Luật sư Hà Huy Sơn
Ngày 18/8/2011, có một văn bản đóng dấu treo của UBND thành phố Hà Nội, không người ký, không số hiệu, ghi là: “Thông báo của UBND thành phố Hà Nội Về công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Hà Nội” , trong đó nội dung trích: “Để duy trì ổn định an ninh trật tự ở Thủ đô, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát trên địa bàn Thành phố”.
1- Tính hợp pháp
- Khoản 1, Điều 3, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004, quy định:
“Tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân trong hệ thống pháp luật
Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phải phù hợp với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, bảo đảm tính thống nhất, thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản trong hệ thống pháp luật; văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân còn phải phù hợp với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.”
- Khoản 1, Điều 1 “Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân”, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004, quy định:
“Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân được ban hành dưới hình thức nghị quyết. Văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân được ban hành dưới hình thức quyết định, chỉ thị.”
- Khoản 2, Điều 1, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03/6/2008, quy định:
“Văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật này hoặc trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật”.
Như vậy, Thông báo ngày 18/8/2011, đóng dấu treo của UBND thành phố Hà Nội không phải là văn bản quy phạm pháp luật.
Văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật thì có quy định nào bắt buộc phải thực hiện?
2 – “Biểu tình” không đồng nhất với “ Tập trung đông người”
Biểu tình: Tụ họp với nhau lại hoặc diễu hành trên đường phố để biểu thị ý chí, nguyện vọng hoặc biểu dương lực lượng, thường nhằm mục đích gây sức ép gì đó (Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên NXB Đại học quốc gia năm 2010, tr 122).
Tập trung: Dồn lại, tụ họp ở một chỗ, một nơi (Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên NXB Đại học quốc gia năm 2010, tr 1.444). Tập trung đông người là: Đông người dồn lại, tụ họp ở một chỗ, một nơi.
- Điều 69, Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung 2001: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”
- Điều 1 “Phạm vi điều chỉnh”, Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 Quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng:
“Nghị định này quy định về một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng; nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm trật tự công cộng”.
Toàn văn Nghị định số 38/2005/NĐ-CP không có một từ nào là “biểu tình”.
Chưa có một văn bản nào dưới Hiến pháp quy định cấm biểu tình.
Theo như đã dẫn ở trên thì về hình thức “biểu tình” và “tập trung đông người trái pháp luật” rất giống nhau, nhưng về bản chất pháp lý là hoàn toàn khác nhau. “Biểu tình” là hợp pháp, “tập trung đông người trái pháp luật” là vi phạm pháp luật. Logic của vấn đề là: Một hành vi không thể là hợp pháp lại là phạm pháp. Tức không thể nói một người vừa có hành vi “biểu tình” vừa có hành vi “tập trung đông người trái pháp luật” mà chỉ có thể là “biểu tình” hoặc “tập trung đông người trái pháp luật”.
Sáng Chủ nhật ngày 21/8/2011, tại Hồ Hoàn Kiếm những người thực hiện biểu tình bị bắt và bị lập biên bản về hành vi “biểu tình” là căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật nào? Nếu hành vi của họ không phải là “Tập trung đông người trái với quy định của pháp luật” thì không thể xử lý theo Nghị định số 38/2005/NĐ-CP.
Hà Nội, ngày 24/8/2011
H.H.S.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét