Pages

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Chính sách châu Á của Mỹ liệu có thay đổi với hai 'cựu binh Việt Nam' Kerry và Hagel ?


Tổng thống Mỹ Barack Obama (T) và Thượng nghị sĩ John Kerry,
người được ông cử làm Ngoại trưởng Hoa Kỳ.  
REUTERS/Kevin Lamarque
Ngô Nhân Dụng / Trọng Nghĩa
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai ngày 20/01/2013. Trong nội các của ông lần này, có hai nhân vật đã thu hút mọi sự chú ý : Thượng nghị sĩ John Kerry, được bổ nhiệm lãnh đạo ngành ngoại giao, và Thượng nghị sĩ Chuck Hagel, được đề cử giữ chức bộ trưởng Quốc phòng. Cả hai đều là cựu chiến binh, từng tham gia cuộc chiến tại Việt Nam trước đây, nhưng sau đó lại rất dè dặt với sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ ở ngoại quốc.
Điều được giới phân tích đặc biệt chú ý theo dõi là quan điểm của hai nhân vật này sẽ ra sao đối với chính sách « xoay trục » qua châu Á đã được tổng thống Obama khởi động trong nhiệm kỳ vừa qua, « kinh nghiệm châu Á » - từng nhào nặn lập trường chính trị của họ - sẽ ảnh hưởng như thế nào đến công việc của họ trong thời gian tới đây ? Trong một lãnh vực hạn hẹp hơn, câu hỏi thường được đặt ra là « cảm tình » mà hai người này từng thể hiện đối với Việt Nam sẽ có tác động hay không đến bang giao Mỹ-Việt ?
Từ nay đến cuối tháng 01/2013, phương hướng hành động của hai bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng tương lai của Mỹ sẽ được biết rõ hơn nhân cuộc điều trần tại Thượng viện Mỹ, định chế có thẩm quyền chuẩn y hay bác bỏ đề nghị bổ nhiệm của Tổng thống. Ông John Kerry sẽ ra trước Ủy ban đối ngoại ngày 24/01, và ông Chuck Hagel một tuần sau đó, vào ngày 31/01, trước Ủy ban Quân vụ.
Trong một bài viết công bố ngày 18/01/2013, Hiệp hội Heritage Foundation, một cơ quan tham vấn có uy tín tại Mỹ, đã nêu bật một số điểm thiết yếu trong chính sách châu Á của Hoa Kỳ, mà họ cho là cần phải được Thượng viện lưu tâm và hai tân bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng làm rõ.
Đối với các chuyên gia thuộc Heritage Foundation, trong lãnh vực ngoại giao và quốc phòng, quan hệ Hoa Kỳ-Châu Á phải chú ý đến bốn vấn đề chính : (1) Thách thức ngày ngày mạnh đến từ Trung Quốc ; (2) mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên ; (3) thế liên kết chặt chẽ giữa các đồng minh châu Á của Mỹ với nhau và với Hoa Kỳ ; (4) khả năng bất ổn định tại Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Trên cơ sở đó, Heritage Foundation cho là Thượng viện Mỹ phải yêu cầu tân Ngoại trưởng Mỹ thực hiện một số ưu tiên trong đó có hai điểm liên quan trực tiếp đến vùng Đông Nam Á : "Làm rõ lập trường của Hoa Kỳ về Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) và nhắc lại những lời bảo đảm từng xác định với Philippines vào năm 1999 về việc áp dụng Hiệp ước An ninh Hõ tương Mỹ-Philippines... Giải thích quan điểm về liên minh Mỹ-Thái Lan trên nền tảng các tài liệu thành lập căn bản như Hiệp định Manila (1954) và Bản Thông cáo Thanat-Rusk (1962)".
Đối với Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Heritage Foundation cũng khuyến cáo các Thượng nghị sĩ là phải buộc ông Hagel thúc đẩy việc giám sát thường niên tiềm lực của quân đội Trung Quốc, nói rõ quan điểm của ông về việc bán chiến đấu cơ đời mới F-16 C/D cho Đài Loan, và bán máy bay tiêm kích tối tân F-35 cho Ấn Độ nếu có yêu cầu.
Về Biển Đông, ông Hagel cần « giải thích quan điểm của ông về giá trị của Chương trình Tự do Hàng hải của Hải quân Hoa Kỳ, bằng cách khẳng định cụ thể quyền hợp pháp của Mỹ được hoạt động trong vùng biển quốc tế ». Theo The Heritage Foundation, Thượng viện Mỹ phải buộc tân bộ trưởng Quốc phòng cam kết là sẽ tiếp tục cho phép Hải quân thực hiện các chiến dịch đó, vốn dĩ phù hợp với các nguyên tắc lâu dài của Mỹ, kể cả khi phải đối mặt với sự phản đối từ nước khác như Trung Quốc chẳng hạn.
Ngay cả đối với tân Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương CIA Brennan mà quyết định đề cử cũng cần phải được Thượng viện Mỹ chuẩn y, The Heritage Foundation cũng yêu cầu định chế lập pháp tỏ rõ lập trường là "không chấp nhận bất kỳ một sự giảm bớt nào trong các chiến dịch thu lượm thông tin tình báo do Hải quân Mỹ thực hiện trên biển và trên không phận ngoài khơi Trung Quốc". Lý do là vì việc giảm bớt các chiến dịch này sẽ gơi đi một tín hiệu không hay đến Trung Quốc cũng như đến các đồng minh của Mỹ về quyết tâm can dự của Hoa Kỳ vào khu vực.
Theo các nhà phân tích, một cách tổng quát thì chính sách ngoại giao và quốc phòng nói chung, và châu Á nói riêng, của Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Barack Obama sẽ tiếp tục và phát huy thêm đường hướng đã được hoạch định từ nhiệm kỳ một. Trường hợp bang giao Mỹ-Việt cũng thế.

Ngô Nhân Dụng, nhà bình luận báo Người Việt tại California (Hoa Kỳ)
 
21/01/2013
 
 
Trả lời phỏng vấn của RFI Về khả năng thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam, với việc hai cựu binh thời chiến tranh Việt Nam lên lãnh đạo hai ngành ngoại giao và quốc phòng Hoa Kỳ, ông Ngô Nhân Dụng, bình luận gia báo Người Việt tại California trước tiên xác định là tại Mỹ, chính sách là do Tổng thống quyết định chứ cá nhân người được cử lãnh đạo bộ Ngoại giao hay Quốc phòng chỉ giữ một vai trò tương đối.
Tuy nhiên, do việc hai nhân vật này đã từng hoạt động tại Việt Nam, vấn đề bang giao Mỹ Việt tất nhiên sẽ được họ lưu tâm hơn so với người khác. Trong bối cảnh đó, nếu khéo vận động, thì những ai quan tâm đến vấn đề dân chủ ở Việt Nam có thể thu hút sự chú ý của Mỹ đến lãnh vực này, trong lúc chính quyền Việt Nam cũng có thể thúc đẩy Mỹ chú ý mạnh mẽ hơn đến vấn đề tham vọng quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo ghi nhận của nhà bình luận Ngô Nhân Dụng, do các động thái ngày càng « hung hăng » của Trung Quốc, không chỉ ở Biển Đông, mà cả ở biển Hoa Đông, nhắm vào Nhật Bản, khả năng Mỹ can dự nhiều hơn vào khu vực châu Á trong thời gian tới đây là rất cao.
« Theo thiển ý của tôi, trên tổng thể, chính sách của Mỹ đối với Việt Nam cũng như đối với Đông Nam Á, Châu Á-Thái Bình Dương, không phải do hai ông bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao quyết định mà là do tổng thống.
Chúng ta đã biết ông Obama trong mấy năm vừa rồi, đã đưa ra chinh sách rất rõ ràng về Châu Á Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Sự có mặt của hai người mà "tình cờ" là cựu quân nhân Mỹ đã chiến đấu thời chiến tranh Việt Nam, cũng không có ảnh hưởng lớn nào trong toàn thể chính sách ngoại giao của chính phủ Mỹ trong vùng này...
Nhưng nói đến cụ thể từng nhân vật thì ta thấy rằng sự có mặt của hai người đã từng đặt chân đến Việt Nam, từng tham gia chiến tranh Việt Nam, nếu có thể vận động được, thì người ta cũng có thể khiến cho 2 bộ trưởng này chú ý hơn đến việc bang giao giữa Mỹ với Việt Nam...
Những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, có thể vận động hai ông bộ trưởng mới này giúp vào việc thúc đẩy quá trình dân chủ hóa Việt Nam đến sớm hơn. Điều này có thể là một lợi thế cho những người tranh đấu cho dân chủ.
Ngược lại đối với chính quyền Việt Nam thì cũng có thể nhân cơ hội hai người này là những người từng tham dự chiến tranh Việt Nam, để tìm cách nói chuyện với họ một cách thẳng thắn, cụ thể hơn, thì họ có thể quan tâm đến những ý kiến về Việt Nam hơn là những bộ trưởng Ngoại giao hay Quốc phòng chưa bao giờ đặt chân đến Việt Nam.
Thành ra, một cách toàn thể thì có thể nói là chính sách của Mỹ không phụ thuộc vào 2 ông bộ trưởng này, nhung một cách cụ thể, thì người Việt Nam, dù ở trong chính quyền hay ở phía muốn dân chủ hóa, đều có thể nhân cơ hội, vận động 2 ông bộ trưởng từng tham chiến ở Việt Nam để các ông chú ý hơn đến những đề nghị của mình..."

Không có nhận xét nào: