Pages

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Cơ hội cho Việt Nam

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA


000_Hkg9311350-305.jpg
Một tiệm bán lịch Tết ở Hà Nội hôm 27/12/2013.
AFP photo

Nghe Bài Này
Như mục Diễn đàn Kinh tế đã trình bày nhiều lần trong năm qua, việc các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài triệt thoái dần dần khỏi thị trường Trung Quốc đang mở ra cơ hội cho nhiều quốc gia khác. Nhưng Việt Nam lại có thể để lỡ những cơ hội này.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, trong một chương trình phát thanh ngày 14 Tháng Tám năm ngoái, chúng tôi đã nêu vấn đề như trên đây để nói đến những cơ hội mới khi các doanh nghiệp quốc tế triệt thoái khỏi thị trường Trung Quốc. Bước qua năm 2014, và trước khi qua năm Giáp Ngọ, sự thể ấy đã rõ rệt nên chúng ta có gắng nhìn lại toàn cảnh và cả cơ hội cho Việt Nam, ông nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta biết là phải nêu vấn đề và còn nhắc lại nhiều lần mỗi khi có dịp vì quả thật là thế giới đang bước qua hoàn cảnh mà nhiều người có thể gọi là "thoái Trung" là triệt thoái khỏi Trung Quốc. Mình sẽ bắt đầu từ đó rồi tìm hiểu xem là nếu rút khỏi Trung Quốc thì giới đầu tư quốc tế sẽ tìm đến nơi nào khác, theo điều kiện gì.
Vũ Hoàng: Chúng ta khởi sự từ chuyện "thoái Trung" này vì tuần qua thì tạp chí chuyên đề về kinh tế là tờ The Economist của Anh đã đưa một chủ đề lên trang bìa của số báo là Trung Quốc mấy sự hấp dẫn và các doanh nghiệp nước ngoài khó làm ăn hơn xưa. Vì sao lại như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Hiện tượng này đã có từ nhiều năm qua mà chương trình chuyên đề của chúng ta liên tục nhắc nhở, với nhiều đánh giá rất bi quan về thực trạng và tiềm lực kinh tế của Trung Quốc khi thiên hạ vẫn nói về phép lạ của xứ này. Đến năm qua thì đa số dư luận đã thấy ra những điều ấy. Thứ nhất, đà tăng trưởng của Trung Quốc thiếu phẩm chất và không thể kéo dài. Thứ hai là họ phải chuyển hướng để tránh khủng hoảng và thứ ba, thế giới thấy Trung Quốc hết là hãng xưởng cho các ngành ráp chế nhờ nhân công nhiều và rẻ như trước.
Vì vậy, khi doanh nghiệp đầu tư lần lượt rút chạy thì ta phải hỏi là chạy đi đâu? Và làm sao các nước có thể thu hút được nguồn cung cấp tư bản và kỹ thuật đang rút chạy của thiên hạ làm sức đẩy cho mình? Như mọi nước nghèo vừa bước vào giai đoạn khởi phát hay "cất cánh", Việt Nam cần vốn và kỹ thuật nên phải huy động từ bên ngoài. Các quốc gia khác, kể cả Trung Quốc, đều trải qua giai đoạn ấy. Khi đó, vấn đề chủ yếu là ta có gì hấp dẫn hơn xứ khác để thu hút đầu tư?
Như mọi nước nghèo vừa bước vào giai đoạn khởi phát hay "cất cánh", Việt Nam cần vốn và kỹ thuật nên phải huy động từ bên ngoài.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Thưa ông, kỳ này thì ta sẽ tập trung vào những điều kiện ông gọi là hấp dẫn đó và nói đến một ngành sản xuất quan trọng cho Việt Nam là dệt sợi và may mặc.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ đấy là một thí dụ tiêu biểu nhất cho thấy Việt Nam có thể đã để lỡ cơ hội vì trong khi thiên hạ đang rút vốn khỏi Trung Quốc và tìm nơi đầu tư có lợi hơn thì năm qua ngành may mặc để xuất khẩu của Việt Nam lại sa sút vì yếu kém nội tại của mình.
Trước tiên, ngay trong ngắn hạn là năm nay thì Việt Nam cần thấy trước nhiều rủi ro biến động trên thế giới khi toàn cầu đang bước qua giai đoạn điều chỉnh và luồng tư bản có thể chảy ngược. Một cách cụ thể thì nền kinh tế phải có quân bình vĩ mô mà Việt Nam lại chưa có vì mắc nợ nước ngoài quá nhiều, dự trữ ngoại tệ quá mỏng, thuộc loại thấp nhất Đông Nam Á.
Điều kiện thứ hai là phải có hạ tầng cơ sở bền vững để tiếp nhận đầu tư về tư bản lẫn kỹ thuật. Hạ tầng cơ sở ấy gồm có nhiều loại. Là vật chất như đường xá cầu cống và cả hệ thống bảo vệ môi sinh, hủy thải phế vật và giữ gìn điều kiện lao động lành mạnh cho công nhân. Hạ tầng đó cũng gồm có bộ máy hành chính công quyền hữu hiệu và liêm minh và hệ thống ngân hàng có thể giải quyết các dịch vụ cần thiết cho sản xuất và xuất khẩu. Trong cả chu trình sản xuất thì hạ tầng cơ sở còn có ý nghĩa tiếp liệu là lấy nguyên nhiên và vật liệu ở đâu để có sản phẩm hoàn tất tung ra thị trường nội địa hay xuất cảng? Và sau cùng, hạ tầng cơ sơ vô hình mà quan trọng nhất là nền tảng luật lệ công khai minh bạch để bảo đảm sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp.

Phụ thuộc Trung Quốc

000_Hkg9407802-250.jpg
Vũ Hoàng: Ông nêu ra những điều kiện hay tiêu chuẩn hấp dẫn từ nền tảng để thu hút đầu tư trong khi nhiều người cứ nghĩ rằng Việt Nam có sự hấp dẫn riêng là nhân công tương đối còn rẻ. Sự thật thì có như vậy hay chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là nên hỏi lại rằng "rẻ so với cái gì"? Thí dụ như phải rẻ nếu so với tay nghề hay hiệu năng cao thấp của công nhân thợ thuyền trong một môi trường ổn định và so với công nhân của các thị trường khác. Một cách thiết thực thì ta có thể so mức lương tối thiểu hàng tháng của công nhân các nước. Giả dụ như đang ở khoảng 100 đô la một tháng tại một xứ bất ổn bên cạnh Việt Nam là Cam Bốt, hoặc chưa tới 40 đô la ở tại Bangladesh, chưa tới 80 đô la bên Lào và khoảng 130 đô la ở Việt Nam. So với quãng 250 hay 300 đô la tối thiểu phải trả cho công nhân Trung Quốc thì Việt Nam có lợi thế rẻ hơn thật, nhưng vẫn kém Lào hay Bangladesh.
Ngoài ra, mình còn phải xét đến nhiều tiêu chuẩn khác trong cả chu trình sản xuất. Hãy tạm nghĩ rộng ra phí tổn của các phương tiện sử dụng là đất đai, máy móc thiết bị, và nguyên nhiên vật liệu lẫn gánh nặng thuế khóa. Người ta cứ cho là nếu giảm thuế hay giữ mức lương thấp thì sẽ thu hút được đầu tư của nước ngoài. Sự thật thì thuế suất cao thấp và trong thời hạn dăm ba năm đầu không là tiêu chuẩn đáng quan tâm nếu công chức tham nhũng và công nhân kém tay nghề và thiếu kỷ luật. Quan trọng hơn cả trong chu trình sản xuất là chuyện lấy vật liệu ở đâu?
Vũ Hoàng: Riêng về chuyện ấy thì ngành may mặc của Việt Nam vẫn phải nhập khẩu vật liệu chính là vải vóc từ Trung Quốc nên thật ra kiếm lời rất ít. Ông nghĩ sao về sự kiện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cho rằng đấy là nhược điểm tiêu biểu của hệ thống lãnh đạo.
Xin bắt đầu từ việc phân định ra từng công đoạn sản xuất thí dụ như áo quần để bán cho các thị trường Âu Mỹ theo kiểu dáng và mẫu mã của họ. Qua mỗi công đoạn thì ta có thêm một phần trị giá gia tăng, rồi tổng cộng lại ngần ấy trị giá đóng góp thì mình mới có mức lời về kinh tế cho quốc gia và kinh doanh cho doanh gia. Muốn sản xuất áo quần thì ta không chỉ cần mẫu mã, máy móc hay tay nghề rất rẻ của công nhân mà còn cần nguyên liệu, cơ bản như bông vải chẳng hạn.
Việt Nam thiếu cả khu vực phù trợ ngành sản xuất hàng may mặc, cụ thể là bông nội địa chỉ đủ cho 1% của yêu cầu và vải nội địa chỉ đủ cho 10% nên vẫn phải nhập. Nguồn cung cấp chính yếu lại là Trung Quốc. Từ bông sang vải qua tới áo quần đạt tiêu chuẩn của quốc tế thì Việt Nam chỉ nắm được công đoạn cuối nên hưởng phần trị giá gia tăng rất giới hạn. Ngoài ra, phải nói thêm rằng bông vải do Việt Nam sản xuất lấy vẫn kém về phẩm chất và thật ra lại đắt hơn bông vải của Trung Quốc nên doanh nghiệp làm gia công của Việt Nam vẫn ưa nguyên liệu Trung Quốc hơn và ngành may mặc của Việt Nam vì vậy vẫn lệ thuộc vào Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Nhưng vì sao ông lại cho rằng đó là nhược điểm tiêu biểu của hệ thống lãnh đạo?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Người ta cứ nói rằng lãnh đạo là tiên liệu, lãnh đạo Việt Nam không biết tiên liệu nên chẳng thúc đẩy sự hình thành của cả khu vực phù trợ các ngành sản xuất hàng tiêu dùng có khả năng tuyển dụng cao. Chính quyền và các tập đoàn kinh tế nhà nước không mấy thiết tha xây dựng cả chu trình sản xuất qua từng bước cải tiến vì tay chân của nhà nước kiếm ra bổng lộc quá ít trong từng công đoạn ấy, thí dụ như từ trồng bông đến xe chỉ và dệt vải. Họ dồn sức vào các dự án lớn loại Vinashin hay Vinalines vì kiếm được nhiều tiền hơn mà quên hẳn số phận của cả triệu nông dân và công nhân ở dưới.
Ngoài ra, khi nhìn qua viễn ảnh phát triển ngoại thương nhờ hiệp định đối tác Xuyên Thái bình dương TPP có hy vọng thành hình trong năm nay thì ta không quên là các nước trong khối TPP đều nhìn vào xuất xứ của sản phẩm được lọt ải thuế quan. Hàng hóa Việt Nam mà có tỷ trọng xuất xứ quá lớn từ một nước bên ngoài khối TPP như Trung Quốc thì sẽ bị gạt ra ngoài. Chuyện ấy quả là đáng buồn cho Việt Nam và lãnh đạo xứ này phải duyệt lại chính sách của họ.
Vũ Hoàng: Thưa ông, chúng ta còn vài ngày nữa là bước qua năm Giáp Ngọ. Nếu có vài lời tâm nguyện hay cầu chúc cho Việt Nam trong năm mới thì ông muốn gửi gấm những gì?
Người ta cứ nói rằng lãnh đạo là tiên liệu, lãnh đạo Việt Nam không biết tiên liệu nên chẳng thúc đẩy sự hình thành của cả khu vực phù trợ các ngành sản xuất hàng tiêu dùng có khả năng tuyển dụng cao.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nói về năm Ngọ và con ngựa thì tôi nghĩ rằng trong gần trăm năm qua, Việt Nam phạm một sai lầm lớn là mặc nhiên làm con ngựa chiến thành Troy cho Trung Quốc. Ngựa chiến thành Troy là một truyền thuyết của Hy Lạp thời cổ khi một phe để lại con ngựa gỗ, bên trong có những chiến binh nửa đêm bước ra ngoài mở cổng thành cho địch xâm nhập.
Việt Nam đã gây cảnh tương tàn Quốc Cộng rồi Nam Bắc trong ba chục năm, tới khi chiến tranh kết thúc thì mới thấy Trung Quốc chiếm lợi rất lớn và chiếm luôn chủ quyền trên đất liền và biển đảo ngoài khơi qua nhiều đợt xung đột vào các năm 1974, 1979 và 1988. Trong lĩnh vực kinh tế ngày nay, Việt Nam tiếp tục làm con chiến mã cho Trung Quốc khi doanh nghiệp Việt Nam mua hàng Trung Quốc và dán nhãn "Made in Vietnam" lên trên để bán cho thiên hạ.
Thế giới có thiện cảm với dân tộc Việt Nam nên sẵn sàng nâng đỡ kinh tế xứ này nhưng sẽ ngần ngại nếu Việt Nam tiếp tục sai lầm cũ. Ta cũng không quên rằng Á Châu còn nhiều quốc gia khác ngoài Trung Quốc và giới trẻ tại Việt Nam có tiềm năng hợp tác và học hỏi từ các quốc gia này chứ sẽ không mãi mãi cúi đầu. Vì vậy, lời cầu chúc đầu năm của tôi là người Việt sớm thoát khỏi cái kiếp trâu ngựa cho một xứ lân bang có quá nhiều ảnh hưởng lên lãnh đạo ở Hà Nội.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn này và kính chúc ông qua năm mới được an lạc
.

Không có nhận xét nào: