Nhà báo tự do Bùi Văn Phú
Gửi cho BBC từ California
Đó là Tết năm 1983, khi cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ chưa tròn 8 tuổi.
Internet, điện thoại bỏ túi, Facebook năm đó chưa có nên các thông tin liên lạc còn chậm. Sinh hoạt của người Việt nếu được biết đến là nhờ những tờ báo giấy như Người Việt, Hồn Việt, Trắng Đen, Việt Nam Hải Ngoại, Việt Nam Tự Do, Văn Nghệ Tiền Phong mà khi đến tay độc giả cũng đã là tin nguội đến cả tuần, có khi cả tháng.Thời điểm đó làn sóng vượt biển đang dâng cao và đa số người Việt đến các trại tị nạn ở Đông nam Á được Hoa Kỳ nhận cho định cư. Từ đó, nhiều nơi trên đất Mỹ cộng đồng người Việt đã ra đời.
Năm 1983 tôi đang học năm cuối đại học, thường tham gia sinh hoạt cộng đồng và viết ký sự cho các báo Việt ngữ. Muốn biết sinh hoạt vui xuân, đón Tết của người Việt ở nhiều nơi trên nước Mỹ dịp Tết Quý Hợi ra sao, các bạn trong Bút nhóm Ý Thức, do tôi chủ trương, đã thực hiện phỏng vấn tại chỗ và qua điện thoại một số người Việt ở nhiều nơi về sinh hoạt đón Tết ở Mỹ năm đó.
Cảm nhận người Việt
Mời bạn đọc nhìn lại quá khứ qua cảm nhận ghi được vào dịp Tết 31 năm trước.
- Nguyễn Khánh (Hawaii): Ở đây không có nhiều người Việt, mấy gia đình quen hôm qua gặp nhau say sưa một bữa. Hôm nay dưỡng sức vì mai phải đi làm. Tết thì nhớ nhiều thứ nhưng hoàn cảnh không cho phép.
- Huỳnh Văn Thắng (tại hội chợ Tết Los Angeles): Tôi có một mình nên Tết hơi buồn. Hai ngày Tết đi hội chợ và coi văn nghệ cho vui. Cũng như các cuối tuần khác tôi hay đi chơi đó đây. Chỉ có Tết ở Việt Nam mới vui.
- Trần Thị Ngọc (Anaheim, California): Tôi và mấy cô con gái đang lo sửa soạn cơm nước. Ông xã dẫn mấy cháu nhỏ đi hội chợ rồi. Tết nhất gia đình cũng đón xuân để nhớ lại Tết bên nhà. Mấy cháu mua được cành đào cắm ngoài phòng khách nên trong nhà cũng có chút không khí Tết.
- Hồng Liên (Louisiana): Cuối tuần rồi sinh viên rủ nhau xuống New Orleans đón Tết. Hồi rời Việt Nam em tưởng qua bên này sẽ không còn Tết nữa, nhưng mà không thiếu gì, đủ thứ bánh mứt mua về lai rai cả tháng trời. Về lại dorm với bánh mứt nên không khí Tết còn phảng phất.
- Nguyễn Viết Sơn (Seattle): Tuần rồi đi hội chợ Tết. Tuần này ở nhà có ăn uống, lập sòng bài vui xuân suốt đêm giao thừa. Sáng Mồng Một giải tán để còn chuẩn bị đi làm.
- Trần Long (San Francisco): Đêm giao thừa ra phố tàu nghe pháo nổ. Mồng Một lại nhà bạn bè nhậu nhẹt lai rai. Nhắc Tết làm chi buồn quá. Tôi mong có ngày về lại Việt Nam thì mới có một cái Tết vui.
- Lê Thông (Santa Ana): Gia đình tôi về San Diego thăm ông bà của các cháu. Sáng Mồng Một cũng chúc tuổi ông bà, lì xì và trưa ăn cơm gia đình. Có vậy thôi.
- Phạm Ngọc Minh (Chùa Giác Minh, Palo Alto): Tối qua gia đình chúng tôi cúng giao thừa. Sáng nay đến chùa khấn Phật cho gia đình bằng an, năm mới phát đạt. Tết có thế thôi vì mai phải đi làm rồi.
- Lê Hoàng Kiệt (Columbus, Ohio): Quanh đây không có gia đình Việt Nam nào nên không khí Tết cũng không có. Hai ngày nghỉ như cuối tuần bình thường. Tết về nhưng không có chút không khí Tết thì đón Tết như thế nào bây giờ.
- Nguyễn Cường (Washington D.C.): Chúng tôi đón tuyết thì đúng hơn. Tết mà tuyết rơi ngập đường. Có bao giờ mình nghĩ là đón Tết giữa mùa tuyết đâu. Vậy mà bây giờ là thế. Tôi đã định tham gia sinh hoạt Tết cộng đồng, nhưng tuyết nhiều quá nên đành ở nhà mở nhạc xuân ra nghe vậy.
- Nguyễn Hoàng (Pasadena): Buổi sáng dưới Los có hội chợ Tết. Tôi vẫn nhớ cảnh chợ hoa Nguyễn Huệ với xác pháo ngập đường vào sáng Mồng Một. Bên này thiếu mấy thứ đó nên đón Tết không đầy đủ. Ghé hội chợ xong tôi và mấy bạn qua phố Tầu ăn cơm.
- Một thanh niên tại hội chợ tết Los Angeles: Tôi mới qua Mỹ chưa được một năm. Cuộc sống còn chưa ổn định nên cũng không đón Tết rùm beng. Anh bạn đưa tôi lên đây xem hội chợ. Cũng vui nhưng nó làm tôi nhớ gia đình nhiều hơn. Cá nhân tôi thực sự không có đón Tết.
- Nguyễn Thanh (San Francisco): Chúng tôi đi chúc tuổi bà con quanh đây sáng nay. Hôm qua đi hội chợ ở San Jose. Xin xâm tại hội chợ là điều thích thú nhất. Không ngờ bên này cũng có một nơi giống như Lăng Ông. Có thể nói chúng tôi đón Tết như hồi ở bên nhà, chỉ thiếu vài thứ như câu đối, pháo đỏ.
- Vũ Ngọc Nam (Washington): Tôi qua Mỹ có một mình nên Tết đến thì buồn. Không đón Tết tưng bừng nhưng sáng nay tôi có đi chùa Việt Nam khấn vái Phật Trời phù hộ cho gia đình, cầu xin có một ngày được về lại Việt Nam.
- Phạm Văn Thành (Houston): Tuy là mùa đông nhưng vẫn có chút không khí Tết. Cuối tuần đi thăm bạn bè, gặp nhau chúc mừng hay nhắc đến Năm Mới nên cũng thấy không khí Tết nhưng không bằng một góc nhỏ của Tết quê nhà. Thiếu nhiều thứ. Gọi là vui Tết chứ không có gì nhiều. Mình đón Tết chứ người chung quanh họ đâu có đón. Thứ Hai đi làm lại rồi.
- Bảo Kim (Đại học Berkeley): Em giúp vui văn nghệ tất niên với sinh viên. Chặt cành đào đem về cắm trong nhà. Tết nhà em có tổ chức đánh bài, ăn uống.
- Phan Đức Hòa (tại hội chợ Tết San Jose): Nam nay Tết muộn, với lại thời tiết mưa nhiều nên gia đình chúng tôi không gói bánh chưng như mọi năm. Qua đây rồi mà tôi vẫn còn thích cái thú ngồi canh bánh chưng ngay sau vườn nhà. Nhà tôi cũng đã mua vài chiếc bánh ở chợ Việt Nam. Tối nay đón giao thừa, cúng ông bà tổ tiên xong thì cắt bánh. Tôi dẫn các cháu đi hội chợ Tết cho chúng biết ít nhiều về sinh hoạt Tết của người mình.
- Nguyễn Ngọc Phượng (tại hội chợ Tết San Jose): Người ta bảo mùa xuân đi trẩy hội mà. Bên ngoài mưa lớn mà hội chợ đông nghẹt. Mọi người muốn tìm lại không khí Tết nên mới đến đây nhưng thiếu pháo nổ giòn. Có xác pháo đỏ, mùi khói pháo mới giống Tết bên nhà hơn.
Truyền thống
Ba mươi mốt năm sau, đón Tết trở thành một sinh hoạt truyền thống của gia đình và trong cộng đồng người Việt như đã thấy rộn ràng bừng lên trong những ngày qua và sắp tới.
Riêng tại San Jose, từ các sinh hoạt đón Tết nho nhỏ trong những ngày đầu mới đến định cư, mỗi năm trở nên nhộn nhịp và phát triển cùng với sự gia tăng dân số gốc Việt.
Ông Vũ Văn Lộc, giám đốc cơ quan IRCC và là một người sinh sống ở đây lâu năm, đã tham gia tổ chức nhiều sinh hoạt cộng đồng trong gần 40 năm qua, nhận định việc tổ chức Tết Quý Hợi 1983 là một biến cố quan trọng của cộng đồng ở đây. Năm đó sinh hoạt Tết của người Việt đã từ những con sông nhỏ vươn ra sông lớn, để rồi những năm sau ra biển với những hội chợ, diễn hành thu hút nhiều vạn khách du xuân mỗi năm.
Khi pháo nổ khai mạc Hội chợ Tết Quý Hợi 1983 tại trường San Jose High School, cộng đồng người Việt ở đây, và nhiều nơi trên nước Mỹ, đã lớn dậy từ đó.
Hiện nay có gần hai triệu người gốc Việt sinh sống tại Hoa Kỳ, tập trung tại hai miền nam bắc California. Con số cơ sở thương mại do người Việt làm chủ ở California là vài vạn và tiểu bang này cũng là nơi có số dân cử gốc Việt nhiều nhất.
Thủ phủ của Little Saigon, từ vườn cam nay mọc lên những cơ sở thương mại của người Việt dọc các phố Bolsa, Brookhurst, Magnolia. Quận Cam nay có Thị trưởng Westminster Tạ Trí Đức, có Giám sát viên Janet Nguyễn.
San Jose nổi tiếng là thành phố lớn có đông người Việt nhất ở Mỹ, với gần 100 nghìn.
Từ những cánh đồng hoa vàng, người Việt đã góp phần vào việc phát triển nơi đây thành thung lũng điện tử vang danh thế giới. Ở đây có những con đường Tully, Senter, Story san sát cửa hàng Việt, có Lion Plaza lâu đời, có Grand Century bán buôn sầm uất. San Jose có khu phố Little Saigon là quá trình tranh đấu không mệt mỏi của nhiều người.
San Jose hiện có Phó thị trưởng Madison Nguyễn. Hy vọng trong năm Giáp Ngọ cô sẽ thắng cử, làm nên lịch sử để trở thành thị trưởng gốc Việt đầu tiên của thành phố đứng thứ 10 của nước Mỹ, với gần một triệu cư dân và là chiếc nôi của những phát minh điện tử đã làm thay đổi toàn cầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét