Pages

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Philippines muốn làm rõ lý do việc các tàu Trung Quốc quay lại Scarborough


Bãi đá ngầm Scarborough, nơi tranh chấp chủ quyền giữa Philippines vàTrung Quốc.
Bãi đá ngầm Scarborough, nơi tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc.Reuters
Ngày 27/06/2012, bộ Ngoại giao Philippines cho biết sẽ tìm cách làm sáng tỏ việc các tàu Trung Quốc quay lại bãi cạn Scarborough ở tây bắc Philippines, hai ngày sau khi Bắc Kinh tuyên bố đã rời vùng biển tranh chấp.
Ngoại trưởng Philippines, ông Raul Hernandez nhắc lại, trước đó Manila và Bắc Kinh đã cùng cam kết sẽ rút hết các tàu chiến và tàu đánh cá ra khỏi khu vực tranh chấp để làm dịu tình hình. Ông Hernandez cho biết sẽ nêu vấn đề này ra với đại sứ quán Trung Quốc tại Manila và nhấn mạnh việc tìm kiếm một giải pháp qua con đường ngoại giao, theo phương cách hòa bình.


Ngày 25/06/2012, bộ Ngoại giao Philippines loan báo các tàu Trung Quốc đã rời khỏi vùng bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên hai ngày sau máy bay của hải quân Philippines phát hiện có 6 tàu đánh cá Trung Quốc cùng với 17 tàu khác nhỏ hơn vẫn đang ở trong khu vực tranh chấp, còn bên ngoài thì 5 tàu hải giám của Bắc Kinh vẫn trấn giữ.

Theo Manila, bãi cạn Scarborough nằm cách thành phố Masinloc thuộc tỉnh Zamabales của Philippines 124 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc đến 472 hải lý, cho nên Scarborough thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, theo như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Cả Trung Quốc, Philippines và 162 quốc gia khác đều đã ký vào Công ước này.
Bắc Kinh bác bỏ luận điểm của Manila, cho rằng khoảng cách địa lý không thể là cơ sở để xác định chủ quyền mà chính Trung Quốc đã phát hiện ra bãi Scarborough và đưa ra các bản đồ cổ để chứng minh yêu sách.
Không chỉ có vùng bãi cạn Scarborough, Trung Quốc còn đòi hỏi chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông. Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng là những nước tranh chấp vùng biển được xem là giàu tiềm năng dầu khí này.
Hãng tin AP đề cập đến việc Việt Nam phản đối tập đoàn CNOOC Trung Quốc gọi thầu tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam và nêu ra quan ngại các tranh chấp có thể biến thành xung đột mạnh mẽ giữa các bên.

Không có nhận xét nào: