hàng ngàn người vẫn tiếp tục con đường biểu tình trong ôn hòa.
Chính phủ cũng không thể chấp nhận hành động của người biểu tình lâu hơn nữa vì không một quốc gia nào lại có thể làm ngơ cho người biểu tình cô lập thành phố và bao vây những cơ quan chính phủ không cho họ làm việc
Khi nhận được tin này, lãnh đạo Suthep phát biểu trước đám đông rằng ông tin quân đội sẽ không để cho người biểu tình có thêm những đám tang tương tự như vậy nữa và đây là lời tin tưởng mà ông đại diện cho hàng trăm ngàn người gửi tới Quân đội Hoàng gia.
Nhượng bộ của hai bên đều có hạn
Nhiều con đường huyết mạch của thủ đô tuy bị phong tỏa nhưng taxi và xe hai bánh vẫn có thể đi lại vì nhóm biểu tình hợp tác với cảnh sát giữ giao thông rất hiệu quả. Người biểu tình chỉ tập trung tại những nút chặn và họ tổ chức ăn ngủ tại đó với tinh thần kỷ luật rất cao.
Lãnh tụ đối lập Suthep Thaugsuban hô hào đấu tranh đến cùng
Lãnh tụ đối lập Suthep Thaugsuban hô hào đấu tranh đến cùng. RFA
Bên cạnh việc đã có 5 người chết từ ngày 23 tháng 11 năm ngoái tới nay thêm nữa cuộc biểu tình kéo dài đã hơn hai tháng và dù muốn dù không sức ép của nó cũng ảnh hưởng tới kinh tế, chính trị và kể cả đồng tiền Bath của Thái Lan, nhất là càng về sau đồng tiền càng mất giá và người dân Thái cũng bị phân hóa trầm trọng trong biến cố chính trị này.
Ông Sa, một người dân trên đường phố  nói với chúng tôi về cảm nghĩ của ông về cuộc biểu tình này. Ông nói rằng đất nước Thái lan đang trong tình trạng rất là lộn xộn, phe áo đỏ rồi phe áo vàng họ thay phiên nhau làm Bangkok không yên ổn. Ông là người không theo phe nào và cảm thấy rất lo lắng vì buôn bán khó khăn du khách không còn tới Thái nhiều vì bất ổn.
Chính phủ cũng không thể chấp nhận hành động của người biểu tình lâu hơn nữa vì không một quốc gia nào lại có thể làm ngơ cho người biểu tình cô lập thành phố và bao vây những cơ quan chính phủ không cho họ làm việc. Sự nhân nhượng đã hết và ngày hôm qua chính phủ Thái Lan tuyên bố phản công.
Tổng giám đốc Cục Điều tra đặc biệt Tarit Pengdith, người có mặt tại cuộc họp ngày hôm qua của CMPO nói rằng sau khi thời hạn 72 giờ cho các lãnh đạo cuộc biểu tình hiện nay chấm dứt, cảnh sát sẽ truy nã và bắt giữ ít nhất 16 người vào ngày hôm nay trong đó nổi bật nhất là nguyên phó thủ tướng Suthep, Sathit Wongnongtaey, Chumpol, Jumsai, Issara Somchai, Thaworn Senneam, Witthaya Kaewparadai  cùng những người khác.
Việc nhóm biểu tình giữ được bình tĩnh không phải vì họ không dám bạo động nhưng họ chờ đợi một sự thỏa hiệp. Nếu không đạt được bất cứ một thỏa hiệp nào thì không ai dám chắc một cuộc bao vây phi trường Suvarnabhumi như năm 2008 sẽ không tái diễn
Ông Tarip Pengdith cũng cho biết chủ những căn nhà nào đang cho họ thuê kể cả khách sạn cũng sẽ bị truy trách nhiệm vì hành vi bao che tội phạm. Và nghiêm trọng hơn, người biểu tình cũng sẽ bị xem là vi phạm pháp luật bắt đầu vào ngày hôm nay nếu tiếp tục phong tỏa thành phố.
Tuyên bố này làm cho người biểu tình phẫn nộ thêm và không thấy một nhượng bộ nào từ phe PDRC sau khi nhận được sự đe dọa này từ chính phủ.
Một trong hai yêu sách của người biểu tình trong hai tháng qua là không tổ chức bầu cử vào ngày 2 tháng 2 sắp tới vì đảng Dân Chủ do nguyên thủ tướng Abhisit Vejjajiva lãnh đạo đã tuyên bố tẩy chay, tuy nhiên sau nhiều lần đề nghị trì hoãn, Ủy Ban tổ chức bầu cử vẫn phải tuân theo phán quyết của Tòa Hiến Pháp tiến hành cuộc bầu cử như đã hoạch định.
Phó Thủ tướng lâm thời Phongthep Thepkanjana tuyên bố với báo chí rằng trì hoãn việc bầu cử sẽ không giải quyết được vấn để gì cả mà chỉ là cánh cửa được mở ra để nhận thêm rắc rối.
Tuy nhiên đối với ông Suthep Thaugsuban thì quyết định này không những không thể ngăn cản ý chí của phe biểu tình mà ngược lại còn làm cho nó có thêm lý do để người biểu tình tiếp tục con đường của mình. Ông nói rằng để cải tổ nền chính trị xứ này rất nhiều bộ luật phải được tu chính và người Thái không thể để cho các nhà chính trị thao túng luật pháp. Ông kêu gọi một cuộc cải tổ toàn diện được thực hiện bởi người dân chứ không phải từ các nhà chính trị.
Chính đảng đối lập hiện nay là đảng Dân chủ của Thái chiếm đa số cử trị tại miền Nam luôn cho rằng đảng Vì Nước Thái (Puea Thai) của bà Thủ tướng Yingluck sẽ một lần nữa thắng cử trong lần bầu cử vội vã này vì nắm cử tri vùng Đông bắc, nhưng chiến thắng ấy sẽ không nói lên được điều gì cả khi đảng đối lập lớn nhất nước không tham gia cuộc bầu cử.
Giới quan sát quốc tế tại Bangkok cho rằng khó mà có một giải pháp ổn thỏa cho nền chính trị Thái Lan hiện nay. Nếu cuộc bầu cử diễn ra chỉ làm cho tình hình thêm bất ổn. Việc nhóm biểu tình giữ được bình tĩnh không phải vì họ không dám bạo động nhưng họ chờ đợi một sự thỏa hiệp. Nếu không đạt được bất cứ một thỏa hiệp nào thì không ai dám chắc một cuộc bao vây phi trường Suvarnabhumi như năm 2008 sẽ không tái diễn
.

Không có nhận xét nào: