Pages

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”: Để cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra liệu có khách quan?


Dư luận rất quan tâm khi Hội đồng xét xử tuyên khởi tố vụ án "cố ý làm lộ bí mật nhà nước” từ lời khai của Dương Chí Dũng. Để trả lời một số câu hỏi được dư luận quan tâm, chúng tôi trao đổi với luật sư Nguyễn Trọng Tỵ (nguyên Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội), luật sư Phạm Văn Cương (nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Thanh Hóa) và một lãnh đạo Cục Điều tra của Viện KSND Tối cao. 

Thuộc thẩm quyền Cơ quan điều tra của Bộ CA?

Với câu hỏi, đây chỉ là lời khai của một đối tượng đang bị tuyên với mức án cao nhất, mức tin cậy đến đâu, LS Cương cho rằng, thực tế trong hoạt động tư pháp, có rất nhiều trường hợp lời khai của tử tù trước khi thi hành án đã giúp cơ quan điều tra (CQĐT) khám phá ra nhiều mắt xích quan trọng của vụ án. Tuy nhiên, lời khai đó có chính xác hay không phải thông qua kết quả điều tra mới có căn cứ kết luận chính xác là đối tượng đó có tội "cố ý làm lộ bí mật nhà nước" hay không?

Về thẩm quyền điều tra trong vụ "cố ý làm lộ bí mật công tác", vị lãnh đạo Cục Điều tra thuộc Viện KSND Tối cao cho rằng: Điều tra vụ án "cố ý làm lộ bí mật nhà nước"  không thuộc thẩm quyền của CQĐT của Viện KSND Tối cao. Lý do, phần lớn các tội trong chương về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp (chương XXII, Bộ luật Hình sự) thuộc thẩm quyền của CQĐT của Viện KSND Tối cao. Tuy nhiên, trong cả  23 điều của chương XXII  không có điều nào về tội danh "cố ý làm lộ bí mật nhà nước", mà tội danh này lại nằm trong chương các tội về tham nhũng. Do đó, điều tra vụ án này thuộc thẩm quyền của  CQĐT - Bộ CA.

Liệu có khách quan?

Với câu hỏi này, vị lãnh đạo của Cục Điều tra của Viện KSND Tối cao nhận xét: Các CQĐT của Bộ CA đã khởi tố, điều tra với những đối tượng trong ngành vi phạm luật pháp. Chính cơ quan CSĐT đã từng khởi tố một thứ trưởng Bộ CA trong vụ án Năm Cam. Do đó, dư luận có thể hoàn toàn yên tâm sự công tâm, khách quan của Bộ CA.

Về khả năng khởi tố bị can trong vụ án "cố ý làm lộ bí mật nhà nước", các vị trên đều cho rằng, CQĐT phải tiếp tục thu thập chứng cứ. Chỉ khi nào thu thập được các chứng cứ phù hợp với lời khai của Dương Chí Dũng thì mới có căn cứ để khởi tố bị can.

Vậy liệu có khó không để xác định đúng sai lời khai của Dương Chí Dũng? Với câu hỏi này, LS Phạm Văn Cương nhận xét, đối với lời khai các hành vi bức cung, mớm cung  thì việc điều tra gặp khó khăn hơn. Lý do, hành vi mớm, bức cung thông thường chỉ được tiến hành tại các CQĐT, ở những địa điểm này rất khó có nhân chứng chứng minh hành vi này. Còn lời tố cáo nhận hối lộ cũng là loại khó điều tra, bởi vì: Việc thu thập các chứng cứ khác để chứng minh cho lời tố cáo của Dũng không dễ chút nào. Tuy nhiên, đối với hành vi làm lộ bí mật nhà nước thì ít khó khăn hơn. LS Nguyễn Trọng Tỵ lý giải, về nguyên tắc, chỉ có người có đủ thẩm quyền mới có thể biết một việc tuyệt mật như vậy. Mặt khác, chắc chắn ông Dũng phải nhận được thông báo của một ai đó chứ không thể tự biết.
Luật sư - TS Hoàng Ngọc Giao: Chưa điều tra, chỉ căn cứ vào một số yếu tố đã kết luận là vội vàng
 Sau tố giác của Dương Chí Dũng tại tòa, tòa án ra quyết định khởi vụ án; điều này tôi không dám chắc rằng đây có phải là lần đầu tiên ở Việt Nam có tố giác và quyết định khởi tố vụ án ngay tại tòa hay không, nhưng chắc chắn đây là trường hợp hãn hữu.  Việc tố giác trước tòa như Dương Chí Dũng ở nước ngoài cũng ít. Ở nước ngoài, người ta thường khai, tố giác ngay trong quá trình vụ án được điều tra. Có lẽ là bởi ở đó ít có chuyện ép cung, mớm cung hay lo sợ trù dập gì từ cơ quan điều tra chăng?

Theo tôi, điều tra về việc đưa hối lộ muốn khách quan thì phải có cơ quan điều tra độc lập. Người Dương Chí Dũng tố giác là lãnh đạo trong ngành CA, nên nếu cơ quan điều tra của Bộ CA xử lý vụ việc thì có thể sẽ không khách quan. Ngoài Bộ CA, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng có cơ quan điều tra và vấn đề quan trọng là phải giám sát quá trình điều tra đó. Việc điều tra đưa và nhận hối lộ không quá khó khăn... Việc xác minh người mật báo cho Dương Chí Dũng còn đơn giản hơn, số các cá nhân được biết về ngày giờ khởi tố vụ án rất hẹp, nên không quá khó để xác định danh tính. Trở lại vụ án này, sau khi khởi tố vụ án, cơ quan được giao nhiệm vụ sẽ bắt tay vào tiến hành điều tra. Cơ quan điều tra này sẽ làm việc với tất cả các cá nhân có liên quan, đương nhiên vị lãnh đạo Bộ CA cũng phải được mời lên. Khi Cơ quan điền tra thấy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, đủ căn cứ thì sẽ tiến hành khởi tố bị can.

Diệu Linh - Ngọc Vân ghi 
 
(Lao động)

Không có nhận xét nào: