Pages

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Lại nói về các quan lớn ở Việt Nam


Tác Giả: Song Chi
Nếu nhìn vào tiểu sử của các nhân vật lãnh đạo cao cấp trong bộ máy đảng và nhà nước cộng sản VN người ta phải thừa nhận họ lắm bằng cấp. Người nào cũng vài ba mảnh bằng vắt vai, học vị tiến sĩ, phó tiến sĩ, học hàm giáo sư, phó giáo sư…
Nhưng đến lúc họ làm việc, sao mà tệ. Chẳng cần “thế lực thù địch” nào bôi xấu, cứ đọc, xem thông tin trên chính báo chí, TV trong nước thì thấy, hiện tình đất nước dưới sự lãnh đạo của họ ra sao.


Không ngày nào mà không có những thông tin, sự kiện xấu, đáng buồn, đáng lo trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, y tế, nông-ngư nghiệp, cho đến đời sống của nhân dân, viễn cảnh tương lai của đất nước…

Chỉ tính riêng trong thời điểm hiện tại, với thành phần nhân sự vừa mới được “cơ cấu, sắp xếp lại” sau Ðại hội đảng cộng sản lần thứ XI kết thúc vào tháng 1, 2011 và sau kỳ họp thứ nhất vào tháng 8, 2011 của Quốc Hội khóa XIII (nhiệm kỳ 2011-2016). Nhân dân cũng đã có thể nhận ra khoảng cách giữa lời nói và việc làm, năng lực thực sự, cái tâm và cái tầm của họ… như thế nào, thông qua thực tế đang diễn ra.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực y tế, bộ trưởng là bà Nguyễn Thị Kim Tiến, về học vấn, nghiệp vụ chuyên môn là tiến sĩ y khoa, học hàm giáo sư, được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Thầy Thuốc Nhân Dân v.v…
Thế nhưng kể từ ngày bà Tiến lên làm bộ trưởng y tế cho đến nay, những vấn đề đã tồn đọng từ lâu của ngành y như nạn quá tải ở các bệnh viện lớn tại các thành phố, tình trạng y đức sa sút, nạn phong bì nhan nhản ở mọi nơi… tiếc thay, vẫn chưa được cải thiện.
Bên cạnh đó, qua hàng loạt dịch bệnh từ dịch tay chân miệng, bệnh “lạ” ở Quảng Ngãi… đã cho thấy cách xử lý rất quan liêu, kém cỏi của ngành y tế.
Khi bệnh tay chân miệng đã lan rộng ở nhiều tỉnh, thành trong năm 2011, với gần 80,000 ca nhiễm bệnh, 137 trường hợp tử vong, toàn là trẻ em. Nhưng đến lúc họp báo vào ngày 25 tháng 10, 2011, bà bộ trưởng vẫn cho rằng “chưa đến mức công bố dịch.” (Bộ trưởng Y Tế: “Chưa đến mức công bố dịch tay chân miệng,” VNEpress)
Bước sang năm 2012, dịch tay chân miệng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và ngành y tế vẫn không thể kiểm soát, khống chế tình hình!
Trường hợp bệnh “lạ” ở Quảng Ngãi, với hàng trăm người mắc bệnh, vài chục người tử vong, rất nhiều “chuyên gia các loại” của ngành y tế đã vào cuộc điều tra. Nhưng rồi “một năm truy tìm ‘bệnh lạ’ vẫn chưa rõ nguyên nhân” (VietnamNet), mặc cho người dân lo lắng. Vậy mà Bộ Y Tế vẫn “sĩ diện,” không chịu mời các tổ chức, chuyên gia y tế thế giới vào cuộc giúp đỡ!
Mới đây nhất, là hàng loạt vụ tai biến sản khoa chết người tại nhiều bệnh viện khác nhau… Người dân đang rất lo lắng, hoang mang nhưng những động thái của lãnh đạo các Sở Y Tế và Bộ Y Tế mới chỉ dừng ở mức “đang yêu cầu báo cáo” (“Ðã có 7 sản phụ chết: Không thể im lặng mãi,” VietnamNet)
Và sau khi bài báo này ra đời thì… “Lại một sản phụ tử vong sau khi sinh” (VietnamNet) tại bệnh viện Nhân Dân Gia Ðịnh, TP.HCM vào ngày 26 tháng 5!
Quả là một sự vô cảm đến lạ lùng trước sinh mệnh của người dân. Ở nước ngoài, chỉ cần một vụ như dịch tay chân miệng, là hàng loạt lãnh đạo cao cấp của ngành đã tự động từ chức đồng thời lên tiếng xin lỗi nhân dân vì sự bất tài, bất lực của mình rồi.
Khi mới lên nhậm chức, hai ông Bộ Trưởng Bộ Tài Chính Vương Ðình Huệ và Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải Ðinh La Thăng được báo chí nhà nước dành cho những lời khen ngợi hết sức nồng nhiệt. Thế rồi cho đến nay người dân thấy gì?
Ông Vương Ðình Huệ, sau những lời phát biểu “có cánh” rằng sẽ đứng về phía quyền lợi của 80 triệu người dân, nhất quyết không cho phép xăng được tăng giá, thì chẳng bao lâu giá xăng dầu lại tăng và tăng. Chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay giá xăng dầu đã được điều chỉnh đến 4 lần, trong đó 3 lần tăng cao, chỉ có 1 lần giảm nhỏ giọt, khiến giá cả tăng theo, đời sống người dân thêm khốn khó.
Còn ông Bộ trưởng GTVT Ðinh La Thăng thì quả là “chuyện dài nhiều tập.”
Từ những tuyên bố đánh trống bỏ dùi, hàng loạt chủ trương, chính sách vừa mới áp dụng đã bị phá sản như cán bộ công nhân viên chức phải đi xe bus đi làm tuần mấy lần, cấm cán bộ nhân viên trong ngành chơi golf… Hoặc thay đổi giờ làm việc và giờ học ở Hà Nội với nhiều bất hợp lý, gây xáo trộn giờ giấc của nhiều người nhưng cuối cùng vẫn không giảm thiểu được tình trạng ùn tắc. Tiếp theo là hàng loạt đề xuất thu phí lưu thông ô tô và xe máy bị người dân phản ứng dữ dội v.v…
Trong khi nạn tham nhũng, lãng phí nặng nề trong ngành giao thông từ bao lâu nay vẫn không thấy cải thiện, giải quyết. Bộ GTVT lại đề xuất dự án hiện đại hóa, công nghiệp hóa ngành trong đó có cả chuyện xây mới trụ sở, lên đến 12 nghìn tỷ đồng VN tức khoảng 600 triệu đô la Mỹ!
Có vẻ như tư duy ông bộ trưởng này chỉ xoay quanh chữ “tiền,” làm thế nào để móc tiền trực tiếp từ túi người dân, hay gián tiếp thông qua ngân sách nhà nước, chứ không bận tâm gì đến cách giải quyết những vấn đề tồn đọng của ngành giao thông cả nước.
Chưa hết, trong quý I/2012 khi Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra tại một số tập đoàn lớn đã phát hiện sai phạm, thiếu sót về kinh tế. Trong đó, có Tập đoàn Sông Ðà và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam – nơi Bộ Trưởng Thăng từng là người đứng đầu!
Mới đây, ông Thăng lại bị dư luận chất vấn về việc đã ký bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng, người đã trốn mất tiêu sau vụ Vinalines đổ bể hàng nghìn tỷ đồng, vào chức vụ cục trưởng Cục Hàng Hải VN. Khi ông này còn đang trong quá trình bị điều tra về hàng loạt sai phạm nghiêm trọng từ thời còn là tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Ðường thủy cho tới tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines).
Ðó là chỉ mới nêu lên hai, ba người, còn các bộ trưởng khác, cũng không có gì khá hơn, nếu chúng ta nhìn vào thực trạng xã hội VN trong mọi lĩnh vực. Mà ngay cả 4 vị trong “Tứ trụ triều đình” thì cũng có thể thấy năng lực của họ ra sao.
Ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng làm người dân hết sức ngán ngẩm vì những tư duy cũ mèm không thay đổi, cứ kiên định một con đường đi lên xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng, học thuyết Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ông Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng thời còn là phó thủ tướng thường trực đã nổi danh với hàng loạt câu phát biểu bổ bã, vô trách nhiệm. Ðây cũng là nhân vật trưởng ban chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin sau khi Vinashin bị vỡ nợ 5 tỷ USD không có khả năng thanh toán. Tái cơ cấu như thế nào thì nay đã rõ, khi sự đổ bể của Vinalines một phần là do gánh nợ cho Vinashin.
Ông Trương Tấn Sang cũng chưa thể hiện được gì, do vai trò có phần nặng về hình thức mà ít quyền lực của chủ tịch nước.
Ðược cho là nhiều quyền lực nhất, phe cánh mạnh nhất là ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nền kinh tế sau 5 năm nhiệm kỳ đầu tiên của ông Dũng đã nát bét như tương, lạm phát phi mã, đồng tiền mất giá… nhưng ông Dũng vẫn trụ tiếp một nhiệm kỳ.
Nếu cứ theo dõi trên báo chí, người ta có cảm giác ông Dũng làm rất nhiều việc, việc gì cũng phải có thủ tướng chỉ đạo chỗ này chỗ kia… Nhưng thật lạ lùng, ông Dũng chỉ đạo thì cứ chỉ đạo, còn cấp dưới có thi hành, việc có chạy hay không là chuyện khác. Từ vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng mà đích thân ông đứng ra giải quyết cũng vậy, cho đến vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang, vụ Vinalines… lại thấy thủ tướng lên tiếng, thủ tướng yêu cầu báo cáo…
Người dân tự hỏi, ông Nguyễn Tấn Dũng có thực sự có quyền như người ta tưởng, hay ông bất lực không trị được đám tay chân nay đã trở thành yêu ma phù thủy hết cả? Hay tất cả những trò hề báo cáo, giải quyết, xử lý này cũng chỉ là “diễn,” để xoa dịu lòng dân còn bên trong ai cũng biết thừa không thể giải quyết được vì mọi chuyện điều hành kinh tế vĩ mô ở nước này đã rối ren trật đường rầy, càng gỡ càng rối?
Một đất nước được điều hành bởi toàn những con người như vậy mà không ngày càng tiến nhanh tiến mạnh xuống hố mới là lạ!

Không có nhận xét nào: