Pages

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Tồi tệ là điểm chung nhân quyền ở Việt Nam

WASHINGTON (NV) .- Việt Nam là trường hợp tiêu biểu cho một quốc gia mà ở đó đàn áp là vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là đàn áp về tự do ngôn luận.

Công an thường phục làm thành hàng rào ngăn chặn người dân, không cho họ vào phòng xử theo dõi phiên tòa xử luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân ngày 2/10/2013 ở Hà Nội, dù phiên tòa này được loan báo là xử “công khai”. (Hình: CAT BARTON/AFP/Getty Images)

Bà Sarah Cook, chuyên gia nghiên cứu về Á Châu của Freedom House – một tổ chức quốc tế hoạt động cho nhân quyền – đã nhận định như thế khi đề cập tới Việt Nam, khi Freedom House công bố Báo cáo Nhân quyền 2014.

Bà Cook nói thêm rằng, những thông tin mà Freedom House đã thu thập được cho thấy, năm ngoái số nạn nhân vì bất đồng cính kiến tại Việt Nam đã tăng gấp đôi so với năm 2012.
Đàn áp tự do ngôn luận ở Việt Nam thể hiện rõ nét qua các quy định mới nhằm hạn chế tối đa việc cung cấp những thông tin bất lợi cho nhà cầm quyền qua Internet. Bà Cook bảo đó là diễn biến chính về thực trạng tồi tệ ở Việt Nam. Đó cũng là điều mà nhiều năm qua, Freedom House từng lưu ý cộng đồng quốc tế khi đề cập tới Việt Nam.
Theo bà Cook, tình trạng nhân quyền tại Việt Nam càng ngày càng tồi tệ. Dân chúng chưa được hưởng những quyền căn bản của con người và chính quyền tiếp tục sử dụng bộ luật hình sự nhằm tống giam nhiều người chỉ vì bất đồng chính kiến.
Freedom House không phải là tổ chức quốc tế duy nhất cảnh báo cộng đồng quốc tế về tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam.
Hôm 23 tháng 1, trong buổi họp báo tại Bangkok để công bố Báo cáo về tình trạng nhân quyền toàn cầu, ông Phil Robertson, đại diện cho Tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch – HRW) nhấn mạnh, Việt Nam đã qua mặt Miến Điện về số tù nhân chính trị và có thể là quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á trong việc đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Báo cáo của HRW cho biết, Việt Nam không có hệ thống tư pháp độc lập. Tất cả những bản án mà tòa đã tuyên đối với những người bất đồng chính kiến đều là những bản án có lợi cho nhà cầm quyền CSVN.
Giống như Freedom House, HRW lưu ý cộng đồng quốc tế về việc nhà cầm quyền CSVN chà đạp các quyền căn bản của con người. Theo đó, quyền tự do hội họp, tự do phát biểu, thậm chí kể cả quyền tự do tín ngưỡng cũng chưa được tôn trọng.
Tại Việt Nam, nhà cầm quyền tìm đủ cách để ngăn cản biểu tình, ngăn cản việc tham gia những cuộc thảo luận về nhân quyền. Cầm giữ, truy tố, kết án nhiều nhà báo, blogger, kể cả dùng luật thuế để tống giam những người đòi hỏi đổi mới chính trị.
HRW dẫn một loạt trường hợp để minh họa cho các nhận định của tổ chức này về tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam. Chẳng hạn trường hợp ông Lê Quốc Quân, ông Trương Duy Nhất, ông Phạm Viết Đào, hoặc trường hợp 14 thanh niên Công giáo ở Nghệ An, chuyện sử dụng bạo lực để trấn áp Cao Đài, Hòa Hảo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các nhóm Tin Lành ở Tây Nguyên.
Thay mặt cho HRW, ông Robertson nói thêm rằng, chẳng thấy có tiến triển nào khi nhìn vào viễn cảnh nhân quyền tại Việt Nam. HRW ước đoán, Việt Nam đang giam giữ từ 150 người đến 200 người chỉ vì họ phổ biến cho dân chúng thông tin, tri thức về nhân quyền. Ông Robertson nhấn mạnh, chế độ Hà Nội chưa bao giờ tỏ ra muốn nghe tiếng nói của dân chúng.
Sau các báo cáo của một số tổ chức quốc tế chuyên hoạt động cho nhân quyền, người ta đang chờ xem phản ứng của cộng đồng quốc tế trong buổi “Kiểm điểm định kỳ toàn cầu về nhân quyền ở Việt Nam”, sẽ diễn ra vào ngày 5 tháng 2 ở Geneva, Thụy Sĩ.
Tại buổi “Kiểm điểm định kỳ về nhân quyền” đó, Việt Nam sẽ phải tường trình việc đã thực thi các cam kết liên quan tới thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền như thế nào. Cộng đồng quốc tế sẽ nghe tường trình, nhận định, chất vấn và đưa ra các khuyến nghị.
“Kiểm điểm định kỳ về nhân quyền” là thủ tục bắt buộc mà mỗi quốc gia phải thực hiện bốn năm một lần. Thủ tục này đươc gọi là Universal Periodic Review, thường đươc gọi tắt là UPR.
Mới đây, ông Đặng Xương Hùng, người từng là Vụ phó Vụ Biên giới phía Tây của Ban Biên giới, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, sau đó là Tham tán Công sứ, phụ trách lãnh sự của Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác ở Geneva, Thụy Sĩ,  trong giai đoạn từ 2008 – 2012. Đến tháng 10 năm ngoái, ông tuyên bố ly khai Đảng CSVN và bắt đầu tham gia vào cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Ông đã gửi một thư ngỏ cho các đồng nghiệp cũ sẽ tham dự buổi “Kiểm điểm định kỳ toàn cầu về nhân quyền ở Việt Nam”.
Trong thư, ông Hùng tâm sự, vì đã từng là viên chức ngoại giao nên ông hiểu các đồng nghiệp cũ đang bị “những trói buộc vô hình” khiến họ phải “hành động không như mong muốn”.
Ông Hùng bảo rằng, “những bằng chứng về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam luôn luôn thừa thãi” và những người viết báo cáo là những người nắm đầy đủ nhất. Thành ra, theo ông, điều mà mọi người quan tâm nhất là “thái độ của các bạn tại phiên họp lần này”.

Ông kêu gọi các đồng nghiệp cũ, nếu “”thương yêu nhân dân và dân tộc Việt Nam” thì hãy biểu hiện bằng hành động. Đó là “nên chăm chú lắng nghe, ghi chép đầy đủ và báo cáo trung thực tất cả những gì mà bên ngoài nói về nhân quyền ở Việt Nam” và “nên làm những điều này với sự chân thành và cầu thị nhất”. (G.Đ)

Không có nhận xét nào: