Pages

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Lễ tưởng niệm Hoàng Sa ‘bị cản trở’, người trong cuộc nghĩ gì?


Người biểu tình xuống đường tưởng niệm 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa tại Hà Nội với biểu ngữ ‘Tổ quốc ghi công, đời đời nhớ ơn anh hùng Ngụy Văn Thà và đồng đội’.
Người biểu tình xuống đường tưởng niệm 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa tại Hà Nội với biểu ngữ ‘Tổ quốc ghi công, đời đời nhớ ơn anh hùng Ngụy Văn Thà và đồng đội’.
Hàng chục người đã xuống đường, tưởng nhớ 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa, hôm 19/1 tại trung tâm Hà Nội nhưng buổi lễ do người dân tự đứng lên tổ chức đã bị giải tán không lâu sau đó.
Trong các bức ảnh được đăng tải trên các trang mạng xã hội, có thể thấy các biểu ngữ như ‘Tổ quốc ghi công, đời đời nhớ ơn anh hùng Ngụy Văn Thà và đồng đội’, hay ‘nhân dân không bao giờ quên”.
Nhiều đoạn video cho thấy những đám đông xô đẩy nhau giữa tiếng loa phóng thanh của lực lượng công an, nói rằng ‘một số cá nhân đã tuyên truyền, lôi kéo, tụ tập đông người, tổ chức các hoạt động gây phức tạp an ninh trật tự trên địa bàn thành phố”, và rằng “hoạt động tập trung đông người phải được sự đồng ý của cơ quan chức năng”.
Tất cả những người dân đến để tưởng nhớ, không làm gì sai với luật pháp và hiến pháp Việt Nam cả. Tất cả những người dân đến để thắp hương, đặt những bông hoa để tưởng nhớ những người đã hy sinh…
Sinh viên Lê Đức Hiền.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, cán bộ Viện Hán – Nôm ở Hà Nội, kể lại với VOA Việt Ngữ rằng ông trông thấy rất đông an ninh, gấp đôi số người đến làm lễ tưởng niệm.
Ông Diện cũng cho biết thêm rằng chính quyền Hà Nội đã ‘cho mấy công nhân đưa đến mấy viên đá rồi cưa làm cho bụi mù lên, gây ồn ào ở đó rồi thì loa lên là đây là khu đang thi công’.
“Lúc đó, mọi người vô cùng phẫn nộ, tôi cũng rất phẫn nộ. Tôi nói với một cán bộ an ninh A83, tức là an ninh văn hóa rằng cái người nào bày ra cái trò này tưởng là thông minh, nhưng mà thật ra cũng ngu xuẩn và đáng nhận được sự khinh bỉ của mọi người. Hành động đó ngay lập tức đã nhận được sự phản đối rất là quyết liệt của những người tham dự. Tôi thì thấy đó là một trò hề của nhà cầm quyền thành phố Hà Nội”.
Nhà nghiên cứu về văn hóa Trung Hoa cho biết mọi người chỉ muốn ‘đứng xung quanh tượng đài Lý Công Uẩn, thắp hương, dâng hoa, rồi cúi đầu tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974 rồi tự giải tán và ra về’.
Lực lượng công an dùng loa phóng thanh kêu gọi giải tán biểu tình.Lực lượng công an dùng loa phóng thanh kêu gọi giải tán biểu tình.
Trong khi đó, anh Lê Đức Hiền, một sinh viên tham gia buổi lễ tưởng niệm, cho VOA Việt Ngữ biết anh bị câu lưu và đưa về đồn công an phường Lý Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
“Họ tịch thu tất cả điện thoại và yêu cầu kiểm tra hành lý. Họ lấy lý do rằng ‘tôi nghi ngờ anh tình nghi trong một vụ trộm cắp ở gần đấy’. Rồi họ lục soát hết tất cả đồ đạc của tôi. Họ đã thu giữ 17 quyển sách cẩm nang về quyền con người và một quả bóng bay về nhân quyền nữa. Sau đó họ có nhiều câu hỏi rất là vớ vẩn đối với tôi. Họ hỏi là tại sao lại đi tham gia những cái như thế này. Sau đó họ ngang nhiên đánh vào mặt tôi một cái, làm chảy máu mồm tôi”.
VOA Việt Ngữ đã liên lạc với Công an phường Lý Thái Tổ nơi anh Hiền cho biết anh đã bị ‘đánh đập’, nhưng một đại diện của cơ quan này từ chối trả lời phỏng vấn.
Anh Hiền cho rằng việc lực lượng an ninh cản trở người dân như vậy là ‘điều không hay’.
“Tất cả những người dân đến để tưởng nhớ, không làm cái gì sai với luật pháp và hiến pháp Việt Nam cả. Tất cả những người dân đến để thắp hương, đặt những bông hoa để tưởng nhớ những người đã hy sinh. Những việc làm đó hoàn toàn không sai, và phía Việt Nam cần ca ngợi điều đó để tưởng nhớ những người đã hy sinh cho đất nước”.
Cho dù là nhà nước tưởng niệm hay không tổ chức tưởng niệm thì trong lòng người dân, đối với chúng tôi, Hoàng Sa và những sự hy sinh đó vẫn nằm trong trái tim của chúng tôi…
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện nói với VOA Việt Ngữ rằng cuộc tưởng niệm nhằm nhắc nhở mọi người rằng ‘Hoàng Sa lúc nào cũng ở trong trái tim của những người dân yêu nước Việt Nam’.
Nhà nghiên cứu này còn nói thêm rằng ‘việc hòa giải, hòa hợp dân tộc nên bắt đầu từ những việc nhỏ như ghi nhận sự hy sinh của các chiến sỹ Việt Nam Cộng hòa từng ngã xuống trong trận hải chiến Hoàng Sa’.
“Cho dù là nhà nước tưởng niệm hay không tổ chức tưởng niệm thì trong lòng người dân, đối với chúng tôi, Hoàng Sa và những sự hy sinh đó vẫn nằm trong trái tim của chúng tôi, chúng tôi vẫn tưởng nhớ. Qua đây, chúng tôi muốn nhắc nhở đến một thông điệp là chỉ có thể thực hiện được hòa giải, hòa hợp dân tộc, nếu như nhà nước Việt Nam ghi nhận sự hy sinh này. Đấy là máu, xương của những người chiến sỹ Việt Nam, cho dù ở phía Việt Nam Cộng Hòa, thì đấy là sự hy sinh rất cần chúng ta tôn vinh và tưởng nhớ”.
Chính phủ Việt Nam chưa công nhận 74 người ngã xuống trong trận chiến kéo dài từ ngày 17/1  tới 19/1/1974 là liệt sỹ.
Sự kiện lịch sử hơn 40 năm trước hiện cũng chưa được đưa vào các sách sử.

Không có nhận xét nào: