Pages

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

Vụ Dương Chí Dũng: Vì sao chưa khởi tố vụ án nhận hối lộ?

(ĐSPL) – Với những thông tin về “ông anh” mà Dương Chí Dũng đã khai trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng ngày 7-8/1 vừa qua, HĐXX đã khởi tố vụ án Cố ý làm lộ bí mật nhà nước theo Điều 263 BLHS. Liên quan đến 500 nghìn USD Dương Chí Dũng khai đưa cho "ông anh", vì sao chưa khởi tố vụ án nhận hối lộ?
 
Trong phiên xét xử chiều 7/1, Dương Chí Dũng đã tiết lộ nhiều thông tin về người đã mật báocho mình để tiến hành cuộc đào tẩu vào chiều 17/5/2012. Theo lời khai của Dương Chí Dũng, đây là một “ông anh” làm ở Bộ Công an. Để liên lạc với người này, Dương Chí Dũng đã sử dụng một sim rác có số thuộc hàng “tứ quý” là 0975.00.8888. Bên cạnh đó, Dương Chí Dũng cũng khai rằng đã đưa “quà lót tay” cho “ông anh” này là 500 nghìn USD.
 
Trước những thông tin này, trong buổi chiều 8/1 tuyên án vụ Dương Tự Trọng cùng đồng phạm Tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài, HĐXX do thẩm phán Trương Việt Toàn giữ ghế chủ tọa đã khởi tố vụ án Cố ý làm lộ bí mật nhà nước theo Điều 263 BLHS. Trước đó, sau khi có những tình tiết mới từ lời khai của Dương Chí Dũng, VKS đã đề nghị HĐXX khởi tố vụ án theo Điều 286 BLHS về tội Cố ý làm lộ bí mật công tác.
Lời khai Dương Chí Dũng: Vì sao chưa khởi tố vụ án nhận hối lộ? - Ảnh 1
Trong phiên xét xử chiều 7/1, Dương Chí Dũng đã khai ra "ông anh" mật báo
 
Có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc HĐXX đã khởi tố vụ án liên quan đến một lãnh đạo cấp cao trong ngành Công an với tội danh nặng hơn tội danh mà VKS đã đề nghị truy tố.
 
Cụ thể, theo Điều 286 BLHS về tội Cố ý làm lộ bí mật công tác quy định “người nào cố ý làm lộ bí mật công tác… mà phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm…”. Cố ý làm lộ bí mật công tác gây hậu quả nghiêm trọng được hiểu là trường hợp do làm lộ bí mật công tác nên đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội. Những thiệt hại này có thể là thiệt hại về thể chất, vật chất hoặc những thiệt hại phi vật chất.
 
Điều 263 BLHS về tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước quy định như sau: “người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước… Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm…”.
 
Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28/12/2000 của UBTVQH có nêu lên định nghĩa về Bí mật Nhà nước tại Điều 1 như sau: “Bí mật Nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
 
Lời khai Dương Chí Dũng: Vì sao chưa khởi tố vụ án nhận hối lộ? - Ảnh 2
Liệu khai ra người mật báo, Dương Chí Dũng có được giảm án?
 
Người cố ý làm lộ bí mật nhà nước là người biết rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác, cho lợi ích quốc gia, dân tộc mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra.
 
Như vậy, với việc HĐXX khởi tố vụ án liên quan đến cán bộ cấp cao của BCA theo Điều 263 chứ không phải Điều 286 cũng đã ít nhiều liên quan tới việc thay đổi khung hình phạt mà bị cáo trong vụ án này phải nhận. Theo Điều 286 thì mức án cao nhất sẽ là 7 năm tù, còn theo Điều 263 thì khung hình phạt cao nhất lên tới 15 năm tù.
 
Liên quan tới vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, để có thể xét xử một cách nghiêm minh, đúng người đúng tội, tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm, cần phải tiến hành điều tra nghiêm túc, phải căn cứ vào nhiều nguồn chứng cứ khác nhau, phải tiến hành xác minh lời khai của Dương Chí Dũng chứ không thể chỉ dựa trên lời khai đó mà vội vàng đưa vụ án ra xét xử.
 
Theo ý kiến của Luật sư Phạm Thanh Bình, được đăng tải trên báo Vnexpress, thì việc khai ra thông tin “ông anh” mật báo, Dương Chí Dũng hoàn toàn có thể được giảm nhẹ hình phạt. Cụ thể là sau khi CQĐT tiến hành xác minh lời khai của Dương Chí Dũng, nếu thấy những lời khai này hoàn toàn chính xác, là căn cứ để có thể phát hiện tội phạm mới, đưa vụ án mới ra xét xử, thì tình tiết “khai báo thành khẩn” và “tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm” sẽ có thể trở thành căn cứ giảm án cho Dương Chí Dũng tại phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo này liên quan đến đại án tham nhũng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam theo quy định tại Khoản p và q, Điều 46 BLHS.
 
Tuy nhiên, nếu trong quá trình điều tra, CQĐT xác định thấy lời khai của Dương Chí Dũng về cuộc điện thoại mật báo cũng như khoản tiền được cho là “quà lót tay” là không đúng sự thật, thì bị cáo có thể bị truy tố thêm tội danh “Khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật” theo Điều 307 BLHS hoặc tội “Vu khống” theo Điều 122 BLHS.
 
Lời khai Dương Chí Dũng: Vì sao chưa khởi tố vụ án nhận hối lộ? - Ảnh 3
Dương Chí Dũng khai đưa "quà lót tay" ông anh 500 nghìn USD

Xung quanh vụ án này, dư luận cũng đặt ra câu hỏi, tại sao trong phiên xét xử chiều 7/1, Dương Chí Dũng đã khai ra danh tính “ông anh” mật báo và khoản tiền bị cáo này đưa làm “quà” cho ông anh lên tới 500 nghìn USD mà HĐXX mới chỉ khởi tố vụ án Cố ý làm lộ bí mật nhà nước, còn hành vi nhận hối lộ của cán bộ cấp cao ngành Công an này vẫn chưa thấy được đề cập đến?

Trước câu hỏi này, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM đã có câu trả lời được đăng tải trên kênh BBC Việt Nam (bbc.co.uk). Theo quan điểm của Luật sư Bùi Quang Nghiêm, với lời khai của Dương Chí Dũng tại tòa về việc nhận hối lộ của một cán bộ ngành Công an, đây là một vấn đề nghiêm trọng, cho nên đứng trước những bằng chứng khác nhau, mà cụ thể ở đây là lời khai của bị cáo, CQĐT cần phải tiến hành xác minh, kiểm tra rất kỹ nguồn chứng cứ này, xem có đúng là có dấu hiệu đưa và nhận hối lộ hay không, hay chỉ đơn giản là lời khai tại tòa của bị cáo. Không thể tiến hành khởi tố vụ án hoặc khởi tố bị can ngay được khi mà chưa có đầy đủ các bằng chứng.

Phó Chủ nhiệm Đoàn sư TP.HCM cũng cho biết, thậm chí cũng có khả năng không khởi tố nếu như sự việc được xác minh mà không có đủ bằng chứng, chứng cứ theo quy định của pháp luật.

Không có nhận xét nào: