Ảnh minh họa
|
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố được phát đi ngày hôm qua rằng, lực lượng nước này đã phái một chiếc máy bay chiến đấu thiện chiến F-15 đi đánh chặn máy bay Trung Quốc ở gần quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông.
Chiếc máy bay cánh quạt Y-12 của chính phủ Trung Quốc đã bay thẳng vào Vùng Nhận diện Phòng không của Nhật Bản, cách không phận quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khoảng 160km. Đây là quần đảo đang là trung tâm của một cuộc tranh chấp quyết liệt và nóng bỏng giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới.
Máy bay của Trung Quốc đã quay đầu bay trở lại lãnh thổ của Trung Quốc mà không xâm nhập vào vùng không phận ở quần đảo tranh chấp sau khi chiến đấu cơ Nhật Bản cất cánh, một quan chức quốc phòng của Nhật Bản cho hay nhưng không cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào.
Vụ việc ở biển Hoa Đông ngày hôm qua là cuộc đối đầu trên không đầu tiên giữa Trung Quốc và Nhật Bản kể từ khi Bắc Kinh khiến cả khu vực “sôi sùng sục” vì bất ngờ đưa ra thông báo thành lập Vùng Nhận diện Phòng không biển Hoa Đông hồi tháng 11 mới đây. Bắc Kinh tuyên bố, các máy bay nước ngoài bay qua vùng nhận diện phòng không của họ, kể cả máy bay chở khách, đều phải báo cáo với giới chức nước họ.
Vùng phòng không mới của Trung Quốc bao gồm cả vùng trời ở những khu vực tranh chấp giữa nước này với hai nước láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì thế, hành động của Trung Quốc đã vấp phải phản ứng dữ dội từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Philippines.
Trong một động thái thể hiện sự thách thức đối với Bắc Kinh, máy bay quân sự của cả Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đã thực hiện những chuyến bay qua vùng phòng không của Trung Quốc hồi tháng 11 mà không thực hiện bất kỳ yêu cầu hay quy định nào mà Bắc Kinh đưa ra.
Cũng trong ngày hôm qua, Tokyo tố cáo, 4 tàu hải giám của Trung Quốc lại tiếp cận những quần đảo nằm trong vùng lãnh hải tranh chấp.
Vụ máy bay và tàu thuyền Trung Quốc lại khiêu khích Nhật Bản ở vùng tranh chấp diễn ra đúng thời điểm hai nước này lại đang lao vào một cuộc khẩu chiến gay gắt với đại sứ từ cả hai bên đầu ví nước kia với nhân vật đại phù thủy hắc ám Volderort trong loạt truyện Harry Potter nổi danh khắp thế giới.
Trong bài báo được đăng tải trên tờ Daily Telegraph số ra tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại Anh đã chỉ trích chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến đền thờ chiến tranh gây tranh cãi – nơi thờ khoảng 2,5 triệu người Nhật chết trong chiến tranh, trong đó có 14 tội phạm chiến tranh thời Thế chiến II.
Liu Xiaoming viết: "Nếu chủ nghĩa quân phiệt giống như phù thủy Voldermort của Nhật Bản thì đền thờ chiến tranh Yasukuni ở Tokyo đại diện cho phần đen tối nhất của linh hồn quốc gia đó”. Trong cùng tờ báo đó, người đồng cấp Nhật Bản Keiichi Hayashi nói rằng, Trung Quốc đang có nguy cơ trở thành “phù thủy Voldermort của khu vực Đông Á".
Những diễn biến trên khiến người ta lo ngại cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ leo thang, gây ra những hậu quả gây ảnh hưởng sâu rộng và lôi kéo đồng minh của Nhật Bản là Mỹ vào cuộc đối đầu này.
Bắc Kinh liên tục kêu gọi Washington không được đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp.
Mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á đang xấu đi một cách nghiêm trọng vì cuộc tranh chấp nóng bỏng xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Kể từ sau khi Tokyo quyết định mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9 năm 2012. Kể từ khi đó, Trung Quốc liên tiếp đưa tàu thuyền ra vào vùng tranh chấp. Trong suốt thời gian qua, tàu thuyền Trung Quốc liên tiếp xâm nhập vào khu vực lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, châm ngòi cho những cuộc vờn đuổi, gầm ghè nhau đầy căng thẳng giữa tàu thuyền hai nước ở vùng tranh chấp.
Sau những màn “mèo vờn chuột” đầy nguy hiểm trên, Trung Quốc đã có một bước đi leo thang mới vào ngày 13/12 năm ngoái khi nước này lần đầu tiên đưa máy bay không người lái đến quần đảo tranh chấp Senkaku. Vụ việc này đã buộc Tokyo phải cử 8 chiến đấu cơ hiện đại đi chặn đầu máy bay Trung Quốc. Đây chính là bước mở màn leo thang trên bầu trời. Kể từ sau đó, những cuộc đối đầu trên không giữa máy bay hai nước Trung, Nhật trở nên thường xuyên hơn.
Hồi tháng 4 năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đưa ra một lời cảnh báo sắc lạnh rằng, Tokyo sẽ “dùng vũ lực” để chặn bất kỳ hành động đổ bộ nào của phía Trung Quốc xuống quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Trong động thái mới nhất, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã rời Tokyo đến Tây Ban Nha và Pháp trong ngày hôm qua. Trong chuyến công du này, ông Kishda được cho là sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của các nước trong cuộc tranh chấp giữa Nhật Bản với Trung Quốc./Kiệt Linh - (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét