Pages

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Diễn đàn Kinh tế Biển Việt Nam 2012



Vào hai ngày 7 và 8 tháng 6 vừa qua, các nhà quản lý Việt Nam, doanh giới và các nhà khoa học tập trung tại thành phố Vũng Tàu tham dự Diễn đàn Kinh tế Biển Việt Nam 2012.
AFP photo
Biển VũngTàu, Côn Đảo

Lợi thế bờ biển

Vị trí địa lý ven biển với đường dài bờ biển cả 3000 kilomet lâu nay được cho là một lợi thế của Việt Nam. So với các nước không có bờ biển như Lào, thì Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển hướng ra biển. Có nhà nghiên cứu về công trình biển như tiến sĩ Trương Đình Hiển từng ví đó là vị thế ‘mặt tiền’ mà Việt Nam có được. Trong một cuộc trả lời chúng tôi trước đây, ông nói đến lợi thế khi phát triển vận tải đường biển với lợi thế của Việt Nam đang có:

"Vừa rồi người ta nói đến việc xây dựng đường sắt cao tốc với tốc độ chừng 300 cây số/giờ để đi từ Hà Nội vào thành phố HCM chừng 5 tiếng đồng hồ. Dự án này nghe thì hay, nhưng quyền lợi mang đến cho ai không mấy nguời đâu. Lạ kỳ là nguời ta cứ muốn đầu tư xe lửa, đường bộ cao tốc. 
Trong lúc đó, một chiếc tàu vạn tấn có thể chở hằng vài chục, vài trăm ô tô. Thành ra ‘biển rộng, sông dài’ thì không chú ý tới. Theo tôi việc sử dụng hệ thống đường thủy ven bờ sẽ giúp nối các đô thị lại với nhau, vì hiện nay tàu thủy ven bờ của Việt Nam còn hoang sơ, chưa có đội tàu nào cho nghiêm chỉnh và hiện đại."
Tại Diễn đàn kinh tế Biển Việt Nam 2012, ông Hoàng Ngọc Phong, phó viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư thừa nhận là các công trình, dự án của Việt Nam trong thời gian qua đều chưa căn cứ vào qui hoạch không gian biển. Hiện mới chỉ có các qui hoạch phát triển kinh tế- xã hội đơn ngành như thủy sản, hàng hải- cảng, du lịch… hay là qui hoạch theo từng vùng ven biển, đảo…
Tiến sĩ Lê Đức Tố, chủ nhiệm Chương trình Khoa học về công nghệ biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đưa ra nhận xét về lợi thế cũng như tình hình khai thác biển của Việt Nam lâu nay:
"Những thực tế tại nước ta thường không logic lắm, cho nên hiệu quả việc khai thác tài nguyên biển của Việt Nam là không tốt lắm. Theo tôi thì nhận thức của các nhà trực tiếp quản lý nhiều khi không giống như các nhà khoa học nên còn nhiều cái bế tắc."
Tiến sĩ Lê Đức Tố cho rằng vì chạy theo phát triển cho đạt được tăng trưởng GDP bằng mọi giá nên người ta đã cho làm tất cả mọi chuyện như khai thác, bán tài nguyên mà không hề nghĩ đến những hậu quả về môi trường. Và bây giờ phải trả giá qua môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, hệ sinh thái bị suy giảm…
Cho đến nay vẫn không có một chiếc tàu cho nghiên cứu khoa học nào cả. Việc nghiên cứu khoa học biển thì chắp vá, mà đã chắp vá thì không đến nơi đến chốn...
TS. Lê Đức Tố
Theo báo cáo của ông Vũ Đại Thắng, vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế của Bộ Kế hoạch Đầu tư, thì kể từ năm 2002, Việt Nam đã tiến hành thí điểm cho xây dựng và hình thành ra được 15 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích lên đến gần 663 héc ta.
Thống kê cho thấy tính đến cuối năm 2011, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại 15 khu kinh tế ven biển vừa nói lên đến 250 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên một đánh giá được đưa ra tại diễn đàn kinh tế biển Việt Nam năm 2012 thì qui hoạch không gian biển vẫn chưa làm được, hiệu quả của các khu kinh tế biển vẫn còn thấp, cơ sở dữ liệu biển quốc gia của Việt Nam vẫn chưa có…
Theo tiến sĩ Lê Đức Tố thì đầu tư cho khoa học biển tại Việt Nam còn quá ít ỏi. Ông nói:
"Cho đến nay vẫn không có một chiếc tàu cho nghiên cứu khoa học nào cả. Việc nghiên cứu khoa học biển thì chắp vá, mà đã chắp vá thì không đến nơi đến chốn…"

Quy hoạch không hợp lý

000_Hkg3902936-250.jpg
Vùng biển Đà Nẵng. AFP photo
Về tình hình qui hoạch các cảng dọc theo đường bờ biển của các tỉnh, thành ven biển tại Việt Nam có ý kiến cho rằng các cảng biển được xây dựng tràn lan và quá sát nhau như hai cảng Chân Mây ở Thừa Thiên- Huế và Cảng Tiên Sa tại Đà Nẵng. Như thế là thừa và theo khả năng sản xuất cũng như liên kết hiện nay thì không thể khai thác hiệu quả được.
Tiến sĩ công trình biển Trương Đình Hiển từng có ý kiến về điều này:
"Để làm đuợc điều đó cần có sự hợp tác giữa các tỉnh, vì để Chân Mây và Đà Nẵng thành một cụm thì chính quyền hai tỉnh cũng phải thành một cụm. Để có được hiệu quả các nhà lãnh đạo phải chiến đấu như một người lính vì phải đi đến nơi nào đất nước cần…Nhưng để làm được điều này cần phải sửa vì đã trở thành cố tật của nền sản xuất nhỏ, cục bộ địa phương từ lâu rồi."
Một chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Đại học Quốc gia Hà Nội là tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi thì cho rằng phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian và công cụ quy hoạch không gian biển đang là những vấn đề còn quá mới đối với giới khoa học, các nhà quản lý tại Việt Nam.
Theo tôi việc sử dụng hệ thống đường thủy ven bờ sẽ giúp nối các đô thị lại với nhau, vì hiện nay tàu thủy ven bờ của Việt Nam còn hoang sơ, chưa có đội tàu nào cho nghiêm chỉnh và hiện đại.
TS.  Trương Đình Hiển
Vừa qua từng có đánh giá cho rằng Việt Nam ra biển với chiếc ‘thuyền thúng’. Thực tế cho thấy đánh giá đó không phải là quá đáng, vì với lợi thế trời phú là một đường bờ biển dài, với những vịnh tự nhiên được đánh giá là tốt nhất trong khu vực như Vịnh Cam Ranh, tuy nhiên khả năng khai thác qui hoạch trong suốt những năm qua vẫn không có gì khác với thời điểm hơn 30 năm về trước.
Trong khi đó những vụ tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Vinashin, Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam, Vinalines … nhiều ngàn tỷ đồng đầu tư liên quan đến việc phát triển hàng hải của Việt Nam bị đổ sông đổ biển.

Không có nhận xét nào: