Pages

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Khuất tất tù chung thân vẫn tẩu tán được tài sản


Công an không tiến hành phong tỏa tài sản, Tòa án bỏ lọt nghi can…, các bị hại và cả chính quyền địa phương bế tắc không biết xử trí ra sao.
Bị cáo Nguyễn Hồng Minh sau vành móng ngựa
Bị cáo Nguyễn Hồng Minh sau vành móng ngựa
Năm 2006 Nguyễn Hồng Minh (SN 1971, ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) thành lập Công ty Delta có trụ sở ở đường Nguyễn Khang, Cầu Giấy.  Công ty làm ăn thua lỗ, trong khi nợ nần đầm đìa, Minh đã nảy sinh ý định lừa đảo.
Từ tháng 4/2009 đến tháng 3/2010, Minh đã tự mạo nhận là nhân viên Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà và đô thị và bắt đầu chiến dịch lừa đảo. Y tự khoe mình có tiêu chuẩn, lập hồ sơ khống, có khả năng quen biết để mua các suất đất liền kề thuộc dự án khu đô thị Vân Canh – Hoài Đức, Hà Nội và các căn hộ chung cư thuộc khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội. Nhiều hộ gia đình đã tin tưởng vào Minh và giao cho Minh tài sản lớn để nhờ mua đất.

“Tiền trao, nhưng cháo không được múc”, cuối cùng các bị hại  mới biết mình bị lừa và làm đơn tố cáo, cơ quan CSĐT – Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt Nguyễn Hồng Minh. Thế nhưng vụ án này từ lúc điều tra cho đến lúc xét xử lại có những dấu hiệu khuất tất chưa được làm sáng rõ liên quan đến hành vi sai phạm của đối tượng Phạm Thị Hà là vợ của Nguyễn Hồng Minh.
Kết luận của Công an quận Thanh Xuân cho thấy: Ngày 6/4/2010, sau khi nhận tiền của anh Vũ Ngọc Khanh (một bị hại trong vụ án, ở quận Thanh Xuân) bị cáo Minh đã mua một mảnh đất ở tổ 13, phường Ngọc Thụy, Long Biên với giá 1,3 tỷ đồng. Đến ngày 7/5/2010, Nguyễn Hồng Minh bị bắt khẩn cấp và tạm giam cho đến nay.
Đến ngày 15/6/2010, mảnh đất này, được UBND quận Long Biên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền mang tên Phạm Thị Hà (vợ Minh). Tiếp đến ngày 2 và 3/8/2010, mảnh đất trên được chuyển nhượng cho bà Trần Minh Trâm (ở quận Thanh Xuân).
Biết rõ mảnh đất Minh mua là dùng tiền lừa đảo và Minh đã bị bắt, các bị hại đã có đơn đề nghị phong toả tài sản, nhưng không hiểu sao trong giai đoạn điều tra cơ quan công an không tiến hành phong tỏa, kê biên, lại để tài sản kia được chuyển nhượng. Bị can Minh dù trong trại giam vẫn cùng vợ ký vào bản hợp đồng chuyển nhượng.
Trong công văn gửi Viện KSND TP Hà Nội, Công an quận Thanh Xuân thừa nhận: “Ngày 3/8/2010, nhà tạm giữ Công an quận Thanh Xuân căn cứ vào giấy giới thiệu và công văn của Văn phòng công chứng Đào và đồng nghiệp đã cho Nguyễn Hồng Minh ra buồng hỏi cung để ký vào 5 bản hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất…”
Trao đổi với  chúng tôi, thượng tá Nguyễn Quốc Chính – Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an quận Thanh Xuân cho hay, sau khi mua xong mảnh đất Minh đã bán lại cho bà Trần Thị Trâm. Bà Trâm đã bán cho người khác. Do mảnh đất trên không còn là của Minh, cơ quan điều tra không thể thu giữ để đảm bảo việc thi hành án.
Nhưng khi vụ án bị TAND TP Hà Nội trả hồ sơ điều tra bổ sung về mảnh đất trên, Công an quận Thanh Xuân đã có công văn số 02 ngày 5/12/2011, đề nghị Văn phòng đăng ký nhà đất quận Long Biên tạm giữ lại “sổ đỏ” và các giấy tờ khác (lúc này toàn bộ đã mang tên bà Trâm, bà Trâm đã bán cho bà Lê Thị Phương Dung và đang làm thủ tục sang tên) và dừng ngay việc làm thủ tục sang tên cho chủ sở hữu mới với mảnh đất trên.
Vừa qua (5/6/2012), TAND TP Hà Nội đưa vụ án trên ra xét xử, bị cáo Nguyễn Hồng Minh bị tuyên phạt tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thế nhưng, khi tuyên án HĐXX và cả vị đại diện Viện kiểm sát (VKS) đã bỏ qua việc giải quyết mảnh đất ở phường Ngọc Thụy, căn hộ chung cư tại P116 – Nơ 10 tại bán đảo Linh đàm, 1 căn nhà 4 tầng ở phường Nhân Chính; bỏ qua chiếc xe ô tô Minh thường xuyên sử dụng để lừa đảo.
Đồng thời, cũng bỏ lọt nghi can Phạm Thị Hà (vai trò đồng phạm) đã cùng chồng ký kết hàng loạt giấy tờ nhận tiền, hợp đồng giả mua bán biệt thự Việt Hưng cũng như việc thực hiện nhiều phi vụ lừa đảo và hành vi tẩu tán tài sản do lừa đảo mà có.
Luật sư Trịnh Anh Dũng ( Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, nếu Tòa không xem xét giải quyết thì phải đề nghị các bị hại, người liên quan giải quyết ở một vụ án dân sự khác. Đằng này Tòa lại lờ đi khiến sự việc rơi vào bế tắc. Từ bị hại trong vụ án, đến người đã mua đang làm thủ tục sang tên giấy tờ mảnh đất hiện nay, đến UBND quận Long Biên không biết xử lý ra sao.
Vì vậy, các bị hại đã làm đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm đề đề nghị làm rõ sáng tỏ những khuất tất trong vụ án liên quan đến cơ quan tố tụng cấp dưới.
Trường Lưu

Không có nhận xét nào: