Pages

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Cái chết của một đế quốc bao giờ cũng kéo dài

Lê Mạnh Hùng
Một đế quốc không bao giờ chết ngay mà thường kéo dài có khi đến cả chục năm. Còn hậu quả của nó có khi kéo dài còn lâu hơn nữa. Trong thế kỷ thứ 20, ta thấy cái chết của nhiều đế quốc. Sự tan rã của đế quốc Áo-Hung sau Thế Chiến Thứ Nhất đã để lại một loạt những quốc gia thừa kế mong manh và những mâu thuẫn quan trọng về dân tộc và tôn giáo mà đến gần 60 năm sau vẫn còn xuất hiện với cuộc chiến đẫm máu tại Bosnia.

Việc giải thể đế quốc Pháp kéo dài gần hai chục năm và phải mất hai cuộc chiến đẫm máu – chiến tranh Việt Nam lần thứ nhất và chiến tranh Algérie – và một cuộc đảo chính hụt tại Pháp mới hoàn thành. Nhưng ngay cả sau khi đã rút lui khỏi đế quốc, những hậu quả của nó vẫn còn âm ỷ trên đất Pháp với sự hiện diện của hàng triệu những người dân thuộc địa cũ và con cháu của họ trên đất Pháp cùng với những vấn đề kinh tế xã hội mà họ tạo ra. Ðế quốc Anh may mắn hơn, không phải chịu những cuộc chiến tranh đẫm máu như đế quốc Pháp nhưng những hậu quả cũng quan trọng không kém. Không phải tự nhiên mà Luân Ðôn có lúc được mệnh danh là Londonistan vì khối lượng của những tên khủng bố Hồi giáo phát xuất từ đô thị này.
Ðế quốc Xô Viết bị sụp đổ vào cuối thập niên 1980 mà không có một cuộc nội chiến vốn suýt giết chết nhà nước Xô Viết son trẻ trong những năm 1918-21. Nhưng nếu không có một cuộc nội chiến toàn diện như kiểu thời đó thì cũng có những cuộc chiến nội bộ đẫm máu không kém tại Chechnya, Nam Ossetia, Abkhazia, Dagestan, Ingushetia, Nagorno-Karabakh, Uzbekistan, Moldova, Kirgizia và cả một cuộc tấn công ngắn ngủi của Nga vào Georgia. Chỉ có hai cuộc chiến đầu tiên ố Chechnya – và cuối cùng ố Georgia – là được báo chí phương Tây nhắc nhở tới.
Cuộc đánh bom khủng bố tại Volgograd lúc đầu năm 2014 là dấu hiệu rằng những hậu quả của cuộc sụp đổ của đế quốc Xô Viết sẽ còn tiếp diễn. Khủng bố Hồi giáo nay trở thành vấn đề cấp bách nhất của Nga. Nó đe dọa làm ảnh hưởng tới việc tổ chức Thế Vận Hội mùa Ðông dự trù diễn ra tại Sochi trong vòng tháng tới. Sochi chỉ cách Volgograd, nơi xảy ra vụ đánh bom tự sát có vài trăm cây số. Trong một thông điệp thâu video phát ra vào tháng 7 năm ngoái, Doku Umarov, tên khủng bố tự nhận mình là Tiểu Vương (Emir) của vùng Bắc Caucasus đã kêu gọi tất cả hãy “cố gắng tối đa theo con đường của đấng Allah để làm tất cả những gì có thể làm được để ngăn chặn những nhảy múa ma quỷ trên thi hài của ông cha chúng ta.”
Câu quan trọng nhất của trong thông điệp video này là “thi hài của ông cha chúng ta.” Umarov, một con người thông minh và không từ bỏ một thủ đoạn nào đang tìm cách tạo ra một đám cháy mà ông ta hy vọng sẽ bùng ra trên khắp nước Nga. Liên Xô quả là đã chôn vùi thi hài của rất nhiều ông cha – hầu hết là trong giai đoạn Staline – của vùng Bắc Caucasus, vùng núi non ở phía Nam nước Nga hiện đang có rất nhiều bộ tộc khác nhau sinh sống. Những bộ tộc này bị đàn áp phải khuất phục qua khủng bố, đầy ải và một tiến trình hiện đại hóa tàn bạo kinh tế cổ truyền của họ.
Bạo động hiện đang gia tăng tại các nước Cộng Hòa Dagestan và Ingushetia cũng như tại Chechnya nơi mà người ta đã từng nghĩ rằng mọi sức kháng cự đã bị quét sạch sau cuộc chiến Chechnya lần thứ hai. Một trong những nghi phạm đầu tiên của vụ đánh bom tự sát ở nhà ga xe lửa Volgograd là Oksana Aslanda, thuộc bộ tộc Tabasaran ở Dagestan. Bộ tộc này theo Hồi giáo, hệ phái Sunni. Bộ tộc này được biết nhiều nhất là đã sản xuất ra vận động viên nhẩy sào vô địch thế giới Yelena Isinbayeva mà bố là một người thuộc bộ tộc Tabasaran và mẹ là người Nga. Isinbayeava và Asland tiêu biểu cho tấn bi kịch của vùng Bắc Caucasus, một nửa bị lôi kéo vào trong xã hội Nga và một nửa bị hút vào con đường cực đoan bảo vệ truyền thống của ông cha.
Những nhóm này cũng hấp dẫn được những người Nga bị kích thích bởi tinh thần tranh đấu của họ và thèm muốn một ý thức hệ thay thế cho sự trống rỗng đạo đức và tinh thần của nước Nga hiện đại. Pavel Pechyonkin, một người Nga và cựu y tá tại Dagestan là nghi phạm độc nhất trong vụ đánh bom thứ hai trên một chiếc xe bus tại Volgograd. Trả lời những năn nỉ của bố mẹ mình hãy từ bỏ bọn khủng bố, Pavel Pechyonkin nói đấng Allah đã ra lệnh cho mình và “Tại sao chúng ta không làm con cái chúng mồ côi (giống như chúng đã làm con cái chúng ta mồ côi)?”
Ðối với Umarov, cơ sở đạo đức của cuộc kháng chiến là một cuộc thánh chiến Hồi giáo (jihad). Nhưng đối với những nhóm khác cơ sở đạo đức thì khác hơn. Các cuộc biểu tình tại Ukraine nhằm ủng hộ một thỏa hiệp hợp tác với Liên Hiệp Châu Âu đã hầu như chấm dứt vào giữa Tháng Mười Hai khi Tổng Thống Putin của Nga hứa hẹn cung cấp khí đốt rẻ tiền và cho vay nhẹ lãi để đổi lại một sự tiếp tục thần phục nước Nga và khả năng tham dự vào một khu quan thuế chung Âu Á. Tuy nhiên việc đánh đập tàn bạo nữ ký giả Tatyana Chernovol vốn đưa lên Internet những tấm hình chụp điền sản to lớn của Tổng Thống Ukraine Viktor Yanukovich đã làm nổ lại những cuộc biểu tình phản đối tại Kiev trong dịp Giáng Sinh.
Sự hoài niệm Liên Xô của ông Putin đã có được một phản ứng đồng tình tại nhiều nơi. Hội Ðồng Thành Phố Volgograd đã đề nghị đổi tên thành phố trở lại thành Stalingrad và giữ lại tên thời Stalin của nhiều quận trong thành phố. Nơi mà xảy ra vụ đánh bom trên xe bus là thuộc quận Dzerzhinsky, tên của người sáng lập ra cơ quan mật vụ Liên Xô mà sau này trở thành KGB. Ðối với nhiều người Nga việc hoài niệm đế quốc là một tình cảm tự nhiên vì dù sao chăng nữa nó cũng làm họ tự hào hơn là tình trạng hiện nay.
Nhưng việc lập lại đế quốc một khi nó đã mất đi là một chuyện không thể được. Giống như anh chàng Humpty Dumpty của Lewis Carrol một khi đã ngã xuống thì “All the King’s horses and all the King’s men” cũng không thể nào hàn gắn lại Humpty Dumpty được nữa.

Không có nhận xét nào: