Pages

Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

Tâm điểm châu Âu tại Thượng đỉnh G20



Các lãnh đạo thế giới tề tựu tại Thượng đỉnh G20
Lãnh đạo các nước G20 đang tìm sự đoàn kết để đưa thế giới tránh khỏi khủng hoảng
Các nhà lãnh đạo thế giới tề tựu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Mexico đã thúc giục châu Âu làm tất cả những gì cần thiết để vượt qua cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực đồng euro.
Họ bày tỏ sự bất an về điều mà một quan chức hàng đầu mô tả là ‘nguy cơ đơn lẻ lớn nhất đối với kinh tế thế giới’.

Phóng viên kinh tế của BBC Andrew Walker cho biết trong khi châu Âu rõ ràng là nguy cơ lớn thì ở những nền kinh tế tiên tiến cũng như mới nổi của thế giới cũng có vấn đề, bắt đầu với hai nề kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso nói rằng ‘các thách thức hiện nay không phải của riêng châu Âu mà là thách thức toàn cầu’.

Suy giảm tăng trưởng ở Ấn Độ là một chủ đề khác mà các nhà lãnh đạo G20 phải lo lắng tại khu nghỉ mát Los Cabos của Mexico, phóng viên BBC cho biết.
Hãng tin AP cho biết thông cáo chung được đưa ra vào thứ Ba ngày 19/6 sẽ kêu gọi một kế hoạch phối hợp ở mức độ toàn cầu để tạo việc làm và kích thích tăng trưởng.

Tâm điểm châu Âu

"Thật lòng mà nói, chúng tôi không đến đây để nhận được những bài học về dân chủ hoặc về cách xử lý nền kinh tế."
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso
Hôm thứ Hai 18/6, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đến Los Cabos đã bày tỏ sự quan ngại về điều mà họ cho là tiến triển chậm chạp trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng euro.
“Chúng tôi đang chờ đợi châu Âu cho biết họ sẽ làm gì sắp tới,” người đứng đầu Ngân hàng Thế giới Robert Zeoellick nói.
Trong khi đó, ông Jose Angel Gurria, một người Mexico hiện đứng đầu Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nói rằng cuộc khủng hoảng ở châu Âu là ‘nguy cơ đơn lẻ lớn nhất đối với kinh tế thế giới’.
Người đứng đầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì cảnh báo về nguy cơ lan truyền của cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng euro.
Ông nói rằng tình trạng bất ổn và dễ tổn thương của kinh tế toàn cầu đang nuôi dưỡng xu hướng bảo hộ mậu dịch vốn không chỉ đình trệ mà còn bắt đầu đảo ngược dòng chảy của thương mại tự do.
Thủ tướng Canada Stephen Harper kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu có những thay đổi mang tính hệ thống để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ.
"Đây là lúc chấm dứt đạo đức giả và đạt một thỏa thuận thành thật về mức độ có thể chấp nhận được của các biện pháp bảo hộ mậu dịch mà chính phủ các nước sẽ thực hiện để bảo vệ việc làm trong thời buổi khủng hoảng toàn cầu."
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tuy nhiên ông Barroso đã biện hộ mạnh mẽ cho cách Liên minh châu Âu xử lý cuộc khủng hoảng nợ cho đến nay.
“Thật lòng mà nói, chúng tôi không đến đây để nhận được những bài học về dân chủ hoặc về cách xử lý nền kinh tế,” ông phát biểu với các phóng viên.
Ông nói thêm rằng ông hy vọng các lãnh đạo G20 sẽ ‘bày tỏ sự ủng hộ hết sức rõ ràng đối với cách xử lý của châu Âu hiện nay’.

Bảo hộ mậu dịch

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi thiết lập các quy tắc cho phép các quốc gia đang đối mặt với khủng hoảng tài chính được bảo hộ mậu dịch.
“Đây là lúc chấm dứt đạo đức giả và đạt một thỏa thuận thành thật về mức độ có thể chấp nhận được của các biện pháp bảo hộ mậu dịch mà chính phủ các nước sẽ thực hiện để bảo vệ việc làm trong thời buổi khủng hoảng toàn cầu,” ông kêu gọi.
Các nhà lãnh đạo G20 sau khi chụp hình lưu niệm
Các lãnh đạo chủ chốt trên thế giới có những bất đồng không ra mặt
“Đây là điều đặc biệt quan trọng đối với Nga khi đất nước chúng tôi sẽ gia nhập WTO vào năm nay và chúng tôi định sẽ tham gia tích cực trong các cuộc đàm phán về các quy định thương mại toàn cầu trong tương lai,” ông nói.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhấn mạnh các nước đừng để rơi vào bảo hộ mậu dịch – một biện pháp hạn chế nhập khẩu để bảo vệ việc làm trong nước.
Phóng viên ngoại giao BBC Bridget Kendall nhận định rằng ở một diễn đàn luôn lớn tiếng rằng thương mại tự do là động lực tăng trưởng thì ý kiến của Nga đã đi ngược lại trào lưu chung.
“Tinh thần chủ đạo ở Thượng đỉnh G20 là tất cả các quốc gia cùng đoàn kết để tránh suy thoái toàn cầu nhưng có sự không bằng lòng giữa các nước nhưng không ra mặt,” phóng viên Kendall nói.
“Đối với những nước bên ngoài khu vực đồng euro, kết luận của họ là cuộc khủng hoảng ở đó là đáng lo ngại và các nhà lãnh đạo khu vực này nên làm tất cả những gì cần thiết để chấm dứt khủng hoảng,” ông nói và cho biết thêm rằng nhiều nước đã tỏ thái độ mất kiên nhẫn và không tin rằng một lục địa giàu có như thế lại dường như không thể có hành động quyết đoán.
"Tinh thần chủ đạo ở Thượng đỉnh G20 là tất cả các quốc gia cùng đoàn kết để tránh suy thoái toàn cầu nhưng có sự không bằng lòng giữa các nước nhưng không ra mặt."
Phóng viên ngoại giao BBC Bridget Kendall
Trong một động thái tự vệ mạnh mẽ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso đã nói ông không đến hội nghị G20 để nghe các nước ‘dạy dỗ’, Kendall cho biết.
“Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy thì nói rằng trong khi châu Âu có những yếu kém nội bộ cần phải điều chỉnh thì các quốc gia khác cũng rơi vào tình trạng mất cân đối và không giữ đúng lời hứa,” ông nói.
Theo phóng viên Kendall thì trước Thượng đỉnh G20 ở Mexico các nước như Brazil, Nga, Trung Quốc và cả Mexico đều không giữ đúng cam kết của mình và một số nước còn úp mở rằng châu Âu không thể hy vọng họ móc hầu bao nhiều hơn.

Không có nhận xét nào: