Pages

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

TRUNG QUỐC : VIỄN MƠ VÀ THAM VỌNG

NGUYỄN CAO QUYỀN
Tháng 1 năm 2014
Trong những năm 1940 người ta nghĩ rằng ước vọng của Trung Quốc chi là sự phục hồi những đổ vỡ từ ách thống trị của người Nhật. Tuy nhiên sau chiến thắng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào năm 1949 Mao Trạch Đông tuyên bố: “Liên Xô hôm nay là ngày mai của Trung Quốc”. Kể từ đó những mong muốn của Trung Quốc trở nên phức tạp hơn. Năm 1971 Bắc Kinh tìm cách liên lạc với tổng thống Mỹ Nixon và cho thấy họ muốn nghiêng về phía Hoa Kỳ. Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 thì mục tiêu của Trung Quốc không còn rõ ràng như thế nữa.
Theo dõi hành tung của Bắc Kinh từ 1949 đến nay người ta có thể chia thời gian này làm hai giai đoạn trong đó chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đã hoàn toàn thay đổi. Giai đoạn thứ nhất bắt đầu từ 1949 đến hết thế kỷ 20. Giai đoạn thứ hai khởi sự từ khi nhân loại bước sang thế kỷ 21 cho đến ngày nay.

Giai Đoạn Thứ Nhất (1949-2000)
Trong giai đoạn này Bắc Kinh phải đối phó với hai vấn đề trọng yếu: an ninh nội bộ và phát triển kinh tế. Vì lý do này trước hết họ phải theo đuổi một chính sách đối ngoại nhằm tối đa hóa sự ổn định trong nước. Về mặt lịch sử ai cũng biết rằng Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông không thuộc lãnh thổ Trung Quốc nên người dân ở các vùng đó không chịu đồng hóa với người Hán. Để đối phó với thực trạng đó Bắc Kinh đã dùng đến các biện pháp nửa thực dân, chẳng hạn như bất kỳ một sự khác biệt nào về mặt triết lý củng bị xem là một đe dọa chính trị đối với ĐCSTQ và bị đàn áp.
Quan tâm thứ hai là phải duy trì tăng trưởng kinh tế để chính danh hóa vị thế cầm quyền của Đảng kể từ khi chủ nghĩa Marx đã lui vào dĩ vãng. Để làm được việc này, Bắc Kinh cẩn thận hoạch định một chính sách đối ngoại thân thiện và mềm mỏng vì nền kinh tế hậu Mao được đẩy mạnh bằng vốn của nước ngoài. Tính cách mềm mỏng này thể hiện rõ nét khi Bắc Kinh chấp nhận những đòi hỏi khắt khe của Mỹ để được gia nhập WTO và qua thái độ kiên nhẫn hơn đối với vấn đề thống nhất với Đài Loan.
Nhìn chung, trong giai đoạn này Trung Quốc có khuynh hướng cư xử theo kiểu phản ứng, nghĩa là tương đối bảo thủ. Chính sách này gây ấn tượng là Bắc Kinh đang lưỡng lự giữa “trở về vị trí đứng đầu Châu Á” hay “tham gia vào cộng đồng quốc tế”.
Tất nhiên là họ đang chơi trò “chờ thời”. Khẩu hiệu “Hoà Bình và Phát Triển” được Hồ Cẩm Đào nêu lên thật ra chỉ được dùng làm phương tiện.
Giai Đoạn Thứ Hai (từ 2000 đến ngày nay)
Bước sang thế kỷ 21 Bắc Kinh không còn theo chính sách “hòa bình” nữa. Họ đang đặt nền móng cho một chính sách mới với nhiều tham vọng hơn. Tham vọng đó là cố thay thế Hoa Kỳ trong vai trò gây ảnh hưởng ở vùng Đông Nam Á và Á Châu.
Mục tiêu của chính sách ngoại giao của Trung Quốc vào lúc này là lấy lại những vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh cho là đáng lẽ phải thuộc về Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Danh sách những vùng lãnh thổ đó gồm những khu vực mà họ công khai tuyên bố là của họ và những khu vực mà họ hy vọng sẽ có ngày chiếm đoạt.
Đối với Đài Loan Bắc Kinh đang chờ đợi sự mệt mỏi của Hoa Kỳ và một thời cơ thuận lợi để thâu hồi. Còn đối với quần đảo Trường Sa thì Bắc Kinh đang cố xây dựng hải quân hùng mạnh để nắm quyền kiểm soát. Đối với vùng lãnh thổ phía Bắc người ta còn nhớ rõ là Mao Trạch Đông đã tuyên bố vào năm 1964 rằng: “Khu vực phía Đông hồ Baikal là của chúng tôi”.
Trong những thập niên 1960,1970 Bắc Kinh cho biết nhiều lần là Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgystan là những bộ phận của Trung Quốc, và họ có thể đưa ra bằng chứng về “chủ quyền” đối với một phần của Siberia. Ngoài ra Bắc Kinh cũng dự kiến đòi hỏi chủ quyền về một số lãnh thổ của Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan và Ấn Độ khi mà quân lực của họ trở nên hùng mạnh.
Viễn Mơ Và Tham Vọng
Chẳng phải lúc nào một cường quốc đang lên cũng đạt được mục tiêu của mình. Đối với các quốc gia chuyên chế thời hiện đại, những thành công của họ hầu hết đều ngắn ngủi. Mục tiêu của các cường quốc gây ra Thế Chiến II đã nhanh chóng bị dập tắt năm 1945. Với ý đồ đế quốc dấu mặt, Liên Xô cũng đã biến mất không còn di tích sau năm 1991.
Màn kịch tương lai của Trung Quốc sẽ diễn ra không phải trong quan hệ đối ngoại mà chính yếu là ở trong nước. Mâu thuẫn của chủ nghĩa “Lênin thị trường” đang tác động. Đi một đường trong kinh tế và một đường khác trong chính trị đang tạo khó khăn cho Bắc Kinh trong việc tiến tới đỉnh điểm tối hậu. Cách thức mà Trung Quốc giải quyết mâu thuẫn giữa kinh tế và chính trị sẽ xác định mức độ mạnh mẽ vai trò của họ trên thế giới. Và vai trò của Bắc Kinh trên trận đồ chính trị quốc tế sẽ được định đoạt phần lớn bởi những gì sẽ xẩy ra với hệ thống chính trị lỗi thời của Trung Quốc trong một hoặc hai thập kỷ sắp đến.
Không nên quên rằng trên bàn cờ chính trị thế giới, việc leo lên được vị trí bá chủ không phải là chuyện mà bất cứ quốc gia nào, dù đang lên, cũng có thể làm được. Chuyên đó đòi hỏi ba yếu tố: một là ý muốn trở thành số “một” của hoàn cầu; hai là khả
năng đạt được mục tiêu đó; ba là sự chấp nhận cường quốc ấy về phía những nước chịu ảnh hưởng. Bắc Kinh hiện nay đã có ý muốn, Khả năng thì chưa rõ rệt. Nhưng liệu những nước ngoài Trung Quốc có chịu chấp nhận họ hay không?
Đông Á vẫn còn giữ ký ức về Trung Quốc theo ý nghĩa một “vương triều trung tâm”. Việt Nam, Đại Hàn và nhiều nước khác đều biết thái độ ngạo mạn lâu đời của các triều đình vua Tàu đối với các nước láng giềng. Hơn một nửa dân số Đài Loan ngày nay vẫn còn chống đối sự cai trị của Bắc Kinh đối với hòn đảo của họ. Nhật Bản chắc chắn cũng sẽ không ngồi yên để nhìn Trung Quốc kiểm soát toàn khu vực.
Một Trung Quốc thiếu khả năng và thuyết phục cũng sẽ thiếu hấp dẫn để lãnh đạo Châu Á. Trong Thế Kỷ 21, bất kỳ một động thái nào của Trung Quốc nhằm mở rộng đế quốc của họ cũng sẽ có khả năng gây bất ổn. Trung Quốc vẫn còn ở trong quá trình chuyển đổi từ đế quốc sang quốc gia hiện đại và còn đang bị giằng co giữa những gì họ muốn và những gì họ thực sự cần đến. Lời mời gọi của lợi ích quốc gia thường hấp dẫn và lôi cuốn hơn nhu cầu về hiện đại hóa và phát triển.
Lại nữa, Bắc Kinh ngày nay chưa thể phóng sức mạnh của họ ra xa. Về mặt này họ đang gặp khó khăn ngay tại vùng Nam và Đông Á chứ đừng nói gì đến các khu vực mà Âu Châu và Hoa Kỳ đã có ảnh hưởng. Bên cạnh đó cũng còn nhiều nghi ngờ rằng Trung Quốc đã có đủ trang bị về mặt triết lý cho sự thống trị thế giới theo cách Hoa Kỳ đang có, nhờ sự phổ biến rộng rãi những ý niệm phổ quát về thị trường tự do, nhân quyền và dân chủ pháp trị qua những kênh thương mại và văn hóa hiện đại.
Sức mạnh của chủ nghĩa Mao giờ đây đã tàn lụi. Nếu không có sự bén nhọn của chủ nghĩa cộng sản thì chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc sẽ thiếu một thông điệp cho thế giới. Nền văn minh nông ngiệp cũng như nền văn hóa Khổng Mạnh chỉ còn là vang bóng một thời và không còn giá trị thuyết phục.
Giờ đây thời thế đã thay đổi cho nên sẽ tốt cho Trung Quốc hơn nếu họ là một cường quốc bảo thủ. Vảo lúc này Bắc Kinh không thể lừa mị chính mình bằng những hư cấu đẹp đẽ để che giấu sự cách biệt giữa thực tế và ước mơ như dưới các triều đình nhà Minh và nhà Thanh nữa. Đó là nói về tình hình nội bộ. Còn bên ngoài thì phải để ý tới một số cường quốc khác như Mỹ, Nhật, Nga, Ấn Độ, là những cường quốc có nhiều lý do để từ chối không cho Trung Quốc làm “vương quốc trung tâm” trong thế kỷ 21.
Cái mà Bắc Kinh hiện nay đang gọi là “xã hội chủ nghĩa với đặc tính Trung Hoa” thật ra chỉ là “tư bản chủ nghĩa với đặc tính Trung Hoa”. Thuật ngữ XHCN mà Bắc Kinh đang dùng thật ra không còn ý nghĩa Mác Xít nữa, và mọi hành động của Bắc Kinh vào lúc này chỉ là áp dụng một loại chủ nghĩa Lêninít thuần túy. Chủ nghĩa Lêninít này khó có thể trường tồn như thiên hạ gần đây đã thấy một tiền lệ. Đó là trường hợp của các nước phát triển vùng Đông Á, những con “tiểu long” của Á Châu. Nêu trường hợp này ra để thấy rằng, chẳng chóng thỉ chầy Trung Quốc sẽ phải chia tay với chủ nghĩa Lêninít.
Trung Quốc đã phát triển cao và nhanh chóng từ hơn hai chục năm nay. Các chuyên gia tính rằng Trung Quốc có thể tiếp tục như vậy thêm một hai thập kỷ nữa. Tuy nhiên muốn được như thế, hệ thống chính trị Trung Quốc phải sẵn sàng cởi mở và uyển chuyển để tạo điều kiện thuận lợi cho chiều hướng phát triển.
Người dân Trung Quốc giờ đây đã biết nhiều về thế giới bên ngoài và biết nhiều về những cái gì đang chờ đợi họ ở tương lai. Vào lúc này, không còn ai tin tưởng vào ý thức hệ, bất cứ thuộc loại nào. Lãnh tụ dù tài giỏi đến đâu thì rồi cũng đến lúc qua đời. Chỉ còn chế độ chính trị là tồn tại, nhưng điều quan yếu là chế độ chính trị đó phải được cấu trúc thuận lợi cho sự phát triển kinh tế mà ngày nay Trung Quốc đang cần.
Nếu không có sự ổn định cần thiết thì xã hội Trung Quốc rất có thể lại rơi vào tình trạng nội chiến cấu xé nhau. Dù không là người Trung Hoa thì ai cũng biết rằng lịch sử Trung Quốc là lịch sử của các thời Chiến Quốc, Đông Chu Liệt Quốc. Tam Quốc xa xưa và gần đây hơn là thời nội chiến Quốc-Cộng. Cho nên một chế độ chính trị hậu thuẫn cho kinh tế phát triển là một đòi hỏi sinh tử cho thế hệ đương thời./.

Không có nhận xét nào: