Pages

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Vụ Kiện Tác Quyền Chấn Động: Liên Quan Đến Rể của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng! Tại sao trang mạng Sứ Quán Hoa Kỳ có liên quan đến Zing.vn?

Vụ án tác quyền nộp tại tòa liên bang Nam Cali cáo buộc rằng một trong những người chủ động là ông Nguyễn Bảo Hòang, đại diện cho tổng công ty đầu tư IDG Vemtures Vietnam, đã đầu tư và xây dựng cho Zing.vn trở thành một trang mạng hàng đầu Việt Nam
 Cali Today News - Công ty âm nhạc Làng Văn (Quận Cam, California) vừa mới nộp đơn kiện cty ZING.vn của Việt Nam về việc vi phạm tác quyền trong một vụ án gây chấn động kỹ nghệ nghe nhạc trên mạng internet của Việt Nam lan rộng khắp cộng đồng người Việt nam trên khắp thế giới.
 
Vụ án tác quyền nộp tại tòa liên bang Nam Cali cáo buộc rằng một trong những người chủ động là ông Nguyễn Bảo Hòang, đại diện cho tổng công ty đầu tư IDG Vemtures Vietnam, đã đầu tư và xây dựng cho Zing.vn trở thành một trang mạng hàng đầu Việt Nam. Ông Nguyễn Bảo Hòang, còn có tên là Henry Nguyễn, là rể của TT Nguyễn Tấn Dũng.
 
Ảnh hưởng của vụ án nầy liên quan đến một số đại công ty có quảng cáo trên thế giới như Yahoo, Google, Coca-Cola, và kể cả Đại sứ quán Hoa Kỳ vì đã có link của Zing trên trang mạng của sứ quán. Sau khi Việt Nam bị nhiều tổ chức quốc tế khiếu nại về nạn vi phạm tác quyền, thì nhiều đại Cty đã rút quảng cáo kể cả trang mạng của sứ quán Hoa Kỳ.
 
Trong nhiều năm qua, hầu như kỹ nghệ âm nhạc, CD và DVD của người Việt Nam, trong cũng như ngòai nước, đều lâm vào hòan cảnh kiệt quệ vì sự chuyển hướng của phương tiện truyền thông internet mà người nghe có thể tìm kiếm và nghe nhạc một cách nhanh chóng, tiện lợi, và nhất là miễn phí qua các trang mạng.
Các công ty có những trang mạng cho nghe và chuyển tải nhạc hầu như đã cho đăng toàn bộ gia tài âm nhạc Việt Nam kể cả một số lớn các nhạc bản ngọai quốc. Nguồn tiền thu họach được một phần nhờ vào việc bán các nhạc rung chuông “ring tones” và chơi games, nhưng phần rất lớn và quan trọng hơn là nhận được các quảng cáo lớn của các cty quốc tế dựa vào lưu lượng truy cập của trang mạng đó.
 
Cty ZING.vn là một trong những trang mạng hàng đầu họat động trong lĩnh vực kỹ nghệ nầy tại Việt Nam nhờ vào con số người truy cập khổng lồ. Chiếu theo thông tin của Alexa web rankings thì Zing.vn là trang mạng đứng thứ 6 của VN, chỉ sau Google, Facebook và Youtube, trong khi đó Zing dẫn đầu kể cả Yahoo, Wiki và Twitter, v.v… cho đến năm 2008 thì Zing đã trở thành trang mạng lớn nhất dẫn đầu của Việt Nam.
 
Tính trong năm 2010, Zing.vn đã có hơn 1 tỉ trang truy cập mỗi tháng với 16 triệu khách hàng. Bốn năm sau vào năm 2014, Zing đã có khỏang 20 triệu khách hàng và còn gia tăng. 
 
Cty Làng Văn được thành lập từ năm 1985 và họat động trong lãnh vực văn nghệ từ 30 năm qua tại hải ngọai. Trong nhiều năm thăng trầm với nhiều nỗ lực, Làng Văn đã phát triển và mua lại nhiều phòng thu nhỏ hơn như Người Đẹp Bình Dương, Trường Sơn Duy Khánh, Elvis Phương Productions, Thanh Lan Pro., Kim Ngân Pro., Thanh Mai Pro., v.v.. Cho đến nay, Làng Văn có chi nhánh tại các thủ phủ người Việt như Quận Cam San Jose, Paris, và Washington DC, với tác quyền trên 12,000 ca khúc và 600 đĩa nhạc. 
 
Trang mạng âm nhạc của Zing.vn
 
Cty IDG, viết tắt của International Data Group, được thành lập tại Boston, MA, sau đó thành lập và đầu tư nhiều dự án tại Việt Nam, đặt hành dinh tại cao ốc Bitexco, đường Hải Triều, quận 1, Sài Gòn.
 
Khởi đầu của Zing.vn là do cty VNG, một nhóm nhỏ với ít kinh nghiệm hay tư bản đầu tư, được thành lập bởi ông Lê Hồng Minh. Nhưng sau đó đã bắt được nguồn tài trợ quan trọng là nhóm IDG Ventures Vietnam do Nguyễn Bảo Hòang lãnh đạo.  IDG Ventures Vietnam là một trong 220 tiểu công ty chi nhánh của tập đòan IDG Ventures với nguồn đầu tư lên đến $3.6 tỉ đô la họat động từ 15 năm nay từ Hoa Kỳ lan rộng ra các nước Trung quốc, Ấn độ, Nam hàn và Việt Nam. Vào năm 2005, IDG VN đã đầu tư $500,000 USD và mua lại cty VNG, và ông Nguyễn Bảo Hòang trở thành một thành viên ban quản trị, và giao cho một nhân viên khác là ông Bryan Pelz để cố vấn cho ông Minh quản lý cty VNG.
 
Trang 7 đơn kiện nêu danh Nguyễn Bảo Hoàng
 
Một tổ chức quan tâm đến tác quyền thế giới mang tên IIPA đã điều tra và kết luận rằng Zing.vn là một trang mạng vị phạm khét tiếng (notorious coyright infringer). Qua bản cáo cáo thường niên mang tên “Special 301” vào tháng Hai năm 2012, IIPA đã nộp cho Sở Ngọai Thương Hoa Kỳ danh sách các cty vi phạm, trong đó Zing.vn là một trong những tên đứng đầu danh sách.  
 
Vào tháng 10, 2012, thông tấn AP đã loan tin một số đại cty bảo trợ đã rút quảng cáo ra khỏi Zing.vn trong đó có Samsung, Coca-Cola, và trang mạng sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cũng đã rút cái link của Zing.vn khỏi trang nhà của sứ quán.
 
Theo chi tiết của đơn kiện nộp vào ngày 22 tháng 1 năm 2014 tại tòa liên bang Hoa Kỳ, thì bên nguyên đơn vẫn chưa nắm bắt hết tất cả chi tiết tổ chức và hệ thống kinh doanh của IDG Ventures. Những gì họ có được cho đến nay vẫn dựa trên các thông tin phổ biến rộng rãi trên các trang mạng, và cũng theo nguyên đơn thì nhiều chi tiết quan trọng sẽ được tiếp tục điều tra qua các thủ tục sưu tra tố tụng (discovery) của vụ kiện trong những tháng tới.
 
Trong năm 2012, đại diện của Làng Văn có gặp gỡ và khiếu nại với đại diện của VNG và Zing.vn, và trưng dẫn các chứng cớ vi phạm. Bên VNG xác nhận có vi phạm, và hứa sẽ chấm dứt. Sau đó thì thấy một số bài nhạc được kéo xuống, nhưng theo lời khiếu nại của LV, thì chẳng bao lâu lại thấy tái xuất hiện trên Zing.vn. 
Trong đơn kiện dài 106 trang với 21 trang đơn kiện và 85 trang phụ đính (exhibits), nguyên đơn Làng Văn đã liệt kê danh sách những tác quyền họ đã có hoặc đang nộp đơn với Sở Tác Quyền Hoa Kỳ. Và trưng dẫn hơn 3,000 bản nhạc trong 300 CD danh sách tác quyền bị vi phạm.
 
Theo chiếu theo luật tác quyền, mỗi một vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến $150,000 USD, do đó bên nguyên đơn có thể đòi bồi thường lên đến $450 triệu Mỹ Kim nếu chứng minh được là bên bị đơn đã cố tình chủ ý vi phạm tác quyền. Thỉnh thoảng vẫn có vài trường hợp phạt nặng lên đến $92,000 cho mỗi lần vi phạm. Nhưng trên thực tế, tiền phạt trung bình vào khoảng $300 - $500 tức là từ 1 triệu đến 1 triệu rưỡi cho vụ kiện nầy, cộng thêm án phí và luật sư phí. Đại đa số vụ kiện tác quyền được thương thảo và giàn xếp bồi thường kín đáo để tránh tranh tụng.
 
Một câu hỏi quan trọng là tại sao trang mạng của sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội lại cho link với trang mạng Zing.vn, một cty tư nhân tại Việt Nam.
 
Vụ Làng Văn kiện IDG và nhóm của Nguyễn Bảo Hòang sẽ đặt ra nhiều câu hỏi và mở ra nhiều cánh cửa quan trọng trong thị trường internet và kỹ nghệ âm nhạc của Việt Nam, với ảnh hưởng lan rộng đến các cộng đồng người Việt trên khắp thế giới 
 
Lê Phong

Không có nhận xét nào: