Pages

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

”Công dân Mới” : Phong trào xã hội khiến Bắc Kinh lo sợ

Một cuộc xuống đường của các thành viên phong trào công dân mới tại Trung Quốc, yêu cầu giới chức lãnh đạo minh bạch tài sản.
Một cuộc xuống đường của các thành viên phong trào công dân mới tại Trung Quốc, yêu cầu giới chức lãnh đạo minh bạch tài sản.
Reuters
Nhật báo Le Monde có bài đáng chú ý về một phong trào xã hội khiến chính quyền Trung Quốc lo ngại với tựa đề « các Công dân Mới, những chiến binh vì sự minh bạch ».
Bài viết trên Le Monde điểm lại một đôi nét lịch sử phong trào mang tên « Tân Công dân », nhân sự kiện tư pháp Trung Quốc mở phiên tòa xét xử ông Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), một trong những người khởi xướng chủ yếu của phong trào. Le Monde nhận định sở dĩ Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc phản ứng một cách hung bạo như vậy là vì phong trào xã hội nói trên đã chạm đến « một sợi dây thần kinh » nhạy cảm của hệ thống quyền lực.
Một mục tiêu chính của phong trào « Tân Công dân », xuất hiện vào tháng 8/2012, là kêu gọi các lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc công khai hóa tài sản. Yêu cầu này được đưa ra đúng vào thời điểm nhạy cảm, khi đảng Cộng sản Trung Quốc đang chuẩn bị cuộc chuyển giao quyền lực qua Đại hội 18. Cũng vào thời điểm này, truyền thông nước ngoài đưa ra nghi vấn về khoản tài sản hàng tỷ đô la của Thủ tướng mãn nhiệm Ôn Gia Bảo. Đây cũng thời điểm cựu lãnh đạo Bạc Hy Lai bị bắt và chờ ngày xét xử.
« Tân Công Dân » là một phong trào trải rộng trên khắp đất nước Trung Quốc, dù không có một tổ chức thống nhất, không có người lãnh đạo. Hoạt động của phong trào đặc biệt dựa trên các « bữa ăn tối công dân », được tổ chức vào mỗi kỳ nghỉ của tuần cuối cùng hàng tháng, tại khoảng 200 thành phố, thị xã trên cả nước. Phong trào tổ chức nhiều cuộc xuống đường để thông tin trực tiếp đến các công dân, nhằm thu thập chữ ký vào kiến nghị ủng hộ đưa dự luật buộc giới lãnh đạo minh bạch tài sản ra Quốc hội Trung Quốc đầu năm 2013.
Thoạt tiên phong trào hoạt động không trở ngại. Tại Quảng Đông, nhiều lãnh đạo địa phương hứa hẹn công khai tài sản. Tuy nhiên, vào đầu năm 2013 sự ủng hộ chính thức cho cuộc chiến chống tham nhũng chấm dứt : hàng chục nhà báo, blogger và người biểu tình chống tham nhũng bị bắt. Cho đến nay, theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch (HRW), ít nhất 65 người của Phong trào các Công dân Mới bị giam cầm, trong đó hơn 10 người bị truy tố.
Le Monde nhận định sở dĩ Đảng và Nhà nước Trung Quốc phản ứng một cách hung bạo như vậy là vì phong trào xã hội nói trên đã chạm đến « một sợi dây thần kinh » nhạy cảm của hệ thống quyền lực. Các vụ bắt bớ phủ bóng đen lên thời gian đầu của nhiệm kỳ Tập Cận Bình. Đây là đợt đàn áp khốc liệt nhất của chính quyền, kể từ thời điểm khởi sự Mùa xuân Ả Rập năm 2011. Theo nhà luật học Đằng Bưu (Teng Biao), giảng dậy tại Hồng Kông, người ủng hộ phong trào từ đầu, chính quyền khó mà cấm được sự lan rộng của một phong trào vốn dựa trên các hoạt động bình thường trong xã hội – bữa ăn giữa « các bạn hữu » -, cho dù các hoạt động này có thể bị theo dõi hay bị ngăn cản. Theo Le Monde, vấn đề hiện nay đối với phong trào các Công dân Mới là xem xét lại các ưu tiên hành động. Điều khẩn thiết hiện nay là phải đòi tự do cho « các chiến binh vì sự minh bạch », đang đối diện với án tù đến 5 năm.
Trở lại với phiên tòa xử luật sư Hứa Chí Vĩnh tại Bắc Kinh, nhà tranh đấu cùng luật sư đã chọn một hình thức phản kháng « chưa từng có » : giữ im lặng trong phiên xử, để phản đối việc tòa án không tuân thủ các thủ tục tố tụng theo quy định. Đây cũng là phiên tòa đầu tiên nhắm vào các thành viên Phong trào các Công dân Mới.
« Cuộc chiến không mệt mỏi vì Nhà nước pháp quyền » tại Trung Quốc
Xã luận Le Monde, với tựa đề « Cuộc chiến không mệt mỏi vì Nhà nước pháp quyền tại Trung Quốc », ca ngợi Tiến sĩ luật Hứa Chí Vĩnh, người lựa chọn con đường đấu tranh dựa trên sự tôn trọng hệ thống pháp luật Trung Quốc. Ông Hứa Chí Vĩnh là người khởi xướng phong trào các công dân mới nói trên. Cho đến nay, theo Le Monde, thường thì người Trung Quốc khá nhất cũng chỉ được chính quyền gọi là « cư dân » (jumin) (từ được sử dụng trong chứng minh thư của người Trung Quốc). Từ « công dân » gây lo ngại cho Đảng-Nhà nước Trung Quốc.
Phiên tòa xét xử ông Hứa Chí Vĩnh được mở ra đúng vào ngày bùng lên « ChinaLeaks », vụ tiết lộ các tin tức chưa từng có về tài sản bí mật của các lãnh đạo Trung Quốc đặt tại các thiên đường thuế nước ngoài. Trong số những người có tài sản tại các thiên đường thuế, có nhiều người thân cận với giới lãnh đạo chóp bu, như anh rể Chủ tịch Tập Cận Bình.
Theo Le Monde, cho dù Chủ tịch Trung Quốc coi cuộc chiến chống tham nhũng là một ưu tiên, và khẳng định tấn công « cả ruồi lẫn hổ », cho dù hàng chục nghìn vụ tham nhũng đã bị xử lý, nhưng chiến dịch này ít xuất phát từ một nền pháp quyền độc lập, hơn là từ uy quyền của một « hoàng đế » toàn năng. Cùng với chiến dịch chống tham nhũng, chính quyền đàn áp những người yêu cầu minh bạch, và đa số người dân không biết đến chuyện này, do hệ thống truyền thông chính thức bị bịt miệng. Le Monde nhận định, cho dù đảng Cộng sản Trung Quốc hiểu rằng tham nhũng làm hủy hoại tính chính đáng của chế độ, nhưng nguyên tắc bảo vệ sự thống trị của đảng duy nhất độc quyền vẫn là nguyên tắc tối cao. Le Monde đặt câu hỏi, tại sao ông Tập Cận Bình – con người cải cách – lại trấn áp những người ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng do ông khởi xướng ?
Toàn bộ sáu trang đầu của Le Monde được dành cho hồ sơ « ChinaLeaks ». Tiếp theo các tiết lộ về tài sản của thân nhân giới lãnh đạo tại các thiên đường trốn thuế hôm trước, Le Monde vén lộ những cội rễ của nạn tham nhũng trong giới lãnh đạo Trung Quốc qua các hồ sơ « Ngành dầu khí, động lực của tham nhũng tại Trung Quốc », « Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên), nhà máy lọc tiền hối lộ»… Tham nhũng tại dự án nhà máy lọc dầu trị giá gần 5 tỷ euro, dự án lớn nhất tỉnh Tứ Xuyên từ khi lập quốc, được ghi nhận có bàn tay của con trai cựu lãnh đạo đầy quyền lực ngành an ninh Chu Vĩnh Khang.
Khủng hoảng Ukraina : Đàm phán sau khi máu đổ
Khủng hoảng tại Ukraina tiếp tục là chủ đề chính trên trang nhất của nhiều nhật báo Pháp. «Ukraina : Chính quyền cố gắng hóa giải cuộc nổi dậy » là hàng tựa báo Le Figaro. Trong những ngày qua, trong các đụng độ với cảnh sát, 5 người biểu tình thiệt mạng. Về phía báo giới, 44 phóng viên bị thương. Hôm qua, đối mặt với nguy cơ bạo lực leo thang, Tổng thống Ukraina phải quyết định yêu cầu triệu tập phiên họp Quốc hội đặc biệt vào ngày 28/01. Hai vấn đề nhạy cảm được đặt ra là : Liệu điều luật đàn áp vừa thông qua ngày 16/01 có được hủy bỏ và liệu Thủ tướng Mykola Azarov có từ chức ? Theo tin mới nhất, Thủ tướng Ukraina không loại trừ khả năng này.
Trong xung đột hiện nay giữa đối lập với chính quyền, vai trò của Phương Tây là ở đâu ? Bài «Năm người chết tại Kiev : Phương Tây lưỡng lự » của Le Monde cho thấy, Ukraina không phải là ưu tiên của Hoa Kỳ, trong cuộc điện đàm giữa Barack Obama và Vladimir Putin ngày thứ Ba 21/01, Tổng thống Mỹ không đề cập đến vấn đề Ukraina. Trong khi đó, Liên Hiệp Châu Âu – dù đã cao giọng với chính quyền Kiev – nhưng chưa tính ngay đến các biện pháp trừng phạt. Một số quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu như Lituania và Ba Lan đòi hỏi một thái độ cương quyết hơn.
Về hồ sơ Ukraina, trong bài « Tại Kiev, thương thuyết sau khi máu đổ », Libération cho biết trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraina Yanoukovitch, Thủ tướng Đức đã yêu cầu Kiev hủy bỏ điều luật trấn áp người biểu tình. Về khủng hoảng Ukraina, xã luận Le Figaro ghi nhận chính sách cứng rắn của Tổng thống Yanoukovitch là rất mong manh, bởi đất nước bị phân ra làm hai, giữa một bên là người thân Châu Âu với bên kia thân Nga. Châu Âu có thể góp phần vào việc làm dịu lại tình hình, bằng cách khuyến khích các động thái hòa dịu của chính quyền Kiev. Nhưng để có được một chiến lược về Ukraina, trước hết Châu Âu phải có một chiến lược với nước Nga…
Tổng thống Pháp hội kiến Giáo hoàng tại Vatican
Cuộc hội kiến Tổng thống Pháp và Giáo hoàng là chủ đề thời sự quốc tế được báo chí Pháp đặc biệt quan tâm. Nhật báo Công giáo La Croix nhấn mạnh, cuộc gặp giữa Tổng thống Hollande với Giáo hoàng Phanxicô diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa ông Hollande với những người Công giáo Pháp đang « căng thẳng ». Về mặt chính thức, các chủ đề được đề cập đến trong cuộc gặp sẽ là toàn cầu hóa, môi trường, xung đột tại Châu Phi và Trung Đông hay thể chế thế tục, thế nhưng theo La Croix, chắc chắn trong dịp này, người đứng đầu Vatican sẽ đề cập đến một loạt thay đổi pháp lý quan trọng tại Pháp mới đây, như : hôn nhân (thừa nhận hôn nhân giữa người đồng giới), nghiên cứu trên bào thai, phá thai hay vấn đề quyền được chết… Theo tờ báo Công giáo, đây là những vấn đề tạo nên một sự chia rẽ sâu sắc giữa người Công giáo và chính phủ. Về vấn đề này, Le Figaro nhấn mạnh trên trang nhất « Ông Hollande tới Vatican để làm lành với người Công giáo » và cho rằng bất đồng giữa người công giáo với giới lãnh đạo hiện nay tại Pháp là « vô cùng lớn ».
Les Echos, nhấn mạnh đến những điểm đối lập giữa Giáo hoàng theo dòng Tên, một người ra đi ban đêm để mang lại những trợ giúp người nghèo, với Tổng thống Pháp người đang có những vấn đề tình ái riêng tư làm nhiều người băn khoăn về tính mẫu mực với tư cách Tổng thống… Tuy nhiên, theo Libération, đối lập giữa Giáo hoàng và Tổng thống Pháp là chuyện dễ, nhưng vấn đề là cần nhìn ra những điều gần gũi giữa hai phía. Tổng thống Pháp, mặc dù hiện nay không còn theo đạo, nhưng ông là người theo học giáo lý Công giáo đến bậc trung học cơ sở, bốn người con của ông đều rửa tội tại nhà thờ (mặc dù bản thân ông và người vợ trước không làm lễ kết hôn)… Ông Hollande có rất nhiều bạn thân là người Công giáo, như Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yvec Le Drian, ông Jean-Pierre Mignard – đồng tổng biên tập tạp chí “Témoignage chrétien” (Lời chứng Thiên chúa)… Jean-Pierre Mignard cũng là người có mặt trong đoàn viếng thăm Tòa thánh, một trong 10 người sẽ bắt tay Giáo hoàng. Thủ tục của chuyến công du tại Vatican được xác lập hết sức chặt chẽ. Trong số 10 người « có vinh hạnh » bắt tay Giáo hoàng có Bộ trưởng Nội vụ và các Tín ngưỡng Manuel Valls, hay Bộ trưởng Công nghiệp thực phẩm Guillaume Garot. Libération cho biết, vị bộ trưởng nói trên đang chuẩn bị một chiến dịch chống lãng phí thực phẩm, và đây là một mối quan tâm đặc biệt của người đứng đầu Vatican.
« Đồi bạch đàn » : Tác phẩm mới của nữ văn sĩ ly khai Dương Thu Hương
Liên quan đến Việt Nam, phụ trương “Sách” của Le Monde dành hai trang đầu để giới thiệu về tác phẩm mới của nhà văn Dương Thu Hương « Les Collines d’Eucalyptus » (tạm dịch là « Đồi bạch đàn ») cùng một trần thuật về cuộc gặp gỡ mới đây giữa phóng viên Le Monde với tác giả « Thiên đường mù », sống lưu vong tại Pháp từ năm 2006. « Ở Việt Nam, đồng tính vẫn còn là một điều kiêng kỵ » là tựa đề bài thuật lại cuộc gặp với nữ văn sĩ.
« Những mối tình bị cấm đoán », bài viết trên trang nhất phụ trương “Sách”, giới thiệu cuốn tiểu thuyết vừa ra mắt, với nhân vật chính : Thanh, một thanh niên xuất thân từ một gia đình gia giáo, rơi vào kiếp sống lang thang, trước khi bị kết án tù vì mắc tội giết người. Qua câu chuyện đời và chuyện tình của chàng thanh niên tên Thanh, tiểu thuyết « Đồi bạch đàn » vén lên một góc nhìn về tình cảnh của giới những người đồng tính tại Việt Nam. Mặc dù không bị cấm đoán khắc nghiệt như ở nhiều nơi khác, không bị coi là mối nguy cơ lớn đối với chế độ, đổi lại, các cặp tình nhân đồng tính buộc phải « sống trong bóng tối »…
Cũng trong mục điểm sách của Le Monde, thông tín viên của tờ báo tại Đông Nam Á có bài viết «Một nhà đối lập không mệt mỏi với chế độ Hà Nội », giúp độc giả hiểu thêm về văn nghiệp và sự dấn thân của người nữ văn sĩ chọn thái độ ly khai với chính quyền Việt Nam, nơi mà các tác phẩm của bà bị cấm xuất bản.

Không có nhận xét nào: