“Tôn Giáo dưới ách cộng sản” - Là những câu chuyện, hay những bài viết kể lại những nỗi khốn khổ, bất hạnh mà người có tín ngưỡng phải gánh chịu thêm khi sống dưới chế độ cộng sản mà không một người nào không nghe biết. Gọi là gánh chịu thêm bởi vì, ngoài việc phải chấp nhận chung một số phận bất công là bị tước đoạt hết sự Tự Do, Nhân Quyền, Công Lý... như những người công dân khác, người theo một tôn giáo còn phải chịu thêm một sức ép, một gánh nặng ghê gớm khác đè lên trong sinh hoạt thường nhật của họ. Đó là những cấm cản, ngăn trở, những ức chế cách này hay cách khác từ chủ thuyết, từ chế độ, từ tổ chức vô thần, vô tín ngưỡng luôn tạo ra cho cuộc sống tinh thần của họ. Nhưng cái ách cộng sản là cái “ách” gì?
“Ách” là một đoạn (khúc) gỗ được tạo hình dáng hơi cong, to chừng bắp đùi, được bào trơn các góc cạnh, chiều dài của nó vào khoảng 1.8 đến 2.2 mét ( tôi phỏng chừng như thế) được sử dụng như là một cái cùm lớn, đặt lên cổ hai con trâu hay bò để buộc chúng làm những công việc nặng nhọc như kéo cày, kéo xe. Đóng ách là chỉ hành động đặt ách lên cổ hai con vật đứng ngang nhau, mỗi con vào một bên. Chúng bị khóa chặt vào ách bằng hai cái chốt dài, khá lớn nằm xuyên qua cái ách từ trên xuống hai bên cần cổ con trâu, bò. Hai cái chốt này còn nhiệm vụ khóa, giữ chặt sợi dây nhợ có bản lớn vòng qua ở phía dười cổ con vật, để chúng không có cách nào thoát ra khỏi cái ách trong lúc kéo cày, kéo xe. Đã thế, chúng phải cùng đi, cùng cày, cùng kéo xe theo lệnh là cái roi trong tay nguòi điểu khiển. Không thể có tình trạng một con kéo một con nghỉ.
Chúng phải kéo cày bao nhiêu giờ một ngày và trọng tải của chiếc xe bò đặt lên mình chúng là bao nhiêu?
Thưa thật với bạn thế này, tôi xuất thân từ đồng quê, nhưng chưa bao giờ biết đóng ách trâu hay bò để cho nó kéo xe, kéo cày. Nhưng tôi đã có dịp nhìn thấy người ta đóng ách cho trâu, bò để chúng kéo cày, kéo xe. Về thời gian cày thì tùy theo, có khi vài ba tiếng thì ngưòi ta tháo ách cho trâu, bò nghỉ một lúc, nhưng đôi khi vì nhu cầu phải cày cho xong thửa ruộng thì thời gian kéo cày sẽ lâu hơn và lúc nghỉ, chủ nhân chỉ hút vội điếu thuốc lào là lại “ách”, nghĩa là lại ra lệnh cho cặp trâu bò tiếp tục công việc. Như thế thật khó kể thời gian lắm. Nói thế không có nghĩa là người ta không nương con trâu con bò của mình đâu. Nhưng vì công việc đồng áng đòi hỏi cho kịp vụ mùa mà trâu bò chịu khổ nhiều hơn những ngày tháng khác.
Còn về trọng tải của chiếc xe ư? Chẳng ai cân đo bao giờ, và cũng chẳng có sách vở nào ghi về trọng tải của chiếc xe bò là bao nhiêu. Thường họ chỉ ước chừng thôi, cứ chất thóc lúa lên ngang thành xe, lúc chuyển bánh thấy trâu bò chân vẫn đứng thẳng được là... đi! Khi nào nó bị sa lầy hay qụy xuống thì tính sau! Tuy thế, bạn chả nên trách những người nông dân này có máu lạnh. Tôi đã thấy họ khóc khi con trâu, bò đau yếu vì lao nhọc qúa mức. Hay bất chợt chiếc xe bị sa lầy và con trâu không đứng lên được nữa. Nói cách khác, họ không vui gì khi những con vật này phải lao nhọc quá mức. Nhưng không có cách chọn lựa khác. Theo đó, cái roi họ cầm trong tay khi điều khiển trâu bò kéo cày, kéo xe là để giữ cho chúng đi đều nhịp bước hơn là cái roi hận thù của người đối với chúng.
Ngày nay, nhờ khoa học tiến bộ, nông cơ được đem về đồng ruộng, các phương tiện chuyên chở được cải tiến nhiều, nên đa phần trâu bò ở trên thế giới đã được giải phóng khỏi những công việc lao nhọc này, trừ ra các nước còn nghèo và chưa phát triển, như ở Việt Nam và một số nước ở vùng Đông Nam Á, Nam Mỹ. Tả thế, tôi đóan là bạn sẽ thương cảm cho những con vật này nhiều lắm nhỉ?
Thương là phải, nhưng đây chỉ là hình ảnh để bạn có thể qua đó, nhìn ra cái ách mà cộng sản khoác lên cổ người dân ta mà thôi. Trong thực tế, cái ách mà cộng sản khoác lên cổ dân ta còn nặng nề, khốn nạn gấp trăm lần cái ách mà người nông dân khoác lên cổ con trâu hay con bò trong những ngày mùa. Nó nặng nề khốn nạn ngay từ những khác biệt cơ bản giửa nhân bản tính của người nông dân cầm cái roi và đảng tính của người cộng sản.
1. Thường thì con người không có lòng thù hận với loài vật, đặc biệt là với trâu bò, những gia súc đã phụ giúp trong đời sông lao động của người. Cái roi trong tay ngừời nông dân cần có để nhắc chừng cho một công việc, không đem theo lòng thù hận. Nhưng con dao mã tấu trong tay người đoàn, đảng viên Việt cộng, trong tay Hồ chí Minh đối với đồng bao ta là một hận thù sâu sắc.
2. Người nông dân không hãnh diện, không tỏ ra có uy khi cầm cái roi vụt lên lưng con trâu hay con bò. Nên họ không làm công việc này thường xuyên trong thích thú. Không làm vì niềm vui lẽ sống! Cộng sản đối với con ngưòi thì ngược lại. Con dao mã tấu, cái roi điện trong tay đoàn đảng viên phải là một hãnh diện lớn, là uy quyền lớn. Nó đòi sự khuất phục khi chém vào cần cổ nhân dân. Nó là lẽ sống của cộng sản. Vì không còn khủng bố nhân dân, cộng sản không còn lẽ sống!
3. Người nông dân không đóng ách vào cổ con cái hay thân nhân của mình, nhưng là vào cổ những con vật có sức mạnh để nó phụ cho những phần việc lao nhọc với lòng biết ơn chúng. Cộng sản cũng không đóng ách vào cổ con mình, nhưng đóng tất cả mọi loại ách vào cổ nhân dân, thân nhân, có khi là cả cha mẹ nữa, để đày ải những thành phần nhân bản này phải nhận chịu một cuộc sống như tôi đòi, như nô lệ, hoặc như tội phạm và hứng chịu mọi bất công từ tinh thần cũng như vật chất do chúng tạo ra với lòng độc ác.
Như trên tôi đã nói, ngày nay, những cái ách đặt lên cổ con trâu con bò người ta chỉ bắt gặp ở những nước chưa phát triển, nghèo đói và chậm tiến. Cũng thế, cái ách cộng sản cũng chỉ có cơ hội đến và tồn tại một thời gian ở những nước nghèo đói và chưa phát triển mà thôi. Nó không thể tồn tại trong những quốc gia có trình độ văn hóa và nhận thức cao. Đó là định luật của đào thải để đưa đến tiến bộ.
Khi Engels, Marx đưa ra thuyết cộng sản, nó đã làm chao đảo cuộc sống của xã hội. Nhiều kẻ cho đó là một cứu cánh cho xã hội thoát khỏi cái ách của Phong Kiến quân quyền, nên đã tiếp tay truyên truyền và đem vào thực hành cái lý thuyết này. Kết qủa, khi chưa có thực nghiệm sống dưới chế độ cộng sản, ngưòi ta không thể nào hiểu được giá trị của Tự Do, Nhân Quyền, Công Lý hoặc không thấu hiểu được triết lý trong đời sống đạo đức, luân lý của gia đình, của tôn giáo.
Đến khi bị áp đặt dưới sự kiểm soát của cộng sản người ta mới hiểu ra rằng: Tất cả những mất mát về Tự Do, về Nhân Quyền, về Công Lý, về tài sản của nền đạo hạnh trong gia đình, trong xã hội mà con ngưòi đã cố công, dù dưới chế độ phong kiến, ra sức xây dựng, là không thể nào bù đắp được. Bởi vì nó đã tước đoạt mất quyền sống của con người. Nó là một thứ bạo lực đẩy con người trở về đời nô lệ. Nó là cái ách thống khổ mà cộng sản đóng lên đầu, lên cổ của con người không một lúc ngơi nghỉ và buộc con người phải đi dưới mệnh lệnh chết của sự tước đoạt vô nhân tính. Đó chính là cái ách tàn bạo hơn tất cả mọi loại ách của phong kiến chuyên chế và thời kỳ thực dân góp lại. Tuy nhiên, trong tất cả mọi mất mát ấy, tôi cho rằng chủ trương phá bỏ nền tảng luân lý của tôn giáo là cái cách tồi tệ, nguy hại và tàn phá đời sống con nguòi nhiều hơn tất cả những cái ách khác cộng lại.
Nó tác hại vì con người sẽ mất dần ý niệm đạo đức trong Tôn Giáo là một ý niệm khởi nguyên trong chuỗi những nhận thức để biết về sự kiện thiện hay ác trong đời sống. Từ đó, nó xóa mờ dần đi khả năng phán đoán về sự thật, về công lý, về gỉa dối, về đa trá. Rồi nó tự tạo ra những phương thức, ngôn từ giả dối mà người nói không còn biết mình đang nói dối. Tệ hơn, nó dẫn đưa con người trở lại cuộc sống hoang dã, tìm mồi trong bạo hành, chết chóc. Không còn ý niệm về luân lý khi hành động.
Thật vậy, với người Công Giáo, ý niệm về tôn giáo, về sự tội đã bắt nguồn từ đoạn kinh thánh trong sách Sáng Thế Ký, thuật về câu chuyện ông Adong và bà Eva thấy xấu hổ, biết thiện, biết ác sau khi họ ăn trái cấm: “Thiên Chúa gọi con người và hỏi: "Ngươi ở đâu? "Con người thưa: "Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn." ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi: "Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không? "( Gn 3:9-11) Rồi ngay sau đó sự tội đã xâm nhập vào thế gian qua sự kiện Cain giết em mình là Abel để đưa đến câu hỏi đau thương, nhức nhối cho kẻ phạm tội, nếu như kẻ phạm tội còn ý niệm thiện, ác (tôn giáo). Thiên Chúa phán hỏi Cain: "Aben em ngươi đâu rồi? " Cain thưa: "Con không biết. Con là người giữ em con hay sao? " ĐỨC CHÚA phán: "Ngươi đã làm gì vậy? từ dưới đất tiếng của em ngươi đã kêu tới ta” (Gn 4: 9-11). Nhưng ở chiều ngược lại, câu hỏi ấy có cũng bằng không nếu như kẻ phạm tội đã không còn ý niệm tôn giáo, không còn biết phân biệt thiện ác ở trong lòng y. Đó chính là tai hoạ.
Đối với những người không hề nghe biết đến đoạn kinh thánh này thì sao? Ý niệm về tôn giáo có phát khởi trong lòng họ hay không?
Tôi tin rằng, ngay từ khi có một người nam và một người nữ muốn, rồi sống gắn bó với nhau, dù họ chưa có ý niệm về việc tổ chức thành tập thể, thành bộ lạc, thành xã hội thì ý niệm về thiện ác, về xấu hổ, về tội lỗi là những ý niệm tôn giáo đã phát sinh ở trong lòng họ. Nó phát sinh ngay từ lúc họ chỉ vào người nam hay người nữ và bảo rằng: Người nam ấy, người nữ ấy là của tôi. Xin đừng lấy ra khỏi tay tôi. Những đứa bé ấy là con cái của chúng tôi, thuộc về chúng tôi. Chúng tôi phải bảo vệ cho nhau. Trong ý thức bảo vệ che chở ấy, phát sinh ý niềm về quyền tư hữu. Cùng lúc sự mặc cảm, xấu hổ, hay ý niệm tội lỗi, biết đúng, biết sai sẽ phát sinh nếu như người này muốn chiếm đoạt lấy cái thuộc về người khác bằng bạo lực, hay bằng sự lừa dối. Đó là ý niệm khởi nguyên về tôn giáo. Nó còn đến trước ý niệm về sự thưởng phạt.
Theo đó, ý niệm về Tôn Giáo là một ý niệm khởi nguyên từ khi có con người. Nó phát sinh một cách tự nhiên (như những người chưa bao giờ biết đến sách Sáng Thế Ký) rồi được hệ thống hóa, biến thành lề luật sống. Hoặc là từ lề luật, (qua sách Sáng thế Ký, lệnh cấm ăn trái cấm) biến thành sự ràng buộc êm ái tôn trọng nhau. Cả hai đều quy về một mục đích duy nhất là giải thoát con ngưòi khỏi những gian trá, tội lỗi để đưa con ngưòi vào một cuộc sống an vui và đem lại hạnh phúc cho con ngưòi. Dẫu rằng lúc ấy con người chưa đặt ra câu hỏi chết rồi mình sẽ đi đâu?
Như thế, ý niệm về Tôn Giáo là một ý niệm tốt đẹp nhất cho con người. Vì từ ý niệm tôn giáo đã phát sinh ra ý thức Đạo Giáo. Đạo trở thành Đường , thành hướng đi phát khởi từ Tâm nguyện, rồi được xây dựng, hệ thống hóa thành Đạo để hướng, đưa con người tới đích Chân Thiên Mỹ. Xa lánh cái ác và làm điều thiện theo nhân bản. Nói cách khác, ý niệm Tôn Giáo chính là gốc sinh ra nền tảng của luân lý học, đạo đức học, Kitô học, Phật học, Khổng học, Nho học. Rồi thành Đạo, làm căn bản cho đời sống an vui của con người. Là một tài sản vô giá của nhân loại và là nền tảng của mọi tư duy lương thiện và hướng thiện. Nghĩa là, người có tín ngưỡng là người đi theo một tôn giáo rồi nhờ đời sống Tôn Giáo hướng dẫn bản thân mình tìm đến đích Chân Thiện Mỹ. Hành sử Đạo trong tình Bác Ái, Hỷ Xả theo nhân bản tính tự nhiên hay lề luật. Từ đó, Đạo trở thành lẽ sống Nhân Bản của Con người. Đạo Có khả năng triệt tiêu những tệ nạn của xã hội, giảm thiểu những thói hư hèn của cá nhân và san bằng những bất công dối trá trong xã hội.
Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 20, lý thuyết cộng sản và biện chứng duy vật ra đời đã làm chao đảo đời sống luân lý của xã hội. Nó đối nghịch trực tiếp với ý niệm về tôn giáo và lật ngược luân lý nhân bản xã hội. Coi tôn giáo (ý niệm thiện, ác) như là một loại thuốc phiện để ru ngủ con người và nó chối bỏ sự hiện hữu của thần linh. Chủ thuyết này đã biến thành hệ thống lãnh đạo nhà nước cộng sản tại Liên Sô, mau chóng lan rộng ra khắp Âu Châu và có khả năng khống chế các quốc gia kém mở mang. Đến sau đệ nhị thế chiến, cộng sản đã gây được một thế lực hùng mạnh và có thể áp đảo thế giới bằng những khẩu hiệu như “tiến lên thế giới đại đồng” nghe ra rất dễ lôi cuốn những quôc gia chưa phát triển tham gia vào vùng ành hưởng và thần phục chủ thuyết này. Kết quả, vì chối bỏ ý niệm thiện, ác trong tôn giáo, xa rời nền luân lý, đạo đức xã hội, chủ thuyết này sớm bộc lộ nét vô đạo trong những cuộc tàn sát mang tính cách diệt chủng với nhân loại ngay tại gốc sinh là Liên Sô và sang đến Tây Ban Nha (1931) và các quốc gia Đông Âu.
Lúc ấy, thế giới đã lên án cộng sản trong nỗi lo âu. Một sự lo âu trong thụ động, chống đỡ hơn là tìm cách giải trừ. Ngoại trừ một quan niệm rắn rỏi, vững chắc của Đức Pio XI với nhận định là: ”Chủ nghĩa xã hội và cộng sản xem ra tưởng chừng hùng mạnh, vững chắc lắm, nhưng chẳng bao lâu sẽ thấy cái cơ cấu đó không có nền tảng vững chắc, chúng sụp đổ liên tục một cách thảm hại, như số phận của bất cứ cơ cấu nào không dựa vào hòn đá góc tường duy nhất là Chúa Giêsu Ky-tô.” Và đó chính là cơ sở để vào ngày 19 tháng 3 năm 1931, Ngài ban hành Tông thư Thiên Chúa Cứu Chuộc (Divini Redemptoris). Tông thư này được coi là nền tảng học thuyết bác bỏ chủ nghĩa Cộng sản. Chính sự can đảm, sắc bén trong sự phân tích về chủ nghĩa Cộng sản của Ngài đã cung cấp những cơ sở lý luận cho khuynh hướng chống Cộng sản của học thuyết chính trị - xã hội của Tòa thánh cho đến những năm đầu công đồng Vatican II.
Khơi nguồn từ Tông Thư Thiên Chúa Cứu Cuộc, và để bảo toàn ý niệm về tôn giáo, về thần linh, về luân lý và sự thanh thiện của giáo hội, Đức cố Giáo Hoàng Pio XII đã ban hành Sắc Lệnh về tà thuyết cộng sản năm 1949, nghiêm cấm tất cả mọi tín hữu Công Giáo, không trừ ai, truyệt đối không được tham dự vào những việc như cổ võ, sinh hoạt với thuyết cộng sản. Trong đó, điều số 4 đã quy định như sau:
(Q.4- If Christians declare openly the materialist and antichristian doctrine of the communists, and, mainly, if they defend it or promulgate it, “ipso facto”, do they incur in excommunication ("speciali modo") reserved to the Apostolic See? R. Affirmative).
Đó là điều khoản công bố áp đặt và tuyệt thông cho tất cả những người Công Giáo nào hợp tác với các tổ chức Cộng Sản. Theo đó, tất cả những tín hữu nào bảo vệ hay cổ võ học thuyết Cộng sản thì "đương nhiên" bị khai trừ khỏi Giáo Hội. Nghĩa là không cần phải có các đấng bản quyền công bố sự khai trừ này. Tự người sinh hoạt với cộng sản biết mình đã không còn thuộc về giáo hội công giáo theo giáo triều Roma nữa. Đây là điều khoản xác định, không thể có một chút nghi ngờ nào về tính cách pháp lý/ án vạ của điều khoản này.
Ngày nay dầu không muốn, không thích hay kể cả những kẻ chống đối giáo hội Công Giáo cũng đều phải công nhận một điều là: Nhân loại đã thoát được tai kiếp cộng sản vô thần thống trị thế giới, một phần lớn là do ảnh hưởng từ Sắc lệnh về tà thuyết cộng sản đã được Đức Pio XII công bố vào năm 1949. Sắc Lệnh này về mặt xã hội thì được coi là một bức tường thành kiên cố ngăn chặn làn sóng đỏ lan truyền đi khắp nơi và dồn cộng sản vào cuộc tự hủy diệt. Về mặt đời sống thi bảo vệ vững chắc ý niệm về tôn giáo trong từng cá nhân và bảo vệ sự thánh đức tinh tuyền của Giáo Hội.
a. Với cộng đồng nhân loại:
Trong lúc cả thế giới còn bàng hoàng lo sợ vì con quái vật cộng sản xuất hiện và trở thành hiện tượng dũng mãnh như sẵn sàng nuốt trửng cả thế giới vào cái bụng gian ác của nó, Giáo Hội công giáo, dù không có một tấc sắt trong tay đã trở thành một vị tướng kiệt xuất của thời đại, đưa ra một hướng đi, vẽ ra một con đường ngay chính để đưa thế giới thoát khỏi tay thần gian trá cộng sản bằng cách: Bày tỏ một thái độ mạnh mẽ, bảo vệ ý niệm thiện ác trong tôn giáo và bảo vệ sự thánh đức của Giáo hội. Công khai đặt để lý thuyết này cũng như những sinh hoạt của nó ra ngoài vòng sinh hoạt thường nhật trong đời sống của xã hội.
Thật vậy, sau khi đã công bố sắc lệnh về tà thuyết này, vào tháng 6 1951, Đức Pio XII trong thông điệp Evengeli Praecones (Sứ giả phúc âm) Ngài đã huấn thị cho thế giới công giáo là: ”Tuyệt đối phải ngăn ngừa mọi dân tộc khỏi bị tiêm nhiễm tà thuyết cộng sản lầm lạc và nguy hại, phải giải phóng dân chúng khỏi ách nô lệ của một thứ lý thuyết đang đặt ra mục đích buộc sinh hoạt của con người vào sự khoái lạc của thế giới hiện đại..”
Riêng ở Á châu, sau khi cộng sản chiếm được lục địa Trung Hoa, ngày 20 tháng 11 năm 1950,Trung cộng phát động phong trào Tam Tự Lập, muốn tách rời giáo hội công giáo ở Trung cộng ra khỏi Giáo Triều Tông Truyền ở Roma. Năm 1954, Đức Giáo Hoàng Piô XII ra một thông điệp cấm tham gia Tam Tự Lập. Năm 1957, Hội Công giáo Ái Quốc tại Trung cộng ra đời, tổ chức bầu giám mục và xin Rôma phê chuẩn. Tháng 6 năm 1958, Giáo hoàng kết án đích danh hội Ái Quốc và không chấp nhận những việc làm của tổ chức giả hiệu này.
Dĩ nhiên, với sắc lệnh năm 1949 và những việc cương quyết đối với kiểu giả hiệu Tam Tự Lập ở Trung cộng. Lúc đầu có nhiều người cho rằng sắc lệnh này quá khắt khe và có phần bất công với một lý thuyết được gọi là duy vật biện chứng vừa phát sinh trong cộng đồng thế giới. Nhưng sau khi chứng kiến những cảnh tàn sát sinh mệnh con người một cách qúa dã man từ Liên Sô sang Âu Châu, rồi vào Trung cộng, Việt Nam, mọi người đều nhìn ra được Nguồn Thật và Sức Mạnh đã đến từ Sắc lệnh của Đức PioXII. Đó là sự đứng dậy của ý thức tôn giáo để diệt trừ căn tính gian ác từ tà thuyết này.
b. Mặt cá nhân
Sắc lệnh năm 1949 đã đặt các tín hữu công giáo vào một cuộc chiến trực diện với lương tâm của chính mình. Một là trung thành đi theo sự hướng dẫn của giáo hội để giữ lấy ấn tín của đưc tin trong sự hiện hữu của Thần Linh. Xa lánh, không tham dự vào bất cứ một sinh hoạt nào của tà thuyết này đẻ ra. Hai là bước vào vũng bùn hôi tanh, dứt bỏ ý niệm tội lỗi trong đam mê, đi theo sinh hoạt của các tổ chức phản thần linh do lý thuyết này thực hiện. Không có trường hợp một chân bên tả một chân bên hữu.
Kết quả, lương tâm hướng thiện của ngưòi công giáo đã chiến thắng. Tuyệt đại đa số những người công giáo đã từ bỏ, hoặc lánh xa những sinh hoạt đầy gian dối của tổ chức cộng sản, dù chính bản thân của họ và gia đình nhiều khi đã bị đẩy vào trong sự nghèo đói, gặp khó khăn về mặt kinh tế trong những nơi mà cộng sản nắm quyền. Nhưng trong các nước mà cộng sản chưa đến như Pháp Ý, tây Đức, Bỉ và các quốc gia khác thì đã có hàng triệu tín đồ công gíao từ bỏ các sinh hoạt của cộng sản. Việc thiếu hụt trầm trọng các cán bộ cũng như không kết nạp thêm được các đoàn đảng viên mới mà các đảng cộng sản ở những nơi này rơi vào thế bị cô lập, và đi vào cuộc tự hủy, đưa đến cuộc sụp đổ đồng bộ vào năm 1989.
Tuy thế, cũng có một số kẻ tự cho mình là cái túi khôn bằng cách đi hàng hai. Lao đầu theo cộng sản với những gian ác của chúng, chống lại giáo huấn của giáo hội. Thành phần này ở đâu cũng có. Về số lượng người ta có thể đếm được trên đầu ngón tay. Thí dụ như ở Việt Nam, một nhóm có tên gọi là “ hội công giáo yêu nước” được lãnh đạo bởi “ tứ nhân bang” Huỳnh công Minh, Trương bá Cần, Phan khắc Từ, Vương đình Bích. Nghe thì lừng lẫy nhưng chính gia đình, là gốc sinh ra họ thì cũng đã từ chối sự hiện diện của họ trong những ngày lễ, họp mặt của gia đình từ lâu. Trong nhóm này, đảng viên Trương bá Cần đã đi theo Karl Marx cách đây vài năm. Phan khắc Từ, Huỳnh công Minh dù đã chối bỏ sự hiện hữu của Thần Linh khi trở thành đảng viên đảng cộng sản nhưng vẫn cố bám lấy cái áo LM của công giáo để thi hành những thủ đoạn tiêu diệt nền luân lý, đạo hạnh của tôn giáo theo lệnh của đảng cộng.
Vậy những người đã gia nhập đảng cộng sản còn tư cách là người công giáo hay không? Nếu không tại sao không công bố?
Theo luật, những người này đã bị khai trừ ra khỏi giáo hội bởi Sắc Lệnh 1949 mà không cần phải có đấng bản quyền công bố việc khai trừ này. Nghĩa là, việc khai trừ đương nhiên có hiệu lực ngay khi họ gia nhập vào đảng cộng sản. Như thế, từ bản chất, họ không còn là người Công Giáo (nếu luật vẫn còn dược áp dụng) thì nói chi đến cái “phẩm hàm” và “ năng quyền” Linh Mục của giáo hội Thiên Chúa Giáo trước kia đã trao cho họ. Họ có đeo vào người thì cũng như là món hàng giả hiệu. Nhưng cộng sản lại không bỏ lỡ cơ hội, chúng dùng những món hàng giả hiệu này như là một thứ ách tối độc ác để khoác lên cổ người dân trong mưu toan triệt hạ niềm tin tôn giáo, và phá hủy truyền thống đạo đức, lành thánh của giáo hội bằng kế sách “dùng mỡ heo để rán thịt heo”. Một kế sách thâm hiểm và tỏ ra khá lợi hại vì chúng đã cài cắm được một số nhân sự vào trong những sinh hoạt của tôn giáo. Nó gây ra tác hại vì không có thông tin mở rộng nên người công giáo không thể nắm vững được tin tức, hay không được giải thích rộng rãi về những điều luật của sắc lệnh năm 1949. Riêng các Đấng Bản Quyền, dưới áp lực của cộng sản và ngay cái tổ chức này, chưa thể công khai hóa Án / Vạ với họ. Tuy nhiên, ngày ấy phải đến. Cái ách này phải bị bẽ gẫy, dẹp bỏ.
Riêng trong lúc này, xem ra là lúc vinh hoa của Giuđa khi Y cầm ba mươi đồng bạc. Nhưng thời gian chẳng là bao! Vì nó là cái giá của phù vân, và vì sau đó, nó đi thắt cổ! Lời trong sách Thánh còn đây “thà nó đừng đinh ra thì hơn “( Mc14-21). Dĩ nhiên, câu nói này không phải là sự nguyền rủa cá nhân những người này, nhưng là việc lên án cái tệ hại của sự phản bội. Nhất là việc phản bội sự Chân Thiện Mỹ và tình yêu thương tuyệt đối của Thiên Chúa.
Tóm lại, vì hoàn cảnh chiến tranh lâu dài và thực trạng xã hội trong chế độ vô thần đã làm sai lạc ý thức về tội, về thiện ác và về các luật lệ trong Giáo Hội. Nay thiết tưởng đã đến lúc các vị có thẩm quyền cần chấn chỉnh lại vấn đề chăng?
Phần 2 :
Hồ chí Minh và cái ách cộng sản tại Việt Nam
Lịch sử Việt Nam còn ghi lại một số cuộc hội nghị có tiếng nói của người dân đã làm thay đổi, không phải chỉ trong sinh hoạt thường nhật, nhưng còn làm thay đổi cuộc sống và ý niệm về sự trường tồn của đất nước. Một trong những cuộc hội nghị ấy, không một người Việt Nam nào không biết đến. Đó là hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần. Nhưng lúc gần đây, có một số người đang còng lưng đánh bóng và nhắc đến cái hội nghị có khoảng 60 người tham dự ở gốc cây đa Tân Trào vào thời Hồ chí Minh, như là một “đại hội quốc dân” vì nó cũng làm thay đổi bộ mặt của đất nước. Thử xem, nó đã thay đổi bộ mặt đất nước thế nào?
Truớc hết, đã là người Việt Nam thì dù là người buôn thúng bán bưng, anh phu xe, người khuân vác, anh nông dân cho đến các quan chức trí thức… không ai mà không biết, hoặc nghe nói về Hội Nghị Diên Hồng cách xa chúng ta hơn 730 năm. Người dân Việt Nam biết đến hội nghị Diên Hồng bởi một lẽ rất đơn giản: Hội nghị đã làm nên cuộc sống và sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Hội nghị ấy như một bí quyết đặc biệt để truyền sức sống không phải chỉ ở trong lòng mọi người, tạo nên một khối đồng tâm, mà còn vang dội vào lòng chiến mã, cây cỏ, sông, núi, để từ đó tạo nên một thực thể sống, đồng nhất, trong một mục đích bảo vệ sự vẹn toàn và độc lập của Việt Nam. Từ đó, hội nghị đã tạo nên những chiến công hiển hách trong lịch sử như Bạch Đằng, Chi Lăng, Xương Giang, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Đống Đa… Và người Việt Nam có quyền ngửa mặt lên để tự hào về những trang lịch sử vẻ vang của Bà Trưng, Bà Triệu, của Đức Trần Hưng Đạo, Bình Định Vương, của Đức Quang Trung hay các bậc danh tướng Trần Bình Trọng, Lý Thường Kiệt…v.v… là những vị mà ngày nay khi nhắc tên, vẫn làm cho những binh đoàn Hán, Mông, Mãn kinh hoàng, tức tưởi. Như thế, Diên Hồng là lịch sử sống cho một dân tộc còn sống.
Diên Hồng là thế, còn cái hội nghị ở gốc cây đa Tân Trào thì thế nào? Khi làm thay đổi bộ mặt của người dân trong một giai đọan, liệu nó có viết nên một trang sử không bị ô uế cho người còn sống, không làm nhục những ngưòi đã chết, hay nó đã viết ra một trang nhơ nhớp trong dòng lịch sử của một dân tộc anh hùng?
Trước tiên, theo như sách vở của Việt cộng còn ghi lại thì cái gọi là “đại hội đại biểu quốc dân vàochiều ngày 16-8-1945 ở gốc đa Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tỉnh Tuyên Quang “có hơn 60 đại biểu đại diện từ Nam bộ, miền Nam Trung Bộ và Việt Kiều ở Thái Lan, ở Lào về dự đại hội”. Hội nghị cây đa đã lập ra “Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam” do Hồ Chí Minh cầm chầu.
Không biết đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay là lịch sử của đảng cộng sản và cái hội nghị Tân Trào do Việt Minh tổ chức lại có mối liên hệ tiền kiếp với chuyện cây đa?
Tôi hỏi thế là vì, khi nhắc đến cây đa là nhắc đến một truyền thuyết lớn về chú cuội trong nhân gian của Việt Nam, mà không một ai không nghe biết. Từ ông già bà lão cho đến đứa trẻ nhỏ không ít lần đã ngửa cổ lên nhìn trăng để mà xem chú cuội ngồi ở gốc cây đa tròn méo ra sao! Hồi còn nhỏ ở dưới quê, tôi cũng tưởng là chuyện có thật. Bởi lẽ, vào ngày có trăng sáng nhìn lên, lạ qúa, hình như cũng thấy mờ mờ ảo ảo như có thằng cuội ngồi ở gốc cây đa.
Tuy nhiên, chuyện thằng cuội và cây đa là một câu chuyện hài trong nhân gian. Nó mang ý nghĩa dí dỏm, châm biếm, không có thật. Nhưng chắc chắn, cái không có thật ấy không làm hại ai. Nghĩa là, dù có bị người khác bảo “mày nói láo như cuội” thì ngưòi bị chê có lẽ cũng chẳng mất mát gì và có lẽ cũng không phải đi tù. Nhưng nay ở Tân Trào, Việt Minh lại nhờ gốc cây đa, như một truyền thuyết để đẻ ra một hội nghị “đại biểu quốc dân”, và đẻ ra cái “ủy ban giải phóng Việt Nam” do Hồ cầm chầu, hẳn nhiên là phải có ý khác. Không biết có phải họ muốn nhờ cây đa trong truyền thuyết để ví von đảng là cây đa cho đồng bào biết đến Việt Minh? Hay thực tế, đảng cộng và cái hội nghị này chỉ là câu chuyện và việc làm của thằng cuội?
Ở đây, tôi xin mở một dấu ngoặc là, riêng về nhân vật chính ở gốc cây đa thì cho đến thời điểm này chẳng có mấy người biết ông ta là ai. Dù trưóc đó: “để thực hiện chỉ thị của quốc tế CS cuối 1929 NAQ (Nguyển ái Quốc tức Hồ chí Minh?) từ Xiêm về Hương cảng, TQ để triệu tập và chủ trì hội nghị hợp nhất 3 tổ chức CS. Hội nghị họp từ ngày 03 – 07/2/1930. (Tham dự Hội nghị có đại diện của Đông Dương Cộng Sản Đảng và An Nam Cộng Sản Đảng). Hội nghị có 03 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết. Sau 5 ngày làm việc với tinh thần thống nhất cao, dân chủ hội nghị đã đi đến việc: thành lập đảng CSVN” (Ngô chí Tâm). Người như thế đó, nay lại thành kẻ cầm đầu câu chuyên về gốc cây đa!
Câu chuyện được khởi đầu như thế, nên sau 80 năm hươu cuội, tất cả mọi người Việt Nam, không trừ ai. Từ kẻ buôn thúng bán bưng, hay anh nông dân chẳng một ngày đến trường, đến hàng trí thức quan cán có những mảnh bằng to với những chữ nhớn TS, rồi PTS, hay là GS đến phó GS. Hoặc là chuyên viên các ngành nghề, như nghề công an đến nghề móc túi. Từ nghề tự do trí thức như BS, LS đến nghế xe ôm. Và trú quán thì từ người ở hải ngoại cho đến những người ở trong nước, kể cả những kẻ ngồi tù vì mọi loại tội phạm. Rồi về tuổi thì kể từ 6, 7 tuổi trở lên cho đến chờ xuống lỗ… không xót bất cứ một ai, đều biết rất rõ và là chứng nhân cho một sự kiện là: cái “đại hội đại biểu quốc dân ở gốc cây đa Tân Trào” ấy đã làm nên hai thành qủa “vĩ đại” trong sự nghiệp của Hồ chí Minh và của Việt cộng trong lịch sử cận đại của Việt Nam:
1. Hội nghị gốc đa vào ngày 16-08-1945 của Việt Minh đã tạo ra cuộc đảo lộn luân thường trong xã hội Việt Nam.
2. Hội nghị Tân Trào tạo nên một cuộc đảo lộn đạo lý sâu sắc làm băng hoại nền luân lý của dân tộc Việt.
Đây chính là hai cái ách tàn bạo nhất của cộng sản mà Hồ Chí Minh và tập đoàn Việt Minh đã khoác lên cổ người dân Việt Nam theo từng vùng, miền hay trong cả nước trong 80 năm qua. Chuyện cây đa và thằng cuội là hoang đường. Nhưng chuyện cái ách Hồ Chí Minh là chuyện thật, hàng ngày vẫn còn tiếp tục tái diễn tại Việt Nam.
1. Hồ chí Minh và cuộc làm đảo lộn luân thường trong xã hội Việt Nam
Trước hết, đạo nghĩa của chữ luân thường là sự đúng, tính thật của một sự việc. Làm đảo lộn luân thường là làm cho những điều đúng thành sai, hay thành gian dối, và nó làm đảo lộn những gía trị, những nguyên tắc trong đời sống yên bình của xã hội.
Thật vậy, người Việt Nam ta từ xưa vẫn được đánh gía là một sắc dân trung hậu, thật thà, có nề nếp và hiếu khách. Họ không ưa dối trá. Nhưng kể từ ngày có cái gọi là “đại hội đại biểu” ở gốc đa đến nay, Việt cộng đã ra sức làm thay đổi bộ mặt giao tế của xã hội Việt Nam bằng con đường dối trá. Tệ hơn thế, chúng còn ép buộc người dân phải đi vào con đưòng một chiều ấy để dối gạt chính mình và lừa đảo đồng loại. Nói toạc ra là sự gian dối ấy được Hồ Chí Minh thực hiện ngay từ trong bản lý lịch của mỗi cá nhân.
Nói cho rõ là: Tất cả các bản lý lịch cá nhân của các đoàn, đảng viên Việt cộng và những kẻ liên hệ của nó, đều là những bản lý lịch man trá, gian dối, không đúng với sự thật. Riêng với người dân, vì hoàn cảnh phải sống với cộng sản, nên hầu như mọi ngưòi đành phải, hay dễ dãi chấp nhận sự hướng dẫn khai gian dối trong bản lý lịch của mình để được yên thân, hay cầu lợi. Với lớp trẻ, sự gian dối ấy được dạy ngay từ khi còn ở trong học đường. Theo đó, chỉ trừ ra một số ít người không tính đến chuyện liên hệ trực tiếp với chúng, hoặc là những chức sắc tôn giáo, hay người công giáo thì mới có được một chữ “thật” ở trong cái bản lý lịch cá nhân của mình. Ngoài ra, ít có trường hợp ngoại lệ.
Tôi đại ngôn ư? bạn đọc ngỡ ngàng về chuyện này ư?
Không, tôi tin tất cả đều tình táo để biết rằng. Đây không phải là lỗi ở chúng ta, nhưng là cái ách của cộng sản nó đang đè trên chúng ta, nên đành phải làm thế.
Để cho đoạn viết trên sáng tỏ hơn, bạn có đồng ý với tôi là tất cả mọi người Việt Nam đều biết phân biệt sự thiện và ác trong việc làm, lời nói của mình, và thường có khuynh hướng xa lánh cái gian ác hay không? Bạn có đồng ý với tôi là hầu hết ngưòi Việt Nam là người có tín ngưỡng hay không?
Đúng thế. Chắc chắn là thế và còn cao hơn thế nữa. Tất cả mọi người Việt Nam đều có tín ngưỡng, có tinh thần tôn giáo và có ý niệm về tôn gíao rất sâu sắc. Theo thống kê từ trước, đa phần người Việt Nam theo đạo ông bà, kế đến là đạo Phật, đạo Công Giáo, đạo Tin Lành, đạo Cao Đài, đạo Phật Giáo Hòa Hảo, hay đạo Bàlamôn (gốc Chàm). Không ai là không có đạo. Không làng nào mà không có Đình, Chùa, nhà thờ, Thánh Thất, hay các cơ sở trang nghiêm để thờ thần hoàng, hay thờ cúng ông bà tại nhà. Rồi dọc trên các đường quốc lộ không thiếu những cái miếu nhỏ với hương đèn trong các ngày rằm, ngày đầu năm. Và các nghĩa địa thì lúc nào cũng ngập hương khói…
Nhưng từ sau cái hội nghị ấy, chuyện nghịch thường đã xảy ra. Trong tất cả mọi bản lý lịch cá nhân của các đoàn đảng viên Việt cộng, từ Hồ Chí Minh trở xuống cho đến anh cán tại cơ sở địa phương. Từ những nhà trí thức cho đến lớp cán bộ chỉ biết dùng dao mã tấu, trong phần hỏi về tôn giáo đều ghi một chữ Không. Nghĩa là không có đạo, không có tín ngưỡng, không theo một tôn giáo nào.
Họ khai như thế có nghĩa gì? Có phải những ngưòi viết bản lý lịch này đều là những người không có đạo, không theo bất cứ một tôn giáo nào ư? Hay họ đã bị buộc phải gian dối với chính mình và từ đó gian dối với người khác theo chủ trương vô tôn giáo của cộng sản? Thử hỏi, nếu một kẻ đã phải gian dối với chính mình thì làm sao tìm ra lời nói và việc làm trong sự thật cho người khác hưởng nhờ? Họ đã chối lý lẽ về thiện ác, về phong cách nhân bản tính làm người thì tìm đâu ra chân lý cho xã hội?
Mà câu chuyện nào có kết thúc ở trong lãnh vực đoàn đảng viên, cán bộ của nhà nước? Bước vào học đường, cô giáo thầy giáo mới của xã hội Việt cộng thì trăm người như một chỉ dạy học sinh, dù là học sinh công giáo, phải viết chữ không vào trong bản lý lịch của mình. Nếu không thì có thể bị đánh, bị tát cho sưng mồm, và cô thầy gian ác kia không ngần ngại xé bản lý lịch có chữ công giáo kia đi và buộc đứa trẻ phải viết chữ KHÔNG lại theo ý của mình. Hoặc gỉa, cô tự viết lấy bản lý lịch của trò theo ý cô để cán trên hài lòng, yên chuyện? Hai đứa cháu của tôi năm 1977 đã là những nạn nhân của trò giáo dục quái gở này. Và rất nhiều học sinh công giáo xuất sắc, đỗ đầu trường nhưng vì cái lý lịch có chữ công giáo nên các em không hề được bước lên đại học (lúc này thì có đổi khác một chút).
Nhớ lại những ngày sau 30-4-1975, khi Việt cộng vào Sài Gòn, sinh viên phải trình diện tại trường thì ngoại trừ một số sinh viên công giao bỏ về hay trong bản khai lý lịch còn ghi rõ tôn giáo. Đa phần còn lại là được các cán bộ đoàn trường hướng dẫn là viết chữ Không cho nó tiện (cá nhân tôi là một trải nghiệm). Lúc ấy, chẳng ai muốn rắc rối vào mình nên cũng đành viết một chữ “không” cho nó qua chuyện. Mình nghĩ nó đơn giản, vì đạo tại tâm. Tuy nhiên, cộng sản không nhìn chữ Không ấy một cách đơn giản, nhưng là sự chiến thắng trong sách lược vô tôn giáo của họ! Thưa bạn, thưa những nhà trí thức không phải là đoàn, đảng, quan cán, còn đang ở trong nước, qúy vị đọc lại bản lý lịch của mình xem? Đây là chuyện nhỏ hay là chuyện cố tình làm đảo lộn luân thường trong xã hội đã bắt nguồn từ cái “đại hội đại biểu” tại gốc đa Tân Trảo?
Tại sao cộng sản lại muốn người dân viết chữ “không” vào trong bản lý lịch của mình?
Câu trả lời của Mac-Lê là: “Chỉ trong xã hội cộng sản chủ nghĩa phát triển thì tôn giáo mới có thể hoàn toàn biến mất và bị xoá bỏ khỏi đời sống con người. Nhưng việc tôn giáo mất đi không phải là một quá trình tự động; nó đòi hỏi phải kiên trì hoạt động giáo dục quần chúng, tuyên truyền rộng rãi những hiểu biết khoa học tự nhiên, xã hội và thế giới quan mác-xít “ (Từ điển Triết học, tr.588, từ mục “Tôn giáo”).
Bàn về chuyện này, Phạm Việt Anh trong “Quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin về giải quyết vấn đề tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội viết: “Tôn giáo là một hệ tư tưởng mang tính chất duy tâm, do đó về bản chất nó có thế giới quan, nhân sinh quan trái ngược hoàn toàn so với quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin – quan điểm duy vật biện chứng khoa học. Bởi vậy, để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội không thể nào không xoá bỏ tôn giáo”. Theo sách lược này, ở Việt Nam, sau ngày hội tại gốc đa Tân Trào, Hồ Chí Minh đã tìm cách xóa bỏ dấu tích tôn giáo ngay trong việc viết các bản lý lịch cá nhân của từng người. Đây hẳn nhiên không phải là việc chỉ viết chữ “không” cho vui của vui nhà, hay vui lòng cấp trên mà thôi. Nhưng là buộc viết theo chủ đích của Hồ là xóa bỏ dấu vết tôn giáo trên từng cá nhân, từng đơn vị. Hồ muốn biến người Việt Nam thành những kẻ vô tôn giáo!
Kế đến là quan niệm về Quân, Sư, Phụ trong xã hội ta. Quân thuộc về mặt sinh hoạt chính trị thì dĩ nhiên, nay còn, mai mất. Nó không phải là lý lẽ để trường tồn. Nhưng Sư và Phụ là đạo của người sống trong trời đất, có thể đảo lộn được không?
Tôi e rằng cái quan niệm kính Sư, trọng Phụ ở xã hội ta ngày nay đã bị đảo lộn rồi. Trò không được giáo dục về Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín, lại được dạy theo gương Hồ Chí Minh, là người suốt đời không thắp cho bố mẹ một nén nhang, là người không biết đến đạo lý ở trong gia đình là gì. Rồi y cũng là người giết người đã ăn ở với mình là Nông thị Xuân, tàn ác hơn thế, Y cho quăng xác của Xuân ra ngoài đường giả như một tai nạn xe hơi để phi tang, vì cô ta đã sinh con với Hồ! Rồi Hồ Chí Minh cũng từ bỏ đứa con ấy thì cái nghĩa vợ chồng, tình cha con ở đâu? Kế đến, y là người tàn sát hơn 170.000 ngàn người dân vô tội trong vụ đấu tố để cướp đoạt tài sản của họ thì Nhân ở đâu có, mà bắt học sinh phải nòi theo?
Trẻ được học những cái gương ấy thì lấy gì mà tôn sư trọng phụ? Làm sao xã hội có được cuộc sống tốt đẹp?
Trái lại, chính vì cái ách giáo dục này, ngày nay đã cho ra những kết qủa vô cùng kinh hãi: Nhan nhản trên các phố, có những địa điểm phá thai (lò giết người), có quảng cáo công khai, hay lén lút, cách giết người. Các bà mẹ đến với dịch vụ này đa phần là các học sinh, sinh viên, nhiều khi còn là vị thành niên nữa. Những người mở lò giết ngưòi (phá thai) này có phải là lương y cứu sinh độ thế hay không? Tại sao lớp tuổi trẻ ngày nay phá thai nhiều đến như thế? Có phải tại vì cái lối giáo dục “noi theo gương Hồ chí Minh vĩ đại” hay không? Bạn đọc thân mến, đây là nỗi đau khôn nguôi của dân tộc ta hôm nay. Nó có phải là cái ách đảo lộn luân thường mà dân ta phải gánh chịu từ ngày có cái gọi là đảng cộng sản Việt Nam ra đời ở Hương Cảng, Trung Hoa vào ngày 03-02-1930, được Hồ Chí Minh và tập đoàn Việt Minh đem vào áp đặt cho dân ta không? Tôi sẽ trở lại vấn đề này sau.
2. Hồ Chí Minh và công cuộc đảo lộn đạo lý ở Việt Nam
Hẳn nhiên việc khai không đúng sự thật trong mục tôn giáo trong các bản lý lịch cá nhân của người dân là do chính sách Vô Tôn Giáo của cộng sản chủ trương. Họ muốn lấy chữ “không”, có nghĩa là không có tôn giáo để chống chọi và tiêu diệt niềm tin của các tôn giáo và lấy số lưọng chữ không để tấn công các tôn giáo khác (Nói đúng ra là chúng chỉ cố gắng xóa bỏ những chữ Phật Giáo, Công Giáo, Tin Lành, hay đạo Ông Bà ra khỏi bản lý lịch của các cá nhân mà thôi. Riêng phần tinh thần thì chúng biết rõ là không bao giờ có thể làm được). Lúc đầu, phần vì sợ, phần nhìn chữ “Không” dầu có viết cũng chẳng mang ý nghĩa gì, bởi vì, đạo tại Tâm, nên đa phần viết chữ Không. Tuy nhiên, cái kết qủa về lâu về dài là một thảm khốc. Bởi vì mình đã mắc bẫy cộng để tự lừa mình. Bản thân đã trở thành người không có đạo (tự bỏ đạo), không còn mang ý niệm về tôn giáo, là ý niệm ăn ngay ở lành lúc nào chính mình cũng không hay biết. Khi đó, cũng chẳng cần giữ những nghi thức, nghi lễ của tôn giáo mình nữa. Cuộc sống sẽ đi về đâu?
Kế đến, có thể trở thành một áp lực xã hội đối với người chung quanh. Thí dụ như, có chữ “Không” là có cơ hội để được CS tổ chức học tập cho vào đoàn, vào đảng, để ăn trên ngồi trốc, làm lãnh đạo. Có chữ Phật Giáo, Công Giáo thì nên… kiếm đường vượt biên, hay hành nghề không có một chút liên quan gì đến các cơ quan, công sở của nhà nước. Đành phải chấp nhận là loại công dân hạng hai, hạng ba trong xã hội. Ấy là chưa kể đến việc nó tạo ra một sự đố kỵ, thù hận giữa tôn giáo với tôn giáo. Giữa con người với con người. Giữa đảng viên và người dân. Giữa nhà nước với tôn giáo. Chuyện này đối với những ngưòi đã trưởng thành khi chúng vào thì ít bị ảnh hưởng. Nhưng lớp trẻ mới sinh ra, hay lớn lên sau này thì qủa là một vấn nạn lớn. Trong phạm vi ngắn hẹp, tôi chỉ đề cập đến cuộc chiến giữa nhà nước với tôn giáo mà thôi.
a. Cuộc chiến trực diện.
Theo cuốn Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam do chính nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam biên soạn và in ấn, trong cuộc cải cách ruộng đất từ 1953-56 đã có 172.000 người Việt Nam bị giết chết. Tuyệt đại đa số trong những người này bị chết oan và không hề có sự bồi thường đáp trả cân xứng. Cũng theo cuốn sách này, có đến 123.266 người, tức hơn 70% bị giết oan, có nghĩa là họ vô tội. Nhưng cho đến nay, nhà cầm quyền cộng sản chưa bao giờ có được, dù chỉ là một lời xin lỗi một cử chỉ biểu lộ hay một cách thức đền trả tương xứng cho những gia đình bị chết oan khiên. Trái lại vẫn chiếm hữu tài sản của họ.
Song song với cuộc đấu tố đầy máu và nước mắt này, Nhà nước Việt cộng đã cho dân công, cán bộ, thành phần bất hảo trong xã hội đi đập phá rất nhiều nhà thờ, đình, chùa, miếu thần hoàng tại các vùng thôn quê hay thị xã để ngưòi dân mất điểm quy tụ. Mất điểm tựa tinh thần. Kế đến, các sinh hoạt thuần tuý của công giáo nhiều nơi đã bị nghiêm cấm một cách công khai, hoặc bằng cách, vào những giờ có nghi lễ tôn giáo thì nhà nưóc cũng tổ chức những buổi học tập chính trị và bó buộc ngưòi dân phải đến tham dự. Rồi khi bức màn tre buông xuống, tháp chuông của các giáo đường hầu như đã lặng tíếng ngân sau cuộc di cư vào Nam năm 1954. Cuộc đập phá này đến nay vẫn chưa chấm dứt. Vài năm trước là khu TKS, đến Thái Hà, Tam Tòa, Đồng Chiêm, Cồn Dầu, Loan Lý nay là Tam Đảo!
Dĩ nhiên, cuộc chiến trực diện này đã tạo cho xã hội Việt Nam bộ mặt chết, đổ vỡ và sợ hãi. Nếu chỉ nhìn vào những hành động đập phá và cướp bóc của nhà nước Việt cộng đối với tôn giáo, có ngưòi cho rằng cộng sản đã là kẻ chiến thắng. Trong thực tế, tôi cho rằng, cuộc chiến trực diện này đã để lộ ra một sự thất bại ê chề cho chế độ. Nghĩa là nhà nước có thể đập phá nhà thờ, chùa chiền, đình hội, khoe ra cái tàn bạo ác độc của kẻ mất lương tri, mất nhân bản tính, khoe ra cái vóc dáng vai u tịt bắp của những con bò mộng vô tri ở trong đấu trường mà thôi. Kẻ bạo ác như thế xưa nay vẫn có. Chúng có thể bắt bớ, giam cầm, quản thúc vị lãnh đạo của tôn giáo thì cũng không thể áp bức được niềm tin của tôn giáo. Bởi lẽ, tôn giáo đã tồn tại và sống trong lòng người hàng nghìn năm. Sự chân thật đã truyền đời kế thừa nhau như nếp sống, như hơi thở của con người, nên cái bạo lực của cộng sản trở thành vô gía trị, không bao giờ có thể trấn áp được niềm tin của tôn giáo. Cách riêng, với người công giáo, biểu tượng là cây thánh gía của họ mạnh hơn cả sự chết! Họ sẵn sàng ôm lấy Thánh Gía và chết dưới chân Thánh Gía hơn là cuộc đầu hàng vô đạo. Đó chính là phong cách sống và niềm tin của họ. Thật không cách gì thay đổi.
Đến nay, sau cuộc bể dâu 1954 và 1975, cộng sản phải nhìn thấy một điều về người công giáo là: Dù ở bất cứ nơi đâu, thành thị hay thôn quê, cao nguyên hay đồng bằng, ven sông, trên biển hay nơi góc nuí, kể cả ở hải ngoại, người công giáo vẫn có khuynh hướng sống chung thành làng, thành vùng, ngoài việc sinh hoạt theo tôn giáo cho dễ dàng, họ cũng là người sống hoà mình, yêu thương và bao bọc lẫn nhau. Tình cảm của họ là một thứ tình cảm rất chân thật dành cho nhau, dành cho đất nước và cho đồng loại trong mọi hoàn cảnh. Đó là phong cách sống thực của những người công giáo. Một phong cách đã trải nghiệm qua nhiều bạo lực. Ngày xưa thì dưới triều Minh Mạng, Thiệu Tri, Tự Đức. Ngày nay thì dưới gọng kìm cộng sản. Tuy nhiên, nguyên lý của sự trường tồn đã có sẵn. Cộng sản và sự bạo tàn của nó sẽ bị hủy diệt bất ngờ như cách mà nó đã khởi đầu. Đạo sẽ vĩnh viễn trường tồn.
Câu chuyện sau đây tôi đã có dịp chứng kiến vào năm 1972 tại miền quê Xuân Lộc.
Một anh cán binh Việt cộng bị thương, bị đồng đội bỏ lại trên đường mai phục để thoát chạy lấy thân. Ngoài cơn đau xé da thịt vì không được cứu chữa là sự uất hận bị bỏ rơi, anh còn lo sợ thần chết, lo sợ bị bắt và bị “nguỵ” chém giết, xẻ thịt banh da như những lời tuyên truyền nhồi sọ từ hàng ngũ cán bộ lãnh đạo trước khi đi gài mìn giết hại đồng bào. Anh đau đớn, tuyệt vọng khi lê thân vào những quãng đường, đồi, nương rẫy. Bỗng nhiên, cuộc sống như hồi sinh, dòng máu, nhịp tim lại dồn dập trong người. Một sự an bình như chưa bao giờ có đã chiếm trọn lấy cả tâm hồn và thể xác khi anh ta bò đến, và ôm được một cái chân cột. Lúc mở mắt nhìn lên. Đó chỉ là một Cây Thánh Giá thô sơ cắm trên ngôi mộ trong nghĩa trang của một xứ đạo miền quê. Anh gục đầu xuống, ôm chặt lấy và không còn muốn rời xa nữa. Là người theo đạo thờ cúng ông bà, tổ tiên, anh chưa một lần biết cầu kinh. Trái lại, còn được học tập, nuôi lòng căm thù những thành phần “tôn giáo phản động” bán nước. Kết qủa, khi gặp được người dân trong làng đi viếng mộ, anh chỉ còn duy nhất một ước mơ. Nếu có phải chết, anh xin được chết trong phút giây an bình dưới chân cây cột mà anh đang ôm trong tay. Bởi ít nhất anh sẽ có một nấm mộ ở nơi đây. Anh không muốn chết vì lòng căm thù như đã được học tập. Anh xin với cha sở cho anh chôn ở một góc nghĩa trang nếu anh chết. Anh đã toại nguyện.
Như thế, tôn giáo không thể tách rời khỏi cuộc sống của con người. Bởi lẽ, tôn giáo nào thì cũng nhắm tới đích Chân Thiện Mỹ, là dạy con ngưòi ăn ngay ở lành, sống hòa thuận và thương yêu đùm bọc lẫn nhau và nhất là xa lánh những sự ác và gian dối. Nhìn cách khác, tôn giáo trở thành nhu cầu sống, không phải chỉ dành riêng cho từng cá nhân, nhưng là cho toàn xã hội. Mác- Lê muốn xóa bỏ hết dấu vết tôn giáo để cho xã hội chủ nghĩa hoàn thành chỉ là một ảo tưởng. Cái ảo tưởng ấy nay đã hiện thưc. Mác-Lê đã bước vào cống rãnh, cái thời của đao to búa lớn bạo tàn đã chấm hết sau 70 năm kể từ ngày nó tác yêu tác quái, khủng bố nhân loại. Tiếc rằng Hồ Chí Minh không nhìn đuợc hình ảnh dân Liên Sô treo cổ Lê Nin để nghĩ đến thân phận của mình mà đấm ngực, thay vì tiếp tục lao đầu vào cuộc chiến chống tôn giáo, gây thêm tôi ác. Nói thì như thế, nhưng những con bò trên đấu trường, cứ thấy miếng vải đỏ là húc đầu vào. Nó không biết phía sau miếng vải đỏ là một cái mũi nhọn đang chờ đợi nó. Cái mũi nhọn khoan thủng bạo ác đó chính là Tôn Giáo.
Phần 3 :
Cuộc chiến giấu mặt.
Có nhiều người cho rằng, cuộc chiến trực diện với tôn giáo do cộng sản VN mở ra chỉ như những nhát búa, bổ mạnh xuống trên các tôn giáo sau ngày hội nghị gốc đa Tân Trào. Tuy nó đã tạo ra được những thành quả vẻ vang cho những tên bạo chúa trong các hành động vô tri của cái vai u thịt bắp của những loài động vật kéo cày kéo xe, trong các vụ đập phá nhà thờ, chùa chiền, đình hội. Và tạo ra một bộ mặt bi thảm, chết chóc, đổ vỡ cũng như sợ hãi trong xã hội, nhưng xem ra, nó không có khả năng đạt tới cái đích “vô tôn giáo”, như nhà nước này mong ước. Trái lại, cuộc chiến giấu mặt, lặng lẽ như cái liềm, luôn nhẹ nhàng kề vào cổ các tôn giáo và không ngừng đưa qua, kéo lại cho cái liềm từng lúc, từng thời, lấn sâu vào trong cổ họng của các tôn giáo để tạo ra những vết thương đau đớn và không bao giờ lành, trở thành những tai họa khôn lường cho các tôn giáo và xã hội. Điều này đúng hay sai?
Tôn giáo là những ý niệm hướng tới Chân Thiện Mỹ, là điểm công lý ẩn sâu trong tim lòng của mỗi con ngưòi, là gốc sinh ra an toàn cho xã hội, trở thành điểm tựa an toàn cho con người. Hơn thế, cho cả xã hội dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào. Theo đó, không có một sức mạnh nào từ bên ngoài có thể phá vỡ và tiêu diệt được niềm tin tôn giáo trong lòng người, trừ ra chính cá nhân ấy muốn từ bỏ. Như thế, cộng sản với chủ trương vô tôn giáo, chẳng bao giờ muốn giúp vốn cho tôn giáo vững mạnh trong xã hội qua những cuộc đập phá toàn diện. Trái lại, chúng muốn tạo cho các tôn giáo có thêm nhiều Giuđa, hơn là có nhiều thánh tử đạo.
Thứ hai, công lý không chỉ có ở trong lòng một người, nhưng là ở trong mọi người. Công lý không phải chỉ có trong nhất thời, nhưng là vĩnh cửu. Có khi nó tự phát sinh ngay trong lòng kẻ cầm búa đập phá các cơ sở của tôn giáo. Như thế, cuộc chiến trực diện nhắm đạp đổ chân lý của các tôn giáo do Hồ chí Minh chủ trương không thể kéo dài. Nó được sử dụng như một phương tiện để tạo ra khủng hoảng, sợ hãi. Nếu cần, nó có thể tái diễn, rồi ngưng. Bởi vi nếu kéo dài, nó sẽ đập vỡ chính đầu nó.
Lý do thứ ba. Đây là cuộc chiến người ta không tìm ra được khúc đầu, cũng không tìm ra được khúc cuối. Bởi vì phải sống trong gian dối, cá nhân những thành viên hoạt động trong cuộc chiến giấu mặt này, cũng như kẻ chỉ huy chúng, không bao giờ để lộ ra tung tích làm tay sai, phản đạo của mình. Trái lại, thành phần này luôn nhân danh tôn giáo, hoạt động lầm lũi theo lệnh như những loài côn trùng, sâu bọ có đầy ở dưói mặt đất, ngày đêm đục khoét, phá hoại rễ hay thân cây đang sinh hoa kết trái ngon ngọt, nhưng không ai nhìn thấy chúng. Nên dù biết cây trái mùa màng của mình bị phá hoại, chủ nhân lại không tìm ra cách trị đúng mức, hoặc không biết chúng ẩn nấp ở đâu để triệt hạ cho dứt căn bệnh.
Sự việc này được giải thích là: Khi thấy vườn hoa trái có nhiều trái thối, trái sâu, trái bệnh, lúc đầu, chủ nhân khu vườn cho là nó bị ảnh hưởng thời tiết trái mùa. Ông đi tìm mua một số loại thuốc sát trùng về dùng với hy vọng sẽ cải tạo lại được vườn hoa trái. Kết qủa, tốn kém lên cao mà không đạt kết qủa. Số cây lây bệnh cho nhau, sinh ra trái hủi ngày càng nhiều. Chặt đi thì tiếc công lao nuôi trồng, mà để lại thì khó chịu. Trong lúc phân vân tìm hiểu nguyên nhân, ông dùng cái cuốc, cuốc sâu xuống đất, sát bên một gốc cây. Hỡi Trời đất ơi! Phơi ra theo nhát cuốc ấy là vô số những loại sâu bọ đang đục khoét rễ và gôc cây. Có đủ loại. Con thì to con thì nhỏ. Ông bị hoa mắt, chẳng thể phân định được loại nào có mang trùng độc hại cây.
Dĩ nhiên, theo nhát cuốc, có con đứt đầu, con đứt mình, con bị chết, con bị phơi ra ánh nắng và lộ mặt như qúy cụ Huỳnh công Minh, Trương bá Cần, Phan khắc Từ, Vương đình Bích… Nhưng còn biết bao nhiêu con khác thấy động thì tìm chỗ ẩn núp, ông không thể nào tìm ra được. Nếu dùng loại thuốc cực mạnh đổ xuống cái lỗ ông vừa đào, cây ăn trái kia sẽ bị ảnh hưởng nặng, đất có thể thành chai cứng không sử dụng được mà sâu bọ trùng độc kia có khi lại không chết. Nó di sang gốc cây khác thì cái hoạ càng lớn. Ông đành lấp đất lại, tự nhủ, để cho nó trốn ở đây còn hơn là làm động để chúng di đi nơi khác!
B. Những điểm tựa, hỗ trợ cho cuộc chiến giấu mặt.
1. Điểm tựa từ tôn giáo.
Có thể nói một cách không qúa sai lệch là: Tôn giáo là nạn nhân nhưng cũng là điểm tựa, rồi trở thành bức tường thành vững chắc hỗ trợ cho cuộc chiến dấu mặt, triệt tiêu tôn giáo của cộng sản. Đọc qua đoạn viết này, nhiều người sẽ nổi giận. Nhưng sự thật hiển nhiên đã được chứng minh là:
Vì nhiều lý do thực tế, hay vì sinh hoạt, có khi vì thể diện của tôn giáo, nên các chức sắc cao cấp của các tôn giáo dù không muốn bao che, nhưng cũng không dám công khai, công nhận thực tế là có những thành viên thuộc cấp lãnh đạo trong tôn giáo của mình thoái hóa, rồi trở thành những kẻ giấu mặt trong cuộc chiến phá hoại tôn giáo do cộng sản chỉ huy. Đã thế, các tôn giáo liên hệ cũng không dám công khai triệt hạ, hay đặt những kẻ giấu mặt này ra ngoài vòng sinh hoạt nghi lễ của tôn giáo mình, dù có đầy đủ những bằng chứng cá nhân, cũng như luật lệ của tôn giáo quy định về những trường hợp phản nghịch này. Điển hình là trường hợp của nhóm gọi là “tứ nhân bang” Minh, Cần, Từ, Bích… thuộc giáo hội công giáo, hay Nguyễn văn Bồng, tức TT Quang bên giáo hội PGVNTN? Đây có phải là một tai họa hay không? Tôi sẽ trở lại phần này sau.
2. Sự hỗ trợ từ nhà nước Việt Nam.
Ngoài việc xây dựng, giáo dục, vận động, cài cắm ngưòi của cộng sản vào trong các hoạt động của tôn giáo, cộng sản còn triệt để áp dụng hai phương án tối độc để hỗ trợ cho cuộc chiến dấu mặt, phá hoại niềm tin đạo hạnh của tôn giáo. Đó là việc dùng bạo lực để trấn áp, thách đố những vị lãnh đạo cao cấp của các tôn giáo đã bị cài đặt người vào. Thứ hai, dùng thủ thuật Xin- Cho để chế ngự các tôn giáo.
a. Dùng áp lực.
Câu chuyện được kể lại như sau. Không phải là TGM Nguyễn văn Bình muốn sử dụng nhóm “tứ nhân bang” gồm các ông Hùynh công Minh, Trương bá Cần, Phan Phắc Từ, Vương đình Bích là những Linh Mục đã hoạt động cho các tổ chức của cộng sản để họ di họa cho giáo hội về sau. Xin mở dấu ngoặc là theo Sắc Lệnh của Đức Pio XII công bố năm 1949, thì những người này đã đương nhiên bị khai trừ khỏi giáo hội vì những hoạt động của họ cho cộng sản mà không cần phải công bố. Theo đó, ngay tư cách ngưòi công giáo của họ cũng không còn, nói chi đến phẩm hàm LM. Nên trong danh xưng với những vị này tôi chỉ dùng chữ qúy ông cho việc xưng hô mà thôi. (The Decree against Communism is a 1949 Catholic Church document (by Pope Pius XII) which excommunicates all Catholics collaborating in communist organizations.) “.điều 4, (Q.4 If Christians declare openly the materialist and antichristian doctrine of the communists, and, mainly, if they defend it or promulgate it, “ipso facto”, do they incur in excommunication (“speciali modo”) reserved to the Apostolic See? R. Affirmative).
Trái lại, sau khi những con cờ này đã lộ diện trong vụ tấn công TGM Nguyễn văn Thuận và có những hành động phản nghịch (nếu như không muốn nói là thiếu cả giáo dục) của họ trong việc tát ( theo LT) và đẩy TGM Henry Lemaitre ra khỏi tòa Khâm Sứ ở đường Hai bà Trưng Sài Gòn vào ngày 14-5-1975. Tòa GM SàiGòn đã sửa soạn những văn bản cần thiết để công bố vô hiệu hóa tất cả những năng quyền thuộc lãnh vực tôn giáo của nhóm người này theo luật định. Nhưng, Nguyễn Hộ, một hung thần trong ban tôn giáo vụ ở Sài gòn lúc đó, đứng chống lưng, ra mặt thách đố tòa TGM Sài Gòn thực hiện việc công bố các văn kiện này. Tệ hơn thế, Nguyễn Hộ và nhóm “cố vấn” này, sau khi thành công trong việc đẩy TGM Nguyễn văn Thuận ra khỏi Sài Gòn, còn áp lực TGM Nguyễn văn Bình, đưa kiến nghị sang Rôma để xin đổi tên của TGP là Sài Gòn ra HCM. Vì sự bạo phát của cộng sản lúc bấy giờ và vì cái thế ngoại giao trong lúc khó khăn, Rôma đành phải chấp thuận việc đổi tên này cho hợp với thủ tục hành chánh. Dĩ nhiên, việc Sài Gòn mất tên, và TGP Sài Gòn cũng mất tên còn là một vết thương lâu dài. Vết thương không phải chỉ dành cho người công giáo, mà còn là cho dân tộc Việt Nam nữa.
b. Thủ thuật Xin- Cho.
Cộng sản biết rất rõ một điều là: Tôn giáo không có việc làm là tôn giáo chết. Việc làm ở đây có nhiều dạng. Từ việc xây dựng cơ sở thờ phượng đến các cơ sở giáo dục. Việc phát triển nhân sự, việc sinh hoạt của các hội đoàn, đoàn thể thuộc lãnh vực riêng của tôn giáo, hay các tổ chức từ thiện, xã hội do tôn giáo tổ chức v.v. Nên về mặt lý thuyết, cộng sản có đủ mọi loại giấy tờ chứng mình rằng nhà nước tôn trọng và bảo vệ sự tự do tín ngưỡng của người dân. Nghĩa là nhà nước Việt cộng chỉ bảo đảm không cấm cản việc người dân theo bất cứ một tôn giáo nào họ muốn mà thôi. Ngoài ra không có bất cứ một giấy tờ, văn bản nào công nhận hay bảo đảm việc các tôn giáo được tự do trong các sinh hoạt phát triển về nhân sự, cũng như các sinh hoạt làm tăng tiến đời sống đạo hạnh của các tôn giáo, ngõ hầu đem lại phúc lợi cho xã hội. Chính vì cái lối lý luận thịt ba rọi, công nhận “tự do tín ngưỡng” nhưng không cộng nhận tự do sinh hoạt theo tín ngưỡng mà cộng sản đã đặt cái lệ Xin – Cho, rồi áp đặt lên trên các tôn giáo với mục đích bóp nghẹt và kiểm soát các tôn giáo.
Lệ Xin – Cho là cái lệ gì?
Theo nguyên tắc, tất cả các dịch vụ hành chánh đều mở ngõ cho mọi ngưòi, nên khi cần chuyện gì thì đương sự phải có đơn xin. Đơn xin trong trường hợp này chỉ là những thủ tục thông thường. Thí dụ như xin giấy khai sinh, khai tử, xin giấy hôn thú, xin kết hôn, xin xuất cảnh, xin việc làm…. Và sự thường là các loại giấy tờ này đều có thời hạn để giải quyết. Riêng các đơn xin có liên hệ đến sinh hoạt của các tôn giáo như xin xây nhà thờ, cơ sở, xin tuyển sinh, xin phong chức cho ngưòi đã đủ điều kiện thì cái thời gian “cho” nó giống như sợi giây thung. Thích thì địa phương xét sớm, trường hợp cần thêm tiền lót tay, hay các mưu toan mờ ám thì cứ ngâm tôm. Thời gian ngâm tính tháng hay năm, không thính theo ngày! Trong thời gian bị ngâm cũng chính là lúc các khẩu lệnh và điều kiện ngầm được các cán bộ nhà nước từ trung ương cho đến địa phương triệt để áp dụng, trao đổi để đưa đến chữ “cho”. Đó là nguyên tắc, là luật của xã hội chủ nghĩa!
Trong khi đó, sinh hoạt của tôn giáo không hề tách rời ra khỏi đời sống xã hội và con người. Trái lại, còn đi sâu vào trong lòng xã hội để truyền rao Chân Lý, Sự Thật, nên các chức sắc trong các tôn giáo tại Việt Nam, đều bị áp chế bởi thủ thuật Xin – Cho của Việt cộng. Nó chính là cái lưỡi câu, là cái chìa khoá, có kịch độc dùng để tiêu diệt sự đạo hạnh chân chính của tôn giáo, và là đòn buộc tôn giáo phải nâng cấp cái phẩm cách gian dối, bất lương của cộng sản lên ngang hàng với những đạo đức của xã hội. Hoặc kéo tôn giáo xuống ngang hàng cái gian dối của cái xã hội chủ nghĩa. Đó là cái gía quá đắt, ai cũng biết, nhưng các tôn giáo ở Việt Nam hôm nay lại không thể vượt thoát ra ngoài cái thủ thuật vô đạo Xin – Cho của cộng sản.
Điển hình, việc Nguyễn Thiện Nhân, một cán bộ cao cấp của đảng và nhà nước Việt cộng có mặt trên lễ đài trong đại hội La Vang dịp kết thúc năm Thánh là một việc rất khó giải thích và khó chấp nhận. Bởi lẽ, không phải chỉ có giáo dân, mà tất cả mọi người đến đây để cầu nguyện, xin ơn bình an, xin Mẹ yên ủi chúng con đều không muốn nhìn thấy kẻ vô thần, hại đạo ngồi trên nơi cao kia nhìn xuống. Như thế, sự hiện diện này được coi như là một thứ “điều kiện” của cái lệ xin – cho của nhà nước. Nghĩa là, qúy tôn giáo xin được tổ chức những buổi lễ lớn, tuy là thuần túy của tôn giáo, nhưng có hiện diện của cả khách nước ngoài thì cũng phải mời cả đại diện của nhà nước đến dự và đọc diễu văn. Dù cái diễu văn của nhà nước chưa đọc thì ngưòi ta đã biết rõ nội dung của nó chỉ là những xảo trá tuyên truyền cho thế giới biết là ở Việt Nam có tự do tín ngưỡng. Người ngoài thì xấu hổ thay cho những hành động này, nhà nước Việt cộng thì không.
Trong khi đó, tại Hà Nội, như một biểu tượng cho những người đi tìm Tự Do, Sự Thật và Công Lý. Ngày 20-9-08 , trong cuộc họp chung với UBNDTP Hà Nội để giải quyết về quyền sở hữu khu nhà đất TKS, thuộc tài sản của tòa TGM Hà Nội. TGM Ngô quang Kiệt đã công khai đặt vấn đề với nhà nước phải phá bỏ, tháo gỡ cái lệ xin – cho mà họ đã áp đặt trên các tôn giáo từ khi nắm công quyền. Bởi vì: “Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là cái ân huệ xin – cho“. Nghĩa là GM Kiệt muốn xác định cả cái quyền tự do sinh hoạt tôn giáo đều thuộc về ngưòi dân, chứ không phải chỉ có cái quyền tự do theo đạo mà thôi. Đây là một sự kiện lớn có thể dẫn đến việc thay đổi cả bộ mặt đất nước. Kết qủa, sự tự do sinh hoạt trong tôn giáo không có. Trái lại tất cả mọi dự án thuộc TGP Hà Nội, từ trung ương đến địa phương, ngoài cái lệ xin cho vốn đã có những điều kiện khắt khe từ trước, nhà nước còn chủ động tạo ra thêm nhiều khó khăn, dẫn đến việc làm tê liệt đời sống hoạt động Mục vụ của TGP. Tạo nên một lý do sâu sắc, khiến Ngài phải từ nhiệm.
Và còn rất nhiều trường hợp khác như câu chuyện dưới đây:
Hai vị LM có thời từng học chung trường và chung một Giáo phận. Một hôm cả hai gặp nhau trao đổi ý định xin giấy xuất cảnh, ra hải ngoại để vận động người thân quen, mạnh thường quân, giúp đỡ tài chánh để về xây dựng lại ngôi thánh đường mái tôn, vách đất đã xuống cấp mà giáo dân thì không có khả năng đóng góp nhiều. Ít năm sau, một vị thì đang chạy đông chạy tây, mời khách đến dự khánh thành nhà thờ mới. Một vị vẫn chưa qua cửa ải phỏng vấn để được xuất cảnh:
- Bác làm thế nào mà công việc chạy nhanh thế?
- Mình mất cả mấy tháng trời, đi không lại về không. Sau có một người giáo dân trong xứ đề nghị là lên thành phố, xin cái giấy giới thiệu của một vị trong ủy ban đoàn kết xem thế nào. Kế qủa, khi trở về tỉnh là giấy xuất cảnh được thuận. Tôi đi ra ngoại vài chuyến và được đồng bào hảo tâm trợ giúp.
- Họ có thần thế lắm à?
- Thần thế gì. Trong nhà là sâu là mọt, nhưng mình lợi dụng được sâu mọt để xong chuyện của mình thì tôi cũng phải liều một chuyến. Không ngờ thành sự!
- Mình rất kém về ngoại giao kiểu trao đổi này.
- Cha cứ nghe tôi, sen trong bùn mà hoa rất tươi đẹp, chỉ cần mình không mang theo mùi bùn là được! Hơn nữa, gặp cái thời thế đảo điên vô luật lệ này, mình chỉ mặt kẻ phản bội, có khi lại lỡ việc. Nó đã chủ trương tạo cho nhau cái thế như vậy. Mình muốn bước qua, e rằng qúa khó…
- Chúa ơi! C’est la vie!
Câu chuyện này là sự thật hay sao? Thưa, chỉ nói lên được một phần nhỏ của sự thật thôi. Bởi vì, có một sự thật rất thật là:
Cộng sản có đủ mọi thứ giấy tờ để chứng minh, tuyên truyền rằng có tự do tôn giáo tại Việt Nam. Họ hoàn toàn không can dự gì vào việc đào tạo và phong chức cho những tân chức trong các tôn giáo. Trong thực tế, mỗi khi giáo phận muốn phong chức cho những nhân tuyển đã đủ điều kiện học hành, tu đức thì đều phải nộp danh sách cho nhà nước duyệt trước. Nghĩa là kẻ duyệt có toàn quyền quyết định xem trong cái danh sách ấy ai được giữ lại và ai bị loại ra ngoài. Sự việc duyệt danh sách này không chỉ nằm ở cấp phong chức LM mà còn có thể ở những cấp cao hơn nữa? Nghe nói chuyện khởi đầu là do chính nhóm tứ nhân bang đã tạo ra tiền lệ trong việc nhờ Nguyễn Hộ và ban tôn giáo vụ ở Sài Gòn đẩy Đức TGM Nguyễn Văn Thuận ra khỏi Sài Gòn. Chuyện đẩy đi thành công thì chuyện về cũng phải có ý kiến của nhà nước. Và người đầu tiên bị ảnh hưởng trong chuyến về Sài Gòn là Đức GM Huỳnh Văn Nghi, xảy ra sau khi ông Huỳnh Công Minh trở lại Viêt Nam sau chuyến đi Rôma. Đến nay, cái lệ Xin – Cho đã thành nếp và tạo ra những sự kiện nghiêm trọng đầy tai hoạ:
1. Cài người vào phá hoại: Gài các đảng viên, những thành phần bất hảo vào giả tu trì để phá hoại tôn giáo, mà những vị có thẩm quyền, nếu biết, cũng không dám loại những kẻ này ra khỏi danh sách khi đệ nộp cho nhà nước.
2. Tập gian dối cho tôn giáo: Có nhiều vị đạo đức chân tu, nhưng không biết “ngoại giao” đút lót cho nhà nước, hoặc gia đình không có tiền, tên của họ có nhiều cơ hội bị loại ra khỏi danh sách do đề nghị của địa phương vì lý do lý lịch! Một khi tên họ đã bị loại ra thì không ai dám phong chức cho những vị này. Ngoại trừ Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt
Đấy là cái “gía” của ân huệ Xin – Cho. Ai thật, ai giả? Ai thực tình làm việc vì Chúa, vì giáo hội, vì tôn giáo? Ai làm việc cho bác đảng? Không một ai biết, ngoại trừ kẻ trong cuộc. Một khi, trong lòng tôn giáo đã có sự hoài nghi, không còn niềm tin nơi nhau, thiếu sự hiệp thông, chỉ còn lại những toan tính thì đời sống tôn giáo cũng chỉ còn là cái vỏ bọc, không còn sự sống đích thực trong sự hiện hữu của Thần Linh. Nghi lễ, kinh sách khi ấy dễ trở thành cái vỏ để che lấp lối sống gian dối, là một lối sống mà cộng sản tôn thờ và người bị cài đặt vào đã tự nguyện sống theo cái giả hình ấy. Như thế, chính lối sống gian dối của cộng sản là một định nghĩa gắn kết cho lối sống theo chủ nghĩa vô tôn giáo của chúng.
Nói cách khác, sách lược vô tôn giáo mà cộng sản chủ trương chính là sự việc thúc đẩy, thực hiện cuộc sống gian dối trong tôn giáo, hơn là sự việc xóa sổ, không còn tôn giáo trong xã hội. Bởi vì, Tôn giáo là cuộc sống của Sự Thật, của Chân Lý của Niềm Tin lành thánh. Nhưng khi sự gian dối đã được thực hiện ngay trong đời sống tôn giáo thì Sự Thật, Chân Lý sẽ dần dần bị loại trừ. Không còn Chân Lý, không còn Sự Thật thì không còn tôn giáo. Nghĩa là, khi niềm tin về Sự Thật, về Chân Lý về sự Thánh Thiện trong tôn giáo không còn, tôn giáo sẽ tự rã, hoặc chỉ còn cái vỏ bọc với nhiều vết thương. Như thế, việc cố tạo ra gian dối trong tôn giáo, theo tôi, chính là điểm căn bản, là ý nghĩa đích thực của chủ nghĩa vô tôn giáo mà cộng sản chủ trương, theo đuổi, thực hiện, hơn là việc chúng muốn xóa sổ các tôn giáo trong xã hội.
Thật vậy, vì ấu trĩ và vì mặc cảm phát sinh từ sự thấp hèn trong xã hội, (K. Mark cũng chỉ là kẻ ăn bám, sống nương nhờ vào kẻ khác) cộng sản như những kẻ nô lệ chưa được giáo hóa, bỗng nhiên chiếm được quyền lực nên không thể hiểu được ý nghĩa của quyền lực xã hội, quyền lực nhân bản là gì. Từ đó, cộng sản chỉ biết dùng bạo lực, khủng bố để phá hủy luân thường đạo lý trong xã hội, và đẩy xã hội ngụp lặn vào cảnh sống loạn thường, không nhân tính. Theo đó, đời sống đạo đức, luân lý xã hội Việt Nam ngày nay bị xuống cấp là phản ảnh trực tiếp từ cái căn bản vô đạo của chế độ cộng sản. Nó được thể hiện rõ nét trong việc chế độ này thúc đẩy, giáo dục, nuôi nấng và tạo ra gian dối ở mọi nơi, mọi chốn. Từ học đường cho đến môi trường xã hội đều phải gian dối, thấp hèn để tồn sinh.
Riêng với tôn giáo, cộng sản còn chủ trương sử dụng bạo lực để áp đặt lên các tôn giáo hệ thống Xin – Cho, ngõ hầu đạt đến mục đích là gian dối hóa đời sống của tôn giáo để loại trừ Chân Lý, Sự Thật, Thánh Thiện ra khỏi cuộc sống của con người. Để từ đó, cộng sản sẽ đồng hóa cái gian dối của cộng sản với xã hội và tôn giáo, rồi buộc con người quy phục và tin vào cái duy vật biện chứng hiện thực: Đảng cho anh danh vọng chứ không phải Chúa Trời hay Thần Linh! Nghĩa là, đảng là sự hiện diện, còn Thần Linh thì không! Đó là lý do trả lời tại sao họ đặt ra lệ xin cho và tìm cách đưa hình ảnh của Hồ chí Minh vào chùa, nhà thờ. Để đưa tà ác thần trên thần quyền
Dĩ nhiên, khi muốn thực hiện công tác này, cộng sản sẽ từng bước từng bước xiết chặt lệ xin cho với những điều kiện được áp dụng riêng cho từng cá nhân. Khi một người muốn được việc cho mình, dù trong ý muốn tốt, có khi việc của tập thể sẽ không hay. Một ông thầy muốn chịu chức phải đút tiền để có tên trong danh sách được phong chức Linh Mục (điều này đã xảy ra). Tiền có thể ông không có, nhưng nhiều người đứng ra vay mượn cho ông. Khi ông làm Linh Mục thay vì phải sống xa lánh tiền của để phục vụ cho đời sống tinh thần dân Chúa. Nhưng vì món nợ của ngày chịu chức, buộc ông phải tìm tiền để trả nợ. Không phải nợ không mà cả vốn lẫn lời. Khi ấy, đời sống tinh thần cho nhà Chúa sẽ ra sao? Rồi giáo dân càng ngày càng nghe biết thêm nhiều trường hợp như thế, tôn giaó sẽ đi về đâu? Liệu có bước vào cuộc phá sản niềm tin hay không?
Ấy là chưa kể đến việc vị chức sắc này đã bị cộng sản “nắm”, giữ những điều kiện ngay từ trước khi nhận chức. Liệu ông có đủ can đảm chống lại những công việc gian dối của chúng? Hay sẵn sàng tham gia vào những công tác của chính quyền cộng sản, và được chúng ưu đãi thêm nhiều đặc quyền đặc lợi? Hoặc giả, giữ im lặng trước những hành động bạo ngược vô đạo của chúng vì đã trót nhận ân huệ? Dẫu nằm ở trong trường hợp nào thì cũng đều giúp vốn cho việc phá sản niềm tin mau hơn mà thôi.
Như thế, chủ trương vô tôn giáo của cộng sản không phải chỉ là việc muốn xóa sổ tôn giáo ở trong xã hội cộng sản, nhưng còn là việc thúc đẩy gian dối hoá đời sống tôn giáo để tiêu diệt niềm tin vào Chân Lý, Sự Thật và Thánh Thiện của tôn giáo.
Điều tôi vừa viết, có lẽ mọi người đều biết và đều có thể cảm nghiệm được. Nhưng nếu buộc phải chứng minh cho từng trường hợp thì không ai có thể làm được. Bởi lẽ, nó là cái chìa khóa mang ẩn số của cuộc chiến giấu mặt. Sẽ chẳng tìm ra bằng chứng. Người trong cuộc gian dối thì chối cãi và người ngoài thì vô kế chứng minh. Có chăng chỉ dựa vào những việc làm, lý lẽ, lời nói của họ để mà dẫn chứng, suy luận mà thôi. Liệu viết như thế, người viết có bị kết án là hàm hồ, hay là vạch áo cho ngưòi xem lưng không? Điều đó cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên:
Tôi không nghĩ thế. Trái lại, nếu không dùng cái cuốc mà cuốc xuống đất thì cũng không gieo được hạt giống mới! Không thấy được sâu bọ đang phá hoại cây trái. Nói cách khác, khi công khai hóa cái lệ xin cho xấu xa của cộng sản áp đặt trên tôn giáo là lúc chúng ta đang giải cứu tôn giáo ra khỏi cái ách của cộng sản. Phần bạn, bạn nghĩ sao? Có hay là không có các Linh Mục, Giám Mục, Đại Đức, Thượng Tọa là những đoàn đảng viên của đảng cộng sản Việt Nam? Kế đến, các tôn giáo có nên lên tiếng công khai về những trường hợp này để loại trừ gian dối ra khỏi đời sống của tôn giáo hay không? Hay nên giữ im lặng để cho người ta tưởng tôn giáo của mình không bị cộng sản xâm nhập, điều hành?
Tạm thay lời kết. Trong cuộc chiến giấu mặt này, cộng sản là những kẻ hoàn toàn chủ động và vạch ra đường đi nước bước mà các tôn giáo thật khó thoát ra khỏi cái vòng vây của chúng. Nếu tiếp tục giữ im lặng, hoặc né tránh giải quyết mạnh mẽ những trường hợp cụ thể như nhóm tứ nhân bang và những nhân sự trực tiếp tham dự vào sinh hoạt của các tổ chức do cộng sản điều hành, vì họ đã vi phạm sắc lệnh năm 1949 của Đức Pio XII. Công giáo nói riêng và tôn giáo nói chung, lần hồi sẽ trở thành những tác nhân bảo vệ cho chính cuộc chiến triệt hạ niềm tin, Sự Thật, Chân Lý và Thánh Thiện của tôn giáo. Và biết đâu, vô tình trở thành những mắt xích giúp cho cộng sản có cơ hội thực hiện gian dối hóa đời sống tôn giáo, để dần đi vào cái chủ trương vô tôn giáo của chúng? Tệ hơn, khi hình ảnh của Hồ chí Minh đã lấn vào trong chùa, trong nhà thờ thì đời sống của tôn giáo ra sao? Đạo đức, Thần Thánh được đánh gía ngang hàng với ác quỷ chăng?
Hẳn nhiên, mọi người sẽ trả lời là không. Không bao giờ. Tuy nhiên, khi trả lời là không, chúng ta có hiểu rõ ràng, hay có biết: Cái ân huệ Xin – cho và thái độ tiêu cực, giữ im lặng hôm nay chính là cánh cửa mở ra để cho ta đi vào cái tai họa ấy hay không?
Phần 4 :
Hậu qủa của sách lược Vô Tôn Giáo
Hẳn nhiên là không cần phải chờ cho đến khi cộng sản bị tiêu diệt, người ta mới khám ra những hậu qủa khốc hại của thuyết vô thần (vô tôn giáo), một trong ba lý thuyết căn bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Nhưng ngay khi chúng còn sống đây, mọi người đều đã nhìn thấy tận mắt những hậu qủa của sách lược vô tôn giáo do Hồ chí Minh và tập đoàn cs VN áp đặt lên xã hội Việt Nam. Chỉ sau 60 năm cầm quyền, nó đã phá hủy hầu hết các gía trị luân lý, đạo đức của đời sống và gây phương hại trực tiếp đến tất cả mọi sinh hoạt trong xã hội từ văn hóa, tôn giáo đến bản sắc dân tộc. Có thể nói, không còn một góc cạnh nhỏ nào trong các sinh hoạt chung hay riêng mà không bị sách lược vô tôn giáo này kềm tỏa. Nó kềm toả đời sống thuần lương của con người và xã hội bằng bốn chữ xem ra khá đơn giản là: “gian trá, chia rẽ”.
1. Gian dối: Một định chế cơ bản của xã hội cộng sản?
Có một sự thật rất thật mà không ai có thể chối cãi được là: Khi con người không còn được hướng dẫn để đặt niềm tin vào sự hoàn thiện (hoàn hảo và toàn thiện) của tôn giáo và thần linh, tội ác và gian dối lập tức xuất hiện. Nó xuất hiện và xã hội nào cưu mang nó, không bao giờ có cuộc sống trong an bình.
Điều này đúng hay sai? Liệu các xã hội cộng sản, trong đó có đảng và nhà nước Việt cộng theo chủ thuyết vô tôn giáo. Coi tôn giáo như là “thuốc phiện ru ngủ nhân dân” cần triệt hạ, hơn là một hướng đi đích thực cần thiết giúp con người tìm đến Chân Thiện Mỹ, có là một minh chừng cụ thể cho khái niệm trên hay không?
Như tôi đã có dịp viết ở phần trước: Ý niệm về Tôn Giáo là một ý niệm khởi nguyên về thiện ác, nó xuất hiện ngay từ khi có con người. Ý niệm này phát sinh một cách tự nhiên, rồi được hệ thống hóa, biến thành lề luật sống (như đạo Ông Bà, thờ cúng Tổ Tiên ở Việt Nam). Hoặc là từ lề luật, biến thành sự ràng buộc êm ái tôn trọng nhau. Cả hai đều quy về một mục đích duy nhất là bảo vệ Công Lý, Sự Thật để giải thoát con ngưòi khỏi những gian trá, tội lỗi. Thúc đẩy con người làm lành lánh dữ. Nhắm đưa con ngưòi tới đích Chân Thiện Mỷ, và hướng tới cuộc sống an vui và hạnh phúc.
Từ điểm nhìn này, với cá nhân, tôn Giáo chính là niềm tin là chỗ nương tựa để cho mọi người tìm về cuộc sống trong an bình, thanh thản. Đối với xã hội, Tôn Giáo không những chỉ là nơi nương tựa. Nhưng còn là một nền tảng vững chắc, trên đó, con người xây dựng thêm những trật tự để mưu cầu cho cuộc sống của tập thể được tôn trọng, được an bình và thịnh vượng.
Theo đó, một tổ chức xã hội, dù là xã hội dân sự, quân sự, độc tài chuyên chế hay phong kiến độc ác với tất cả mọi thứ luật lệ đáng kinh hãi nhất cũng không bao giờ có khả năng đem lại đời sống an toàn, yên vui cho con người, cho xã hội, nếu như ý niệm về tôn giaó, về sự Thiện, Ác, về Công Bằng, về sự thưởng phạt của tâm linh không ăn sâu, bám chặt và làm chủ trong lòng người. Bằng chứng là vào thời thượng cổ, Âu hay Á cũng thế, khi tôn giáo chưa là giường mối của cuộc sống, con người sống như hoang dã, tàn bạo với nhau hơn xã hội tiến bộ hôm nay.
Trong khi đó, thuyết duy vật biện chứng của Marx ra đời vào giữa thế kỷ 19 là lúc con người đã đạt đến nhiều tiến bộ và nhân bản, được đem vào áp dụng từ khoảng đầu thế kỷ 20, lại chủ trương triệt hạ tôn giáo, hóa giải ý niệm đạo đức và đẩy con người vào cuộc sống bạo lực bằng một cuộc tuyên truyền vĩ đại: “Tôn Giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Với cuộc tuyên truyền này, có thể nói, Hồ chí Minh và tập đoàn cộng sản đã lật ngược mọi giá trị luân lý, đạo đức của xã hội Việt Nam đã tích lũy từ ngàn năm trước, và coi cuộc sống đạo hạnh của tôn giáo như liều thuốc phiện ru ngủ nhân dân, cần phải triệt hạ. Kết qủa của cuộc tuyên truyền là nhà nước Việt cộng đập phá các cơ sở thờ phượng như chùa chiền, nhà thờ, đền miếu. Kế đến, mở cuộc đấu tố giêt người trên quy mô rộng lớn vào những năm 1955-1956 theo khẩu hiệu: “Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”. Kết qủa, cuộc đấu tố này đã đẩy người dân Việt trở lại thời hoang dã, hoàn toàn bị trắng tay về cả mặt tinh thần lẫn vật chất.
a- Đời sống vật chất.
Trước hết, Hồ Chí Minh và tập đoàn Việt cộng khoác lên cổ người dân cái danh nghĩa làm chủ đất nước. Sau đó, hô hào, vận động những người làm chủ đất nước lao đầu vào một cuộc đấu tố qủy hãi thần kinh để lấy lại ruộng đất cho nhân dân. Kết qủa, sau cuộc “đào tận gốc, trốc tận rễ” trí phú địa hào. Toàn bộ tài sản của đất nước và của những người bị đấu tố kia lọt vào tay đảng và nhà nước Việt cộng. Những người chủ nhân của đất nước là những công nhân, những thợ cày, tay trắng hoàn trắng tay, phải sống nhờ, sống như kẻ nô lệ ngay trên chính mảnh đất nhiều đời của mình.
Lúc trước, người nông dân chẳng thoát cảnh lao động cực nhọc, nhưng họ và con cái họ còn có được bát cơm no và có những giây phút quây quần bên nhau sống hạnh phúc. Nay, việc lao động còn cay cực gấp nhiều lần hơn xưa. Đã thế, cơm gạo không đủ. Gia đình thật khó mà có được bữa cơm no. Nói chi đến những ngày hội ngày lễ, ngày tết để có niềm vui ngập lòng. Thay vao đó là những đôi mắt trắng. Riêng các xã viên trong các tổ sản xuất, trong nhà máy hay hợp tác xã tại nông thôn. Họ học thêm được món nghề mới của xã hội chủ nghĩa. Muốn có thêm một bữa cơm no, gạo trắng thì chỉ còn một cách duy nhất: Ăn trộm!
b. Đời sống tinh thần.
Bấy nhiêu gian truân về thể chất hình như cũng chưa thỏa để đày đoạ con người Việt Nam. Sau mùa đấu tố, người dân mới bàng hoàng để biết rằng, thật khó có thể gột rửa được cái “thành tích” đã tham gia vào những cuộc giết ngưòi và giết chết tình nghĩa xóm thôn. Họ phải mang vạ vì, chính bản thân họ, không phải một lần mà đã nhiều lần tham gia, giơ tay lên, trực tiếp đấu tố lấy đi sự sống của đồng loại.
Người dân Việt Nam vốn dĩ không phải là người gian ác, nhưng đã vô tình trở thành những công cụ đắc lực giúp Việt cộng giết chết nền luân lý đạo đức của xã hội Việt Nam! Nghĩa là, người dân Việt Nam đã rơi tỏm vào trong một cái âm mưu gian dối và thâm độc của nhà nước VN. Chúng đẩy ngưòi dân Việt Nam vào con đường giết đồng loại, tự mình hủy diệt nền luân thường đạo lý của xã hội. Tự mình hủy diệt toàn bộ niềm vui và hạnh phúc của mính và con cái mình mà không ai hay biết. Họ cứ tưởng tham gia đấu tố là cải tạo xã hội. Ai ngờ, nó lừa mình giết mình! Khi tỉnh ngộ, mọi chuyện đã lỡ. Tuy thế, cái trắng tay về vật chất không đáng sợ. Nhưng việc trắng tay về mặt tinh thần khi nền luân thưòng đạo lý bị đào tận gốc trốc tận rễ mới là điều đáng sợ hãi.
Ai cũng biết, người Việt Nam từ rất xa xưa, dù ở thành thị hay nông thôn, đều là những ngưòi trọng đạo nghĩa. Hơn thế, tinh thần tôn gíáo hầu như được biểu lộ ở mọi nơi mọi chốn hay trong mọi câu chuyện. Ai cũng biết, chẳng có một làng mạc, đường xá nào mà không có các nhà thờ, đình chùa, miếu thần hoàng, miếu thờ cô hồn. Những nơi này thưòng nghi ngút hương khói trong các ngày lễ, ngày tết, ngày rằm mỗi tháng.
Song song với tinh thần trọng đạo ấy, người dân Việt còn được đánh gía là một sắc dân hiền hòa, đạo hạnh, hiếu khách, thật thà, chất phác, cần cù, chịu đựng nhưng rất cầu tiến. Hay giúp đỡ đùm bọc lẫn nhau và sống theo tinh thần đại gia đình. Đặc biệt là ở các vùng thôn quê, tinh thần này biểu lộ rất rõ ràng. Đây là một gia tài vô giá của dân tộc, vì chính tinh thần gắn bó tương trợ này đã là một chất xúc tác mạnh mẽ nhất để ngừơi Việt Nam gắn kết với nhau thành một khối đồng nhất trong những công cuộc bảo vệ xóm thôn. Rồi đến việc kháng chiến, bảo vệ nền độc lập của đất nước trong mấy ngàn năm qua. Từ đó, tạo nên những chiến công oanh liệt cho đất nước.
Dĩ nhiên, Hồ Chí Minh và tập đoàn cộng sản, hiểu rất rõ tinh thần này của dân tộc Việt Nam. Hơn thế, chúng tự biết: Nếu muốn tồn tại, dù chỉ là trong một giai đoạn ngắn, cộng sản không có một chọn lựa nào khác ngoài việc phải “đào tận gôc, trốc tận rễ” cái tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam ngay sau khi họ nhờ sức mạnh của nhân dân mà cướp được công quyền. Và bài tính này đã được tập đoàn Việt Nam cộng sản thực hiện cấp bách và triệt để vào những năm 1955-56. Đến nay nó vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Nó chỉ biến thể cách đấu tố mà thôi.
Như thế, dưói một góc nhìn khác, cuộc đấu tố “đào tận gốc, trốc tận rễ” không dừng lại sau cái chết của 172.000 người và cũng không dừng lại khi nó đẩy người dân vào cuộc sống bần cùng. Nhưng chính cái chết muộn của nền phong hóa, của luân thưòng đạo lý sau mùa đấu tố theo chủ trương vô tôn giáo mới là cái chết khủng khiếp trong lịch sử của dân tộc. Bởi vì, dưới guồng máy cai trị của cộng sản, Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín không còn là điểm tựa sống cho dân tộc. Thay vào đó, bản ác vô đạo của Hồ chí Minh được đề cao như gương mẫu. Kế đến, tình nghĩa của đồng bào sau lũy tre xanh đã hoàn toàn bị phá sản bởi những nhát dao đấu tố và những cánh tay giơ lên. Từ đó, người dân trở nên bạc nhược, ích kỷ và nhà nước thì hãnh diện về cái thành tích cải tạo xã hội theo sách lược vô tôn giáo của họ.
Bằng chứng là theo báo cáo về tình hình tôn giáo năm 2005, được ghi lại vào năm 2007 như sau:“Thực trạng tín đồ các tôn giáo: Đến năm 2007, tổng tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam là 23 triệu (dân số là khoảng 87 triệu). Trong đó: Phật giáo gần 10 triệu; Công giáo 5,9 triệu; Tin Lành gần 1 triệu; Hồi giáo 67 nghìn; Cao Đài 3,2 triệu; Phật giáo Hòa Hảo khoảng 1,4 triệu; Tịnh độ cư sĩ Phật Hội 1,4 triệu; Tứ Ân Hiếu Nghĩa 78 nghìn, Ngũ Chi Minh Chân Đạo 10 nghìn. Từ năm 2005 đến năm 2007 tín đồ tăng 2 triệu người…” pgs.ts nguyễn đức Lữ.
Với con số thống kê này, số ngưòi Việt Nam không có đạo lên đến gần 3/4 trên tổng số dân, là một điều hoàn toàn trái ngược với các con số thống kê trước kia. Đặc biệt là Đạo Ông Bà, thờ cúng tổ tiên chiếm đa phần trong dân số, nay đã bị nhà nước loại ra khỏi bản thống kê này. Đạo Lão, đạo Khổng cũng không được nhắc tời nữa. Trong khi đó có những tổ chức, tôi nghĩ thế, như Tứ Ân Hiều Nghĩa, Ngũ Chi Minh Chân Đạo, với thành phần nhân sự qúa ít ỏi lại được coi là một tôn giáo!
Tại sao cộng sản muốn loại Đạo Ông Bà, thờ cúng Tổ Tiên ra khỏi danh sách của các Tôn giáo, và coi những tổ chức kia thành một tôn giáo? Có hai cách giải thích:
a. Một là Đạo thờ thần, thờ cúng tổ tiên không có hệ thống giáo lý và tổ chức quy mô lớn. Đơn vị Đạo thường là gia đình và dòng tộc, truyền đời một nền giáo lý căn bản cho nhau là ăn ngay ở lành, làm thiện lánh ác để được phúc . Bởi vì đất trời, phúc lộc là của thần linh ban phát cho người. Nhưng từ mùa đấu tố, đơn vị gia đình đã bị phá hủy, tình xóm thôn, đại gia đình đã bị trốc tận gốc. Sách lược vô tôn giáo đã ảnh hưởng nặng nề đến lối sống của người dân. Tuy người dân không bỏ việc thờ cúng ông bà, vẫn hương khói trong những ngày giỗ chạp. Nhưng đa phần vì sợ Việt cộng làm khó dễ nên đã khai chữ Không trong bản lý lịch trong mục Tôn giáo. Theo đó, nhà nưóc có con số thống kê trên chăng?
b. Hai là cs Việt tự ý cho mình có năng lực trên cả thần quyền nên nhà nước tự y` xóa sổ Đạo Ông Bà ra khỏi danh sách các Tôn Giáo?
Cách nào thì cs Việt cũng chứng tỏ được khả năng tiêu diệt sự đạo hạnh của tôn giáo. Bởi vì, tuyệt đại đa số dân ta trước kia đều là ngưòi có đạo. Nay sau 60 năm cầm quyền, nhà nưóc đã làm cho số những người tin vào sự hoàn thiện, thánh đức của tôn giáo để hướng tớí Chân Thiện Mỹ và đời sống an bình chỉ còn hơn ¼ dân số. Đây là con số đáng lo ngại, nhưng lại được coi là sự thành công vượt bực của cuộc tuyên truyền vĩ đại: “Tôn giáo là thuốc phiện để ru ngủ nhân dân”! Nhưng bằng cách nào, cộng sản có thể đạt những con số trong bảng thống kê trên?
Theo tài liệu trong bộ “Lịch sử kinh tế Việt Nam từ 1945-2000”, do viện kinh tế Việt Nam xuất bản thì cuộc đấu tố đẫm máu trong các năm 1955-1956 do cộng sản phát động đã có 172.008 nạn nhân.
Ở đây có một điểm cần lưu ý theo bộ sách là: Cuộc cải cách được thực hiện tại 3.563 xã với mười triệu dân và tỷ lệ quy vào thành phần được ấn định trước cuộc đấu tố là 5,68% trên tổng số dân (trang 85, tập II). Nhưng tỷ lệ này được các cai đội cải cách ruộng đất thi hành một cách máy móc, các xã cố “truy bức để đôn tỷ lệ địa chủ lên 5% như một qui định bắt buộc” (trang 86, Tập II). Đó là lý do có nhiều xã vượt chỉ tiêu đề ra.
Như thế, nếu những điều cuốn sách này viết ra là có thật, thì sự khả tín vào những con số nạn nhân cũng không có nhiều, nếu như không muốn nói là đầy gian dối và mờ ám. Bởi lẽ, nếu tính theo tỷ lệ 5% trên 10 triệu dân đã được quy định để cho các xã phải thi hành thì số nạn nhân trên toàn miền bắc phải là trên 500.000 người chứ không phải là con số 172.008 người như bộ sách này viết. Theo đó, con số 172.008 này phải được hiểu là những ngưòi đã bị giết chết chứ không phải chỉ là nạn nhân. Vì Nạn nhân có nhiều nghĩa, bị tù, bị giam, bị đưa đi lao động, bị giết cũng đều được coi là nạn nhân.
Về thành phần của con số 172.008 nạn nhân này, bảng thống kê ghi như sau:
Địa chủ cường hào gian ác: 26.453 người, trong đó 20.493 người bị oan (77,4%).
Địa chủ thường: 82.777 người, trong đó 51.480 người bị oan (62%).
Địa chủ kháng chiến: 586 người, trong đó 290 bị oan (49%).
Phú nông: 62.192 người, trong đó 51.003 người bị oan (82%).
Tổng cộng: 172.008 nạn nhân, trong đó 123.266 người bị oan: 71,66%.
Nếu đã bị kết là địa chủ ác gian, thì làm gì có chuyện oan đến 77.4%, cùng lắm là có năm ba người bị bắt và bị kết án lầm là gian ác thôi chứ? Rồi địa chủ thường, nói lên tính cách bình thường trong công cuộc làm ăn cần cù, có thể họ cũng là ân nhân của dân làng. Tại sao cũng bị giết và lại cũng có giết oan đến 65%. Chữ giết oan ở đây được hiểu thế nào? Đến địa chủ kháng chiến cũng là vấn đề. Không có địa chủ kháng chiến lấy tiền đâu, gạo thóc đâu nuôi quân kháng chiến. Họ bị giết, mà tại sao không phải là 100% bị oan mà chỉ có 49% là bị oan, lại là tỷ lệ bị oan ít nhất! Rồi đến phú nông? Thế nào là phú nông? Nhà có con trâu cái cày được gọi là phú nông chăng? Người có chút tiền của bị giết là đúng tội chăng?
Đây là những câu hỏi không bao giờ cộng sản có thể trả lời được ngoại trừ một câu trả lời duy nhất. CS muốn tiêu diệt nền đạo lý cơ bản của dân tộc Việt Nam bằng cách giết ngưòi, tạo ra sự sợ hãi cho dân để nắm quyền lực. Ở đây, tuy bộ sách không nói đến số luợt người tham gia vào những cuộc đấu tố. Nhưng hẳn nhiên là họ không tham gia một lần, ít ra mỗi ngưòi phải tham gia 5, 7 lần.Trong những lần ấy có rất nhiều cảnh con đấu cha mẹ. Vợ đấu chồng, anh em đấu nhau. Hàng xóm láng giềng thì mạnh ai nấy xăn tay áo lên mà hằn học trả thù lẫn nhau vì thân nhân của mình đã bị đấu! Như thế số lượt người tham gia đấu tố đòi giết người sẽ lên đến khoảng 50 triệu lượt ngưòi. Một con số thừa sức để giết chết tất cả mọi thứ tình nghĩa của gia đình, của láng xóm, của đồng bào đã từng bao bọc với nhau cả nghìn nghìn năm trước.
Một khi tình cha con, láng giềng, thân tộc, thày trò, đều bị cộng sản đánh bật gốc rễ, nơi những người còn sống chỉ còn là một hoang mang tột cùng. Ở bất cứ nơi đâu, qua ánh mắt, lời nói đều để lại những dấu ấn đậm nét của một đời sống bất an, nơm nớp lo sợ một thứ như tai họa nào đó bất chợt sẽ đổ xuống. Tinh thần luôn luôn bị khủng bố. Thần kinh lúc nào cũng bị dồn nén căng thẳng. Kết qủa, chỉ còn một cách duy nhất có thể làm cho hệ thần kinh não bộ vơi bớt đi những căng thẳng là nói dối. Chúng nói sao thì mình nói như thế. Dù rằng nói để lừa chính mình.
Sau nói dối là gian dối. Gian dối hết tầng này đến lớp khác. Nó trở thành một căn tính của xã hội. Nay trở thành một định chế cơ bản của xã hội chủ nghĩa. Nó chính là chủ thể của mọi sinh hoạt ở mọi nơi, mọi chốn, trong mọi cấp bộ của đảng và nhà nước VN rồi lan truyền vào xã hội mà khởi đầu là chữ sợ hãi. Sự sợ hãi bắt nguồn từ những vụ đấu tố dã man trong thời 55-56. Hoặc sau những cuộc bắt bớ và giết người mờ ám của những bàn tay bạo tàn cộng sản. Điều này đúng hay sai? Chuyện kể rằng:
Buổi sáng sau đêm đấu tố, mặt trời vẫn lên, nắng gắt từ sớm. Đôi mắt của dân làng từ người gìa đến đứa trẻ đều bàng hoàng sợ hãi như vừa tỉnh giấc sau cơn ác mộng. Nhiều người chưa dám tin đó là chuyện thật, dù chính họ đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần: Gỉa thế nào được mà gỉa! Nhớ đêm trước, trời tối như mực, dưới ánh sáng chập chờn của mấy ngọn đuốc, người chẳng nhìn rõ mặt ngưòi, chỉ có những lời hò hét và những cánh tay thúc nhau vung lên cao theo con dao mã tấu của đội và tấm hình khổ lớn của “bác” đang mỉm cười.
Vậy là mười mấy ngưòi bị ghép vào tội địa chủ, phải chết chém. Cánh tay đảng viên mạnh lắm. Những đôi chân người đi dự đấu tố run lên, Có người vội bịt chặt lấy mặt. Chém xong, có tiếng hô lớn: Thôi giải tán! Đám đông vội rút lui khỏi cánh đồng. Không một câu chuyện, cũng không có tiếng khóc, cũng không có tiếng chó sủa. Thỉnh thoảng có những cái bấm tay như bảo nhau yên lặng. Về đến nhà, lên giường, ngưòi vẫn run bần bật. Ánh đèn tắt. Dân làng như chết hẳn.
Sáng hôm sau. Nắng lên. Những vệt máu đã đông, đen, đặc quánh bên xác chết trong hiện trường. Lạ, giữa đồng, tưởng rằng ruồi bu kiến đậu kiếm ăn. Có đấy, nhưng không nhiều.
Nằm nhô lên khỏi mặt đất còn vài cái xác không có thân nhân. Bên cạnh đó, nơi tụm
năm, nơi túm ba những ngưòi thân phủ phục xuống bên cái xác đầu đã được ghép lại với thân. Xác nằm ngửa mặt lên đón nắng. Giận trời hay hận đất? Giữa hiện trưòng vẫn còn mấy tấm hình lớn khổ của Hồ chí Minh. Cái thì cắm dính trên cọc, cái thì đổ xuống. Có một đứa trẻ, có lẽ là con nhà cách mạng, tuổi lên năm, lên sáu. Trên người mặc mỗi cái áo cộc, không có quần, để lòi cả dái ra. Nó vác một cái lá cờ đỏ lớn hơn ngưòi. Đi quanh ảnh bác.
- Lạy ông nông dân. Lạy ông đội, cho chúng con mang xác của bố con về chôn cất.
- Cứ để đấy cho nó biết tội của nó.
- Xin…
- Xin vói xỏ gì…
Những ánh mắt thất thần, nhìn sợ hãi, uất hận sau lớp tóc rối bù che trước mặt. Vội đứng lên, riu riú ra khỏi hiện trường. Có ai tìm được tình nghĩa xóm thôn còn lại sau cuộc đấu tố này?
Và đây là câu chuyện tiếp nối của 60 năm sau: Vào chiều ngày 21-9-2001, khi viết bài báo này, tôi vào trang mạng VNExpress.net. Khi mở trang pháp luật ra, tôi rùng mình hoảng sợ. Bởi vì trong đó có 14 bản tin được giới thiệu trong mục Pháp Luật thì có đến 9 bản tin liên quan đến án mạng chết người như:
1. Nguyễn văn Luyện, (kẻ giết ba ngưòi) ở tiệm vàng không tỏ ý hối bận.
2. Kẻ giết dì vợ thoát án tử hình vì còn vị thành niên.
3. Tử hình đứa con sát hại cha.
4. Nghi án người đàn ông bị nhân tình đâm chết.
5 Kẻ trộm chó hại chết bảo vệ.
6. Sừ tù người tông xe giết chết vợ,(vợ đòi ly dị).
7. Dấu hiệu vụ án mạng xác không đầu trôi sông.
8. Một người chết sau hỗn chiến trong quán bar.
9. Cô giáo vô ý làm chết bé trai 6 tuổi
Đây là kết qủa phải đến trong một xã hội mà chính nhà cầm quyến đã chủ trương đào tận gốc, tróc tận rễ luân thường đạo lý của xã hội và thay vào đó là nền văn hóa vô đạo (vô gia đình và vô tôn giáo) của chủ nghĩa duy vật. Theo đó, khi con người không còn được hướng dẫn để đặt niềm tin vào công lý, thần linh, vào sự hoàn thiện (hoàn hảo và toàn thiện) của tôn giáo. Tội ác và gian dối lập tức xuất hiện. Đó sẽ là cái chết khủng khiếp nhất của lịch sử. Nói cách khác, khi một xã hội chủ trương tiêu diệt nền luân lý và đạo đức của tôn giáo thì chính xã hội ấy đã đẩy con ngưòi vào cuộc sống bạo động, chết chóc. Nó sẽ không bao giờ mang bình an đến cho cuộc sống của con người.
© Bảo Giang
© DD Người Dân Việt Nam
1. Gian dối: Một định chế cơ bản của xã hội cộng sản?
Có một sự thật rất thật mà không ai có thể chối cãi được là: Khi con người không còn được hướng dẫn để đặt niềm tin vào sự hoàn thiện (hoàn hảo và toàn thiện) của tôn giáo và thần linh, tội ác và gian dối lập tức xuất hiện. Nó xuất hiện và xã hội nào cưu mang nó, không bao giờ có cuộc sống trong an bình.
Điều này đúng hay sai? Liệu các xã hội cộng sản, trong đó có đảng và nhà nước Việt cộng theo chủ thuyết vô tôn giáo. Coi tôn giáo như là “thuốc phiện ru ngủ nhân dân” cần triệt hạ, hơn là một hướng đi đích thực cần thiết giúp con người tìm đến Chân Thiện Mỹ, có là một minh chừng cụ thể cho khái niệm trên hay không?
Như tôi đã có dịp viết ở phần trước: Ý niệm về Tôn Giáo là một ý niệm khởi nguyên về thiện ác, nó xuất hiện ngay từ khi có con người. Ý niệm này phát sinh một cách tự nhiên, rồi được hệ thống hóa, biến thành lề luật sống (như đạo Ông Bà, thờ cúng Tổ Tiên ở Việt Nam). Hoặc là từ lề luật, biến thành sự ràng buộc êm ái tôn trọng nhau. Cả hai đều quy về một mục đích duy nhất là bảo vệ Công Lý, Sự Thật để giải thoát con ngưòi khỏi những gian trá, tội lỗi. Thúc đẩy con người làm lành lánh dữ. Nhắm đưa con ngưòi tới đích Chân Thiện Mỷ, và hướng tới cuộc sống an vui và hạnh phúc.
Từ điểm nhìn này, với cá nhân, tôn Giáo chính là niềm tin là chỗ nương tựa để cho mọi người tìm về cuộc sống trong an bình, thanh thản. Đối với xã hội, Tôn Giáo không những chỉ là nơi nương tựa. Nhưng còn là một nền tảng vững chắc, trên đó, con người xây dựng thêm những trật tự để mưu cầu cho cuộc sống của tập thể được tôn trọng, được an bình và thịnh vượng.
Theo đó, một tổ chức xã hội, dù là xã hội dân sự, quân sự, độc tài chuyên chế hay phong kiến độc ác với tất cả mọi thứ luật lệ đáng kinh hãi nhất cũng không bao giờ có khả năng đem lại đời sống an toàn, yên vui cho con người, cho xã hội, nếu như ý niệm về tôn giaó, về sự Thiện, Ác, về Công Bằng, về sự thưởng phạt của tâm linh không ăn sâu, bám chặt và làm chủ trong lòng người. Bằng chứng là vào thời thượng cổ, Âu hay Á cũng thế, khi tôn giáo chưa là giường mối của cuộc sống, con người sống như hoang dã, tàn bạo với nhau hơn xã hội tiến bộ hôm nay.
Trong khi đó, thuyết duy vật biện chứng của Marx ra đời vào giữa thế kỷ 19 là lúc con người đã đạt đến nhiều tiến bộ và nhân bản, được đem vào áp dụng từ khoảng đầu thế kỷ 20, lại chủ trương triệt hạ tôn giáo, hóa giải ý niệm đạo đức và đẩy con người vào cuộc sống bạo lực bằng một cuộc tuyên truyền vĩ đại: “Tôn Giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Với cuộc tuyên truyền này, có thể nói, Hồ chí Minh và tập đoàn cộng sản đã lật ngược mọi giá trị luân lý, đạo đức của xã hội Việt Nam đã tích lũy từ ngàn năm trước, và coi cuộc sống đạo hạnh của tôn giáo như liều thuốc phiện ru ngủ nhân dân, cần phải triệt hạ. Kết qủa của cuộc tuyên truyền là nhà nước Việt cộng đập phá các cơ sở thờ phượng như chùa chiền, nhà thờ, đền miếu. Kế đến, mở cuộc đấu tố giêt người trên quy mô rộng lớn vào những năm 1955-1956 theo khẩu hiệu: “Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”. Kết qủa, cuộc đấu tố này đã đẩy người dân Việt trở lại thời hoang dã, hoàn toàn bị trắng tay về cả mặt tinh thần lẫn vật chất.
a- Đời sống vật chất.
Trước hết, Hồ Chí Minh và tập đoàn Việt cộng khoác lên cổ người dân cái danh nghĩa làm chủ đất nước. Sau đó, hô hào, vận động những người làm chủ đất nước lao đầu vào một cuộc đấu tố qủy hãi thần kinh để lấy lại ruộng đất cho nhân dân. Kết qủa, sau cuộc “đào tận gốc, trốc tận rễ” trí phú địa hào. Toàn bộ tài sản của đất nước và của những người bị đấu tố kia lọt vào tay đảng và nhà nước Việt cộng. Những người chủ nhân của đất nước là những công nhân, những thợ cày, tay trắng hoàn trắng tay, phải sống nhờ, sống như kẻ nô lệ ngay trên chính mảnh đất nhiều đời của mình.
Lúc trước, người nông dân chẳng thoát cảnh lao động cực nhọc, nhưng họ và con cái họ còn có được bát cơm no và có những giây phút quây quần bên nhau sống hạnh phúc. Nay, việc lao động còn cay cực gấp nhiều lần hơn xưa. Đã thế, cơm gạo không đủ. Gia đình thật khó mà có được bữa cơm no. Nói chi đến những ngày hội ngày lễ, ngày tết để có niềm vui ngập lòng. Thay vao đó là những đôi mắt trắng. Riêng các xã viên trong các tổ sản xuất, trong nhà máy hay hợp tác xã tại nông thôn. Họ học thêm được món nghề mới của xã hội chủ nghĩa. Muốn có thêm một bữa cơm no, gạo trắng thì chỉ còn một cách duy nhất: Ăn trộm!
b. Đời sống tinh thần.
Bấy nhiêu gian truân về thể chất hình như cũng chưa thỏa để đày đoạ con người Việt Nam. Sau mùa đấu tố, người dân mới bàng hoàng để biết rằng, thật khó có thể gột rửa được cái “thành tích” đã tham gia vào những cuộc giết ngưòi và giết chết tình nghĩa xóm thôn. Họ phải mang vạ vì, chính bản thân họ, không phải một lần mà đã nhiều lần tham gia, giơ tay lên, trực tiếp đấu tố lấy đi sự sống của đồng loại.
Người dân Việt Nam vốn dĩ không phải là người gian ác, nhưng đã vô tình trở thành những công cụ đắc lực giúp Việt cộng giết chết nền luân lý đạo đức của xã hội Việt Nam! Nghĩa là, người dân Việt Nam đã rơi tỏm vào trong một cái âm mưu gian dối và thâm độc của nhà nước VN. Chúng đẩy ngưòi dân Việt Nam vào con đường giết đồng loại, tự mình hủy diệt nền luân thường đạo lý của xã hội. Tự mình hủy diệt toàn bộ niềm vui và hạnh phúc của mính và con cái mình mà không ai hay biết. Họ cứ tưởng tham gia đấu tố là cải tạo xã hội. Ai ngờ, nó lừa mình giết mình! Khi tỉnh ngộ, mọi chuyện đã lỡ. Tuy thế, cái trắng tay về vật chất không đáng sợ. Nhưng việc trắng tay về mặt tinh thần khi nền luân thưòng đạo lý bị đào tận gốc trốc tận rễ mới là điều đáng sợ hãi.
Ai cũng biết, người Việt Nam từ rất xa xưa, dù ở thành thị hay nông thôn, đều là những ngưòi trọng đạo nghĩa. Hơn thế, tinh thần tôn gíáo hầu như được biểu lộ ở mọi nơi mọi chốn hay trong mọi câu chuyện. Ai cũng biết, chẳng có một làng mạc, đường xá nào mà không có các nhà thờ, đình chùa, miếu thần hoàng, miếu thờ cô hồn. Những nơi này thưòng nghi ngút hương khói trong các ngày lễ, ngày tết, ngày rằm mỗi tháng.
Song song với tinh thần trọng đạo ấy, người dân Việt còn được đánh gía là một sắc dân hiền hòa, đạo hạnh, hiếu khách, thật thà, chất phác, cần cù, chịu đựng nhưng rất cầu tiến. Hay giúp đỡ đùm bọc lẫn nhau và sống theo tinh thần đại gia đình. Đặc biệt là ở các vùng thôn quê, tinh thần này biểu lộ rất rõ ràng. Đây là một gia tài vô giá của dân tộc, vì chính tinh thần gắn bó tương trợ này đã là một chất xúc tác mạnh mẽ nhất để ngừơi Việt Nam gắn kết với nhau thành một khối đồng nhất trong những công cuộc bảo vệ xóm thôn. Rồi đến việc kháng chiến, bảo vệ nền độc lập của đất nước trong mấy ngàn năm qua. Từ đó, tạo nên những chiến công oanh liệt cho đất nước.
Dĩ nhiên, Hồ Chí Minh và tập đoàn cộng sản, hiểu rất rõ tinh thần này của dân tộc Việt Nam. Hơn thế, chúng tự biết: Nếu muốn tồn tại, dù chỉ là trong một giai đoạn ngắn, cộng sản không có một chọn lựa nào khác ngoài việc phải “đào tận gôc, trốc tận rễ” cái tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam ngay sau khi họ nhờ sức mạnh của nhân dân mà cướp được công quyền. Và bài tính này đã được tập đoàn Việt Nam cộng sản thực hiện cấp bách và triệt để vào những năm 1955-56. Đến nay nó vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Nó chỉ biến thể cách đấu tố mà thôi.
Như thế, dưói một góc nhìn khác, cuộc đấu tố “đào tận gốc, trốc tận rễ” không dừng lại sau cái chết của 172.000 người và cũng không dừng lại khi nó đẩy người dân vào cuộc sống bần cùng. Nhưng chính cái chết muộn của nền phong hóa, của luân thưòng đạo lý sau mùa đấu tố theo chủ trương vô tôn giáo mới là cái chết khủng khiếp trong lịch sử của dân tộc. Bởi vì, dưới guồng máy cai trị của cộng sản, Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín không còn là điểm tựa sống cho dân tộc. Thay vào đó, bản ác vô đạo của Hồ chí Minh được đề cao như gương mẫu. Kế đến, tình nghĩa của đồng bào sau lũy tre xanh đã hoàn toàn bị phá sản bởi những nhát dao đấu tố và những cánh tay giơ lên. Từ đó, người dân trở nên bạc nhược, ích kỷ và nhà nước thì hãnh diện về cái thành tích cải tạo xã hội theo sách lược vô tôn giáo của họ.
Bằng chứng là theo báo cáo về tình hình tôn giáo năm 2005, được ghi lại vào năm 2007 như sau:“Thực trạng tín đồ các tôn giáo: Đến năm 2007, tổng tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam là 23 triệu (dân số là khoảng 87 triệu). Trong đó: Phật giáo gần 10 triệu; Công giáo 5,9 triệu; Tin Lành gần 1 triệu; Hồi giáo 67 nghìn; Cao Đài 3,2 triệu; Phật giáo Hòa Hảo khoảng 1,4 triệu; Tịnh độ cư sĩ Phật Hội 1,4 triệu; Tứ Ân Hiếu Nghĩa 78 nghìn, Ngũ Chi Minh Chân Đạo 10 nghìn. Từ năm 2005 đến năm 2007 tín đồ tăng 2 triệu người…” pgs.ts nguyễn đức Lữ.
Với con số thống kê này, số ngưòi Việt Nam không có đạo lên đến gần 3/4 trên tổng số dân, là một điều hoàn toàn trái ngược với các con số thống kê trước kia. Đặc biệt là Đạo Ông Bà, thờ cúng tổ tiên chiếm đa phần trong dân số, nay đã bị nhà nước loại ra khỏi bản thống kê này. Đạo Lão, đạo Khổng cũng không được nhắc tời nữa. Trong khi đó có những tổ chức, tôi nghĩ thế, như Tứ Ân Hiều Nghĩa, Ngũ Chi Minh Chân Đạo, với thành phần nhân sự qúa ít ỏi lại được coi là một tôn giáo!
Tại sao cộng sản muốn loại Đạo Ông Bà, thờ cúng Tổ Tiên ra khỏi danh sách của các Tôn giáo, và coi những tổ chức kia thành một tôn giáo? Có hai cách giải thích:
a. Một là Đạo thờ thần, thờ cúng tổ tiên không có hệ thống giáo lý và tổ chức quy mô lớn. Đơn vị Đạo thường là gia đình và dòng tộc, truyền đời một nền giáo lý căn bản cho nhau là ăn ngay ở lành, làm thiện lánh ác để được phúc . Bởi vì đất trời, phúc lộc là của thần linh ban phát cho người. Nhưng từ mùa đấu tố, đơn vị gia đình đã bị phá hủy, tình xóm thôn, đại gia đình đã bị trốc tận gốc. Sách lược vô tôn giáo đã ảnh hưởng nặng nề đến lối sống của người dân. Tuy người dân không bỏ việc thờ cúng ông bà, vẫn hương khói trong những ngày giỗ chạp. Nhưng đa phần vì sợ Việt cộng làm khó dễ nên đã khai chữ Không trong bản lý lịch trong mục Tôn giáo. Theo đó, nhà nưóc có con số thống kê trên chăng?
b. Hai là cs Việt tự ý cho mình có năng lực trên cả thần quyền nên nhà nước tự y` xóa sổ Đạo Ông Bà ra khỏi danh sách các Tôn Giáo?
Cách nào thì cs Việt cũng chứng tỏ được khả năng tiêu diệt sự đạo hạnh của tôn giáo. Bởi vì, tuyệt đại đa số dân ta trước kia đều là ngưòi có đạo. Nay sau 60 năm cầm quyền, nhà nưóc đã làm cho số những người tin vào sự hoàn thiện, thánh đức của tôn giáo để hướng tớí Chân Thiện Mỹ và đời sống an bình chỉ còn hơn ¼ dân số. Đây là con số đáng lo ngại, nhưng lại được coi là sự thành công vượt bực của cuộc tuyên truyền vĩ đại: “Tôn giáo là thuốc phiện để ru ngủ nhân dân”! Nhưng bằng cách nào, cộng sản có thể đạt những con số trong bảng thống kê trên?
Theo tài liệu trong bộ “Lịch sử kinh tế Việt Nam từ 1945-2000”, do viện kinh tế Việt Nam xuất bản thì cuộc đấu tố đẫm máu trong các năm 1955-1956 do cộng sản phát động đã có 172.008 nạn nhân.
Ở đây có một điểm cần lưu ý theo bộ sách là: Cuộc cải cách được thực hiện tại 3.563 xã với mười triệu dân và tỷ lệ quy vào thành phần được ấn định trước cuộc đấu tố là 5,68% trên tổng số dân (trang 85, tập II). Nhưng tỷ lệ này được các cai đội cải cách ruộng đất thi hành một cách máy móc, các xã cố “truy bức để đôn tỷ lệ địa chủ lên 5% như một qui định bắt buộc” (trang 86, Tập II). Đó là lý do có nhiều xã vượt chỉ tiêu đề ra.
Như thế, nếu những điều cuốn sách này viết ra là có thật, thì sự khả tín vào những con số nạn nhân cũng không có nhiều, nếu như không muốn nói là đầy gian dối và mờ ám. Bởi lẽ, nếu tính theo tỷ lệ 5% trên 10 triệu dân đã được quy định để cho các xã phải thi hành thì số nạn nhân trên toàn miền bắc phải là trên 500.000 người chứ không phải là con số 172.008 người như bộ sách này viết. Theo đó, con số 172.008 này phải được hiểu là những ngưòi đã bị giết chết chứ không phải chỉ là nạn nhân. Vì Nạn nhân có nhiều nghĩa, bị tù, bị giam, bị đưa đi lao động, bị giết cũng đều được coi là nạn nhân.
Về thành phần của con số 172.008 nạn nhân này, bảng thống kê ghi như sau:
Địa chủ cường hào gian ác: 26.453 người, trong đó 20.493 người bị oan (77,4%).
Địa chủ thường: 82.777 người, trong đó 51.480 người bị oan (62%).
Địa chủ kháng chiến: 586 người, trong đó 290 bị oan (49%).
Phú nông: 62.192 người, trong đó 51.003 người bị oan (82%).
Tổng cộng: 172.008 nạn nhân, trong đó 123.266 người bị oan: 71,66%.
Nếu đã bị kết là địa chủ ác gian, thì làm gì có chuyện oan đến 77.4%, cùng lắm là có năm ba người bị bắt và bị kết án lầm là gian ác thôi chứ? Rồi địa chủ thường, nói lên tính cách bình thường trong công cuộc làm ăn cần cù, có thể họ cũng là ân nhân của dân làng. Tại sao cũng bị giết và lại cũng có giết oan đến 65%. Chữ giết oan ở đây được hiểu thế nào? Đến địa chủ kháng chiến cũng là vấn đề. Không có địa chủ kháng chiến lấy tiền đâu, gạo thóc đâu nuôi quân kháng chiến. Họ bị giết, mà tại sao không phải là 100% bị oan mà chỉ có 49% là bị oan, lại là tỷ lệ bị oan ít nhất! Rồi đến phú nông? Thế nào là phú nông? Nhà có con trâu cái cày được gọi là phú nông chăng? Người có chút tiền của bị giết là đúng tội chăng?
Đây là những câu hỏi không bao giờ cộng sản có thể trả lời được ngoại trừ một câu trả lời duy nhất. CS muốn tiêu diệt nền đạo lý cơ bản của dân tộc Việt Nam bằng cách giết ngưòi, tạo ra sự sợ hãi cho dân để nắm quyền lực. Ở đây, tuy bộ sách không nói đến số luợt người tham gia vào những cuộc đấu tố. Nhưng hẳn nhiên là họ không tham gia một lần, ít ra mỗi ngưòi phải tham gia 5, 7 lần.Trong những lần ấy có rất nhiều cảnh con đấu cha mẹ. Vợ đấu chồng, anh em đấu nhau. Hàng xóm láng giềng thì mạnh ai nấy xăn tay áo lên mà hằn học trả thù lẫn nhau vì thân nhân của mình đã bị đấu! Như thế số lượt người tham gia đấu tố đòi giết người sẽ lên đến khoảng 50 triệu lượt ngưòi. Một con số thừa sức để giết chết tất cả mọi thứ tình nghĩa của gia đình, của láng xóm, của đồng bào đã từng bao bọc với nhau cả nghìn nghìn năm trước.
Một khi tình cha con, láng giềng, thân tộc, thày trò, đều bị cộng sản đánh bật gốc rễ, nơi những người còn sống chỉ còn là một hoang mang tột cùng. Ở bất cứ nơi đâu, qua ánh mắt, lời nói đều để lại những dấu ấn đậm nét của một đời sống bất an, nơm nớp lo sợ một thứ như tai họa nào đó bất chợt sẽ đổ xuống. Tinh thần luôn luôn bị khủng bố. Thần kinh lúc nào cũng bị dồn nén căng thẳng. Kết qủa, chỉ còn một cách duy nhất có thể làm cho hệ thần kinh não bộ vơi bớt đi những căng thẳng là nói dối. Chúng nói sao thì mình nói như thế. Dù rằng nói để lừa chính mình.
Sau nói dối là gian dối. Gian dối hết tầng này đến lớp khác. Nó trở thành một căn tính của xã hội. Nay trở thành một định chế cơ bản của xã hội chủ nghĩa. Nó chính là chủ thể của mọi sinh hoạt ở mọi nơi, mọi chốn, trong mọi cấp bộ của đảng và nhà nước VN rồi lan truyền vào xã hội mà khởi đầu là chữ sợ hãi. Sự sợ hãi bắt nguồn từ những vụ đấu tố dã man trong thời 55-56. Hoặc sau những cuộc bắt bớ và giết người mờ ám của những bàn tay bạo tàn cộng sản. Điều này đúng hay sai? Chuyện kể rằng:
Buổi sáng sau đêm đấu tố, mặt trời vẫn lên, nắng gắt từ sớm. Đôi mắt của dân làng từ người gìa đến đứa trẻ đều bàng hoàng sợ hãi như vừa tỉnh giấc sau cơn ác mộng. Nhiều người chưa dám tin đó là chuyện thật, dù chính họ đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần: Gỉa thế nào được mà gỉa! Nhớ đêm trước, trời tối như mực, dưới ánh sáng chập chờn của mấy ngọn đuốc, người chẳng nhìn rõ mặt ngưòi, chỉ có những lời hò hét và những cánh tay thúc nhau vung lên cao theo con dao mã tấu của đội và tấm hình khổ lớn của “bác” đang mỉm cười.
Vậy là mười mấy ngưòi bị ghép vào tội địa chủ, phải chết chém. Cánh tay đảng viên mạnh lắm. Những đôi chân người đi dự đấu tố run lên, Có người vội bịt chặt lấy mặt. Chém xong, có tiếng hô lớn: Thôi giải tán! Đám đông vội rút lui khỏi cánh đồng. Không một câu chuyện, cũng không có tiếng khóc, cũng không có tiếng chó sủa. Thỉnh thoảng có những cái bấm tay như bảo nhau yên lặng. Về đến nhà, lên giường, ngưòi vẫn run bần bật. Ánh đèn tắt. Dân làng như chết hẳn.
Sáng hôm sau. Nắng lên. Những vệt máu đã đông, đen, đặc quánh bên xác chết trong hiện trường. Lạ, giữa đồng, tưởng rằng ruồi bu kiến đậu kiếm ăn. Có đấy, nhưng không nhiều.
Nằm nhô lên khỏi mặt đất còn vài cái xác không có thân nhân. Bên cạnh đó, nơi tụm
năm, nơi túm ba những ngưòi thân phủ phục xuống bên cái xác đầu đã được ghép lại với thân. Xác nằm ngửa mặt lên đón nắng. Giận trời hay hận đất? Giữa hiện trưòng vẫn còn mấy tấm hình lớn khổ của Hồ chí Minh. Cái thì cắm dính trên cọc, cái thì đổ xuống. Có một đứa trẻ, có lẽ là con nhà cách mạng, tuổi lên năm, lên sáu. Trên người mặc mỗi cái áo cộc, không có quần, để lòi cả dái ra. Nó vác một cái lá cờ đỏ lớn hơn ngưòi. Đi quanh ảnh bác.
- Lạy ông nông dân. Lạy ông đội, cho chúng con mang xác của bố con về chôn cất.
- Cứ để đấy cho nó biết tội của nó.
- Xin…
- Xin vói xỏ gì…
Những ánh mắt thất thần, nhìn sợ hãi, uất hận sau lớp tóc rối bù che trước mặt. Vội đứng lên, riu riú ra khỏi hiện trường. Có ai tìm được tình nghĩa xóm thôn còn lại sau cuộc đấu tố này?
Và đây là câu chuyện tiếp nối của 60 năm sau: Vào chiều ngày 21-9-2001, khi viết bài báo này, tôi vào trang mạng VNExpress.net. Khi mở trang pháp luật ra, tôi rùng mình hoảng sợ. Bởi vì trong đó có 14 bản tin được giới thiệu trong mục Pháp Luật thì có đến 9 bản tin liên quan đến án mạng chết người như:
1. Nguyễn văn Luyện, (kẻ giết ba ngưòi) ở tiệm vàng không tỏ ý hối bận.
2. Kẻ giết dì vợ thoát án tử hình vì còn vị thành niên.
3. Tử hình đứa con sát hại cha.
4. Nghi án người đàn ông bị nhân tình đâm chết.
5 Kẻ trộm chó hại chết bảo vệ.
6. Sừ tù người tông xe giết chết vợ,(vợ đòi ly dị).
7. Dấu hiệu vụ án mạng xác không đầu trôi sông.
8. Một người chết sau hỗn chiến trong quán bar.
9. Cô giáo vô ý làm chết bé trai 6 tuổi
Đây là kết qủa phải đến trong một xã hội mà chính nhà cầm quyến đã chủ trương đào tận gốc, tróc tận rễ luân thường đạo lý của xã hội và thay vào đó là nền văn hóa vô đạo (vô gia đình và vô tôn giáo) của chủ nghĩa duy vật. Theo đó, khi con người không còn được hướng dẫn để đặt niềm tin vào công lý, thần linh, vào sự hoàn thiện (hoàn hảo và toàn thiện) của tôn giáo. Tội ác và gian dối lập tức xuất hiện. Đó sẽ là cái chết khủng khiếp nhất của lịch sử. Nói cách khác, khi một xã hội chủ trương tiêu diệt nền luân lý và đạo đức của tôn giáo thì chính xã hội ấy đã đẩy con ngưòi vào cuộc sống bạo động, chết chóc. Nó sẽ không bao giờ mang bình an đến cho cuộc sống của con người.
© Bảo Giang
© DD Người Dân Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét