Pages

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Đôi lời về Điếu văn “Vĩnh biệt Anh Lê Hiếu Đằng!”, theo một quan điểm lịch sử (1, 2)

1Bình luận: “Chỉ tiếc rằng còn bao nhiêu người đến viếng anh mà vẫn một lòng một dạ với chiếc thẻ đoảng ôm ấp trong lòng. Nếu có 100, 1000 đoảng viên biết hành động như anh thì …tự nhiên cái đoảng tội lỗi này sẽ sụp đổ thôi.
Buồn quá cho lũ đạo đức giả này anh Đằng ơi ! Tôi đến viếng anh mà vẫn thấy bọn họ đóng kịch thương nhớ anh đấy.”

Viết những dòng này là lúc bài Điếu văn của các bạn hữu ông đang được đọc trong Tang lễ bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng nay, 26/1/2014 tại Sài Gòn.
Không thể làm “Điếu văn”, cho ông Đằng
Ông đã đi vào lịch sử Việt Nam, ít ra là lịch sử của triều đại cộng sản, cùng nhiều đảng viên cao cấp khác của ĐCSVN đã từng nhận ra những sai lầm nghiêm trọng trong lý tưởng cộng sản của mình, những mối nguy lớn mà chủ thuyết cộng sản mang lại cho đất nước và nhân loại … và dám lên tiếng, hành động quyết liệt, dám “đặt cược” cả sinh mệnh chính trị của mình, quyền lợi và cuộc sống bình yên của mình và người thân vào sự “phản tỉnh” đó.
Ông đi vào lịch sử chỉ bằng quãng thời gian ngắn ngủi cuối đời, không được cái “huy hoàng” như một thời theo đảng, nhưng lại đi vào lòng người dân, bạn hữu, lặng lẽ mà trường tồn.
Đám tang của ông cũng “đi vào lịch sử”, cùng với đám tang Tướng Trần Độ, theo một cách kỳ lạ chỉ có ở chế độ cộng sản VN. Cái cách kỳ lạ đó đã minh chứng một cách hùng hồn rằng cả khi nhắm mắt xuôi tay rồi, ông vẫn góp phần vào việc vạch trần bản chất của thứ mà gần cả một đời mình ông đã tin theo mãnh liệt.
Vậy thì, theo thiển ý của người viết bài này, bản Điếu văn vĩnh biệt ông phải thể hiện một cách công bằng những gì mà ông từng ước nguyện, thực hiện và đem lại kết quả cho xã hội, nó bao gồm 2 nửa đối lập: nửa trước – hầu như cả đời là “theo đảng“, nửa sau – ngắn ngủi mà trái ngược và mang tới huy hoàng cho ông trong lòng dân – là “bỏ đảng“.
Tiếc thay bài Điếu văn đã hoàn toàn không phải theo cách đó! Mời quý độc giả đọc ở đây, và xin hẹn sẽ bàn tiếp ở bài sau.
Trước khi đi sâu bàn tới nội dung “Điếu văn”, xin được nhấn mạnh rằng lời bàn ở đây là về một bản “Điếu văn”, trong đó tóm lược cuộc đời Lê Hiếu Đằng và niềm xúc cảm tiễn biệt ông, chứ không phải là một bài báo, không có tên (các) tác giả, đã đưa ra những nhãn quan chính trị dễ gây lẫn lộn giữa của tác giả với của người đã khuất.
Mổ xẻ
Như ở phần trước đã nói, cuộc đời Lê Hiếu Đằng có 2 “nửa”, nửa trước gần trọn đời là “giác ngộ” rồi “theo đảng“, còn “nửa” sau, chỉ ngắn ngủi trong vài năm là “tỉnh ngộ” rồi “bỏ đảng“.
Thế nhưng, cái nửa trước đã được bài “Điếu văn” kể đến (“Anh Lê Hiếu Đằng sinh ngày 06.01 năm 1944 … giữ chức danh này cho đến khi về hưu”) với lời khẳng định đó đã là “xuyên suốt cuộc đời” của ông rồi, đã chứng tỏ rằng “vận mệnh của đất nước là điều không lúc nào rời khỏi sự bận tâm suy nghĩ” của ông, chứ chẳng cần cái nửa sau “tỉnh ngộ” rồi “bỏ đảng” nữa.
Vậy còn cái nửa sau ngắn ngủi đó thì sao? (Các) tác giả chỉ coi những gì ông đã làm, đã viết trong suốt mấy năm qua như là những hành động nhằm “giữ gìn sự liêm khiết”, là “thái độ bảo vệ sự trong sáng” để “thực hiện cho được lý tưởng của mình”, tức là lý tưởng cộng sản, của đảng “quang vinh”? Không hiểu vậy sao được bởi đảng của … những người chắp bút bản “Điếu văn” chỉ có những “chuệch choạc”, cùng lắm là “sai lầm”, “trong việc đem lý tưởng ra thực hiện”. Và theo họ thì ông đôi khi đã “khá gay gắt”, vì cho là đảng chỉ mắc “sai lầm” và chưa “khắc phục một cách triệt để” mà thôi. Thêm nữa, những hành động của ông chỉ là để “giữ gìn cho được những phẩm chất làm nên cái lý tưởng lành mạnh ban đầu” mà thôi.
Ấy thế mà không hiểu sao, báo đảng của các tác giả bản “Điếu văn” đã tung ra không biết bao nhiêu những bài viết dữ dội, thóa mạ, coi Lê Hiếu Đằng như kẻ tội đồ (tạm xem bài gần đây nhất: Hiện tượng Lê Hiếu Đằng và quy luật đào thải - báo Hà Nội mới). À … hóa ra là ông không những tuyên bố bỏ đảng, mà trước đó còn kêu gọi thành lập một đảng khác, làm cho cái đảng độc quyền này sợ run lên, không nghĩ nhẹ tênh như các tác giả “Điếu văn”, rằng đó chẳng qua chỉ là “khá gay gắt” trong đấu tranh mà thôi.
Thế là một Lê Hiếu Đằng cùng cái đảng từng là của ông đã được “đổ khuôn” qua bài “Điếu văn” như sau: đảng cùng lý tưởng cộng sản của nó đã và mãi là tuyệt vời. Ông cùng các bạn hữu đi theo nó là đúng đắn. Chỉ có điều ngày nay đảng bị chuệch choạc, mắc sai lầm. Ông tâm huyết sửa lỗi cho nó, nhưng vì ông quá nhiệt thành mà thiếu bình tĩnh, nên đảng hiểu nhầm ông thôi. Còn riêng đoạn ông “gay gắt” tới mức kêu gọi đa đảng, thành lập đảng Dân chủ Xã hội, rồi tuyên bố từ bỏ đảng, thì họ … quên.
Còn nhiều lắm những điều đáng mổ xẻ trong bản “Điếu văn”, ví như nửa đầu là một Lê Hiếu Đằng luôn “bận tâm suy nghĩ” trước “sự can thiệp trực tiếp của chính quyền Mỹ”, nên đã theo đảng để tranh đấu. Còn nửa sau thì … chẳng thấy đâu một Lê Hiếu Đằng đi đầu trong những đoàn biểu tình chống Trung Quốc, gửi thư phẫn nộ tới Đinh Thế Huynh, những đồng chí của ông nhưng rất có thể ra lệnh đưa ông vào tù dễ hơn “Mỹ-Ngụy” ngày xưa rất nhiều; để rồi từ đó ông ngày càng tỉnh ngộ, và quyết định bỏ đảng.
Vẫn chưa yên tâm cho những gì vương vấn khó nói ra, cho chính mình thì đúng hơn là cho Lê Hiếu Đằng, các tác giả đã dành trọn một khổ lớn cuối “Điếu văn” (“Cũng chính vì vậy mỗi khi … của nhân dân yêu quý”) để một lần nữa luận giải rằng tất cả những niềm tin, hành động theo cái lý tưởng cộng sản để dẫn tới kết cục như ngày hôm nay cũng chỉ là “hành trình thể nghiệm đầy hào sảng”. Vâng! Cái đảng của các vị nó cũng nói vậy, trước những nguyền rủa muôn đời về cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn (đánh nhau là “đánh cho Liên Xô, Trung Quốc”), những cuộc cải tạo tư bản tư doanh, tập trung cải tạo, vượt biển trong chết chóc và tủi nhục hàng triệu con người v.v.. tất thẩy đều là những cuộc “hành trình thể nghiệm đầy hào sảng”.
Để tạm kết phần bình luận này, xin mời các tác giả bản “Điếu văn” đọc lại lời Lê Hiếu Đằng, trong bài Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh…, để nghĩ lại những gì mình đã vẽ vời về ông:
Thật sự là Miền Nam đã giải phóng Miền Bắc trên tất cả các lĩnh vực nhất là kinh tế, văn hóa, tư tưởng… Vì những lẽ trên tôi xin ‘tính sổ’ với ĐCS VN và với bản thân cuộc đời của tôi …
Tại sao lại có bản “Điếu văn” lạ vậy? Xin được bàn tiếp trong phần tới.

Không có nhận xét nào: